hồ đình nghiêm

 

Min-na san Konnichiwa

 

 



          Mình mới trở về từ Tokyo mộng tưởng. Hàng chữ trên là câu nói của cô học sinh hướng dẫn du khách, cúi gập đầu: Kính chào quý vị (ở hoàng hôn này). Khi tới là vậy, khi đi thì tuyệt không ai đưa tiễn để thốt sayonara. Trời xanh, chút ẩm lạnh len lỏi vào phi trường Narita chật cứng tiếng động. Những cô gái mặc váy ngắn, khoe đùi, đi lui tới. Họ đang làm việc, bạn tin không? Ở đôi chân kia, vùng da thịt để trần, họ cho người ta “thuê” để dán lên đó những mẫu quảng cáo. Đơn cử, với một chút méo mó: “Quý vị đã ăn chưa? Ngon tuyệt. Bún bò giò heo tiệm ông Nghiêm, 1200 yen 1 tô, ở Kyoto”. Dĩ nhiên khi bạn trả tiền “thuê đất”, nhan sắc đối tượng ngó cũng đặng, chí ít cô ta có mở face book, giao thiệp rộng và chịu khó trương hình ảnh ấy lên. Dán những thương hiệu muốn người ta chú ý vào bắp đùi thiếu nữ, tiếng Nhật có chữ ấn tượng: zettairyouiki: lãnh thổ tuyệt đối.

Mình sang Nhật thì nghe đâu chị Đặng Lệ Khánh đã trở về Mỹ từ… ba đời vương. Chị đi ngắm hoa đào trong khi mình chậm chân đến thì mọi thứ đã tan tác, đã tàn lạnh, đã trơ cành. Cây gục đầu câm lặng tựa hồn thơ Kokinshu:


Yo no naka ni
Taete sakura no
nakariseba
Haru no kokoro wa
Nodoke karamashi


Chốn đây anh đào
chẳng nở hoa
ôi biết bao trái tim
chịu câm nín trong mùa xuân.


Thử tưởng tượng được gặp chị Khánh ở tình cờ chốn ngàn dặm cách chia, ắt sẽ có với nhau mẫu đối thoại:
K: Mi đi mô ri?
N: Tui đi chơi, khơi khơi rứa thôi.
K: Ga ni tên chi?
N: Đông như ri đây, e là Shibuya.
K: Mi mau đi đi.
N: Mới nói chút xíu, lúc mô cũng rứa.
K: Lâu ni làm thinh làm tịnh, khi mô gửi bài?
N: Sắp sắp, sửa sửa, chút xíu tới liền.

Nghe ra có chút hơi hám của xứ phù tang, mà chẳng cần phải vin vô Honda Yamaha Suzuki Yokohama Haruki Murakami. Mình nhắc tới trạm tàu điện Shibuya ở trên bởi lẽ mình đã từng xuống đó, để băng ra công viên nhỏ có dựng tượng đài tưởng niệm Hachiko. Một đất nước không dựng nhan nhãn tượng đài anh hùng như Việt Nam mà trang trọng đúc tượng một chú chó, vì thương nhớ chủ biền biệt, để chết đi trong mòn mỏi đợi chờ, thì rõ là tư duy của dân tộc Samurai hẳn có điều đáng để ngưỡng mộ. (Ngưỡng mộ như đã từng nghe tin tức sóng thần phủ chụp vào để sau đó biết bao ức triệu tiền giấy vương vãi cùng khắp chả có ai nhẫn tâm lượm nhặt làm của riêng). Chẳng rõ bạn đã từng xem phim do Hollywood thực hiện với nam diễn viên Richard Gere nói về chủ đề cảm động kia? Lòng bạn sẽ yếu mềm và có thể mắt bạn đang cay khi nhìn ra lòng trung thành yêu mến quấn quýt chủ của chú chó mang tên Hachiko. Con người đôi khi, lắm lúc, hẳn thua xa thú vật. Mình nghĩ tới chuyện đi thỉnh kinh đường xa diệu vợi, gian khó trắc trở của Đường Tăng; sao quanh ông chẳng có ai khác ngoài một con khỉ và một con heo đồng cam cộng khổ?

Là một kẻ giang hồ như Tây ba lô chính hiệu, mình thay đổi lộ trình liên tục. Nói theo kiểu mấy ôn mệ: Cái thằng! Loay hoay như gà mắc đẻ, nhấp nha nhấp nhổm sợ nóng đít ngồi không yên một chỗ. Chớ ai khiến? Trời hành à? Thời giờ eo hẹp nên mình phải đi tứ tung bát giác, nay chỗ này mốt chỗ nọ ngày nhiếp thì chốn tê. Và để tiết kiệm mình thường vào ngụ Ryoukan. Giá xê dịch từ 9000 tới 10000 yen một ngày, tương đương 100 Gia kim. Đây là loại khách sạn kiến trúc theo lối truyền thống, kiểu nhà bạn thường thấy trong phim ảnh, Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm chẳng hạn. Phòng nhỏ, cửa dán giấy, quỳ gối để kéo cửa tre mong manh sang bên. Ngủ trên chiếu lát tựa một vuông tapis với chăn bông xếp ngay ngắn dưới chân. Có bình nước đun sôi bằng điện, có bộ khay trà, có áo kimono treo trong góc để mặc ngủ. Có bức tranh thủy mặc vẽ lau lách với đôi chim hạc ngó mưa giăng, và triện đỏ hiển lộng đóng dưới góc. Đơn sơ, giản dị, đạm bạc nhưng toàn thể toát lên một thứ khí hậu làm mình phải đắm chìm trong một nỗi niềm gần trùng với giải thoát. Chẳng có zen diết gì ở đây cả, khung cảnh trầm mặc đó làm người mình bỗng dưng nhẹ nhàng, chỉ vậy thôi. Vào một khách sạn hiện đại e cớ sự có khác, thang máy kinh cong, mở cửa bằng tấm thẻ bọc nhựa, máy điều hòa không khí, ti vi tủ lạnh, giường nệm đèn màu… những thứ cắc cớ rối beng kia làm mình thêm oải. Chưa kể nằm ở ryoukan, đêm hôm thao thức vì bóng tối ẩn nhiều cổ tích, biết đâu mình ngó ra một dáng đi vướng víu bởi kimono chợt hiện, gương mặt trắng hơn cả vôi của một geisha với tóc búi cao và lời thì thào xa vắng: irashaimase (chào mừng đến tá túc).

Ngang đây lại chợt nhớ tới một cuốn phim trên cả tuyệt vời mình xem cách đây đã 3 năm. Phim của Đức, phụ đề tiếng Anh với tựa phim “Cherry Blossoms”. Hay, ý nghĩa, cảm động. Nói tới khoảng cách tuổi tác, đám con cái đã thành đạt có những ứng xử nguội lạnh với đấng sinh thành. Nói tới tình yêu, sự hy sinh và những mong cầu hạnh phúc, dù giản dị, cũng xa tầm tay với. Phim quay ở Berlin nhưng trọng tâm câu chuyện đều diễn ra ở Tokyo và con đường dẫn tới núi Phú sĩ. Tựa như kính vạn hoa chứa nhiều góc cạnh, điểm sáng nhất, đánh động vào lòng nhất, là hình ảnh người chồng thay đổi y phục, mặc vào người chiếc áo của bà vợ bất hạnh để đi loanh quanh dưới ngọn Fuji luôn phủ tuyết trắng. Quá khứ, thằng con út của bà làm việc tận Đông kinh mỗi dịp lễ lạc thường gửi bưu thiếp về thăm mẹ, đa phần những cảnh sắc in trên thiệp đều là thắng cảnh nổi tiếng của Nhật, và người mẹ ao ước có ngày sang thăm con để tiện dịp đi ngắm núi Phú sĩ một lần cho thỏa. Bà có nói với chồng, sắp nghỉ hưu, nhưng ông gạt đi. Ông chẳng thích đi du lịch. Gọi thằng út về thăm mình thì đỡ tốn kém hơn, còn núi? Hừ, nước Đức này thiếu gì núi. Và đã là núi thì chúng thảy đều giống nhau. Vào cuối đời, ý thức rõ sự trống lạnh khi chẳng có sự hiện hữu của vợ hiền, sau nhiều đêm mất ngủ, ông quyết định đi tới xứ Phù tang đang nở rộ hoa anh đào. Ông đã mặc áo vợ vào người, đi ở xứ lạ chẳng sợ hổ ngươi, đi và thì thầm: Em ơi, giờ này em đang ở đâu?

Trong tất cả những dấu hỏi về phận người, có lẽ lời ta thán kia nghe xốn lòng nhất. Theo dự kiến, ngày mai mình sẽ lặn lội đến thăm ngọn Phú sĩ, nói theo nhân vật bà mẹ đáng mến trong thước phim kia: Ngắm một lần cho thỏa.

Mình trở về từ Nhật bổn, vụng về chẳng tường trình đủ đầy chuyến đi xa cho quý vị (min-na san) nghe. Mình có nhắc tới hai cuốn phim kia như một tạ lỗi, rằng nó không nói nên lời thì ta mướn DVD về xem, khi có dịp, xem có đúng như nó ra sức ngợi ca? Chị Đặng Lệ Khánh còn biết cho bà con xem ảnh hoa anh đào tuyệt sắc của xứ Phù tang có một không hai. Mình lóng cóng chỉ thưa gửi đôi điều như trên. Mai sau có ai hứng thú đè Japan mà lịch du, mình xin dong tay du lịch theo để cả gan mạo muội làm kẻ rành đường chút chút dẫn min-na san đi lòng vòng ngoạn cảnh. Bởi vì:

Dẫm một mình trên lối hoa
Ôi nghe chạnh bước tim đi sai lạc.


Hồ Đình Nghiêm

 

_________

a2a nói nhỏ :

Nếu bạn chưa xem hai phim được nhắc đến trong bài trên và chưa có thì giờ chạy ra tiệm cho thuê DVD, bạn vào tạm đây nhé :

Cherry Blossoms

Hachiko, a dog's tale

Về chuyện chó có nghĩa thì không chỉ có con Hachi mà ở Huế, trong khu từ đường của cụ Phan Bội Châu, cụ cũng đã lập mộ và dựng bia cho hai con chó trung thành: Con Vá và con Ky . Xin đọc

 

Còn đó di sản, phần 1  của Trần Ngọc Bảo

 

 

art2all.net