Hồ Đình Nghiêm

PHONG THƯ TÌNH

 


          Lãnh Sơn Tự xắn đất, nằm lưng chừng núi. Cô quạnh, mái xanh rêu, trầm mặc tuồng như muốn thu mình vào đá tảng. Thị trấn Gia Hoà an ổn ngụ dưới bình nguyên. Đứng bên hai cây tùng bách thế cổng chùa mùa này sương đọng mây chùng để nhìn xuống, ngoái trông, thì toàn thể cấu trúc Gia Hoà chẳng còn nguyên dạng dưới lũng thấp. Thị lực đâm yếu đi, mờ mịt. Hoặc có nhìn thấy ẩn hiện chút gì thì lòng dâng ngờ vực: Ảo ảnh chăng? Chân bước vào chùa mà cõi hư thực sau lưng vẫn còn sân si đuổi theo, khó đoạn dứt.

Người am tường về thuật phong thuỷ vẫn chấm điểm thị trấn Gia Hoà là vùng đắt địa, quanh năm mưa thuận gió hoà, bởi chăng chùa Lãnh Sơn đã án ở đó tựa bình phong can ngăn và xua đuổi được tà khí. Gia Hoà là gì? Nếu nghĩa nó không nằm ở chữ ấm êm, mọi nhà hoà thuận?

Coi ngó chùa là vị cao tăng pháp danh Vô Lộ, nổi tiếng đức độ. Tuổi hạc đã cao nhưng người còn năng động, dáng đi nhẹ hẫng khinh khoái tuồng chẳng có gì vướng bận vào người. Dân tình dưới Gia Hoà có bàn luận cũng chưa một ai hay biết số tuổi sư mang. Bách niên? Cửu thập? Ngài đã tám mươi? Dẫu sao hình ảnh cao tăng Vô Lộ vô tình đã đánh đổ lập thuyết cổ lai hy. Xưa nay hiếm? Những bài thuyết pháp của vị sư trụ trì Lãnh Sơn Tự từng rao giảng quanh chữ vô thường. Hãy bỏ rơi ý niệm hiếm, quý. Đừng tự buộc mình vào một lằn mức lượng định nào cả. Khổng Tử khi chia từng cột mốc đời người phải thế này thế nọ thì cũng chỉ nhất thời mà lộng ngôn. Khi ta mở miệng, hãy nhớ cho, đấy là khẩu nghiệp.

Bình thường chùa Lãnh Sơn vẫn cô tịch. Tháng chỉ có hai lần là chộn rộn đón khách lai vãng thắp nhang khấn nguyện rồi gia công vào chuyện củi lửa nấu thức ăn chay hằng dọn lòng đón đợi xem sức khoẻ Vô Lộ ra sao, xếp bằng dưới chiếu nghiêng tai nghe kể những gian khó khi tì kheo một mực dầm thân vào sạn đạo để cốt tìm nguồn sáng mà khai nhãn cho chúng sanh, đổi lấy niềm đau của bản thân hòng cứu chuộc bể khổ muôn loài.

Như thế, hai mươi tám ngày còn lại của tháng, khuôn viên Lãnh Sơn vẫn chìm trôi trong tĩnh lặng. Ngoại trừ tiếng chuông gửi vào hư không, tiếng mõ của bốn người đệ tử trì chú tụng kinh, tiếng chim hót lời ẩn mật trong khóm trúc, tiếng gió đi xào xạc, tiếng lá rơi… và rồi tất thảy ngưng đọng trong vô thanh. Lãnh Sơn Tự chẳng phải là Chùa Núi Lạnh đó sao? Hãy trả lại cho nó những gì nó từng sở hữu.

Nhưng trưa hôm ấy, khác thông lệ, Vô Lộ đại sư phải tiếp khách. Hai vị đại diện cho nhà Nguyễn Trần có biệt phủ thật lớn dưới trấn Gia Hoà hình như vừa mang theo hành trang họ là cả một sự hoang mang tột cùng. Sợ hãi còn đọng ở gương mặt họ, ngay cả khi được đối mặt vị cao tăng họ vẫn chưa làm chủ được nhịp thở. Chuyện gì thì khi thuật lại hãy cố giữ tính trung thực. Các vị nên bình tâm, thời giờ ta nào có eo hẹp, ta sẵn lòng đợi chờ sự phân giãi. Vô Lộ rót nước trà, khoan thai. Tay không run, nước sóng sánh đầy ly chẳng rơi ra một giọt.

Nguyễn nhập đề: Đã ba hôm, toàn gia chúng tôi không tài nào chợp mắt. Nghĩ là chỉ có mình đại sư mới cứu giúp cho…

Vô Lộ: Hãy nói tiếp.

Trần góp lời: Dạ bẩm đại sư, tóm gọn là nhà có bóng ma hiện về.

Ngưng trong khoảnh khắc, nghe ra một cánh hoa sen rơi khẽ xuống bệ thờ. Cái rời thân ấy chừng xô đẩy quanh chỗ ngồi giữa chủ khách một hương mùi xa vắng. Có đó rồi giạt bay. Ngửi xong đâm thẫn thờ.

Hết Trần tới Nguyễn thay phiên thuật lại đầu đuôi ngọn ngành. Vô Lộ nhắm lại đôi mắt, chuẩn bị đón nghe một đoạn kinh đọc sai lạc vấp nhiều lầm lỗi.

Nguyễn Thị Vàng Son là con gái độc nhất của thương gia thành đạt Nguyễn Cát Tường trấn nhậm một thương hiệu lẫy lừng đồ sộ dưới thị trấn Gia Hoà. Sắc đẹp hiển lộ sớm, lại là người hiếu học văn hay chữ tốt. Do muốn mai này con mình được vinh hiển nên Nguyễn Cát Tường quyết định gửi Vàng Son lên kinh đô theo học một ngôi trường danh giá, có tốn kém bao nhiêu tiền của cũng vui lòng theo đuổi ước nguyện. Vàng Son nghe theo sự định đoạt của cha, chẳng hay biết cớ sự ấy là một cuộc sắp đặt ngầm ký kết với Trần đại gia. Ông này có cậu công tử cùng trang lứa, lỡ chùng lén phải lòng nét kiều diễm trên dung mạo và hình hài của Vàng Son. Tốt nghiệp xong, người đẹp sẽ về làm dâu nhà họ Trần. Nhất nhất mọi thứ đều thuận theo con đường đã vạch của hai họ, ký kết một hợp đồng gắn bó keo sơn, môn đăng hộ đối. Một lần nữa Nguyễn Thị Vàng Son xuôi tay bỏ mặc cho số phận, không biết cách chống đối. Bốn năm làm vợ chồng, Vàng Son sinh được cậu con trai và chẳng hiểu vì đâu cơ thể lá ngọc cành vàng kia đâm suy kiệt dần để dẫn tới cái chết quá bất ngờ.

Hôm động quan xong, chiều lại cả hai nhà đang ngồi mặc niệm tưởng tiếc bên bàn thờ kẻ xấu số thì đột nhiên đứa con trai bốn tuổi từ trên lầu chạy xuống, loan tin: Mẹ con đang đứng bên tủ áo quần trong phòng ngủ. Lời con trẻ thì e phải nên tin, hiếu kỳ đã hối thúc mọi người nối đuôi lên xác tín hư thực. Trong ánh tà dương len qua cửa sổ, chiếu vàng úa vào dáng đứng tần ngần của Nguyễn Thị Vàng Son đang gục đầu cúi nhìn vào ngăn tủ đựng y phục cũng như nữ trang của riêng cô. Vàng Son vẫn mặc bộ áo đầm trắng y như lúc tẩm liệm.

Quá đỗi kỳ dị, rất lấy làm sợ hãi khiến cả bọn chỉ biết ú ớ rồi thay nhau chạy xuống ngồi lại bên bàn thờ chưa ngún tắt những chân nhang. Để đánh tan nỗi sợ, người mẹ chồng của Vàng Son cố giữ giọng nói khỏi lạc: Là đàn bà, tôi hiểu phụ nữ vẫn thường yêu quý những vật tư trang, con dâu tôi có đứng đó thì chắc là nó đang quyến luyến đồ vật từng theo bên người bấy lâu. Chúng ta chỉ biết giải thích vậy thôi. Bản tính Vàng Son hiền hoà, mọi người chẳng việc gì phải sợ để rồi gây ra lời đồn đãi không mấy hay cho gia đình. Họ ngồi chụm đầu lại bàn tính, sau cùng đi tới một thuận lòng: Hãy dọn sạch cái tủ ấy, gom hết áo xống tư trang hiện vật của Vàng Son mang ra sân hoả thiêu. Đốt chúng đi, một cách gửi xuống dưới cho Vàng Son thoả lòng.

Không linh nghiệm, đêm hôm sau Vàng Son vẫn về, lặng lẽ đứng bên cái tủ trống, cúi đầu câm nín. Những suy đoán của bao người thân thích đã sai trật, điều này cũng có nghĩa là họ sẽ phải nhìn thấy mỗi đêm bóng dáng sầu khổ của Vàng Son đứng nguyên vị trí cũ, xiêu lạc và đau lòng chẳng thể biện minh. Chết thì bặt câm mà sống cơ hồ cũng á khẩu.

Cái phao cuối cùng để bấu víu, để dìu qua khổ nạn không gì khác hơn là nhà sư Vô Lộ. Chúng tôi đi lên Lãnh Sơn Tự, kể hết sự tình để mong đại sư gia ơn, phá lệ một lần xuống núi giải hạn. Cả Trần lẫn Nguyễn đứng lên, chắp tay vào nhau, nghiêm cẩn chờ đợi. Vô Lộ mở mắt ra. Được, nhờ nhị vị dẫn đường, đã công khó lên đây thỉnh cầu người tu hành như ta đâu lẽ từ nan chối từ. Giúp người vốn là bài học cơ bản của kẻ xuất gia.

Họ về thị trấn Gia Hoà khi bóng chiều đã rút. Đại sư Vô Lộ bước qua cánh cổng Trần gia trang vẫn lung linh cháy tỏ sụt sùi những giọt bạch lạp. Không khí của một nhà đang chịu tang vốn buồn lặng còn lưu trữ ở đó một linh hồn chưa siêu thoát vẫn kiếm cách vãng lai. Vô Lộ chắp tay trước ngực đọc thầm: A di đà Phật. Mọi người vây lấy bóng áo cà sa. Ta đã nghe chuyện, khỏi nhọc lòng kể thêm. Hãy dắt ta vào phòng kia và xin quý vị tôn trọng, chỉ để mình ta trong đó. Không một ai đường đột đi vào, nếu có thể, xin quý vị hãy kính cẩn ngồi yên dưới bàn thờ kẻ vắn số.

Vô Lộ đại sư đi vào phòng ngủ trước đây vốn của Nguyễn Thi Vàng Son. Trong hương mùi khó giải thích dồn tới khứu giác, Vô Lộ nhìn ra ngay một nữ thí chủ mình hạc xương mai đứng gục đầu bên những ngăn tủ trống. Có nhìn nhận ra ta không? Vô Lộ nói. Ta đến đây chỉ với thành ý, những mong giúp đỡ chứ chẳng mang một hậu ý nào khác. Theo ý nghĩ ta có, hẳn ngăn hộc kia còn ẩn dấu một thứ gì thật hệ trọng mà cô muốn kiếm tìm. Hãy an lòng, rằng ta sẽ khiến cô toại nguyện. Vàng Son khẽ gật đầu, thân mình lướt nhẹ sang một bên. Vô Lộ đeo chuỗi tràng hạt lại vào cổ để rảnh tay, vị cao tăng bước tới dùng mười ngón rà soát từng ngăn một. Tủ có lót giấy dán sát vào mặt gỗ. Tủ chia làm bốn ngăn, tất cả đều trống, kể cả một cái kẹp tăm, một hạt nút áo lỡ đánh rơi cũng chẳng ẩn mình trong đó. Ngăn hộc thứ ba, bàn tay rà soát của Vô Lộ bỗng khựng lại năm ngón. Dưới mặt giấy dán dường như có vật gì nổi cộm được ép bên dưới. Dùng móng tay để cạy đi mép giấy mỏng, xé nó và vật dấu bên dưới chỉ là một phong thư mỏng manh. Vô Lộ cầm vuông giấy úa màu lên. Có phải đây là vật mà cô chẳng đành lòng bỏ đi? Cô muốn tìm thấy và rồi mang theo nó? Vàng Son gật đầu, lộ vẻ mừng tủi. Vô Lộ hỏi tiếp: Cô có an lòng để ta thủ tiêu nó. Về chùa, ta sẽ thiêu huỷ, lửa tam muội sẽ đốt cháy nó. Và như vậy, ta cam kết chỉ duy mình ta biết được niềm bí mật này thôi.

Vô Lộ muốn tìm lời giải thích thêm nhưng Vàng Son đã không còn đứng ở đó. Vô Lộ chắp tay đọc tiễn một đoạn chú bằng tiếng Phạn. Căn phòng chừng như đã bớt đi cái lạnh lẽo ủ ê trước đó. Vị cao tăng đi ra, khép cửa lại. Ông bước xuống lầu để đón nhận những ánh mắt ngầm tra hỏi. Ta đi về chùa đây. Dạ thưa thầy, thầy có gặp ma không ạ? Có, đã gặp mặt. Và sau đêm này, ta xin hứa, rằng quý vị sẽ thôi gặp… ma.

Giữ đúng lời hứa cùng Nguyễn Thị Vàng Son, về tới Lãnh Sơn Tự, cao tăng Vô Lộ vào lạy trước bàn thờ Phật, đặt phong thư trước mặt, dâng hương, đọc một bài kệ ngắn trong kinh Lăng Nghiêm, gióng ba tiếng chuông rồi mang theo một cái thau nhôm bước ra sân trước. Mọi thủ tục hoàn tất chỉ cần thắp lên một ngọn lửa, nhưng nghĩ sao Vô Lộ tần ngần. Ông muốn biết lá thư kia chứa đựng những gì nhằm tạo ra sức mạnh để khiến trói buộc Vàng Son lại, không đành lòng giã từ cõi thế. Chỉ mình ta biết niềm bí mật này thôi, ông đã trấn an Vàng Son và ông đang run tay bóc vội lá thư ra đọc. Một trang thư tình đầy sân si thống khổ, đôi chữ hoen ố do hứng đọng nước mắt. Dĩ nhiên đó là hàng lệ đổ của Vàng Son, người nhận. Một cuộc tình không may và Vàng Son âm thầm chôn dấu nỗi oan khiên tận đáy hộc tủ. Ngọn lửa trong tay Vô Lộ bùng lên vồ chụp lấy, nuốt co quắp những con chữ, biến thành tro than rồi tàn lụi trong thau nhôm. A di đà Phật.

Đêm ấy Vô Lộ chẳng ngủ tròn giấc, ông ngồi dậy thắp đèn giữa canh khuya, đến giá sách lật giở từng cuốn kinh chép tay mà ông từng cậy nhờ Nguyên Tánh viết lại. Nguyên Tánh là đệ tử thứ tư của thầy Vô Lộ. Diện mạo sáng sủa hiền lương, chữ viết đẹp, nguyện xuống tóc nép thân vào chùa những mong đoạn lìa thế tục. Trì chí với kinh kệ như vậy đã bốn năm. Bốn năm? Đứa bé thấy mẹ hiện về cũng tròn bốn tuổi. Cuốn sách có viết chữ Nguyên Tánh ngoài bìa, mở ra, những tuồng chữ nhảy múa dưới mắt thầy Vô Lộ không sai một mảy may so với lá thư tình vừa bị thiêu đốt.

Na mu A mi da butsu!

Cao tăng Vô Lộ nhắm nghiền mắt lại.

Hồ Đình Nghiêm

 

Phóng tác dựa trên bản tiếng Anh "A Dead Secret" do Lafcadio Hearn (1850-1904) chuyển ngữ từ truyện cổ Nhật Bản.

 

 

trang hồ đình nghiêm

art2all.net