Hồ Đình Nghiêm

 

THOÁNG MÂY

 

 

Bão quen chị Ngọc thật tình cờ. Nguyên ủy có thể vì anh Châu, hoặc cái truyện ngắn từ lâu Bão ngại ngần không biết mình nên gửi đăng báo? Anh Châu là nhà văn tự ngày cũ và Bão chỉ mơ hồ biết vậy khi thấy chị Mây khóc bởi sự hẹp hòi của Ba: Con chớ dây dưa với mấy tên nhà văn nhà báo mà khổ thân… Trong nhà, chỉ có chị Mây thường tâm sự với Bão. Lòng thơ ngây của Bão dạo ấy vẫn đón nhận những thở than của chị, gieo vào trí óc dại khờ của thằng em ngang dọc nỗi đau khổ của chia lìa, ngập lụt nước mắt cuộc tình vỡ. Những cơn mưa dội xuống, ướt át, tiêu điều và buồn bã. Nó dai dẳng, ám mãi trong đầu Bão. Sang đây, điều kiện sống cộng với nỗi nhớ những gì đã mất khiến Bão có ý định viết truyện và truyện ngắn đầu tiên dĩ nhiên ẩn hiện biết bao hình ảnh chị Mây đáng yêu.

 

Anh Châu qua đã lâu, cả hai tuy cách biệt tháng năm dài vẫn có điều gì kỳ quặc xui khiến làm nhìn nhận ra nhau trong một tiệm tạp hóa, rồi kéo lôi bày biện ra biết bao điều để han hỏi. Ra ngoài đường, chuyện còn nồng. Vô ngồi quán cà phê, chuyện vẫn chẳng có ai đặt được dấu chấm. Anh đã có gia đình, vợ anh ốm gầy, mặt thanh tú mà thoáng nhìn Bão mường tượng ra ảnh hình chị Mây sầu muộn ngày nào của mình. Nghe anh vẫn còn cầm bút, Bão mang truyện ngắn ra tìm sự sẻ chia trước khi có can đảm gửi đi. Anh gầm đầu đọc và rồi chở Bão đến tòa soạn nơi anh làm. Bão gặp chị Ngọc ở chốn ấy. Chị làm thơ, ôm đồm phụ trách thêm mục giải đáp thắc mắc gỡ rối tơ lòng. Chị có đôi mắt lớn, sâu.; chẳng rõ có phải từ đấy đẩy rộng một nỗi buồn làm tràn lấp toàn bộ khuôn mặt. Bão nhìn vào, bị thu hút ngay. Bão cứ có định kiến hễ một người làm phần việc như chị hẳn phải béo mập sung mãn yêu đời, hay do thường xuyên đón đọc bao đau khổ thầm kín của người đời nhờ chị hóa giải trên báo đã ảnh hưởng tới chị? Chuyện phụ bạc chuyện sinh lý chuyện bạc tiền chuyện ngoại tình chuyện bảo lãnh chuyện ly dị đuổi việc kiện thưa… làm chị cuốn theo xanh xao hư hao tình đời? Nghe nói trước đây chị từng du học bên Pháp, đầu óc chị hẳn phải hiểu rộng lắm điều. Rồi cái bàn chị làm việc, chôn ngập chung quanh biết bao là sách vở từ điển ngổn ngang. Bão chưa bao giờ nhìn thấy sinh hoạt của người cầm bút, đứng ở đây không khí đó làm Bão mê say. Bão nhớ lời Ba nghiêm khắc, Bão nhớ chị Mây mến yêu, Bão nhìn chị Ngọc khâm phục và Bão ước có thêm chiếc ghế đặt cạnh chị Ngọc để ngồi đó suốt đời.

 

Hai tuần sau, truyện Bão nằm trước “phần đất” chị Ngọc giữ ở mấy trang cuối tờ báo. Bão vui sướng khi cầm lấy nó, ngắm thỏa thuê sáng tác đầu đời của mình, mở ra khép lại tên Bão tên Ngọc gần chồng đụng lên nhau. Bão đến tòa soạn nói điều đó với chị Ngọc như một khám phá kỳ thú: Chị làm đây đã lâu, nếu vậy thì biết bao văn nhân thi sĩ ép chị đến ngạt thở rồi đâu đợi tới phiên Bão! Mà này, chuyện Bão viết chị thích ghê. Thành thật, cảm động, dễ thương. Anh Châu đi ngang trao tấm ngân phiếu nhuận bút: Rảnh, Bão cố ngồi vào bàn để tập thói quen. Truyện Bão viết như vậy rất đạt. Cố gắng cộng tác với tụi anh cho vui. Chi Ngọc nhìn tấm ngân phiếu: Trương Hoài Bão, một cái tên rất đàn ông. Đời sống này, Bão mơ tưởng tới điều gì, đề cố chiếm đoạt?

 

Chị Ngọc tròn ba mươi. Chị nói có lần trả lời thư một độc gỉa chị đã dùng chữ “méo” để nghịch về số tuổi đó. Chị cười nhỏ bên những ánh nến lung linh thắp quanh, đứng thẳng như những cột điện trồng vòng tròn trên mặt bánh sinh nhật. Chữ Tịnh Ngọc chính tay Bão nặn kem run rẩy giữa lòng gâteau như giờ đây lòng Bão nhìn chị. Ba mươi tuổi, tam thập nhi lập. Bão thấy chị trẻ, già? Bão không trả lời. Tuổi 25 của Bão luôn vụng về cho một sắp đặt, một biểu tỏ, một lời nói nghĩ sẽ thốt ra khi gần kề chị Ngọc. Sự sai biệt của con số 5 nằm giữa hai người có vẻ là một rào cản, thu hẹp vị trí Bão và đồng thời phóng lớn chữ chị biến nó thành một thứ trái cấm ở xa tay với. Chị Ngọc cúi người thổi tắt những ngọn nến, Bão thấy một phần ngực chị lộ ra sau cổ áo rộng thỏng xuống. Bão rung động như chính mình vừa tạo ra một lầm lỗi, quay qua nhìn con dao sáng trên bàn. Bão nhớ những giọt nước mắt, tình yêu luôn là vết cứa sắc nhọn? Bão linh cảm, có ngày, rất gần, chính mình sẽ khóc tương tự như chị Mây vậy. Bão nhìn chị Ngọc trân trối, trong đầu bao ý tưởng dựng nên một chuyện đẹp và Bão nóng lòng được ngồi vào bàn viết.

 

Bão thức nhiều đêm trắng. Chưa khi nao viết là một khó khăn đến vậy. Sự dằn vặt không có lối thoát, những ý tưởng vụng về làm gãy đổ cái sườn truyện và Bão đã xé đi không biết cơ man nào là giấy gạch xóa. Cuối cùng Bão chỉ viết được vài hàng, ký cái tên lạ bên dưới, gửi đi. Báo phát hành, Bão vội lật giở tìm trang chị Ngọc phụ trách: Tôi hiểu tâm trạng của anh, nhưng chuyện anh kể trong thư không đủ để cho tôi đi tới một kết luận. Điều hay hơn cả là anh cứ thú thật ý nghĩ của anh cho “chị” đó nghe. Sự đổ vỡ như anh ngại, dẫu sao cũng là giải pháp tốt để minh định cảm tình của hai bên. Tôi hy vọng “chị” ấy sẽ hiểu anh và biết đâu, người ấy sẽ thương anh hơn. Chúc anh may mắn khi đối mặt với sự thật.

 

Mấy hôm liền Bão không đến tòa soạn. Bão mua tờ nhật báo địa phương, quyết định dọ tìm một công việc ở trang rao vặt. Đi làm, giải pháp ấy e toàn vẹn hơn thứ sách lược mà chị Ngọc hồi đáp, vấn kế. Bão được nhận một vai làm việc linh tinh trong nhà hàng Pháp. Công việc nhọc nhằn, đổ mồ hôi sôi nước mắt, mỗi tối đón chuyến xe buýt về phòng trọ lúc nửa đêm, mùi hành mùi tỏi ủ kín người đã khiến cho hương hoa vườn nhà ai phải quay mặt thôi tỏa hương. Mỗi khuya, xe cồng kềnh sật sừ đi qua những ngõ hẹp, tối; khiến Bão liên tưởng, rồi đâm nhớ nhà, nhọc mệt nhớ. Bão viết thư cho chị Mây: Chị tưởng tượng được không, em giờ đây đang làm tên phụ bếp một quán ăn đông khách. Chị ngờ được không em có khi viết truyện đăng báo, nhuận bút 50 đô? Chị nhớ bài luận văn của em hồi nhỏ tả cảnh mùa đông làm chị buồn cười: Cảm tưởng của em là mùa đông thiệt lạnh nếu như nằm ngủ mà không trùm mền?.. Bão không nhắc chuyện gặp anh Châu trong thư. Bão không kể chuyện mình hư gầy khi gặp chị Ngọc. Bão viết thêm: Kỳ lương tới, em sẽ mua tặng chị xấp vải soie màu khói nhang. Em nhớ chị thích màu đó, bây giờ lại hợp với hoàn cảnh tang tóc bên nhà. Trời ở đây buổi chiều vẫn có những đám mây màu xám trôi ngang thành phố. Ủ dột, ẩm nước. Em của chị có khi buồn mà không cầm được nước mắt. Thì chị vẫn nói đó, Bão con trai mà còn yếu đuối hơn chị nữa. Chị nhớ không? Sống bên này, chữ yếu đuối có dịp trưởng thành lớn hơn. Phải có chị thì may em đổi khác. Thư sau em nghĩ sẽ có nhiều chuyện để kể chị nghe. Một người ưa tâm sự là kẻ đó thật sự đang hạnh phúc, hoặc ngược lại, rất đớn đau. Bão đang đứng giữa nên chị Mây chỉ biết ngần ấy thôi. Em dừng bút.

 

Bão đi gửi lá thư trên đường đến chỗ làm. Trời mưa nhỏ, đủ làm ướt mặt đất và nhòe cái tên chị Mây ngoài bì trước khi rơi vào thùng thư. Chưa hẳn tối nhưng đèn trong mỗi ô cửa kính thắp lung linh làm những cao ốc như muốn nhoài mình ra khỏi đám bụi nước. Ở dưới đồi Bão không mường tượng, định vị ra được cái nơi chốn mình sẽ chôn người vào, ngập đầu với thứ công việc mà Bão chẳng tưởng là có ngày mình phải nai lưng gồng gánh. Lương tối thiểu và tai đón nghe những tiếng chửi tục tằn. Hai cây kim đồng hồ dường như đứng yên dưới mắt mờ, không lê nổi bước chân tuần hoàn cơ hồ bộ máy đã chết đứng. Việc khó là để rèn luyện phẩm cách, Bão thử luyện rèn theo câu châm ngôn ấy nhưng thấy không ổn. Đôi ba lần đứng bên chồng chén bát son nồi cao ngang người Bão cũng đã tuôn ra khỏi miệng những tiếng thô tục chẳng kém Tây tà. Sau đó Bão phải hình dung ra một chị Mây đói khổ, tưởng tới bóng dáng dịu dàng chị Ngọc để đè nén, tìm quên.

 

Ca va, toi?. Tên bếp hỏi. Bão đứng mặc chiếc áo trắng nồng mùi xà-phòng khử trùng. Tôi khỏe, còn ông? Người sở hữu cánh tay đầy lông đưa những ngón u nần đập xuống vai Bão gầy xương. Làm việc mạnh hơn nhé, tối nay ta cho ngươi ăn đồ biển. Cúi người ghi giờ đến vào thời khóa biểu dán trên cánh cửa tủ lạnh, Bão nghe tiếng hai cô phục vụ chạy bàn chào nhau ở phòng thay áo quần rồi họ lò dò bước ra bếp chật. Bàn tay lông lá của sếp bếp lại có dịp ngứa ngáy đi hoang khi chưa động dao động thớt. Tiếng cười nổi lên và Bão chưa hề nghe qua lời than phiền nào cả. Dường như họ có với nhau một hợp đồng ngầm, yên lặng để cho guồng máy không gặp trở ngại lúc chạy việc. Bão đứng lấy khăn lau bóng những ly bầu đựng rượu, quay lưng với thứ hoạt cảnh quen thuộc kia. Một trong hai cô đến phụ Bão. Tối qua tau xem truyền hình thấy có phim nói về đất nước mi. Thật kinh khủng và ghê rợn. Tau không hiểu được làm sao mi có thể sống qua với thứ bối cảnh đó? Bão nhìn những cái cốc đã sạch úp miệng xuống khay. Tất cả đều chuẩn bị xong để đợi khách tới làm bẩn đi. Cô sinh trưởng ở nơi chốn suốt đời không nghe tiếng bom đạn nên ghê sợ là chuyện dễ hiểu. Québec bị cộng sản tràn ngập nhuộm đỏ, cô sẽ lẩn trốn hay tự tử? Bão nói tiếng Pháp, dĩ nhiên, nhưng xem chừng cô không hiểu. Đi làm, theo Bão là cách học hỏi tiếng xứ người dễ thành đạt nhất. Cái ý tưởng đó nguội lạnh thật mau khi Bão cố gắng tiếp chuyện từ tên bếp cho tới năm người serveuse. Cả sáu, họ hình như không có kiên nhẫn để lắng nghe, và khi chính họ gợi chuyện thì đó chỉ là cách nói chẳng mong chi đón nhận câu trả lời.

 

- Này Bao, tiếng Việt mày gọi chữ merci  là sao? Tau muốn dợt chữ đó với khách. Christine sửa lại tạp dề quấn quanh bụng, cô kéo Bão đến ô cửa nhìn ra phòng ăn. Khách là đôi tình nhân tóc đen ngồi ở chỗ thiếu ánh sáng, tay họ đặt trên mặt bàn, đan ngón và dường như họ đang chú tâm vào câu chuyện riêng tư của họ, chẳng màng tới ngoại giới. Anh Châu? Ừ, anh Châu, cặp gương cận anh mang đang thu nhận và phản quang những luồng sáng hắt chiếu từ quầy rượu. Người đàn bà ngồi ở vị thế không cho Bão nhận diện, tuy vậy khi ngó tới chiếc nhẫn người ấy mang… Không thể… Christine lập lại chữ không thể một cách khó khăn. Merci là không thể, Bão chẳng cải chính, bận nhớ tới chị Ngọc. Những ngọn nến, cái bánh kem, một phần da thịt thầm kín hé lộ sau cổ áo rộng. Con dao cắt bánh, bàn tay cầm có mang chiếc nhẫn ngọc sáng xanh. Không thể. Cám ơn đồng nghĩa với chẳng thể nào...

 

Tuần sau, Bão viết xong truyện ngắn thứ hai. Hình như người viết văn luôn gặp nhiều đau buồn hơn kẻ khác? Hoặc gỉa là người thật yếu đuối, đón nhận nỗi buồn nhỏ để rườm lời phóng lớn nó ra? Bão nghĩ vậy khi đem truyện tới tòa soạn. Một truyện không cảm động chẳng dễ thương. Chị Ngọc sẽ phê bình như thế nếu nó được đăng. Nó như một luống đất cất công vun quén mà ai đã hô phong hoán vũ để cày xới nát nhàu thứ vũ lượng cuồng nhiệt. Bão đề tặng chị Ngọc dưới tựa truyện, món quà sau hơn tháng dằn vặt không nghe lời quân sư gỡ rối tơ lòng.

 

Anh Châu đang chú tâm với công việc chẳng thấy Bão bước vô. Chỗ chị Ngọc bỏ trống và tường kệ thấy thiếu đi nhiều ngăn sách báo. Không khí trong tòa soạn lần đầucho Bão cái cảm giác buồn tẻ, mỏi mệt. Bão cuốn tròn những trang giấy đã chỉnh sửa tươm tất một tâm tình, nhét nó sau túi quần trở ra đón xe. Bình thường chị Ngọc không đi đâu xa ngoài hai nơi cách một tiếng ngồi xe buýt: Tòa soạn và nơi chị ở. Cái phòng trọ có tấm màn xanh luôn buông che sau cửa kính và thùng thư có chữ Tinh Ngoc không thêm dấu nặng. Khi Bão tới, tấm màn xanh đã trốn biệt đi mất, thấy được bên trong sự bất thường của đồ vật bị hoán đổi, mất dấu, trống lạnh. Bão bấm chuông, nghe tiếng kêu khó chịu vang lên sau bức tường, như hòa nhịp với trái tim hụt hẫng. Chấm tròn nhỏ gắn trên cửa tối đi, con mắt thủy tinh mờ ám phóng ra nhận diện. Tiếng lách cách sợi xích được đụng tới, rồi cửa mở. Ngần ngại đón chờ, từ bé hẹp tới rộng lượng. Mùi xà-phòng thơm, mùi gì tựa long não thường nằm ngủ quên trong hộc đựng áo quần đang tỏa lan, hiện hữu cùng cái nhân dáng mà lâu rồi Bão chưa được dịp ngó lại. Chị Ngọc áo quần tề chỉnh đón Bão bằng nụ cười Bão chưa từng thấy. Nụ cười ấy hư hao như một tiễn biệt chứ chẳng hề tròn đầy thứ đoàn viên sum họp.  Bão đến tòa soạn không thấy chị cứ ngỡ chị ốm. Bão vào đi, lâu quá mới thấy lại chị cũng tưởng Bão gặp điều gì bất thường. Bão nhìn đồ vật trong phòng, nhìn hai cái va-li căng cứng và chúng đã được ràng buột cẩn thận. Chị tính đổi chỗ? Sao không gọi Bão tới phụ? Nếu là cuộc dời đổi bình thường thì chị đã làm phiền tới Bão. Chị đang làm khác, chị sẽ đi xa.

 

Mắt chị Ngọc có những quần thâm, có vẻ hao gầy hơn trước. Chị không dùng chữ bất bình thường nhưng nó hiển hiện quá rõ nét. Chị ngồi trong quán ăn với anh Châu, ở góc khuất lấp, đó có phải là bất bình thường? Bão ngó chị Ngọc, ngờ vực: Chị tính đi đâu. Công việc ở tờ báo, chị bỏ mặc? Chị cảm thấy bất lực, việc ấy nặng nề quá với số tuổi của chị. Một người chẳng giải quyết ổn thỏa chuyện chính mình thì làm sao quán xuyến việc thiên hạ? Chị Ngọc vắt chanh quá nhiều trong câu nói, nghe chua nhăn mặt, chua ê răng. Chưa khi nào Bão muốn ôm đồm phần việc của chị, Bão mong được hóa giải nỗi phiền muộn đó, hay ít ra đón nhận tâm sự của chị nếu nói ra là một giải tỏa. Tôi sẽ bỏ rất nhiều muỗng đường cát trắng vào, khuấy tan, ngọt lịm, xua tan vị chát chua của ai kia từng rót xuống.

 

Chị Ngọc nhìn đồng hồ, ngó quanh quẩn căn phòng lần cuối. Bão thấy như chính mình đang sắp sửa giã từ nó, buồn vui kỷ niệm hơn là chị Ngọc. Thành phố này nhỏ bé và thật khó khăn khi kiếm ra một công việc tạm được. Nó chẳng là gì cả để mong níu chân người ở lại. Bão muốn được đi cùng chị, có được không? Chị Ngọc đặt để tia nhìn khá lâu trên mặt Bão tái tê đợi chờ một đáp án. Bão đừng làm chị buồn. Sự bồng bột bao giờ cũng có cái đáng yêu của nó nhưng luôn luôn sau đó là ray rức những hối tiếc. Hơn ai cả, giờ đây chị hiểu điều đó thật tường tận… Chị bằng lòng cho Bão đi với chị một đoạn thôi, nếu Bão muốn. Chị đi đâu? Ra phi trường, Bão đưa tiễn chị không?

 

Một người đàn ông xuất hiện từ cửa sau, nói tiếng Pháp: Mọi việc ổn cả chứ? Chị Ngọc đáp: Tôi đã thu xếp xong. Trả lại ông chùm chìa khóa. Ông có thể gọi giúp một chiếc taxi? Bão nhìn những địa danh dán xanh đỏ quanh va-li. Nó chứng minh chủ nhân nó đã từng trải qua lắm di chuyển. Những địa danh xa xăm luôn có sức gợi mở trí tưởng Bão, và thường thì nỗi đe dọa của vùng đất mới luôn bị niềm háo hức tò mò đánh thắng. Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Nếu điều đó đúng, thì Bão luôn là đứa dại khờ. Bão xách hành lý của chị Ngọc lên khi có tiếng còi xe taxi làm hiệu ngoài đường. Đường âm u buổi trưa không nắng. Bão ngồi băng sau với chị Ngọc. Chỉ có Bão hay biết ngày chị đi, chị trốn chạy thầm lặng mọi người. Đó là khuyết điểm của chị, nhưng chị không có cách khác. Chị rất ngại đối đầu với hoàn cảnh làm khó xử những người ở lại, trong đó có người níu kéo có người muốn đẩy chị rời đi. Bão nên giúp chị bằng cách đứng về phía những kẻ xua đuổi.

 

Con đường mãi trôi lui sau, cây cối, nông trại nhà cửa thấp thoáng ẩn hiện sau thảm màu xanh dịu mát của đồng cỏ. Tất cả chúng sẽ trốn vào kỉ niệm nếu ai kia từng ẩn náu sống thở với chúng. Và Bão, mọi thứ đều là cõi tạm, liên hệ lỏng lẻo; và khi anh không thắt chặt một điều gì, anh dễ dàng dứt bỏ chúng, chẳng đắn đo. Người mà Bão muốn trói cột mình lại, chung đường, thì xót xa thay, người ấy đang cố buông thả mọi tạp niệm lui sau, giũ bỏ, đành đoạn không tiếc thương để hướng tới một “cõi tạm” khác. Bão có tâm hồn, chị tin sau này Bão sẽ viết được nhiều truyện hay. Viết một truyện hay, có cần sự trợ giúp của đối tượng hoặc ngoại cảnh? Tay Bão chợt mát lạnh khi được chị Ngọc nắm. Ấp ủ, mân mê. Bão bồi hồi nhìn xuống đôi bàn tay đã biến dạng vì nghề nghiệp. Nước nóng, dầu mỡ, lọ nồi, vết dao… lưu dấu lên da thịt những vết xước khó gội rửa. Chị Ngọc đi rồi, đôi tay này sẽ hết còn vọc tới giấy bút. Bão rướn người để rút xấp giấy khỏi túi quần: Truyện này để chị đọc khi đã yên vị trên máy bay. Chị Ngọc đón nhận, có vẻ cảm động. Chị thật tệ, đã hơn ba lần nhận quà Bão cho và chưa làm được một điều gì gọi là hoàn trả. Bão nhắc lại ý định cũ. Sao chị không cho Bão theo, chị ngại làm khó xử những kẻ ở lại kia mà? Bão biết chị đi đâu không? Thời du học bên Pháp, chị có quen một bà soeur. Bà là người giúp chị không ít trong việc học hành đỗ đạc. Chị quyết định trở lại bên đó để giúp bà trông coi một tu viện nhỏ. Một tu viện, làm sao Bão có thể theo cùng?

 

Xe dừng ở phi trường, khu vực dành cho những lữ hành có chuyến bay xa, quốc tế. Quang cảnh làm Bão nhận ra nỗi tái tê luôn trao gửi tới mọi cuộc biệt ly. Chị Ngọc làm thủ tục gửi hành lý, đổi vé lên tàu và cúi người đi theo những bảng hiệu chỉ dẫn. Tới Paris, chị còn phải lấy vé xe lửa xuôi về miền nam nước Pháp, lộ trình mất hơn nửa ngày đường, đi một mình kể cũng… Bão thấy chị gắng gượng vượt nỗi khổ tâm vừa ùa tới. Chị tặng Bão chiếc nhẫn này nhé. Bão sẽ nhớ chị ở tay đeo cũng như chị sẽ nhớ Bão ở hai cái truyện ngắn. Ngón tay Bão lớn nên chị Ngọc đút nó được vào ngón út duỗi thẳng chết cứng xúc giác. Chị chỉ những vân trắng ẩn hiện trên màu ngọc xanh: Hồi nào nó nhạt nhòa biến mất thì người đeo sẽ gặp vận hên, má chị nói vậy và chị không hên tí nào cả. Ngọc đẹp cũng tùy người mang. Bão nhớ giữ gìn sức khỏe…

 

Những người lố nhố đứng vây quanh ôm nhau hôn từ biệt. Có nụ cười, có mắt hoen. Bão chôn chân với thứ nỗi niềm kỳ lạ ngỗn ngang. Mấy tháng quen nhau, khoảng cách giữa hai người vẫn không đổi cho đến phút cuối một vòng tay ôm chẳng có để từ giã, đẩy rộng thêm ra biên giới. Chiếc áo ấm màu đen phủ trên thân chị Ngọc lẫn xa, chìm nổi nhập nhằng giữa đoàn người xa lạ. Bão nói với theo: Bão yêu chị. Tiếng động cơ của chiếc phản lực nào gầm rú ngoài phi đạo tiếp lời. Một đàng, Bão mong chị Ngọc sẽ nghe ra lời nói cuối; và đàng khác, Bão muốn nó sẽ bị âm thanh cuồng nộ kia nuốt trôi. Bão không còn trông ra chị Ngọc. Cánh cửa cách ly đã đóng kín. Chiếc máy bay nào sẽ giang đôi cánh rộng mang người tôi yêu thương tới chốn xa. Và tôi đứng đây, trần trụi, lẻ loi như một loài chim tật nguyền…

 

Hồ Đình Nghiêm 

 

 

trang hồ đình nghiêm

art2all.net