PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

 

Vài Chuyện Quanh Ta

 

THẦY GIÁO

 

 


          Trước khi người Pháp đô hộ nước ta, triều Nguyễn tổ chức thi Hương (lấy tú tài nếu đậu tam trường và cử nhân nếu đậu đủ tứ trường), thi Hội và Đình (lấy tiến sĩ và phân cấp hạng mặc dù dưới triều Nguyễn tước Trạng Nguyên bị bãi bỏ dựa theo nguyên tắc Tam Bất Lập do vua Gia Long đặt ra). Điều đáng ngạc nhiên là không nghe nói đến trường công lập ở các địa phương như tỉnh, phủ, huyện, xã. Trong Lục Bộ (Lại, Lễ, Hình, Công, Binh, Hộ) không có bộ Giáo Dục. Bộ Lễ cáng đáng luôn việc giáo dục (tổ chức thi cử) và ngoại giao (cử phái đoàn sang Trung Hoa triều cống , xin sắc phong hay cầu viện). Điều này cho thấy nước ta vào thế kỷ XIX không mấy quan tâm đến ngoại giao và giáo dục. Ngoại giao là triều cống và giao dịch với Trung Hoa mà thôi. Giáo dục: Không mở trường công lập, không đào tạo thầy dạy học mà mở các cuộc thi tam trường để chọn cử nhân, tiến sĩ ra giúp nước! Xã hội ngàn năm vẫn không thoát ra ngoài cái vòng lẩn quẩn xã hội gói ghém trong câu :

Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa thì quét lá đa.

Pháp chiếm đông tam tỉnh Nam Kỳ năm 1862. Thi hương bãi bỏ ở Biên Hòa, Gia định, Định Tường. Đến năm 1867 ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) bị Pháp chinh phục. Hán học bị bỏ hoàn toàn ở Nam Kỳ. Nó được duy trì ở Bắc Kỳ đến năm 1915 và Trung Kỳ vào năm 1918.

Những nhà trí thức Tây học đầu tiên ở Nam Kỳ là các ông Pétrus Trương Vĩnh Ký, Paulus Huỳnh Tịnh Của, Diệp Văn Cương, Trương Minh Ký. Ở Bắc Kỳ có các ông Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh. Ở Trung Kỳ có các ông Nguyễn Hữu Bài, Ngô Đình Khả, Trần Trọng Kim.

Pháp là quốc gia trọng văn chương nên họ cũng có tư tưởng trọng nễ thầy như người nước ta trọng nễ các thầy đồ ngày xưa. Họ tự hào về École Normale Supérieure (ENS) của họ. Thầy giáo tốt nghiệp ENS chỉ viết danh hiệu khiêm tốn Ancien Élève de l’école Normale Supérieure là đủ. Nếu mạnh hơn thì để Professeur Agrégé, Ancien Élève de l’école Normale Supérieure (Giáo Sư Thạc Sĩ, cựu Học Viên Trường Cao Đẳng Sư Phạm). Người được vào trường này phải qua một kỳ thi tuyển gay go.

Nước ta là một nước nông nghiệp nghèo nàn có quá khứ thuộc địa lâu dài. Dân ta tự hào nước mình có văn hóa ngàn năm. Dù vậy vẫn có câu:

*Học trò đi mò cá sặt,
Thầy giáo ở nhà…

*
Dưa leo chấm với cá kèo
Học trò nghèo đi học normale.

Những câu vè trên gợi lên sự nghèo khó của nghề dạy học.

Xét về quyền uy và quyền lợi thầy giáo không hơn bất cứ nghề nào trong xã hội.

Dưới thời Pháp thuộc thầy giáo các lớp sơ đẳng tiểu học từ lớp đồng ấu (cours enfantin) đến lớp ba (cours élémentaire) chỉ cần có bằng tiểu học và được huấn luyện phương pháp sư phạm trong một thời gian ngắn để ra dạy các lớp sơ đẳng tiểu học. Hàng năm các thầy phải dự các lớp tu nghiệp sư phạm. Vào thập niên 1920, 1930 và 1940 đậu bằng CEPCI cũng khá vất vả. Thi CEPCI gồm có thi viết và thi vấn đáp. Nhiều người đậu xong CEPCI thì cưới vợ và tìm công việc làm. Nhờ có số vốn Pháp Văn thầy giáo sơ đẳng tiểu học cũng được các viên chức xã thôn mến mộ và nhờ viết lập bo (rapport) cho quận trưởng hay tỉnh trưởng. Một sự so sánh giữa bằng CEPCI với bằng tốt nghiệp lớp 5 bây giờ sẽ không ổn chút nào trên các phương diện tuổi tác, kiến thức, kinh nghiệm, điều kiện học và thi cử.

Để được dạy lớp nhì (cours moyen) và lớp nhất (cours supérieur) phải tốt nghiệp trường Sư Phạm (École Normale) hay có bằng Brevet hay Diplôme (DEPSI- Thành Chung). Điều kiện học trường Sư Phạm: có bằng tiểu học, được đậu trong kỳ thi tuyển (concours) vào trường Sư Phạm. Thời gian học là 04 năm, có thể có Brevet Élementaire hay bằng DEPSI tức bằng Thành Chung (Diplôme) hay không có không cần thiết. Các ông Ung Văn Khiêm, Cả Văn Thỉnh, Phạm Văn Chiêu (Đốc Chiêu, thân sinh của Phạm Minh Sĩ- có tên đường Phạm Văn Chiêu trong TP Hồ Chí Minh) là những nhà giáo tốt nghiệp trường Sư Phạm.

Trong thời kỳ đất nước qua phân Việt Nam Cộng Hòa thành lập trường Quốc Gia Sư Phạm. Điều kiện thi tuyển vào trường: phải có bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp hay bằng BEPC. Thời gian học: 03 năm. Một số những vị này được đưa lên dạy các lớp trung học đệ nhất cấp.

Để được dạy các lớp trung học đệ nhất cấp từ 1ère année (đệ thất- lớp 6) đến 4ème année (đệ tứ- lớp 9) phải là người tốt nghiệp École Normale Supérieure Hà Nội (Cao Đẳng Sư Phạm). Điều kiện vào trường Cao Đẳng Sư Phạm: có bằng Diplôme hay Brevet và được chấm đậu trong một kỳ thi tuyển. Thời gian học: 03 năm. Các vị này mang danh hiệu ‘professeur’. Nhà giáo tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội chia làm hai nhóm: a. nhóm khoa học xã hội dạy Văn, Pháp Văn, Công Dân Giáo Dục & Luân Lý, Lịch Sử & Địa Lý. b. nhóm khoa học dạy Toán, Lý Hóa, Vạn Vật. Giáo sư Trần Văn Hương, Hồ Văn Huyên, Tăng Xuân An, Trương Văn Di, Nguyễn Ngọc Cư, Lê Văn Hai… tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội. Ông Trần Văn Hương dạy ở trường Le Myre de Villers ở Mỹ Tho sau về làm Thanh Tra Học Chánh ở Tây Ninh. Số giáo sư đệ nhị cấp người Việt rất ít dưới thời Pháp thuộc. Số này gia tăng vào thập niên 1950 với những vị có cử nhân khoa học, văn chương hay tốt nghiệp ở các đại học ngoại quốc về như các ông Hồ Văn Trực (Lý Hóa, Chasseloup Laubat), Lê Văn Hai (Triết, Chasseloup Laubat rồi Jean Jacques Rousseau), Phan Ngọc Phương (Toán, Pétrus Ký), Phạm Văn Thuật (Anh Văn, Pétrus Ký), Ô. Phối (quên họ) (Lý Hóa, Pétrus Ký), Nguyễn Văn Kiết (Pháp Văn) v.v. Ở các tư thục có các ông Vương Gia Cần, Phan Ngọc Tân (Cả hai đều là kỹ sư Canh Nông). Thái Thị Ngọc Thanh (Anh Văn), Phan Văn Huế (Pháp Văn), Nguyễn Hữu Chỉnh (Pháp Văn), Nguyễn Văn Linh (Pháp Văn) v.v. Theo ông Trịnh Đình Thảo, luật sư Tiến sĩ Luật khoa, luật sư Thái Thị Ngọc Thanh là người giỏi ngôn ngữ nhất ở Đông Dương. Bà nói tiếng Pháp, Anh và Tây Ban Nha trôi chảy và rất chuẩn. Bà không có gia đình và không được nhiều người trong giới luật sư biết đến. Điều lạ là bà giỏi ngoại ngữ nhưng không nói tiếng Việt lưu loát như nói ngoại ngữ!

Tổng thống Ngô Đình Diệm là một nhà hành chánh từng làm quản thủ thư viện triều đình Huế, tri huyện Hải Lăng và tuần vũ Bình Thuận. Khi làm tổng thống ông quan tâm đến giáo dục và hành chánh. Trước khi Đaị Học Sư Phạm ra đời đã có trường Cao Đẳng Sư Phạm trên đường Cộng Hòa. Đại Học Sư Phạm ra đời năm 1958 nhằm đào tạo giáo sư trung học đệ nhị cấp. Ta có Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Huế và Đà Lạt. Đặc biệt Đại Học Sư Phạm có ban Sử- Địa, một môn học không được khuyến khích dưới thời Pháp thuộc. Lịch sử mà học sinh Việt Nam học dưới thời Pháp thuộc là lịch sử nước Gaule, chiến tranh Bách Niên, cách mạng 1789, 1830, 1848, đế quốc La Mã, Byzantine, văn minh Ai Cập v.v. Ở Việt Nam mà học sinh đã thấy sông Seine thơ mộng, vườn Lục Xâm Bảo (Luxembourg) duyên dáng, nhà thờ Notre Dame de Paris cao ngất và đã nghe tiếng reo hò khi phá ngục Bastille. Quả tình chánh phủ Ngô Đình Diệm khuyến khích giáo dục khi cho chỉ số lương khởi điểm của giáo sư tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm là 470 so với chỉ số lương khởi điểm của các phó đốc sự tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh là 430. Giáo sư đứng lớp phải ăn mặc chỉnh tề. Đó chỉ là sự khích lệ tinh thần cho thầy giáo mà thôi. Trên thực tế ta có công thức nghịch như sau: chỉ số lương 430 > 470.

****

Quốc gia nào trên thế giới cũng biết giáo dục quan trọng và là nền móng của sự phát triển quốc gia. Nhưng ở bất cứ nơi nào trên thế giới thầy giáo là những người chịu thiệt thòi nhiều so với những người đồng trình độ học thức. Đối với chánh phủ xây cất trường không tốn kém bằng trả lương cho thầy giáo, một lực lượng trí thức có mặt khắp nơi trong nước chỉ kém quân số của bộ Quốc Phòng mà thôi. Thầy giáo là gạch nối giữa giới thượng lưu trí thức và các nhà phú hộ và giới bình dân nghèo dốt. Nhiều thầy giáo chán nghề cho rằng đó là nghề bán cháo phổi nên tìm cách chuyển sang nghề hành chánh vừa có quyền uy vừa có nhiều lợi lộc. Tỷ lệ thầy giáo trong các đảng phái cách mạng như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, đảng Cộng Sản Đông Dương rất cao. Ngoại trừ những người giàu có học hành suông sẻ và đạt học vị cao và có địa vị quan trọng trong xã hội, nghề dạy học tạo sự sống cho đa số những người có tinh thần cầu tiến trong xã hội Việt Nam. Hồ Chí Minh, Trần Phú, Tôn Quang Phiệt, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp, Hồ Văn Mịch, Vũ Hồng Khanh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Ngọc Huy…đều trải qua nghề dạy học. Đông Kinh Nghĩa Thục, trường Thăng Long, trường Huỳnh Khương Ninh, trường Lê Bá Cang, trường Chi Lặng …. là nơi cung cấp nguồn sống và môi trường hoạt động của các nhà giáo cách mạng thuộc nhiều khuynh hướng chánh trị khác nhau.

Ít có nhà giáo nào mập mạp hồng hào. Điều đó cho thấy đời sống vật chất khiêm tốn của các nhà giáo qua các thời đại. Người không yêu nghề cảm thấy nghề dạy học nghèo khổ và bạc bẽo. Cảm nghĩ nào cũng phản ảnh phần nào sự thật và mặt tiêu cực của nghề nghiệp. Suy cho cùng nghề nào cũng có sự buồn tủi của nó. Cái đẹp của bất cứ nghề nghiệp nào là chu toàn công việc của mình một cách hoàn mỹ mà đừng trông đợi sự báo đáp.

Thầy giáo dưới thời Pháp thuộc lãnh lương vài chục đồng piastres mỗi tháng nhưng vẫn sống thoải mái và có thể nuôi con cái ăn học và giúp đỡ cho các thân nhân trong dòng họ. Tuổi hưu trí dưới thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng Hòa là 55. Người hưu trí dưới thời Pháp thuộc được lãnh hưu bỗng hàng tháng tương đương với tiền lương tháng trước khi hưu trí nếu có đủ 30 năm thâm niên công vụ. Lương tháng của thầy giáo tốt nghiệp Đaị Học Sư Phạm dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa là $7,900. Giá một lít xăng là $5 và giá một tô phở ở Sài Gòn là $5. Thời ấy ông Nguyễn Ngọc Thơ là bộ trưởng bộ Kinh Tế. Ông Thơ là một đốc phủ sứ. Ông là một nhà hành chánh hơn là một nhà kinh tế nhưng với sự liêm khiết và tấm lòng thực tâm phục vụ của ông kinh tế Việt Nam Cộng Hoà tương đối ổn định mặc dù an ninh bắt đầu bất ổn ở nông thôn về đêm.

Tôi chắc chắn người đọc không khỏi ngạc nhiên và hoài nghi khi đọc đến chuyện người Pháp thuộc địa cũng tôn trọng thầy giáo và trân quí học trò. Thầy giáo có đời sống ổn định với tư cách là một công chức thuộc địa. Không một thầy giáo nào phải vất vả làm thêm 02, 03 công việc mới đủ sống. Học trò không phải trả tiền khi đi đò hay đi xe đò. Trường có cantine miễn phí cho học sinh. Những người ở tỉnh xa được đậu vào trường Petrus Ký hạng cao được cấp phòng ngủ, ăn cơm miễn phí trong trường. Những người xuất sắc được cấp học bổng sang Pháp học như trường hợp ông Tạ Thu Thâu, Lê Văn Thời v.v. Vào thập niên 1990 chánh phủ Paris sẵn sàng dung chứa hai ông Nguyễn Mạnh Tường và Trần Đức Thảo chỉ vì mến tài của hai ông ấy chớ không để ý đến việc hai nhà trí thức này ở chiến tuyến khác chống lại Pháp trong chiến tranh Việt- Pháp vừa qua. Trước đó trên 40 năm họ không hành hạ ông Nguyễn Ngọc Bích sau khi bị bắt vì đứng trong hàng ngũ Việt Minh. Ho mến tài của ông khi học Grande Ecole ở Pháp. Ông Bích sang Pháp, bỏ nghề cũ để học y khoa và trở thành bác sĩ. Một việc làm có vẻ đơn giản nhưng cực kỳ khó. Vậy mà chỉ tóm lược có mấy hàng chữ!!

Không có nghề nào trên thế giới có nhiều ngày nghỉ như nghề dạy học dưới thời Pháp thuộc. Thầy giáo dạy tiểu học được nghỉ 02 ngày trong tuần (thứ năm .<.Jeudi.>. và chúa nhật .<.Dimanche.>.). Một năm có 52 tuần lễ. Vậy thầy giáo có: 52 x 2: 104 ngày nghỉ hàng tuần trong năm. Thầy giáo có 03 tháng nghỉ hè có lãnh lương đầy đủ (nếu dạy trường công), 03 tuần nghỉ lễ Paques (Phục Sinh); 02 tuần lễ nghỉ Tết; 01 tuần lễ Giáng Sinh (Noel) và các ngày lịch sử khác như ngày đình chiến (11-11), lễ Hai Bà Trưng v.v. Tính ra thầy giáo có ít ra 240 ngày nghỉ trong năm nhưng được lãnh lương đầy đủ.

Về mặt xã hội quần chúng không chê, không khinh các thầy giáo vì nghèo. Đó là nghề tương đối ít đụng chạm nhất mặc dù cũng có vài dư luận về sự độc ác của thầy giáo ngày xưa như thầy giáo bắt học sinh chụm tay lại rồi khẻ bằng thước bảng! Nào là bắt học trò phải quì gối trên xơ mít đầy gai. Ghê gớm hơn là quì trên vỏ sầu riêng gai cứng và nhọn! Những dư luận ấy mô tả thầy giáo như những nhân viên phòng khảo vậy. Rất may là những dư luận tệ hại này không được người có chút lý trí đón nhận. Chuyện dễ hiểu là thầy giáo đi dạy học, đi kiếm đâu ra xơ mit hay vỏ sầu riêng để hành hạ học trò mỗi ngày? Còn bỏ tiền ra mua thì chắc các vị ấy làm không nổi vì lương chỉ đủ sống đâu có dư giả để mua xơ mít! Nên nhớ rằng sầu riêng và mít đều có mùa chớ không phải lúc nào ra chợ cũng có. Nếu có, phải mua bao nhiêu vỏ mít hay vỏ sầu riêng mỗi ngày để hành hạ học sinh?

Việt Nam là quốc gia có chiến tranh dai dẳng nhất vào thế kỷ XX sau khi đệ nhị thế chiến chấm dứt. Chiến tranh càng leo thang, đời sống vật chất và tinh thần càng suy sụp. Dù vậy học đường và trường thi ở miền Nam Việt Nam vẫn chưa đến nỗi hỗn loạn như thời vua Lê chúa Trịnh.

Sau năm 1975 đời sống của thầy giáo càng thê thảm hơn. Tân chế độ ra vẻ như tôn kính thầy giáo bằng cách cử hành ngày Quốc Tế Nhà Giáo (20-11) hàng năm và tỏ ra ca ngợi và an ủi thầy giáo bằng câu: Không tượng đồng bia đá nhưng cũng vẻ vang. Một số thầy giáo của chế độ cũ bị cho nghỉ việc. Một số được lưu dụng nhưng không đủ sống nên cũng xin thôi việc. Một số khác vượt biên. Giã từ quê hương! Giã từ học đường!

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 

 

Trang Phạm Đình Lân

art2all.net