Hồ Đình Nghiêm
MÂY TRÔI TRỜI MỘNG
Hotel California là một bản nhạc hay. Tình cờ, mình nghe lần đầu ở trại Sham-shui-po, khuất lấp từ chiếc giường nào cuối dãy hut len lỏi trườn ra sân nắng. Tiếng guitar và tiếng trống tuồng không thoát được hàng rào lưới sắt, vướng víu thứ âm thanh chật tai làm đứa tị nạn buộc phải dằn lòng ngồi đắm mình, ngồi ngây người mơ tưởng tới một địa danh đầy huyễn mộng. Trưa hôm ấy mình mới thực sự biết được ban nhạc Eagles, và trưa lạ địa hình Kowloon đầy nắng vàng đã gội xuống đầu mình một cảm nhận: Người xứ mình thứ gì cũng nghèo, sạch túi, rỗng ruột, kể cả âm nhạc. Đơn điệu quá, sơ sài quá, thanh bần quá, lưa thưa quá…
Mình ở tận trại Kai-tak, sát hông phi trường. Đến Sham-shui-po là vì mình làm việc trong trại ấy, đi xe buýt hai tầng màu đỏ giống hệt ở London chạy lề trái và mất khoảng 45 phút cho lộ trình bương chải lúc nào cũng nêm cứng người. Mình làm cho tờ báo Hope, được một cơ quan thiện nguyện tài trợ, báo in ba thứ tiếng: Anh, Hoa, Việt, dĩ nhiên là phát không cho những kẻ vô gia cư vô tổ quốc. Người ta giao cho mình phần chăm sóc mỹ thuật, minh họa một vài bản vẽ để in kèm theo thơ truyện. Người trực tiếp trông coi mình là bà Suzane, người Anh, cởi mở, thân thiện và độ lượng. Bà bảo tên mình khó phát âm quá, hãy bằng lòng cho chúng tôi gọi bạn bằng danh xưng mới: Neil. OK? Bà thêm thắt, đó là một cái tên hay. Tôi rất chuộng những bản nhạc của Neil Young. Bạn từng nghe qua? Heart of Gold là một ví dụ. Xốn lòng. Mình gật đầu, mình đã nghe các sáng tác của ông ca, nhạc sĩ Canadian ấy trước bảy lăm. Suzane có thể liên tưởng bởi bà biết mình đã được phái đoàn Canada tiếp kiến phỏng vấn, thu nhận cho định cư.
Ngoài mình ra, tờ báo Hope có năm người khác sốt sắng xắn tay chăm lo. Ba bà và hai ông thảy đều con cháu của xứ sở sương mù, bỏ quê nhà nai lưng đi xa làm công quả. Họ cho thằng Neil ngồi riêng trong căn phòng nhỏ, gõ cửa trước khi vào giao việc, rất lịch sự. Và lương tháng của mình là 1200 tiền Hồng-kông. Để có khái niệm về mãi lực của đồng tiền chốn ấy, thời điểm 1980, mình đưa một thí dụ cho bạn dễ hình dung. Quần jeans Levi’s 501 giá 82 đồng. Một tô vằn thắn mìn, ủm mánh (5$). Một chén chè lục tào xá, lưỡng mánh (2$). Đại khái thế. Làm hãng xưởng, một ngày (dách dật) xám xập mánh dậu phàn (ba chục bạc bao luôn cơm trưa), xem như lương mạt hạng tận cùng bằng số. ma chê qủy hờn nhưng Duỵt-nàm dành không ke. Việt-nam mà! Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành khó khăn nào cũng vượt qua kẻ thù nào cũng đánh thắng. Mẹ rượt! Nhằm nhò gì ba chuyện lẻ tẻ! Dắt lưng thêm cẩm nang: tạm trú thôi, ngày mai trời lại sáng khi ngày mai đi tới một đệ tam quốc gia, đằng vân giá vũ bước ngoặc lịch sử đổi đời.
Hai trang cuối của báo Hy Vọng luôn đầy chật những dòng nhắn tin tìm người. Một khuôn mẫu: “Tìm anh Nguyễn Trần Ai, vượt biển năm 79, trước ở trại Jubilee, nay đã đi định cư chưa? Ai biết tin xin vui lòng liên lạc cho Trần thị Khoai Củ, số thuyền # LM 2345, hut A2, Kai-tak East. Thành thật cám ơn”. Trang báo có khi là chiếc chià khóa giúp mở ra những cánh cửa bằng bặt im đóng. Là nơi giúp vài kẻ tìm được một đầu mối sợi chỉ mong manh bị đời sống xô giạt mất hút. Người ta để tâm kỳ vọng hú họa vào đôi ba hàng chữ, dọn lòng đón đợi một hồi âm. Dữ hay lành tùy thuộc vào mỗi số phần. Sáng khóc, chiều cười, chuyện ấy nào lạ gì cho phận kiếp đứa thuyền nhân.
Một bữa nọ, ăn trưa xong, có người đàn bà tới ghé mông cạnh chỗ mình ngồi trên băng gỗ trong sân trại. Bên kia hàng rào trùng điệp mỏi mòn là màu biển xanh và gió từ hướng Hồng-kông dịu dàng thổi vào chút hương mùi ngàn khơi bể mặn ưa căng ngực thu cất. Anh làm cho tờ Hope, có phải? Mình ngó người đặt câu hỏi. Khoảng 40, thường thường bậc trung, không trang điểm chẳng nữ trang. Đồ bộ nhăn nhàu, đôi dép nhựa cũ có vẻ đã lưu lạc ngàn dặm dài tính bằng đơn vị hải lý. Giả như tôi cậy nhờ đăng tải đôi ba hàng từ con thì có làm khó cho quý báo không? Bà nói chậm rãi và bà mang cho mình chút ngạc nhiên. Bản nhạc của Eagles lại vẳng tới:…I heard the mission bell and I was thinking to myself this could be heaven or this could be hell… Nó đấy! Tôi sẽ từ nó cho hồ sơ đi định cư bị trở ngại. Mình đổi thế ngồi mong thoải mái, thực sự thì mình như không nghe rõ. Chẳng phải lỗi ở đôi tai, đầu óc mình như vẫn còn say sóng, nhiễu sự. Có khi ngồi đây sao nghe hoang đường vây kín. Giấc ngủ hằng đêm vẫn chật cảnh tù đày bắt bớ súng ống bạo lực đi diễu hành tra tấn mộng mị. Tràng tiểu liên AK-47 bắn vãi xuống bờ biển như còn mới đường đi hòn đạn đỏ cày xéo vào thân kẻ chậm chân bật rú. Mình thực sự may mắn đến được bến bờ tự do? Chị nói sao ạ? Con gái tôi đó, nó có cái máy cassette to bằng chiếc gối khóa dây xích trên đầu nằm, nó hư đốn đến độ tôi phải buộc lòng từ nó cho bỏ ghét. Mình nhớ là đã moi tất cả kiến thức về những quy định của Liên hiệp quốc soạn thảo cho người tị nạn, mang ra, mình cố thuyết phục người đàn bà kia và cơn nóng giận dường như có dịu chút nguôi ngoai. Vả lại cắt đứt quan hệ mẹ con thì nghe có ổn không khi trước đó đã cùng nhau đem mạng sống ra đùa với cái chết khi leo lên ghe trôi tới phương trời vô định. Bà bảo trưa mai tôi mời anh ghé giường bọn này ăn chung bữa cơm gia đình, tụi mình xa xứ hãy nên đùm bọc nhau, an ủi nhau, đúng không?
Mình quen chị Tâm khởi sự là vậy. Cô con gái chị hăm sẽ từ nó có dáng vẻ mà khi gặp mặt, mười bảy bẻ gãy sừng trâu ấy đã xô tới mình cái cảm nhận mâu thuẫn: nửa không mấy cảm tình, nửa kia là một háo hức đầy lôi cuốn. Cô như con mèo tinh quái bởi chị Tâm gọi tên nũng nịu Miu-miu. Cô ngó mình bằng nửa con mắt khi so đũa xới cơm. Chị Tâm từng kể, nó không lao động bình thường hãng xưởng như bà con, nó lén lút làm trò ô uế… Cầu trời đó chỉ là tin đồn. Hôm tôi gặp anh đòi từ nó là bữa nó trao tay tiền chợ, móc ra và rớt xuống đất cái bao cao su, vuông vắn, sắc cạnh… Tự dưng mình như thằng quân tử tàu thường xuất hiện trên TV hằng đêm cho người xa xứ giải trí. Mình loạn ngôn: để trò chuyện lâu dài với Miu-miu xem có thay đổi chút ít tình hình, hứa với chị sẽ cố sức bình sinh. Đi làm tay không, mình đóng góp tiền nhờ chị Tâm lo cho bữa ăn trưa nhưng chị một mực từ chối, vùng vằng. Mình kiếm ra những cơ hội rũ cô cháu cùng đi chợ để mong được chi trả. Miu-miu nói tiếng Quảng-đông giỏi hơn mình tưởng, tôm cua gà cá đều mặc cả và người chốn này nói thách đến trời sợ. Lơ ngơ như chú có mà đưa cổ cho họ chém thẳng tay. Cô nhận xét thế, cười rộng miệng. Chém ngọt chừa miếng da nối kết lủng lẳng đầu mình và tứ chi.
Mình bắt đầu có cảm tình với con mèo nhỏ, bởi chính cô bé thường mang tới nụ cười bất ngờ, gieo rắc trên đường đi, giúp mình phôi pha bớt những nặng lòng đầy chật ở cuộc sống tạm bợ này. Thường là cuối tuần, bọn mình đón xe đi khu Nathan, hoặc lắc léo hơn, đến vùng Kim sao chổi. Trước, mình chỉ biết các thương xá loanh quanh Kwun-tong. Nay có mèo con cũng tựa như thổ địa, đôi chân mình được rộng cẳng bước xa xăm, lòng thảng hoặc dấy lên nhiều nghi ngại. Mình tính mua tặng cô ấy chiếc vòng ngọc nhưng Miu-miu nhún vai chê bai. Mắc mỏ, để tiền ấy làm chuyện hệ trọng hơn. Cô nói, chú có bao nhiêu nơi mà bày đặt làm le làm gió? Bốn trăm rưỡi. Mình thành thật. Chú tính vất số tiền đó trong chiều nay? Cô nắm tay dắt mình đi qua một cánh cửa âm u. Tầm màn sáo còn xao xác vọng động sau lưng và khứu giác ngửi ra mùi hương trầm váng vất trước mặt. Giời ạ! Đây là nơi chuyên trị việc xâm mình xâm mẩy. Bức tranh nghệ thuật chỉ mới hoàn thành phân nửa trên lưng trần Miu-miu, bớt xốn xang hôm nay cô trở lại mong dứt điểm trọn vẹn những hoen ố bật máu. Cô vạch áo cho một gã trọc đầu xem lưng và nằm dài thư giản trên tấm nệm gã ấy vừa thay khăn trải mới. Gã mang găng cao su và mình cố tĩnh tâm ngồi chờ sát bên màn cửa. Thỉnh thoảng mình vội lén xem chừng, khoảng da thịt trắng và trên là đôi mắt biết cười thầm gửi tới mình vô vàn ẩn số.
Ra đường lớn đón xe, mèo con nói xem như cháu nợ chú một ân tình. Sao tự hành xác như vậy? Không đâu xâm nghệ thuật bằng nơi này, sang Mỹ sẽ hối tiếc. Nó mãi khắc vào da thịt mình một dấu ấn, đứa bé Việt-nam hồn nhiên của cháu đã chết, chú hiểu không? Nếu tắt thở, thân xác cứng đờ, cháu viết di chúc để lại cho chú bức tranh sau lưng, chú ngán không? Họ lột da cháu cẩn thận, dĩ nhiên, để tôn trọng một linh hồn.
Mình thèm khát được hôn cô thiếu nữ tuổi 17, chỉ nên hiểu môi tìm môi là cốt ngăn chận những điều không hay được thốt ra nhưng xe buýt khật khưởng đã trờ tới. Mình đi sau lưng Miu-miu, ngầm bảo vệ cho da thịt rướm máu kia khỏi bị nhức nhối thêm khi đụng chạm người ngợm đứng đầy trên xe. Xe gầm rú, lòng mình chật chội những dấu hỏi chẳng thể thốt ra.
Trong sân cát người ta có trồng cột gỗ hứng đỡ cái TV màn ảnh rộng, khoảng bảy giờ khi hoàng hôn rút lui sau dáng núi ngăn bóng chiều tà, màn hình được cháy đỏ trình chiếu những bộ phim phát trực tiếp từ đài truyền hình Hồng-kông. Khi hình sự xã hội đen, lúc tình cảm oan trái, nhưng đa phần thảy đều võ hiệp phỏng theo những bộ truyện nổi tiếng của Kim Dung. Khán giả đứng ngồi cách khoảng cười nói quên muộn phiền, a-xề cảnh sát trật tự trại chắp tay sau đít đi rảo dáng điệu thân thiện thần sắc giãn nở. Nhiều pha gay cấn cũng khiến họ đực mặt chen chân chăm chú, tỉ như đoạn Tiểu long nữ bị thằng đạo sĩ thúi phái Võ Đang cưỡng đoạt cái ngàn vàng ở sườn đồi vắng ngắt ánh trăng sao chẳng có bóng dạ hành xớ rớ. Miu-miu lơ đãng, cô mãi ngậm cái ống hút cắm trên hộp sữa đậu nành, một lát cô bình phẩm: Sao trong những pho võ hiệp kỳ tình cứ thấy toàn một bọn người mãi đi hành hiệp giang hồ, nay vào tửu lầu kêu rượu thịt ê hề, mốt tìm khách điếm giũ áo phong sương nhắm mắt an dưỡng tấm thân lấm bụi. Nói chung thảy đều hành tung bất định, rày đây mai đó, khi quất ngựa vó câu rậm rật, khi thi triển khinh công chạy tợ ma đuổi. Gặp cảnh bất bình rút đao tương trợ tự rước phiền não ân oán vũ lâm. Ly kỳ là ở chỗ này: chẳng nghe “ông nội” nào có công ăn việc làm hết ráo, lương lậu ra sao, công ty sản xuất ra hàng hóa gì? Có cày over-time chăng? Suốt ngày cứ la cà cơm hàng cháo chợ miết thôi. Y phục giày dép rách hỏng tiền đâu sắm cái mới?
Hai đứa đứng ở góc sân, nơi đặt để tấm bảng luôn niêm yết danh sách những chuyến bay, thuyền nhân nào đi Mỹ, đi Úc, đi Tân Tây Lan, đi bốn phương trời mỏi cánh. Mình nói, để tâm làm chi tới chuyện giả tưởng. Nếu Miu-miu đang là đệ tử môn phái Nga Mi thì Miu cô nương đang làm việc chi? Bản cô nương từng đi đóng phim, tin không? Sáu giờ sáng, ra đứng trước cổng trại sẽ có xe tới đón, Một ngày có khi họ trả cả trăm bạc lại được ăn sơn hào hải vị tùy thích. Ba bốn giờ họ thả về lại trại. Mình lộ ngạc nhiên: Đóng phim gì? Cô cho hay: Họ bôi mặt mình, họ cào xới tóc mình rối ren, thay đổi xiêm y rách rưới rồi nằm ngồi la liệt trên con thuyền nhỏ, chỉ định đứa nào phải gào la, đứa nào phải nôn ọe… Họ để cái máy quạt thật lớn tha hồ ngụy tạo phong ba bão táp. Say nắng say gió say sóng chứ chẳng giỡn chơi. May mà không diễn tuồng gặp hải tặc Thái. Mình thắc mắc: Phim nói về gánh nặng thuyền nhân mà chính quyền sở tại cực lòng cho ăn nhờ ở đậu? Cô rùn vai: Chả ai thắc mắc, mình là con cá đang nằm trên thớt, chú thấy không? Trầy vi tróc vảy chứ đùa sao! Mình cắt ngang: Vậy thì cớ sự nào dẫn tới câu chuyện về cái condom?
Miu-miu ngó mình, bao nhiêu bóng tối có trong trại đều dồn đẩy vào mắt cô. Gương mặt Miu cô nương lúc ấy chẳng khác mấy nhân vật vận võ phục đóng khung trên màn ảnh nhỏ. Nữ hiệp ngậm câm đang vận công lực vào bàn tay nắm kiếm nhưng Miu cô nương thì gằn giọng: Cháu kiếm tiền trả nợ chỗ ngồi trên ghe, và đã thôi ân oán, sòng phẳng. Một ông ba Tàu, làm cai hãng sản xuất đồ điện tử đã bỏ ra hai lượng vàng để đánh đổi ba lần ăn nằm cùng cháu. Ra điều kiện, đừng tới đây nữa, đường ai nấy đi, kiếm chỗ khác mà tìm việc. Phủi tay. Chú muốn biết gì thêm? Mình muốn tìm lấy bàn tay Miu-miu để ấp ủ nhưng cô đã đưa lên dụi vào mắt. Như vậy mà hơn, cháu cứ mãi chờ một cơ hội để nói cùng chú chuyện này. Và cháu muốn bắt chước lời nói của ông cai: Chú đừng gặp mặt cháu nữa, mỗi người có riêng cho mình một lối đi, được không? Miu-miu quay lưng, bước gấp gáp, bàn chân khuấy động bụi cát. Cảm giác hụt hẫng vụt đến, mình như kẻ vượt biên bị bỏ lại ở bãi bốc và sóng mãi rút xa bờ. Mình đã xử sự như một đứa tuyệt vọng bằng cách chạy theo và ôm lấy cái nhân dáng nhỏ thó ấy trong đôi tay. Không ôm siết thì mãi hoài đó là một bóng hình đầy ảo tưởng. Miu-miu đang khóc, cô dụi khuôn mặt đẫm ướt vào ngực mình và chẳng rõ ai là kẻ đang thực sự thổn thức.
Mình có tên trong danh sách lên đường đi định cư. Có nghĩa là người ta sẽ mang mình tới một trại khác, cô lập và chờ hoàn tất những thủ tục cuối. Chị Tâm và Miu-miu tự nấu nướng chiên xào ba món làm bữa tiệc tiễn đưa. Họ sẽ đi Mỹ và họ cùng mang một ý nghĩ: Rằng thế giới này mênh mông nhưng không hẳn vì điều ấy khiến vùi dập tin tức dấu vết nhau. Hãy kỳ vọng có ngày chúng ta lại bắt được liên lạc. Miu-miu đùa: Có cần nhờ báo Hope giúp không? Mắt cô long lanh, sáng ướt. Bà Suzane đã ôm hôn mình ban chiều, chúc may mắn khi tái lập cuộc sống mới ở chốn giá băng. Bà trao quà cho mình: Một cuốn sách nói về đất nước Canada và cuộn băng cassette Neil Young. Mình cho Miu-miu cuốn băng nhạc, rồi cái máy Sony khóa cứng trên đầu nằm của cô sẽ vang vọng giọng hát rã rời khi mà mình sẽ chẳng còn kề cận bên cô.
Lợi dụng lúc chị Tâm mang chén bát ra sân rửa, Miu-miu kéo màn vây kín chiếc giường lại. Cô cởi phăng hai ba lớp áo, quay lưng cho mình nhìn bức tranh sống động lạ lùng. Mình ngồi không cục cựa, chỉ có tim đi nhịp gấp bởi nó đang đối mặt một tình huống khó xử. Đẹp không? Mình nín khe chẳng thể dóng tiếng. Hình xâm một thiếu nữ khỏa thân bị con mãng xà cuốn chặt lấy, mây, mưa, nước cuộn sóng dồn đẩy xuống thắt lưng quần và sau hết là khoảng da thịt lành lặn của Miu-miu như đang tỏa nhiệt. Trắng muốt, nuột nà, hoa mắt. Muôn đời mình chẳng thể là con mãng xà, trước sau mình chỉ là con rắn học trò, có mặt để chả gây phương hại tới ai, xanh mướt một hình thù.
Rồi mình ra đi. Hồng-kông có mưa bụi sáng ấy. Biển động và chốc lát mọi hình thể bên dưới bị xóa nhòa. Máy bay lên cao, rùng mình giữa cảnh sắc bất minh. Mình đang là cụm mây xám, dầy nặng, khó tan. Mình nhớ Miu-miu, con mèo nhỏ bé. Mình nhớ hơi thở đứt đoạn của cô đêm cuối. Giọng lắp bắp: Làm sao mình tìm cho ra một nơi thật quạnh vắng? Hình như chẳng bao giờ chúng ta thực sự có cho nhau một khoảnh khắc riêng tư? Chú có thương đứa con gái bất hạnh này không? Chú đi Canada và chú sẽ mất tích? Hay Miu-miu đi Mỹ và cuộc sống chốn ấy làm cuốn trôi đi?
Mình thực sự bức rức. Mình có ý nghĩ kỳ cục: Cơ thể con người thật lạ, cớ sao vừa uống đầy cả lon Coke ngọt lịm vậy mà giọt nước mắt từ tốn ứa ra của Miu-miu lại mặn chát? Mặn bằng cả bể muối. Tất cả những dấu hỏi ấy mình không tìm ra được đáp số. Tại sao chú đi Canada mà không đi Mỹ giống cháu? Tại sao? Ừ, đấy là cả một vấn nạn và cách tìm ổn thỏa duy nhất: Chớ thắc mắc đem nghi vấn chơi khó nhau. Hãy câm lặng, như mình từng đè nén những biểu lộ, dẫu cực lòng.
Mình nhắm mắt lại, cố không nhớ đến khúc phim cũ. Con chim sẽ bay tới một phương trời biền biệt xa, sẽ tự tha rác, sẽ tự kiếm mồi, sẽ tự xây tổ, sẽ tự đối phó với gió mưa, ngần ấy điều hẳn chưa đủ nói hết sự bất thường nó phải gánh chịu sao Miu-miu? Con mèo nhỏ luôn ướt sũng nước cuồng chân ở Cảng Thơm.
Hồ Đình Nghiêm
_____________
a2a :
|