PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

 

VÀI DÒNG VỀ MỘT NGƯỜI CHA


Lời nói đầu: Tôi không có ý định viết về Mẹ và Cha tôi vì nghĩ rằng điều tôi nói ra cũng giống như những người khác đã nói về cha mẹ mình. Nhân ngày Lễ Mẹ nữ thi sĩ Lệ Khánh hỏi tôi có bài viết cho Mẹ không? Nhờ câu hỏi này mà tôi viết bài gợi lại những kỷ niệm về Mẹ tôi. Sau khi viết xong về Mẹ tôi tự nhiên tôi nhớ Cha vô hạn. Tôi nói nhiều về Cha tôi trong Two Hamlets in Nam Bộ. Vì vậy trong bài này tôi nói đến những điều mà tôi học được nơi Cha từ những lời la rầy, những làn roi trừng phạt, cách tiếp kỷ xử vận ngoài xã hội mọi việc từ nhỏ đến lớn tuy rằng thời gian tôi sống gần Cha không được bao lâu. Khi còn nhỏ tôi rất rầu sự dạy dỗ quá tỉ mỉ của Cha tôi. Càng lớn tuổi tôi càng thán phục Cha vì sự giáo dục của Cha quá sâu sắc và có hiệu năng đặc biệt mặc dù học vị của Cha kém xa học vị của các con mình. Do ngưỡng mộ sự dạy dỗ của Cha mà khi dạy học tôi thường nói câu: Khi còn nhỏ con nói rằng con thua Cha. Ở tuổi thanh xuân con nói con bằng Cha. Ở tuổi thành nhân con nói con hơn Cha. Vào buổi hoàng hôn của cuộc đời con phải nói rằng con kém hơn Cha quá nhiều vì những gi xảy ra hôm nay Cha đã nói tất cả từ lâu rồi.

****

            Cha tôi là một người dồi dào lý trí, có óc phòng xa, óc công bằng và lòng nhân ái. Cha không cho các con mang giày sandales mà mang giày Bata hay giày da cột dây hẳn hoi. Sự giải thích giản dị của Cha là: - Các con mang sandales lỡ đứt giày giữa đường thì đi chân không về nhà à?

          Hầu như ngày nào tôi và anh tôi cũng bị Cha rầy khi lau bàn sau khi ăn cơm. Để có nhiều thì giờ đùa giỡn với bạn bè chúng tôi lấy khăn lau nhúng nước và quay vòng tròn trên bàn. Thế là bị la rầy. Hai chúng tôi phải đứng nghe Cha dạy cách lau bàn: nhúng khăn vào nước, vắt ráo nước rồi mới lau. Khi lau không được lau bằng cách quay một vòng tròn giữa bàn mà phải lau từ trái sang phải rồi từ phải sang trái cho đều tay. Làm như vậy cái bàn được sạch và mau khô. Khi nấu nướng để tay cầm nồi lộ ra ngoài hay khi chặt thịt rồi để dao lộ cán ra ngoài thì bị Cha cự nự ngay vì sự lơ đễnh như thế có thể gây tàn tật cho người khác. Sự vô ý của mình gây tàn tật cho người khác là điều phải tránh.

            Khi còn nhỏ tôi thường hay hục hặc với chị Hai giúp việc trong nhà. Mỗi lần xảy ra những cuộc tranh cãi giữa tôi và chị Hai tôi đều bị Cha tôi rầy. Cha tôi ngăn chặn mọi mầm mống kiêu căng có thể có nơi mỗi đứa trẻ, con của chủ đối với người giúp việc. Người dạy cho tôi sự tôn trọng nhân phẩm con người, sự khiêm tốn và dũng tâm của con người không lợi dụng thế thượng phong của mình để chà đạp hay hiếp đáp người khác, cũng không khiếp nhược, hèn hạ khi có một số yếu kém nào đó so với người khác. Sau khi không còn giúp việc trong nhà tôi chị Hai sống lưu lạc ở Gò Dầu Hạ, có gia đình và dần dà có cuộc sống ổn định ở đó. Khi về Lái Thiêu chị ghé thăm cha mẹ tôi. Được biết cha tôi đã mất từ lâu chị ngồi khóc nức nở.

            Cha tôi không biết và không đọc Thánh Kinh nhưng cha tôi học câu Oeil pour oeilDent pour dent từ người Pháp. Cha không dạy chúng tôi cứng rắn như vậy nhưng chỉ dạy một phản ứng tự nhiên mà Cha học nơi ông nội. Trong đêm tối nếu có người hỏi Ai? thì trả lời Tôi. Nếu có người hỏi Thằng nào? thì trả lời Tao.

            Quê nội tôi không có nhiều người Hoa sinh sống. Có ba họ Lưu, Từ và Bành được Cha tôi giúp đỡ trong làng thời tiến chiến. Người thì gọi Cha tôi bằng ông. Người thì gọi Cha tôi bằng cậu như họ hàng hơn là ân nhân. Khi làng bị thiêu huỷ họ tản cư ra Lái Thiêu. Khi Cha tôi rời khỏi khám đường và làm việc trở lại, Cha tôi mua một căn nhà trên Quốc Lộ 13 và mua cho gia đình họ Từ và Bành (vợ họ Từ, chồng họ Bành) một căn nhà nhỏ ở sau nhà tôi. Ngày Cha tôi mất họ xin được để tang cho Cha tôi như con cháu trong nhà. Một người con gái của dì tôi và chồng cũng xin để tang cho Cha tôi vì cả hai trở thành vợ chồng nhờ sự góp ý và giúp đỡ của Cha tôi.

          Chị họ tôi là một người đẹp. Gia đình dì tôi là một gia đình khá giả ở Phú Hoà. Dì có hai căn nhà rộng lớn ở Phú Lợi và Hoà Thạnh. Gia đình dì sa sút sau khi dượng chết mất tích năm 1945. Chiến tranh bùng nổ. Chị họ tôi không sống trong làng được nên phải ra sống với người cô ở Thủ Dầu Một. Cô của chị có chồng có danh phận thời thuộc địa và thời quốc trưởng Bảo Đại. Ông làm việc ở Sài Gòn và chỉ về thăm vợ mỗi tuần mà thôi. Là một vị quan khiêm tốn và liêm khiết ông không có nhà cửa gì ở quê vợ mà sống trong một căn phố mướn của bà bảy Lình, mẹ của tiến sĩ dược khoa Trần Tấn Thông. Ông và cô của chị họ tôi có 06 người con gái rất đẹp nhưng tất cả đều tuần tự mất khi đến 16 tuổi! (tôi có đề cập đến chuyện này trong BTTH). Vì vậy sự có mặt của chị họ tôi bên cạnh cô giúp cho bà bớt cô đơn. Có một ông quan nhà binh nào đó ở địa phương tìm cách ve vãn chị. Chị sợ quá xuống ở nhà tôi. Một người nhà nghèo trong xóm để ý đến chị nhưng nghĩ đến thân phận nghèo, ít học lại phải nuôi dưỡng một người cha già ốm yếu và bị bịnh nặng cùng với ba đứa em còn nhỏ nên đành nuôi dưỡng mối tình câm trong mộng. Biết được chuyện này Cha tôi góp ý với chị họ tôi: - Dượng biết gia đình này trong Tuy An. Gia đình này nghèo đủ ba đời rồi. Đến đời thằng này chắc chắn sẽ phát lên vì nó là đứa con hiếu đễ với cha và hết lòng thương em. Trời sẽ ban phúc cho nó. Sự nhận xét đầy tính siêu hình và kinh nghiệm sống của cha tôi thuyết phục được chị họ tôi. Chị đồng ý nhưng cô của chị không đồng ý vì xem đó là một mối tình không tương xứng về nhiều mặt. Chồng của bà cô không can dự vào chuyện này. Là người khiêm tốn và chủ trương bình đẳng xã hội ông đã từng gặp phải trường hợp này khi chung sống với vợ ông. Bây giờ chính vợ ông lại gây sóng gió giống như gia đình ông đã gây ra cho ông trước kia. Nhưng vì nể vợ ông giữ im lặng vẫn biết rằng im lặng là đồng loã. Cha tôi đứng ra gả chị họ tôi cho người mà Cha cho là đã nghèo đủ ba đời và phúc sẽ đến cho người có hiếu với cha và có tình thương với đàn em. Quả nhiên, không bao lâu chồng chị họ tôi làm ăn phát đạt và trở nên giàu có tại địa phương.

          Vào cuối thập niên 1920 và đầu thập niên 1930 Cha tôi nuôi ba người chú của tôi ăn học ở Sài Gòn. Trong Chiến Tranh Việt Nam I cha tôi nuôi 06 người cháu, con của hai chú, ăn học đầy đủ cùng với một người cháu của mẹ tôi, người anh bạn dì cùng tôi có mặt trong nhà bà ngoại tôi trong đêm bà bị bắt bịt mắt dẫn ra bờ hố. Người chú bị xử bắn có hai con. Người chú kháng chiến ở Chiến Khu D có 04 con. Người anh bạn dì là con của người dì thứ sáu. Dì tôi mất. Chồng dì vẫn sống trong cảnh goá bụa để nuôi con. Dượng sống bằng nghề buôn bán thuốc lá và mất tích cho đến bây giờ vẫn không biết chết ở đâu? vì sao? ai giết? (Pháp hay Việt Minh?) hay bị cướp?

            Cha tôi không phải là con trưởng nhưng là người lo giỗ chạp trong đại gia đình. Một năm có gần 10 đám giỗ đa số đều ở trong tháng 08 Âm Lịch. Sau này Cha tôi cũng mất vào đêm Trung Thu. Cha tôi làm giỗ cho bà nội II mặc dù người chú con của bà nội II chống đối và ghét bỏ các anh khác mẹ với mình.

          Cha tôi là người có tinh thần cởi mở về phương diện văn hoá và tôn giáo. Cha tôi thích ăn các món ăn của Pháp và nấu các món ra- gu (ragout), bip- tết (beefsteak), khoai tây chiên (pommes de terre frites- French fries), thịt thỏ nấu rượu chát (civet), gà tây quay hay nấu ca-ri (cari- curry) rất khéo. Cha cấm không cho chúng tôi đọc truyện Tàu vì quá hấp dẫn nên dễ xao lãng việc học. Dù vậy tôi cũng có hai người anh được xem là chuyên viên truyện Tàu.

          Ngày anh cả tôi chào đời cha tôi chọn cho anh một cái tên Việt mà người cho là vừa ý nhưng người thì nói trùng tên bên nội. Người nói trùng với tên bên ngoại. Người nói coi chừng đụng chạm với ông gì đó ở làng kế bên. Cha tôi bực mình nên chọn cho anh tôi một tên Tây: Jules mà các bà già luôn gọi anh là Rinh. Bây giờ đến phiên anh tôi bực mình vì cái tên Rinh Việt hóa này.

          Cha tôi giận tôi xao lãng việc học dù không đọc truyện Tàu. Nhưng thấy tôi có tín ngưỡng và tự biến chiếc tủ sắt của người làm bàn thờ Phật, một hình Phật rất đẹp do một tu sĩ tại gia và là người bà con của tôi vẽ cho, cha tôi để tôi tự do thờ phượng. Tu sĩ Phạm Văn Cơ lớn tuổi hơn cha tôi nhưng tôi gọi ông bằng anh theo thứ bậc trong dòng họ. Cha anh làm việc ở Phủ Toàn Quyền ở Hà Nội. Do đó anh có học ở Hà Nội và thông thạo về cầm, kỳ, thi, hoạ. Anh tu tại gia sau khi vợ mất. Anh là ông bác của Phạm Quốc Kiệt hiện là giáo sư École Normale Supérieure ở Paris. Hằng năm cha tôi tổ chức ăn Réveillon vào đêm Giáng Sinh khi các anh tôi từ Sài Gòn về nhà đông đủ. Đó là ý niệm không phân biệt tôn giáo tự nhiên của Cha tôi.          

          Cha tôi bực dọc về việc tôi ham chơi và học dở so với các anh tôi. Tôi đam mê đủ thứ: đá cá, đá dế, đá banh, đua xe đạp, đi ngao du, đọc báo, đọc Châu Về Hiệp PhốBạc Cẩm Lìn trên báo v. v. Tôi nuôi dưỡng nhiều ước vọng mông lung như trở thành cầu thủ bóng đá, lực sĩ tham dự Thế Vận Hội, tay đua xe đạp như Lê Thành Các trong cuộc đua Liên Bang Đông Dương hay Lưu Quân tham dự Thế Vận Hội Helsinki và xa hơn tay đua Coppi trong Tour de France (Cuộc đua Vòng Quanh Pháp Quốc). Tôi có cả mộng trở thành Hoàng Ngọc Ẩn trong Châu Về Hiệp Phố của nhà văn Phú Đức. Tôi dành thì giờ chăm sóc cá lia thia và thả hồn vào các trò chơi hơn là các bài học trong trường.

          Cha tôi thất vọng về tôi. Người xách búa đập bể lu cá tuyển của tôi do ông tư Hoà Liềm cho. Lu cá này là một danh dự tuổi trẻ của tôi vì ông tư Hoà Liềm là một ông thầy bùa khó tánh. Ông nổi tiếng nuôi cá Xiêm để đá độ. Ông rất ghét trẻ nít lại gần các lu cá của ông ngoài sân. Tôi là đứa con nít ngoại lệ được ông cho cá tuyển. Cha tôi buồn vì tôi học dở. Tôi tê tái nhìn những con cá con thiếu nước dãy dụa chờ chết trên sân gạch nhà sau.

          Cha tôi dễ buồn giận nhưng cũng dễ quên và tha thứ. Khi Cha nóng giận và xách roi ra thì tôi bỏ chạy như một hành động báo hiếu vì nếu đứng ở đó lỡ Cha nóng giận đánh con thương tích thì Cha mang hoạ. Khi Cha nguôi giận thì đứa con lười học xuất hiện trước mặt Cha với vài mẩu chuyện ngoài phố và chuyện thu thập được qua các tờ báo Ánh Sáng, Dân Quyền, Tin Điện, Thần Chung, Tiếng Dội, Phục Hưng (thuộc khuynh hướng thân chánh quyền thuộc địa). Cha tôi thích nghe tôi thuật chuyện chiến sự Do Thái- Ả Rập, chiến sự Bắc Việt. Tôi là độc giả trung thành của Phòng Thông Tin Lái Thiêu và trở thành người bạn trẻ tuổi của anh Hoành, nhân viên trông coi Phòng Thông Tin vắng vẻ này. Tôi có nhiều mẩu chuyện mà Cha tôi muốn nghe để quên đi chuyện tôi luôn luôn không có mặt ở nhà ngoại trừ giờ ngủ. Cha tôi lấy làm lạ về đứa con học dở của mình tường thuật chiến sự khá rành mạch. Càng ngạc nhiên hơn khi thấy ảnh chụp của tôi bên cạnh thủ hiến Trần Văn Hữu và thiếu tướng De La Tour thăm viếng Lái Thiêu năm 1949 trên báo và trên bản tin của Nha Thông Tin Nam Việt. Tôi còn nhớ thủ hiến Trần Văn Hữu hỏi tôi: “Biết nói tiếng Tây không?” Tôi đáp: “Dạ, biết.” Đúng là điếc không sợ súng và dốt hay nói chữ. Ông hỏi tôi hai câu trúng tủ “Quel age as-tu?” và “Comment t’appelles- tu?” nên tôi trả lời trơn tru, rành rọt.  Việc rầy la, trừng phạt hay đập bể lu cá lia thia của Cha tôi cũng không cảm hoá được tôi. Tôi chỉ thức tỉnh khi nghe tiếng khóc của Cha tôi giữa đêm vì mạnh tay trừng phạt đứa con có lắm mộng tuổi thơ phải ngủ đói. Tôi không còn là một học sinh kém cỏi khi rời khỏi Lái Thiêu nơi tôi có quá nhiều trò chơi và thú vui ấu thời.

          Bề ngoài Cha tôi có vẻ nghiêm khắc và khó khăn với các con. Thực tế Cha rất thương con và sẵn sàng sống khổ cực để lo cho tương lai của các con. Anh cả tôi có gia đình và công ăn việc làm. Hai anh kế tôi đậu vào Pétrus Ký với thứ hạng cao nên được hưởng chế độ nội trú. Lúc ấy trường Pétrus Ký bao gồm cơ sở trường Pétrus Ký bây giờ, Đại Học Khoa Học và Đại Học Sư Phạm trên đường 11 ème RIC và đường Nancy. Vì trường có phòng ngủ (dortoir) cho học sinh nội trú. Học sinh nội trú là những học sinh được chấm đậu với thứ hạng cao.  Ngoài việc không đóng tiền học, học sinh nội trú được ăn cơm miễn phí và có phòng ngủ trong trường. Việc giặt giũ có người phụ trách. Chế độ này không còn nữa sau cuộc biểu tình của học sinh Sài Gòn và cái chết của Trần Văn Ơn (1950). Mỗi tuần anh cả tôi đến rước hai em ra ngoài để ngoạn cảnh Sài Gòn. Hằng tháng tôi theo convoi đi Sài Gòn vào ngày chúa nhật để đem tiền cho các anh tôi. Đó là ngày mà các anh tôi gặp tôi trước hãng SIC gần góc đường Bonard (Lê Lợi sau này). Tôi sớm có nhiều tiền trong người và sớm am tường đường đi từ Lái Thiêu lên Thủ Dầu Một và Lái Thiêu xuống Sài Gòn nhờ đi thu tiền bán thuốc lá của mẹ tôi và mang tiền hàng tháng xuống cho các anh tôi.

          Cha tôi không nhận phần tài sản do ông nội để lại vì không muốn thấy sự tranh chấp gia tài thường thấy trong các gia đình Việt Nam. Người dành phần gia sản do ông nội phân chia cho các em. Người tự tạo sản nghiệp riêng. Tuy An không có ruộng nên không có nông dân. Đất đai tương đối rẻ nên cha tôi mua khá nhiều đất rừng và đất khô cằn vì thiếu nước. Cha lập vườn gòn trên vùng đất khô cằn. Vì còn quá nhỏ, tôi không biết gòn bán cho ai? Riêng vùng đất rừng Cha cho trồng thơm tím, trái tròn và nhỏ như trái tim nhưng rất ngọt. Thơm này được bán cho những người làm mắm nêm và dưa mắm ở Đồng Giáng tức Tân Ba, Biên Hòa. Trong rừng có nhiều cây trường trái màu đỏ hay vàng trông rất đẹp. Hằng năm Cha tôi thuê người rong các nhánh cây trong đất rừng để bán cho các lò siêu ở Hưng Định, Thuận Giáo hay Bình Nhâm. Đất quanh nhà rất rộng được trồng cây ăn trái như bưởi, xoài, mận, hồng huân.  Cha tôi cho Lý Quản và ba Mới cất nhà trong vùng đất rộng lớn quanh nhà này. Ba Mới và Lý Quản đều không có vợ. Ba Mới sống với đứa con trai tên Bi bị bịnh thủng vàng da trông yếu lắm. Lý Quản có con nhỏ. Tất cả đều là trai. Tôi không biết ba Mới ra sao sau khi làng bị thiêu huỷ. Lý Quản chạy lên Trị An sống cuộc đời Robinson bất đắc dĩ. Điều làm cho tôi lấy làm lạ là con người thời tiến chiến quả tình lương thiện. Vườn thơm tím của Cha tôi không bao giờ bị mất trộm mặc dù xa nhà. Các con của Lý Quản và ba Mới đều nghèo nhưng không hề hái mận, xoài hay bưởi quanh nhà tôi. Nhờ có chút ít lợi tức phụ khá dồi dào cha tôi giúp đỡ cho các chú ăn học và hai anh lớn tôi học ở Sài Gòn. Cha tôi không có ý tạo tài sản to lớn để chia cho con cái sau này mà chỉ nghĩ đến việc có phương tiện để cho chúng tôi học hành để có cuộc sống ổn định sau này mà thôi. Đó là cách đầu tư của cha tôi cho tương lai chúng tôi. Điều đáng buồn là khi chúng tôi thành nhân thì Cha không còn nữa. Người làm vườn bỏ nhiều công sức chăm sóc vườn hoa và vườn cây ăn trái của mình nhưng không thấy được được hoa tươi và trái ngọt.

          Ông nội tôi ngưỡng mộ nhà cách mạng Phan Bội Châu và sau này nghiêng theo Thiên Địa Hội của Phan Xích Long. Cha tôi thích tư tưởng duy tân của Phan Châu Trinh. Việc thành lập đồn điền trồng gòn là do ước muốn tự túc, tự cường về kinh tế. Cha tôi ghét bạo động, sự đổ máu và kích động hận thù mặc dù người là một nhà thiện xạ. Trong nhà có vài cây súng dùng để đi săn. Cha tôi không ưa thích sự tái chiếm thuộc địa của người Pháp cũng không tin tưởng một tương lai sáng lạn của nước Việt Nam độc lập dưới sự kiểm soát của những người chủ cùng màu da, cùng tiếng nói được trang bị bằng kiến thức, học thức, đạo đức và ý thức về đất nước và dân tộc nghèo nàn. Ngày tôi dẫn hai người bạn đi chiến khu về tôi tưởng sẽ bị Cha tôi đay nghiến. Trái lại, Cha tôi không nói một lời. Sự khác biệt giữa ĐÚNG và SAI mập mờ không rõ ràng.

            Óc công bằng và duy lý của Cha tôi làm cho người khốn đốn và suýt chết vì Quốc Gia Tự Vệ Cuộc trước khi người bị Pháp bắt đưa ra Lái Thiêu. May mắn là người được giao nhiệm vụ đi bắt Cha tôi là học trò cũ của Cha tôi và là cháu họ gọi cha tôi bằng cậu. Một buổi sáng Cha tôi gặp anh ta trong lúc đang uống cà phê. Cha tôi gọi anh ta lại để uống cà phê. Anh ấy tiến lại gần cha tôi và nói nhỏ: Tôi có lịnh bắt thầy. Thầy chạy đi. Thầy đừng để tôi khó xử. Cha tôi vội vã bỏ đi không kịp hỏi lý do tại sao? Bị Pháp bắt, bị tra khảo tàn nhẫn và bị lên danh sách xử bắn, cha tôi còn có quyền tự biện hộ để tự cứu mạng sống của mình. Nếu lúc ấy Cha vào tay Quốc Gia Tự Vệ Cuộc thì chết mất tích và không toàn thây.  

          Người học trò và cháu họ của Cha tôi là quan một (thiếu uý) thời tiền chiến đồng thời với ông Dương Văn Minh. Ít ra anh ấy cũng còn chút nhân tính đối với người thầy cũ và cậu họ của mình. Anh mang quân hàm đại tá sau khi tập kết ra Bắc một mình. Chín năm kháng chiến giúp cho anh hiểu chế độ tương lai mà anh sẽ sống. Vì vậy anh không cho vợ con cùng theo anh ra miền Bắc năm 1954. Nghe nói anh bị kỳ thị đối xử vì thành phần giai cấp, nguồn gốc địa phương và thiếu sự tin tưởng triệt để vào sự lãnh đạo ưu việt của đảng và chủ nghĩa Marx- Lenin. Bị bắt buộc giải ngũ anh uống nhiều rượu để giải sầu và quên đi vợ con sống ở miền Nam. Anh mất trước khi miền Nam thất thủ. Con anh, thiếu tá trong quân đội miền Nam, không biết anh đã chết. Bị học tập cải tạo và đưa ra miền Bắc người con không khai tên cha mình. Thái độ cứng rắn và xem thường ân huệ của kẻ thù đã dẫn anh đến cái chết âm thầm ở miền Bắc với cha anh trong khi vợ con anh ở miền Nam không hề hay biết gi cả!

            Sự đùa giỡn của Cha tôi trước hai lưỡi gươm Tử Thần cho thấy quyền uy và sự công bằng tuyệt đối của Thượng Đế đối với người công chính và có tâm lành. Người công chính và có tâm lành là nạn nhân của hai phe đối nghịch. Một phe tự cho mình là chánh phái và gọi phe đối nghịch là tà phái. Thực tế phũ phàng là phe tự nhận là chánh phái lại có hành động mờ ám và tàn bạo gấp trăm, ngàn lần phe bị gọi là tà phái! Thượng Đế cứu người công chính và có tâm lành ra khỏi bàn tay của kẻ dữ. Không có kẻ hung dữ, bạo tàn, tham lam và xảo quyệt nào là chánh phái cả.

            Cha tôi sống một cuộc đời ngắn ngủi để hoàn tất bổn phận của một kiếp người trên trần thế với tư cách một người anh, người cha, người chồng và một công dân trong cộng đồng dân tộc. Cha nếm mọi hương vị đắng cay của kiếp nhân sinh trong tình thương, nỗi nhớ: nhớ con, nhớ nơi sinh quán chỉ cách nơi trú quán 7 km nhưng không bao giờ tìm thấy lại. Trên giường bịnh Cha không ngừng nhắc đến Tuy An. Hiệp định Genève ký kết này 20 - 07 - 1954 và được thi hành vào ngày 11 - 08 ở Nam Việt. Nhờ đó mà Cha tôi được đem về chôn cất ở Tuy An như ước nguyện. Đường về quê của Cha tôi rất cam go, vất vả vì còn nhiều mô đất, hố mìn và hầm chông rất nguy hiểm. Sở gòn của Cha tôi chỉ còn hai, ba cây xơ xác. Cây xoài trước nhà ông nội tôi vẫn còn sống vững mạnh. Cha tôi thực sự trở về quê hương trong cảnh hoang tàn sau 09 năm chinh chiến. Nhưng đó là niềm vui của người sau bao năm ly biệt và hoài hương. Khi hạ huyệt trời mưa như thác đổ tựa hồ như Đấng Tạo Hoá cũng đổ lệ.

Con chào vĩnh biệt Cha

Qua màn mưa trắng xoá,

Màu trắng của màu tang,

Màu Âm- Dương ly biệt.

 

Cha nằm trong lòng đất;

Cha vĩnh viễn ra đi

Mãi mãi không trở về.

Vĩnh biệt Cha! Vĩnh biệt!

P.D.L

           

PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

 

 

Trang Phạm Đình Lân

art2all.net