PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

 

TÔI ĐẾN VỚI CHÂM CỨU TRỊ LIỆU

 


Lời nói đầu: Có nhiều người quen và các môn sinh cũ ngạc nhiên khi thấy tôi nói về châm cứu và thảo mộc hay động vật vì ai cũng biết tôi là một thầy giáo dạy những môn học mà học trò ngao ngán và người đời cũng không muốn nghe. Bài viết này không có mục đích cao xa nào ngoài việc cho các thân hữu biết rõ nguồn gốc câu chuyện dẫn tôi đến với châm cứu trị liệu.

 

 

          Tôi là một trong những người cuối cùng thuộc thế hệ chịu ảnh hưởng của giáo dục Pháp ở Việt Nam. Tôi thán phục khoa học và kỹ thuật Tây Phương, thích thú với cách mạng 1789, văn chương, thi phú lãng mạn của Pháp vào thế kỷ XIX. Tôi khao khát muốn biết nhiều về lịch sử Việt Nam. Đó là lý do thúc đẩy tôi trở thành thầy giáo dạy lịch sử và địa lý sau này. Thú thật tôi ít quan tâm đến văn hoá Trung Hoa ngoại trừ lịch sử và địa lý nước này. Khi dạy học tôi điều chỉnh sự suy nghĩ của mình. Tôi tự nghiên cứu về Tử Vi học và thấy môn học này không có gì khó khăn đối với tôi. Là người có đức tin Thiên bẩm tôi không muốn đi xa hơn trong việc tìm hiểu về sự an bài bí mật của bộ máy Trời. Như người lái xe đang chạy trên đường trơn tru bỗng đạp thắng cho xe ngừng lại đột ngột vì không muốn chiếc xe đến địa điểm định đến chỉ vì sự tò mò của một người ham muốn trau dồi sự hiểu biết của mình nhưng vô tình tiết lộ bí mật của bộ máy Trời.

Về việc chữa trị bịnh tôi tin tưởng vào hiệu năng trị liệu của Tây Y. Tôi không hề để tâm đến châm cứu trị liệu. Thực tế phương pháp trị liệu này cũng gặp nhiều thăng trầm ngay tại Trung Hoa. Châm cứu chỉ phục vụ cho vua, quan mà thôi. Câu: Vạn Bịnh Nhất Châm có giá trị vào buổi bình minh của văn minh nhân loại và chỉ có giá trị tương đối trong thời đại chúng ta.

Tại Việt Nam, trên thực tế, châm cứu rất xa lạ với đại đa số quần chúng. Phương pháp chữa trị dân gian ở nước ta trong quá khứ là cắt, lể, giác, nẻ, xông, hơ. Về thời gian và sự nghiên cứu châm cứu trị liệu ở Việt Nam đi sau Hoà Lan, Anh và Pháp ít ra trên hai thế kỷ mặc dù Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hoá Trung Hoa. Vậy trong trường hợp nào tôi lại đến với châm cứu trị liệu?

Sau ngày 30 - 04 - 1975 tôi không được tiếp tục nghề dạy học khiêm tốn mà tôi yêu thích. Suốt gần cả năm trường bị cảm ơn nhưng tôi vẫn đạp xe đi Sài Gòn mỗi ngày để dối gạt vợ con và chánh quyền địa phương rằng tôi vẫn được chánh quyền mới lưu dụng. Vào buổi giao thời của hai chế độ cũ- mới thường xảy ra những hục hặc trong các gia đình ở miền Nam Việt Nam. Vợ chồng một thầy giáo tại địa phương nơi tôi sống gây gỗ nhau. Tôi và ông thầy giáo này biết nhau nhưng không thân. Không biết vì sao ông thầy giáo đem một bao đồ đến gởi ở nhà tôi. Tôi không buồn biết cái bao ấy đựng cái gì. Đó là một sự bất cẩn đáng trách của tôi. Rất may là không có chuyện bất lành gì xảy ra. Để lấy lòng tôi ông thầy giáo để một quyển sách Châm Cứu của Thượng Trúc trên bàn của tôi.

Ông thầy giáo nói:

- Anh đọc cuốn sách này đi. Tôi biết anh không làm thì thôi, đã làm thì hơn tụi tôi nhiều.

- Tôi đang phế bỏ võ công. Cái tôi biết, tôi phải vất đi. Bây giờ đi tìm hiểu cái mới làm gì? Người ta học có thầy còn không thành tôi làm sao hiểu được nếu không có thầy đây?" Tôi nói.

- Với trí nhớ và sự thông minh của anh, tôi bảo đảm anh hiểu." Ông thầy giáo nói.

Đó là những lời thuyết phục của ông thầy giáo. Mỗi tuần ông đến thăm bao đồ đạc và thuyết phục tôi đọc cuốn sách Châm Cứu trên bàn. Tôi vẫn giữ lập trường tự phế bỏ võ công của mình một cách bi quan và thụ động. Thất nghiệp, bị tân chánh quyền dòm ngó, điều tra và bị đe doạ đưa đi kinh tế mới thì còn tâm trí gì để đọc sách và nghiên cứu chuyện này, chuyện nọ.

Cuốn sách vẫn được để trên bàn và được quét bụi mỗi ngày nên vẫn sạch sẽ như trước. Đến khi ông thầy giáo nhắc nhở tôi lần thứ năm thì tự nhiên một ý lạ nảy ra trong đầu tôi: Có phải chăng Thượng Đế xui khiến người này đến thuyết phục tôi học một chuyện mới? Anh có lợi gì mà thuyết phục tôi đọc cuốn sách? Dù tôi có đọc cuốn sách hay không cũng không ảnh hưởng gì đến việc anh gởi một bao đồ đạc trong nhà tôi.

Nghĩ vậy tôi bắt đầu muốn đọc cuốn sách Châm Cứu. Tôi không hiểu gì cả. Mọi sự đều rối bời. Lạ thay! Tôi không nản lòng. Trái lại tự tìm cho mình cách hiểu nội dung của cuốn sách. Tôi tự vẽ thân thể người ta, định vị trí của các huyệt, cách tìm huyệt, ý nghĩa và công dụng của các huyệt v. v. Từ đám mây đen của sự u tối trong tâm về vấn đề đang học hỏi tôi bắt đầu có sự thích thú vì đã loé chút ánh sáng. Sau hai tuần tôi nói chuyện châm cứu khá rành rọt từ cách tìm huyệt, ý nghĩa và việc chủ trị bịnh của từng huyệt. Đây là lúc ông thầy giáo muốn lại cuốn sách. Tôi không một thoáng buồn hay trách ông ta vì tôi thực sự không muốn biết thêm phương pháp trị liệu này. Do đó có sách thì đọc cho biết. Không có cũng chẳng sao đối với người đang tự phế bỏ võ công như tôi.

Ông thầy giáo vừa ra khỏi nhà tôi với cuốn sách mà ông để trên bàn tôi gần 03 tháng thì lối nửa giờ đồng hồ sau anh cả tôi từ Sài Gòn ghé nhà tôi trên đường về quê nội lo việc đồng áng. Tôi thuật chuyện trên cho anh tôi nghe. Anh tôi nói:

- Tuần tới anh về Sài Gòn và đem cho chú đủ sách Châm Cứu kể cả đồ hình.

- Anh làm gì có sách Châm Cứu? Tôi hỏi.

- Hồi đó anh có học Châm Cứu với Diệp Cẩm Huê ở Chợ Lớn. Chú nói anh không có tay phục dược và không có số giữ tiền nên anh bỏ học!  Anh cả tôi nói.

Chiều hôm đó Khưu Quang (hiện ở Philadelphia), một học sinh người Hoa, tặng tôi vài cuốn sách về Đông Y mà em mua ngoài vỉa hè Sài Gòn- Chợ Lớn khi đi bổ hàng. Lúc ấy 1 tiền mới (trị giá 500 tiền VNCH) có thể mua vài chục cuốn sách có giá trị bị truy quét vì bị xem là tàn dư văn hoá Mỹ- Ngụy.

Trưa ngày hôm sau ông Cảnh (Nguyễn), chủ một nhà thuốc Tây ở địa phương, đến nhà và tặng tôi 03 quyển sách về Châm Cứu, gỗ kim hoa mai v. v.

Ông thầy giáo vừa lấy lại một cuốn sách thì tôi có gần 10 quyển khác nhau về Châm Cứu và Đông Y. Trong chuyện này có ba điều lạ:

1. Anh cả tôi đến nhà ngay sau khi ông thầy giáo lấy lại cuốn sách mà ông đã 05 lần thuyết phục tôi nên đọc. Tôi không biết anh cả tôi có học Châm Cứu ở Chợ Lớn và không ngờ anh bỏ cuộc chỉ vì lời nói của tôi.

2. Khưu Quang cho tôi sách vì thấy sách rẻ và biết tôi là người ưa đọc sách chớ không biết gì về chuyện ông thầy giáo lấy lại cuốn sách và việc tôi đang nghiên cứu Châm Cứu. Vài tháng sau tôi chữa dứt bịnh suyễn của em.

3. Cảnh (Nguyễn) chưa quen tôi. Đây là lần đầu tiên ông ấy đến nhà tôi và cho sách. Những quyển sách đó liên quan đến Đông Y và Châm Cứu.

Ba sự ngẫu nhiên ghi trên như nhắc nhở tôi rằng tôi phải đeo đuổi công việc đang làm. Trước tiên nó sẽ hữu ích cho sức khoẻ của tôi và những người trong gia đình. Sau đó tôi sẽ có cơ hội giúp ích cho những người khốn đốn và đồng cảnh ngộ với tôi. Tôi say mê nghiên cứu Châm Cứu đến nỗi vợ tôi bực mình vì tôi không quan tâm đến công việc trong nhà. Tâm, một cháu họ gọi tôi bằng ông, đến nhà chơi và thấy tôi ngồi đọc, vẽ, tìm huyệt. Cháu khoe:

- Ông sáu cần kim châm cứu không? Mẹ con có nhiều lắm. Con về nói mẹ con cho ông sáu một ít để xài.

Mẹ của Tâm lớn hơn tôi 10 tuổi nhưng gọi tôi bằng cậu theo vai vế trong dòng họ. Cô học lớp y tá dưới thời Pháp thuộc trên đường Thévenet sau này là đường Tú Xương. Cô được gọi sang Copenhagen, thủ đô Đan Mạch, học về vật lý trị liệu. Không biết vì sao cô có kim châm cứu để cho tôi. Đó là phương tiện châm cứu đầu tiên mà tôi có. Khoảng năm 1980 Tâm và mẹ vượt biên và định cư ở Sydney, Úc Đại Lợi.

Tin tôi nghiên cứu Châm Cứu loan đi rất nhanh trong số những người quen của tôi. Vài người quen đến nhà tìm hiểu xem có đúng như lời đồn hay không. Khi tiếp xúc với tôi người nào cũng hỏi tôi cần cái gì để họ hỗ trợ. Tôi cho biết tôi chưa cần gì vì còn tập tễnh trong việc tự học một phương thức trị liệu hoàn toàn xa lạ với tôi và không được tôi lưu ý đến trước đó. Tôi chỉ có những nhu cầu tầm thường để bắt đầu cuộc chữa trị thí nghiệm qua chính bản thân tôi. Tôi cần thêm một số kim châm cứu và cồn để khử trùng.

Nhu cầu khiêm tốn của tôi được người quen thoả mãn dễ dàng.

Một người quen khuyên tôi nên thận trọng với chánh quyền địa phương. Họ có thể lợi dụng cơ hội này để làm khó dễ tôi với những câu hỏi có thể có như: Tại sao tôi nghèo lại chữa trị người bịnh không lấy tiền? Cạnh tranh ảnh hưởng với nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa? Tôi có giấy phép hành nghề châm cứu không? v. v. Tôi có nghĩ đến những tình huống xấu này nhưng lại quên đi vì tôi bắt đầu say mê trong việc tìm hiểu và thực thi phương pháp trị liệu đơn giản này.

Lệ, con gái của người láng giềng của tôi, là người đầu tiên được tôi chữa bằng Châm Cứu trị liệu. Lệ nói với tôi:

- Con bị nhức đầu mỗi buổi sáng sau khi thức dậy. Nhờ cậu sáu chữa giùm con.

Tôi chữa cho Lệ vài ngày thì cháu thấy chứng nhức đầu buổi sáng không còn nữa. Lệ vui mừng nói cho cả xóm biết ngoại trừ mẹ tôi vì cháu đinh ninh mẹ tôi là người biết trước nhất.

Người thứ hai là Quan, một học sinh gốc Hoa. Em đến nhờ tôi chữa chứng mất ngủ. Cha của em trước kia là chủ một lò ép dầu. Sau năm 1975 ông cất cồn. Ông trở thành người giúp tôi có đủ cồn để châm cứu sau khi biết tôi chữa cho Quan khỏi chứng mất ngủ. Ông trách khéo tôi: " Ông châm như thế nào mà thằng Quan ngủ đến nỗi trộm vào nhà, chó sủa vang mà nó không hay!."

Có thầy chữa bịnh thì có người bịnh. Lệ loan tin quá nhanh khiến cả xóm đều hay. Một người bà con của Lệ làm trưởng khu nói với người nhà ông Nguyễn Văn Lòng đến nhờ tôi chữa giùm ông. Ông Lòng bị stroke nằm mê man trên giường cả tháng, không nói được cũng không biết đói và khát nước. Gia đình tuyệt vọng nên rước thầy tụng đến nhà tụng cho ông sớm về cõi Phật. Ông vẫn chưa chết nhưng trong trạng thái mê man, hơi thở thoi thóp. Rể của ông là Bảy ( Võ), bạn ấu thời của tôi, đến nhà trình bày tình trạng của ông nhạc của anh và nhờ tôi đến nhà để chữa giùm ông nhạc của anh.

Là thầy thuốc bất đắc dĩ, tôi nghĩ đến trách nhiệm mà rùng mình. Tôi van xin Bảy cho tôi được ân huệ không chữa bịnh của ông nhạc của anh. Tôi nói:

- Bảy ơi! Mày biết tao có học nghề chữa bịnh hồi nào đâu mà gặp trường hợp quá nghiêm trọng của ông nhạc mày làm sao tao dám chữa? Lỡ có mệnh hệ gì tao có trách nhiệm với gia đình mày và với chánh quyền. Tao bây giờ đủ khổ rồi. Xin đừng để cái khổ gia tăng. Tạo chịu hết nổi rồi.

- Mày làm ơn giúp giùm ông nhạc tao. Nếu ông qua đời thì cũng hiểu được. Mày không có trách nhiệm gi đâu. Bảy nói.

- Bảy à! Chuyện không đơn giản như mày tưởng khi chuyện xấu chưa xảy ra. Tôi nói.

- Tao đến mày do lời khuyên của anh trưởng khu. Mày sợ chuyện không hay xảy ra. Tao mời trưởng khu đến chứng kiến và hứa trước mặt trưởng khu gia đình không gây phiền toái gì cho mày nếu trường hợp xấu nhất xảy ra. Mày yên tâm đi đến nhà tao chữa trị giùm ông nhạc của tao. Bảy cố nài nỉ.

Tôi chuẩn bị mọi thứ cần thiết như kim khử trùng, cồn, bông gòn để đến nhà Bảy. Ông Lòng nằm bất động. Vợ Bảy nói đủ điều về bịnh trạng của ông Lòng giống như Bảy đã nói với tôi. Tôi vừa châm huyệt Dũng Tuyền thì chân ông giật nhẹ và ông nói: " Đau! " Tôi cười và nói: " Tôi chờ ông nói như vậy đó!" Cả nhà lộ vẻ vui mừng khi nghe và thấy như vậy.

Ngày hôm sau bốn người dìu ông đến nhà tôi. Gặp tôi ông gật đầu chào chứng tỏ ông bắt đầu có nhận thức trở lại. Đến lần châm trị thứ tư tôi ngạc nhiên thấy ông đến nhà tôi một mình. Sau đó ông không đến nữa. Vài ngày sau ông đến nhà tôi với một nãi chuối như vật đền ơn thầy dạy học hay thầy thuốc ở nước ta thời tiền Tây thuộc.

Báo Sông Bé đăng tin này dưới đề tựa Những Cây Kim Làm Cho Người Câm Nói Được. Chuyện này đối với tôi như một giấc mơ huyền diệu. Cùng lúc ấy một trường hợp tương tự xảy ra ở Pháp và được ông Nguyễn Tài Thu, Viện Trưởng Viện Châm Cứu ở Hà Nội, chữa khỏi. Tên của tôi nằm bên cạnh tên của ông Nguyễn Tài Thu tựa như Thằng Gù Quasimodo ở Nhà Thờ Notre Dame bên cạnh tiên nga Esmeralda.

Bài báo như một quả bom nhỏ tại một thành phố nhỏ. Gọi là trái bom nhỏ vì ít ai đọc báo địa phương nên số người biết tin cũng giới hạn. Trong số người không biết tin này có mẹ của tôi. Một thầy giáo gốc Hoa dạy Lý Hoá ở Rạch Giá là bạn của các học trò gốc Hoa của tôi ở địa phương nên cũng gọi tôi bằng thầy chạy lên nhà và hỏi tôi: " Thấy báo đăng tên người châm cho ông Lòng nói lại được giống tên thầy. Có phải là thầy không?" Tôi xác nhận đó là tên của tôi. Anh ấy vui mừng và nói: " Thầy có khác!."

Từ đó ngày nào tôi cũng có một số bịnh nhân từ các nơi đến nhờ tôi chữa trị. Các cựu quân nhân chở than củi, chén, lu hũ nhờ tôi chữa chứng đau lưng. Than củi được chở từ Bến Cát, Chơn Thành về Sài Gòn bán lén lút. Chén, lu, hũ được chở từ Lái Thiêu đem bán ở các tỉnh miền Tây. Người thì bị bắt mất cả vốn liếng lẫn xe đạp. Người bị bắn chết vì bỏ chạy khi bị du kích, công an hay thuế vụ chặn bắt. Có người chết vì kiệt sức khi chở lu, hũ, chén xuống đồng bằng sông Cửu Long vừa lao lực nặng nhọc vừa thiếu ăn. Có người bị xe cán chết vì ngủ trên Quốc Lộ 4. Các chị đốn mía ở Phú Long, Vĩnh Phú nhờ tôi chữa chứng đau nhức và xụi tay. Một người bạn dạy đại học Cần Thơ (gs H. H. Hùng) phải đạp xe đạp từ Sài Gòn lên Lái Thiêu nhờ tôi chữa chứng đau cổ không xoay sang trái hay phải được. Anh khỏi hẳn sau hai lần chữa trị. Có rất nhiều trường hợp đặc biệt không thể ghi lại đầy đủ trong bài viết ngắn ngủi này. Tôi xin kể hai trường hợp để bạn đọc suy gẫm:

1. Một sư cô tu trong một Phật tự trên núi Châu Thới đến gặp tôi với một cánh tay đau nhức và bại liệt không tự mặc quần áo được. Bà bị chứng này gần ba năm. Bà là chị thiếu tá A quen biết với tôi hiện sống ở Houston, Texas. Qua lời giới thiệu của một người đốn mía ở Phú Long, Bình Dương, bà đến nhờ tôi chữa cánh tay bại xụi của bà. Sáng ngày hôm sau bà đến cảm ơn tôi và vội vã ra bến xe Lambretta để về chùa trên núi Châu Thới. Tôi hỏi bà sao không ở lại vài ngày để tôi chữa cho cánh tay khỏi hẳn. Bà đưa cánh tay thẳng lên và nói: " Tôi hết bịnh rồi!" Bà cảm ơn tôi và chào tôi rồi vội vã ra bến xe về Dĩ An vì nếu trễ sẽ không có xe.

2. Ông P. V. Trang (1) là một tín đồ Thiên Chúa Giáo xuất thân từ một gia đình giàu có, có học và có tiếng tăm ở miền Trung. Ông rất giỏi sinh ngữ. Ông là chồng của một dì họ của tôi. Ông sống ở quê vợ và làm việc ở Sài Gòn suốt 30 năm nhưng ông không biết tôi và cũng không có dịp gặp tôi lần nào. Ông đến với tôi sau khi đọc bài báo vừa kể. Lúc ấy ông đã già và bị điếc rất nặng. Ông than với tôi rằng ông thèm nói tiếng Pháp quá! Ông đến với tôi để tìm hiểu về châm cứu đồng thời nói vài câu tiếng Pháp cho đỡ buồn. Ông Trang và tôi trở thành Bá Nha- Tử Kỳ. Hình như tôi là người biết rõ những gì mà ông nói về những biến cố lịch sử mà ông tham gia năm 1925 ở Hà Nội, cuộc hành trình của ông từ tỉnh sinh quán Phú Yên ra Huế, Thanh Hoá, Hà Nội rồi vào Sài Gòn nơi ông gặp người dì họ của tôi khi ông cổ xuý cả nước dùng hàng nội hoá. Tôi cho rằng ông Trang có cái nhìn về châm cứu không khác cái nhìn của tôi trước năm 1975 bao nhiêu. Ông nhờ tôi chữa cho ông chứng táo bón. Ông có vẻ tin tưởng sau khi bộ máy tiêu hoá của ông hoạt động bình thường ở tuổi 82. Ông hỏi tôi chữa được chứng lãng tai không. Tôi không dám khẳng định vì chưa gặp trường hợp này lần nào. Nếu lãng tai vì rách lá nhĩ thì đành chịu. Nếu vì già, thận yếu gây ù tai, lãng tai thì thử xem sao chớ tôi không dám nói trước kết quả. Ông sẵn sàng để cho tôi chữa thí nghiệm. Đó là cơ hội tốt để ông được gần tôi để nói chuyện. Một kết quả bất ngờ đã đến sau 35 ngày chữa trị. Tai ông nghe lại bình thường. Ông Trang vui mừng kể lại rằng khi châm đến ngày thứ tư ông nghe trong tai ông có tiếng nổ như tiếng trống. Ông mừng thầm vì biết chứng lãng tai của ông có thể chữa được. Ông nghe lại được ba năm thì mất. Ngày ông mất là ngày tôi chuẩn bị vượt biên. Cho đến cuối cuộc đời ông có hai điều mãn nguyện:

a. tai điếc nghe lại được

b. nghe điếu văn do tôi viết và đọc trước linh cửu của ông trước khi tôi rời khỏi quê hương đúng theo ước nguyện của ông khi còn sống.

Ông mất. Tôi rời khỏi quê hương. Hai sự kiện này như là câu trả lời về sự thắc mắc của ông khi còn sống: " Ông là cháu của vợ tôi. Tôi sống ở đây 30 năm. Nhà ông cũng ở đây. Tại sao đến bây giờ tôi mới biết ông?"

Vạn sự do Thiên định. Dưới tuyền đài chắc ông hài lòng với câu trả lời của người tri âm, tri kỷ mà ông hay gọi là tôn sư mặc cho sự nài nỉ, yêu cầu của tôi xin ông đừng gọi như thế có hại cho an ninh bản thân tôi. Ba mươi năm gần nhau vẫn không gặp. Gặp nhau chỉ ba năm đã vội xa nhau. Ông vĩnh viễn nằm trong lòng đất trong đất Thánh xã Bình Nhâm. Tôi sống xa quê hương hàng chục ngàn dặm. Tôi nhìn quê hương qua nước mắt. Tôi thấy ông qua những câu văn vụng dại khi tuổi đời vào buổi hoàng hôn. Châm cứu trị liệu đã kết nối ông và tôi. Nhưng trên thế gian không có gì trường cửu. Chuyện Hợp- Tan là định luật bất biến trong tuần hoàn vũ trụ.

 

PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.


(1) Năm 2008 tôi và Lê Quang Thành đến Rochester thăm gia đình Dzung Đỗ. Phu quân của Dzung Đỗ là Nguyễn Xuân Sơn biết rõ về Ô. P. V. Trang tức P. K. Trai và nhà thuốc Tây của ông ở Thanh Hoá. Anh Sơn cho tôi xem ảnh chụp của người em gái của ông Trang, một nữ tu sĩ Thiên Chúa Giáo ở Thanh Hoá.

 

 

Trang Phạm Đình Lân

art2all.net