Lý Quang Hoàn

 

NHỮNG CÁI CHỂT KHÔNG ĐƯỢC BÁO TRƯỚC

 

 

          Sáng nay trời bỗng u ám một cách lạ thường. Trên bầu trời cao là những đám mây xám ngoét như những khuôn mặt người chết vô hồn. Tâm như đang bị ám ảnh bởi những cái chết thương tâm của những nạn nhân trong trận lũ tàn bạo vừa xảy ra ở miền trung Việt nam được đăng tải trên những trang nhật báo mấy hôm nay. Cữ cà phê sáng như mọi hôm trộn với một chút ngậm ngùi làm anh buồn bã và như dật dờ cùng những nạn nhân tội nghiệp, những cái chết không được báo trước, cùng một miền trung gầy gò, ốm yếu, tai ương và lũ lụt hàng năm. Vị cà phê bỗng trở nên đắng chát, ngậm ngùi cho những thân phận không may ở những làng quê trước đây tràn ngập tiếng hát ru con, những lời ca dao trữ tình, những cánh đồng hai mùa ngô khoai, lúa gạo, những con sông, khe suối cũng giúp cho mọi người đi qua những ngày đói kém.

Chợt nghĩ về anh Tư Thanh, Tâm quen biết với anh đã hơn chục năm. Những lần cà phê và nhậu nhẹt cùng anh, anh hay tâm sự trước 75 anh đi quân dịch và sau khoá học được đưa về một đơn vị địa phương quân trú đóng miết tận Khâm đức, được đâu hai ba năm gì đó, đơn vị anh bị phục kích và sau trận đó anh bị cưa mất một giò rồi giải ngũ, về quê làm ăn. Anh sinh sống bằng nghề hớt tóc dạo ở làng và thu nhập cũng không bao nhiêu, sau đó anh quen biết chị Tư, cưới nhau xong chị làm nông, anh hớt tóc dạo cũng đắp đổi qua ngày, họ có với nhau hai thằng cu. . . Sau 75 anh chị bon chen vào Saigòn kiếm ăn bởi vì ở quê mọi thứ đều vào khó khăn, với lại anh là lính chế độ cũ nữa. Bây giờ hai vợ chồng và hai đứa con thuê một phòng trọ nghe đâu miệt quận 12, chồng tiếp tục nghề hớt tóc ở ngã tư Công viên Phần mềm Quang Trung, chị lê la bán trái cây dạo, còn hai đứa nhỏ đi bán vé số cũng lây lất qua ngày. Căn nhà và mảnh vườn nhỏ ở quê, anh chị gửi cho bà ngoại coi sóc. Anh nói vậy mà tụi tui cũng lây lất ở xứ này chục năm bộn rồi chú à.

Thế nhưng sau cơn lũ rồi mọi thứ đều chìm trong dòng xoáy của con nước hung hãn, ngôi nhà và khu vườn nhỏ khang trang được xây dựng bằng số tiền anh chị tằn tiện, chắt mót trong những năm tháng lê la đất Sài gòn bán từng tờ vé số, từng mẹt trái cây, từng cái đầu cái tóc ở Ngã Tư Quang Trung bây giờ đã chìm sâu trong biển nước. Bà ngoại và các cháu con của người chị lớn bên phía vợ anh giờ phải kiếm ăn bằng mọi cách trên các con đường của cái thị trấn nghèo nàn sót lại sau cơn lũ. Vừa rồi anh chị đáp xe đò về quê coi thử mọi chuyện ra sao, " nhưng tất cả đều mất hết, trắng tay rồi chú ơi ", vừa nói anh vừa đưa tay quẹt nhanh những giọt nước mắt ứa ra từ đôi mắt hằn sâu nỗi nhọc nhằn của cuộc mưu sinh, như lời anh tâm sự với Tâm.

 

Lại một ngày trôi qua với những tin tức không vui vẻ gì đối với Tâm. Một người bạn tâm giao văn nghệ vừa mới qua đời vì một cơn nhồi máu cơ tim, một người bạn nữa cùng quê vì không chịu đựng nổi trước cái chết của ba đứa con trai bị lũ cuốn đi trong khi nhà tan cửa nát đã treo cổ trên cây xoài sau nhà. Tình hình thế giới thì vẫn bất ổn, mọi thứ thay đổi và đảo lộn xoành xoạch. Rồi cả chuyến tour vừa rồi Tâm cũng đã trải qua những ngày rất căng thẳng và cũng rất vui với một đoàn cựu chiến binh già, quay lại Việt nam để thăm lại những chiến trường xưa như Thung lũng Hiệp đức ở Quảng nam, A sao, A lưới Thừa thiên Huế, Camp Carole, Charlie. v. . . v. . . . v. . .

Có môt điều hết sức nghịch lý là những ông cựu chiến binh này hầu như đều trên dưới bảy mươi và một số ông đã mắc phải căn bệnh quên " Alzheimer" vì vậy rất cực cho Tâm cứ phải lập đi lập lại những điều mình đã thuyết minh nhiều lần vì các ông không nhớ, thậm chí có ông đã khóc oà lên như đứa trẻ con khi thăm lại thung lũng Hiệp Đức. Khi Tâm giới thiệu nơi này ngày xưa là những hầm chiến đấu cá nhân ( bunker ), nơi kia là sân bay dã chiến, có những ông đã nhặt từng cọng thép gai, từng nắm đất, chiếc vỏ đạn AR15, gói kỹ càng đem về Mỹ làm kỷ niệm.

Có những ông tâm sự với Tâm về nỗi nhục nhã khi quay về Mỹ, đã bị ném cà chua và trứng thối vào người bởi những nhóm phản chiến, bên cạnh đó là sự ghẻ lạnh của bà con thân nhân và bạn bè, có những người đã trở nên hoảng loạn và điên dại đã bị đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị vài năm sau tỉnh táo mới được cho về với gia đình.  

Có những người trở về sau cuộc chiến Việt nam đã không xin được việc làm và phải sống như những kẻ homeless, ngày ngày xin ăn ở ngã tư các giao lộ, tối ngủ gầm cầu hoặc vào các khu dành cho người vô gia cư.

Cảm động nhất là câu chuyện của John, anh cũng như bao người lính Mỹ khác trở về trong đợt Mỹ rút quân 1971. Trước khi lên đường sang Việt Nam, anh cũng có một mái ấm gia đình, vợ anh là y tá cho một bệnh viện tư. Họ đã cho nhau những vòng tay, nụ hôn bịn rịn khi chia tay, nhưng nay khi trở về khi nhìn thấy vợ mình đứng chờ ở sân bay và trên tay là môt đứa bé con của một người đàn ông khác, anh cảm thấy bẽ bàng, chua xót cho rằng mình giống một nhân vật trong phim " Giờ thứ hai mươi lăm " ở châu Âu khi chiến tranh thế giới lần thứ hai xảy ra. John nói, biết hồi đó tao lấy vợ việt nam có lẽ tốt hơn vì theo tao nghĩ đàn bà Việt Nam rất chung thuỷ dù tao chỉ sống và chiến đấu ở Việt Nam có hơn ba năm. Tất nhiên tao cũng đã có một mối tình với một cô gái Việt, cô ấy tên là Lành, quê ở Gò Công đông, nhiều lần tao cất công đi tìm cô ấy nhưng vẫn không có tin tức, tao chỉ giữ được một tấm ảnh chụp cùng cô ấy trước căn cứ Đồng Tâm ở Mỹ tho nhưng tao nguyện sẽ đi tìm cô ấy cho đến khi nào tao không thể đi được. Chuyến tour này là lần thứ ba tao quay lại Việt Nam. Ở Mỹ tao làm việc cật lực dành dụm tiền bạc và cứ mỗi hai năm lại đi tìm cô ấy. Bây giờ cảm thấy hơi yếu rồi, không biết Chúa có cho tao toại nguyện ước mong của mình trước khi đi xa không nữa ?

Lại chuyện của Peterson, ông quay lại Việt Nam lần này là lần thứ hai, mục đích chính là làm từ thiện. Ông chuẩn bị gạo, sách vở, nước mắm, cá khô, đồ chơi cho học sinh để ghé lại những ngôi làng của người Bru Vân Kiều ở gần Khe sanh, nơi ngày xưa ông đã trải qua những ngày tháng chiến đấu, sau nữa là thăm lại căn cứ Chu Lai, nơi những ngày đầu chàng sinh viên của ngôi trường đại học danh giá Harvard đặt chân đến xứ sở nhiệt đới tràn đầy bom đạn và khét mùi chiến tranh.

Hay những câu chuyện khá vui vui của cặp vợ chồng Lee và Rebecca. Lee tham chiến ở Việt Nam chỉ hai năm và khi trở về Mỹ may mắn vẫn còn có Rebecca, người vợ chung thuỷ chờ đợi. Tâm còn nhớ lúc tham quan Hoàng thành Huế khi đến khu Harem, anh giới thiệu với cả đoàn đây là Tam cung lục viện, nơi những cô gái đẹp đươc tuyển chọn vào cung để làm cung phi và phục vụ cho nhà vua, Lee mới hỏi vua Việt Nam thời phong kiến có thể lấy bao nhiêu vợ ngoài hoàng hậu ra. Sau khi Tâm giải thích rõ, Lee hỏi đùa chắc những ông vua của xứ mày rất hạnh phúc lắm hả vì xung quanh luôn là những mỹ nhân ? Tâm hỏi đùa ông ta " Thế còn ông thì sao, ông có hạnh phúc với người đẹp Rebecca của ông không ? " Lee chỉ qua Rebecca : " Hãy hỏi bà ấy, hạnh phúc không thì bà ấy biết chứ ? " Rebecca cười, nụ cười mãn nguyện và kể cho Tâm nghe là từ khi kết hôn cho đến bây giờ, trừ hai năm Lee đi Việt Nam, hầu như mỗi ngày họ đều " làm chuyện ấy " với nhau ít nhất là một lần. Tâm cười cười và nói đùa vậy là hai ông bà hạnh phúc quá rồi còn gì, cưới nhau ngày ông 23 tuổi, nay 67 làm phép trừ đi hai năm chiến đấu ở Việt nam rồi nhân lên cho số ngày trong chừng ấy năm thì sẽ ra số lần hai người hạnh phúc. Tâm kêu thầm : Má ơi ! Quá dữ, mà phải công nhận là tụi nước ngoài rất khoẻ trong đời sống tình dục.
 

***

Một ngày như mọi ngày. . .

Vừa về đến Saigon sau những ngày mệt mỏi, tour va tour. Hết Nam Cát Tiên - Dalat - Nhatrang rồi những cơn mưa tầm tã đổ ào trên những con đường mòn xuyên rừng.  Vắt và máu trộn lẫn với nước mưa...

Ý nghĩ đầu tiên trong anh là em.

Một ngôi trường hẻo lánh ở vùng cao, những buổi tối trôi qua với café âm nhạc, với Cung Tiến, Trịnh công Sơn, những tình khúc cổ điển và đời sống cứ thế trôi đi trong nắng sớm, trong mưa chiều se lạnh và những buổi tối say ngất trời với một tình yêu không thể nào quên. Ta đã biến thành gã đàn ông lãng mạn cuối cùng của thế kỷ này.

Ta thương xót ta cô quạnh, thương người trong cùng một vai diễn kéo dài gần hết một đời người. Cứ thế cuộc đời đã dẫn dắt chúng ta đi vào những ngõ cụt khôn cùng. Ngày trôi qua ngày, đời trôi qua đời, lẫn lộn giữa thực và mộng, rất khó phân định rạch ròi đen trắng như những chuyến đi và về, những cơn say ngất ngưỡng quên cả đất trời, quên cả loài người, quên tất tần tật. Để rồi lúc tỉnh lại là một chuỗi cảm nhận ê chề đau đớn.

Anh đã trải qua những ngày tháng như thế đó, cuộc sống như thế đó, luôn như những ám ảnh không rời.

Sài Gòn và những cơn mưa đêm và mưa đã tạo nên những dòng sông, những dòng sông chạy ngoằn ngoèo giữa phố thị. Sự ồn ào bẩn chật làm mỗi người như dần nhạt nhoà đi trong dòng chảy phù hoa mà không kém phần điêu linh. Sống như nạn nhân của một nền công nghệ mới và làm sao ta có thể tìm lại được một không gian xưa, không gian của những vó ngựa vang vọng rời rạc trong đêm khuya. Làm sao có được những giấc mơ dài ở đó loài người như được siêu thoát, bước ra khỏi cái thế giới hẩm hiu đầy dẫy sự bon chen giả trá này. Thế giới của lòng tham, sự tị hiềm, tiền bạc và chức phận.

 

Tình yêu ư ?

Tình yêu như dòng thác lũ đã cuốn trôi đi tất cả đàn ông và đàn bà, con cái và con đực, đến một bến bờ xa lạ. Liệu có có phải là Thiên đàng hay địa ngục.  Chỉ có trời mới biết...

Tự nhủ mình là hãy sống vui như đã buồn, hãy như những giòng sông, lúc lững lờ êm ái, lúc cuồng nộ, xói mòn và tàn phá bao nhiêu xóm làng. Hãy sống như cây cỏ lặng thinh giữa trời và khoác lên cho cuộc sống một chiếc áo khoác muôn màu muôn sắc cho giống với cuộc đời, giống với mọi người,  để không còn thẩy lạc lõng giữa đám đông xa lạ.

Những dòng sông cô quạnh, lượn khúc quanh những làng mạc phố thị, và những cảnh đời cô quạnh, những cảnh đời trôi nổi không ngừng nghỉ trong cuộc mưu sinh khốc liệt, những dòng sông mà nơi đó tuổi thơ Tâm đã trôi qua lúc cuồng nhiệt, lúc lặng lẽ như cuộc đời anh đã hằng diễn ra. Và ở nơi đó mỗi ngày anh đã chứng kiến những cảnh đời miền trung trôi nổi, dật dờ trên những con phố phù hoa của một Sài gòn thời hậu chiến trong vai những anh, những chị bán vé số, những em bé đánh giày, những cô gái bán hàng rong, những bác phu xe kéo lê đời mình cùng cuộc mưu sinh khốc liệt, để rồi lúc đêm tối về chen chúc nhau trong những chỗ trọ ổ chuột mong đêm qua mau và ngày mai lại tiếp tục quãng đời còn dang dở, để dành dụm chắc móp ít nhiều gửi về quê và ước mong xây lại được một mái nhà khang trang cho ra cái nhà như mọi người, thế nhưng lũ đã cướp đi tất cả, tàn phá tất cả, nhà cửa, vườn tược, người, gia súc, lợn heo, trâu bò, gà vịt trôi nổi dập dềnh trên những con nước độc ác, đục màu phù sa và nước mắt của dân lành.

 

Buổi sáng. Đậm như màu hổ phách của ly cà phê được pha với nỗi buồn sâu lắng trong âm nhạc của Chopin.

Anh không mong ngóng một điều gì.

Ngày mới còn ở phía trước. Không vui không buồn. Lửng lơ. Sự câm lặng như hóa đá. Như một loại khí trơ. 

Nỗi hốt hoảng chạy lòng vòng trên những con phố mà hai bên đường là những hàng quán ngủ quên.

Ngày tháng cũ giờ ở nơi nao ?

Tất cả chỉ còn là những hoài niệm sâu lắng, sâu lắng...

Tôi đã không còn nhận ra mình với ly cà phê đậm đặc, mù sương, với âm vang của Bonjour tristesse sao cứ mãi ám ảnh tôi không ngừng.

Đoạn cuối của một đời người chỉ là một dấu chấm hết. Rồi ai cũng ra đi, mọi người đều ra đi với mớ hành trang chỉ là đôi tay buông thõng không kịp nói lời từ biệt với cuộc đời.

Con đường phía trước sâu hun hút như lòng huyệt mộ.

Hình như đã có một trận mưa lớn vừa đổ xuống thành phố đêm qua.

Người ra đi. Người ở lại. Không kịp nói lời tiễn biệt.

Từng dòng người lũ lượt ra đi... Nơi đó sẽ không còn là niềm vui hay nỗi buồn ? Có lẽ chỉ là những ngậm ngùi, chua xót như nỗi ngậm ngùi ẩn hiện đâu đó trong tâm trạng anh hôm nay. . .


Lý quang Hoàn

10. 2017

 



 

art2all. net