PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

 

VÀI KỶ NIỆM VỀ MẸ TÔI
 


 


          Cha tôi là một công chức của chánh quyền thuộc địa. Năm 1945 cha tôi thất nghiệp nằm nhà. Mọi gánh nặng gia đình đè nặng trên vai mẹ tôi. Mẹ tôi là người khéo tay và có số thương nghiệp, nhờ vậy mà gia đình cũng được ấm no khi đất nước chuyển mình từ thuộc địa sang độc lập. Mọi việc đều thay đổi. Trật tự xã hôi xáo trộn trầm trọng. Ngôn ngữ cũng thay đổi. Những từ đồng chí, thanh niên, phụ nữ, thanh niên mới (đồng bào Thượng ở miền tây bắc Thủ Dầu Một và Biên Hoà), độc lập, hoà bình, chiến đấu, tranh đấu được nghe hằng ngày.
 

Trường học đóng cửa. Các anh tôi ở nhà nhưng phải tham dự cùng các thanh niên và thiếu nhi khác trong các buổi họp và ca hát mỗi ngày. Một hôm anh cả tôi ở nhà vá hàn một cái chảo. Tôi không thông cảm được nỗi cực khổ của anh mà còn lấy chân đạp lên cái chảo. Anh giận dữ và lớn tiếng hăm doạ cho tôi sợ không quấy rầy để cho anh hoàn tất công việc. Tôi thua buồn bỏ đi và quyết định đi xa: về quê ngoại ở Bình Chuẩn cách quê nội Tuy An lối 6, 7 km nhưng phải đi ngang qua một khu rừng (Rừng Cò- Mi), một vườn cao su và một cánh đồng rộng mênh mông, nắng đổ hoa vào buổi trưa. Đó là Đồng Chập Chạ. Đi đến vườn cao su tôi gặp một ni cô. Bà có vẻ ngạc nhiên khi thấy một đứa bé 05 tuổi đi một mình trong đồn điền cao su. Bà hỏi tôi đi đâu và tại sao đi một mình như vậy. Tôi cho bà biết tôi về bà ngoại ở Bình Chuẩn vì giận anh cả tôi doạ đánh tôi. Ni cô mua bánh cam cho tôi ăn. Bà dẫn tôi theo bà để về Bình Chuẩn. Đến Tân Khánh bà tiếp tục dẫn tôi đi và nói rằng đó là Bình Chuẩn. Tôi cãi lại: Đây là Tân Khánh. Mẹ tôi có dẫn tới đến đây xem hát. Tôi vừa dứt lời thì thấy bà tám Hiển. Tôi gọi: Bà tám! Bà tám thấy tôi đi một mình nên hỏi: Mẹ con đâu? Con đi đến đây với ai? Tôi cho bà biết tôi tự đi một mình từ Tuy An về nhà bà ngoại và cùng đi với bà này. Tôi vừa nói vừa chỉ ni cô. Không biết vì sao ni cô hoảng sợ bỏ chạy. Tôi theo bà tám Hiển về Bình Chuẩn sau một cuộc hành trình đi bộ qua các xã Tuy An, Thuận Giáo, Tân Khánh và Bình Chuẩn. Về đến nhà bà ngoại ôm tôi vào lòng và khóc vì hoảng sợ sau khi nghe bà tám Hiển thuật lại chuyện gặp tôi và một ni cô ở Tân Khánh.


Trưa hôm ấy mẹ tôi về nhà. Không thấy tôi, mẹ hỏi cha về tôi. Anh cả tôi im lặng nhưng vẫn nghĩ rằng tôi lẩn quẩn ở các khu phố của cha tôi trên hương lộ nối liền Tuy An và Búng. Cha, mẹ và anh tôi chia nhau đi tìm tôi. Không thấy. Cha tôi chở mẹ tôi trên chiếc xe Alcyon chạy dọc theo hương lộ Tuy An- Búng. Không thấy. Cha mẹ tôi thất vọng. Mẹ tôi khóc oà lên. Một trận cãi vả diễn ra giữa cha và mẹ tôi. Mẹ tôi trách cha tôi nằm nhà mà không lo cho con. Cha tôi không nói một lời không phải vì chấp nhận mẹ tôi nói đúng mà vì người có trăm ngàn nỗi lo âu trong tâm bên cạnh mặc cảm thất nghiệp không chu toàn trách nhiệm của người trưởng gia đình. Cha tôi còn một hy vọng cuối cùng về việc tìm kiếm tôi: về Bình Chuẩn. Hy vọng này rất mong manh vì cha tôi không tin tôi biết đường về Bình Chuẩn với số tuổi của tôi. Lại càng không tin tôi đã dùng đường rừng và vườn cao su mà dân làng quê nội tôi thường tới là Vườn Cao Su Thầy Tư Vĩnh. Rừng Cò- Mi không có cọp, beo hay heo rừng nhưng là một khu rừng âm u đầy nguy hiểm đối với số tuổi của tôi lúc bấy giờ. Trong rừng có rất nhiều muỗi mà cư dân Lái Thiêu cho rằng cư dân Tuy An (An Phú) bị sốt rét vì loài muỗi Rừng Cò- Mi này mà ra. Dù tin hay không tin, lúc bấy giờ cha mẹ tôi không còn một hy vọng nào khác nữa. Cha tôi chở mẹ tôi về Bình Chuẩn bằng đường Thuận Giáo. Về đến nhà bà ngoại câu hỏi đầu tiên của mẹ tôi là Thằng Lân có về đây không? Câu trả lời của bà ngoại làm cho mẹ tôi an lòng. Mẹ tôi vừa mừng vừa tức giận vì tôi làm cho cha và mẹ tôi khổ công tìm kiếm tôi khắp cả Tuy An, hương lộ đất đỏ từ Tuy An ra Búng.


Nó đâu rồi? Mẹ tôi hỏi.
Con đừng làm cho nó sợ. Nó thích tắm mạch. Có lẽ nó đi xuống đó. Bà ngoại đáp.


Mẹ tôi vội vã đi xuống mạch nước cách nhà bà ngoại lối 1 km. Đó là nguồn nước ngọt thiên nhiên của đa số dân trong làng. Không thấy tôi ở đó mẹ tôi lần theo bờ suối đi xuống ruộng. Tôi quây quần bên cạnh các con của dì tôi chuẩn bị về nhà sau một ngày làm lụng vất vả. Trên bờ đê mẹ tôi cất tiếng hỏi: Thằng Lân có ở dưới đó không? Một người anh họ, con của dì tôi, nói: Tiếng của ai giống tiếng của dì tám. Vừa nói xong anh lên tiếng đáp: . Anh dẫn tôi lên gặp mẹ tôi.


Gặp tôi mẹ tôi vừa mừng vừa giận nhưng mẹ không lớn tiếng với tôi như đã biết được phần nào tánh tình của tôi. Mẹ tôi và tôi về đến nhà bà ngoại thì trời sụp tối. Bà tôi thắp hai cây đèn dầu phộng cho có ánh sáng để dọn cơm chiều. Nhưng cha tôi thúc giục mẹ tôi trở về Tuy An. Đây là một trong những chuyến đi vất vả trong đời mà tôi còn nhớ bằng ký ức nhỏ bé của một đứa trẻ chưa đến tuổi đi học. Trời tối như mực. Xe đạp không có đèn lại chạy trên con đường mòn đầy cát, vượt qua Đồng Chập Chạ, vào vườn cao su Thầy Tư Vĩnh, tránh Rừng Cò- Mi để ra hương lộ Búng- Tuy An. Suốt ngày đi bộ tôi cảm thấy mệt nhoài, lúc thì thức lúc ngủ gục trên xe đạp khiến mẹ tôi phải cực khổ giữ cho tôi không bị té xuống đất. Về đến nhà ở Tuy An tôi không ăn uống gì cả mà ngủ một giấc đến sáng. Sáng dậy tôi gặp anh cả tôi. Anh nhìn tôi vừa cười vừa nói: Tao chưa thấy thằng con nít nào lớn gan như mày. Từ đó cho đến cuối cuộc đời anh cả tôi không bao giờ lớn tiếng với tôi. Tình thương và sự tận tuỵ của anh đối với em làm cho mọi người biết anh đều yêu mến và thán phục anh.


Gia đình tôi rơi vào cảnh sa sút nhưng gánh nặng lại tăng thêm khi một ông chú và một đứa con trai về sống trong nhà. Người gánh chịu thêm gánh nặng lúc bấy giờ là mẹ tôi. Nhưng không nghe mẹ than phiền chi cả. Hình như mẹ xem đó là bổn phận và sứ mệnh của mẹ trong gia đình vậy.


Ông nội tôi có bà nội II khiến bà nội I thua buồn mà chết. Cha tôi nuôi ba người chú. Tất cả đều học ở Sài Gòn. Học xong các chú đều lên Phnom Penh lập nghiệp. Không biết các chú có tham gia đảng phái nào trên xứ lạ quê người hay không. Chỉ biết rằng năm 1945 các chú đều về nước và tham gia kháng chiến. Một chú bị xử bắn vào ngày quân Pháp tấn công vào làng. Một chú hoạt động ở quê vợ ở Tân Khánh. Một chú làm việc cho một nhà buôn ngoại quốc ở Phnom Penh và có vợ gốc Sa Đéc. Năm 1945 chú theo vợ về Sa Đéc. Về quê vợ, không làm gì ra tiền, chú bị bên vợ khinh khi. Chú ẵm con đi bộ từ Sa Đéc về Tuy An. Có lẽ mẹ tôi không than phiền gì cả vì cảm thông sự tủi hờn của chú, người mặc áo rách về làng sau hàng chục năm sống tha phương? Về làng chú biết trông cậy ai hơn người anh đã giúp đỡ mình khi còn trẻ. Con trai của chú cùng tuổi với tôi nhưng trông nó ốm yếu và bịnh hoạn lắm. Nó khô héo sau cuộc hành trình gần 200 km trên lưng cha, thiếu ăn, thiếu uống và bị phơi nắng. Chắc chắn nó nhớ mẹ nó khi sống ở nơi xa lạ mặc dù đó là quê nội của nó. Nó bịnh; mặt nó thóp lại. Người ta nói nó bị ban khỉ (có lẽ tại mặt nó teo lại như mặt khỉ?). Điều đặc biệt là nó hay ngồi ngoài bìa bộ ván như khỉ vậy. Chú tôi không để ý gì đến con lẫn sự sống trước mắt. Ngày nào chú cũng đi hội họp để cho cha tôi phải canh giữ đứa con bị ban khỉ của chú cho đến ngày thằng bé trút hơi thở cuối cùng mà cha lẫn mẹ nó đều không hay biết!


Người chú con bà nội II không mang họ cha nên không ưa thích gì các anh của dòng trước. Chú làm việc trên đồn điền Quản Lợi cùng với một người sau này có danh vọng trong nước. Năm 1945 chú cũng về Tuy An và cùng với ba người anh khác mẹ tham gia kháng chiến nhưng trong lòng cả bốn người chú đều có những bất mãn và sự hậm hực riêng. Hai chú không muốn thấy sự hiện diện của người Pháp trên đất nước mình. Một chú thù hận xã hội vì bị bên vợ khinh khi. Chú cuối cùng chịu ảnh hưởng ít nhiều của những người đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản điển hình là các chủ đồn điền cao su. Chú cũng có bất mãn trong gia đình vì phải lấy họ mẹ và bị phân biệt đối xử trong xã hội phụ hệ và đa thê. Mẹ tôi hoàn toàn không để ý đến những chuyện này và xem tất cả là em chồng của mình.


Lúc ấy có lịnh giết chó. Trong nhà có 07 con chó rất khôn nhưng đành phải giết chúng. Ngày nào cha tôi với ông tư Siêng, năm Phón cũng nhậu thịt chó. Cha tôi là công chức thất nghiệp. Tôi không biết ông tư Siêng làm nghề gì, chỉ biết lúc nào cặp mắt của ông cũng lim dim, miệng không ngừng giải thích lời dạy của Thánh Hiền. Ông nói: Xuất giá tòng phu. Phu tử thì tòng tử. Nghĩa là: Ngồi trên xe ngựa thì phải tòng theo người đánh xe ngựa. Nếu xe ngựa đụng vào gốc sao, gốc dầu, phu xe chết thì mình cũng chết theo.

 

Năm Phón là thợ máy ở Sài Gòn về quê lánh nạn khi xảy ra những cuộc đụng độ giữa các thanh niên cầm tầm vông vát nhọn với quân Chà Chóp. Trong làng không có máy móc gì cho ông sửa cả. Tất cả đều đi xe đạp. Một Kính (thiếu uý Kính) có mua một chiếc xe đò cũ ở Lộc Ninh. Về đến làng thì xe hết chạy. Năm Phón sửa như thế nào mà ngày nào tôi cũng có mặt trong đám người phụ đẩy cho xe chạy với hy vọng mong manh là xe nổ máy, tôi có cơ hội ngửi mùi thơm của xăng và được ngồi trên xe chạy quanh làng cho có gió mát. Ước mơ ấu thời đó không bao giờ thành đạt. Trong làng chỉ có hai Đầy cỡi xe mô- tô mà thôi. Con chó nhà thằng Bu ghét tiếng nổ bình bịch phát ra từ chiếc mô- tô của hai Đầy. Nó nhảy phóng ra đường khiến cho hai Đầy té mô- tô chết giấc khi xe chạy với tốc độ 50 km/ giờ. Tôi là đứa trẻ rảnh rang trong thời độc lập chuẩn bị chiến tranh nên thường có mặt trong bất cứ biến cố lớn nhỏ nào trong làng. Hai Đầy nằm bất tỉnh. Một người cho rằng cho anh ấy uống đồng tiện thì sẽ tỉnh lại. Thế là tôi là người hiến đồng tiện cho anh. Quả nhiên vài phút sau anh ấy tỉnh dậy, tay chân trầy trụa và dính nhiều bụi đỏ của hương lộ.


Năm Phón là người thợ máy bất phùng thời và cam chịu nghèo tại nơi sinh quán nghèo nàn của mình. Lịnh giết chó lại giúp cho ông ấy có nguồn thịt dồi dào. Ông muối nhiều hũ thịt chó để có thức ăn dinh dưỡng hằng ngày.


Gia đình tôi ly tán khi quân Pháp tiến vào Tuy An. Bốn người anh của tôi trốn trong rừng hay chạy về nhà bác tôi ở Tân Uyên. Mẹ tôi và tôi chạy về Bình Chuẩn. Cha tôi bị bắt. Nhà bị đốt. Tất cả đều thất lạc. Không biết người Pháp lấy tin tình báo như thế nào mà họ liệt Tuy An vào danh sách tiểu Nghệ An như Hóc Môn, Quảng Ngãi, Phu Riềng, Càn Long. Vào thập niên 1930 và 1940 các đảng viên Cộng Sản trong tỉnh Thủ Dầu Một được tìm thấy:


1. trong các đồn điền Lộc Ninh, Hớn Quản, Dầu Tiếng với các phu đồn điền mộ từ miền Bắc và miền Trung (đảng Cộng Sản Đông Dương).


2. trong các lò gốm do người Hoa làm chủ. Ông Phan Văn Hùm gốc ở Búng du nhập chủ nghĩa Cộng Sản vào các lò gốm ở Hưng Định, Thuận Giáo và Lái Thiêu. Một số công nhân lò gốm gốc Hoa theo đảng Cộng Sản Trung Hoa. Theo lời một công nhân chuyên xây lò hầm đồ sành sứ gốc Hoa nói với tôi năm 1979 khi Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nghiêng theo Liên Sô và chống Trung Quốc dữ dội, rằng anh ta được ông Tôn Đức Thắng kết nạp vào đảng. Tôi chỉ ghi lại lời nói của anh này chớ chưa có cách gì kiểm chứng. Đó là lời của anh ấy khoe với tôi. Tinh thần của tôi quá mỏi mệt nên tôi không muốn biết anh ta được kết nạp vào đảng Cộng Sản nào? khuynh hướng Cộng Sản nào ( Đệ Tam, Đệ Tứ, chủ nghĩa Mao)? Điều tôi biết chắc chắn là ông Phan Văn Hùm theo khuynh hướng Cộng Sản Đệ Tứ Quốc Tế. Năm 1945 ông bị nhóm Đệ Tam Quốc Tế được gọi tắt là nhóm Stalinist của Trần Văn Giàu, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Trấn, Kiều Đắc Thắng giết chết. Tạ Thu Thâu bị giết ở Quảng Ngãi.


3. trong giới công nhân thiết lộ Xuyên Đông Dương (Đông Dương Cộng Sản Đảng). Tuy An giáp ranh với Dĩ An. Ông Đào Sơn Tây gia nhập Đông Dương Cộng Sản Đảng. Cư dân Tuy An là công chức, tư chức, thương gia, khai thác lâm sản chớ không có người nào làm công nhân để được kết nạp vào đảng Cộng Sản Đông Dương. Cư dân trong làng tham gia kháng chiến đều là những trí thức tiểu tư sản. Họ kháng chiến vì yêu nước, vì độc lập nước nhà chớ không vì chủ nghĩa Marx- Lenin xa lạ đối với họ.

Vì có tiền kiến Tuy An là một tiểu Nghệ An nên cư dân Tuy An bị qui nạp là đảng viên Cộng Sản nên cha tôi bị tra khảo dữ dội. Cha tôi bị bắt lúc say rượu. Có lẽ người nhậu thịt cầy với tư Siêng và năm Phón? Bị tra hỏi trong lúc say rượu cha tôi có biết gì mà trả lời. Người tra khảo càng nghi ngờ nhiều hơn. Thế là họ cho cha tôi vào danh sách à fusiller (xử bắn). Phòng tra khảo cha tôi lúc ấy là văn phòng hiệu trưởng trường tiểu học Lái Thiêu. Và nhà giam cha tôi là một phòng rộng lối 10 m2 nằm sau nhà làng Tân Thới cạnh phông- tên nước của trường tiểu học. Khi tỉnh rượu cha tôi cho người tra khảo Pháp biết cha tôi là một công chức mất việc và về làng sinh quán chớ không phải đảng viên Cộng Sản gì cả. Cha tôi nói tiếng Pháp trôi chảy. Người tra khảo hỏi tại sao cha tôi không ra thành phố ở? Cha tôi cho anh ta biết Tuy An là quê quán của người nơi người có nhà cửa, đất đai và tài sản. Nếu ra thành phố thì ở đâu? Tiền đâu mà thuê mướn nhà khi bị thất nghiệp? Người tra khảo có vẻ hiểu ý của cha tôi. Hắn hỏi cha tôi muốn trở lại làm việc không? Dĩ nhiên cha tôi đồng ý. Đó là một sự lựa chọn mà người tầm thường nào cũng có khi đứng trước cái chết và sự sống bình thường.


Trong làng người ta loan truyền tin cha tôi hợp tác với Pháp. Mẹ tôi bị ruồng bắt. Giữa đêm người ta bịt mặt và thổi còi bao vây nhà bà ngoại tôi để tìm kiếm mẹ tôi. Không thấy mẹ tôi những người bịt mặt bằng vải đen bắt bà tôi. Tôi và người anh bạn dì khóc ré lên. Người chỉ huy bắt bà tôi ra lịnh: Im! Lịnh của ông ta làm cho hai anh em tôi kinh hoàng, sợ đến không dám khóc. Nhưng tôi nhận ra giọng nói khàn khàn của một người bà con gọi bà tôi bằng cô. Những người bắt và bịt mắt bà tôi đều bịt mặt bằng vải đen. Họ là những người bà con quen biết trong làng. Họ dẫn bà tôi ra bờ hồ và bắn vài phát súng xé tan sự yên tĩnh của một đêm không trăng sao. Tôi và người anh họ khóc thét lên vì tưởng rằng người ta giết bà tôi. Trời tối đen như mực. Trong căn nhà rộng lớn chỉ có hai đứa trẻ. Một đứa 05 tuổi và một đứa 06 tuổi. Cả hai chúng tôi không sao ngủ được. Nằm trên bộ ván gỗ chúng tôi khóc rấm rức. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu đêm ấy họ thấy mẹ tôi trong nhà? Họ lục xét cả căn nhà rộng lớn kể cả tủ chén dĩa. Tôi hoàn toàn không biết mẹ tôi trốn ở đâu. Nhà ở Tuy An không còn nữa. Ở Bình Chuẩn mẹ tôi quen thân với Dì năm Leo và má chị Lan ở Xóm Ngoài trên đường đi Thuận Giáo. Ở Tân Khánh mẹ tôi quen với nhiều người từng buôn bán với mẹ. Ở Phú Hoà dì tôi có hai căn nhà lớn có hầm núp bom kiên cố ở Phú Lợi và Hòa Thạnh. Có lẽ mẹ tôi sống lẫn quất quanh các vùng nói trên.
Khoảng hai giờ đồng hồ sau khi có tiếng súng nổ ngoài bờ hồ, bà tôi về nhà và gõ cửa. Tôi reo lên: Bà ngoại về! Cậu bảy C. bắt bà! Bà nói bằng một giọng yếu ớt và sợ sệt: Đừng nói! Từ đó đến ngày bà mất tức 27 năm sau bà không bao giờ nhắc đến chuyện đau lòng xảy ra với bà.

 

****
 

Từ người tù bị tra khảo cha tôi làm việc trở lại. Chánh quyền Pháp ở quận Lái Thiêu dẫn cha tôi xuống tiệm may Huê Lợi để may vài bộ đồ để bắt đầu làm việc. Khám nhốt cha tôi sau nhà hội Tân Thới là nhà ở của cha tôi. Cha tôi tìm cách liên lạc với mẹ tôi và dùng tiền để nhờ người dẫn mẹ tôi ra Lái Thiêu. Hai anh lớn của tôi xuống Sài Gòn bằng ngã Dĩ An. Hai người anh kế ra Lái Thiêu bằng ngã Bình Hoà. Tôi là người sau cùng đoàn tụ với cha mẹ và các anh ở Lái Thiêu. Lái Thiêu trở thành trú quán lâu dài nhất của gia đình tôi. Ở đây tôi có thêm hai em trai và một em gái. Người em trai kế tôi mất khi chưa được ba tháng tuổi. Hai người anh lớn của tôi về Sài Gòn để tiếp tục việc học hành ở trường Pétrus Ký. Thay vì học hai anh đi vào bưng biền nhưng cha tôi không hề hay biết. Cha mẹ tôi lại phải khổ sở với chánh quyền địa phương về chuyện này.


Mẹ tôi say mê buôn bán. Mẹ mua thuốc lá ở Bình Chuẩn, Vĩnh Trường, Tân Khánh về bán cho các đại lý ở Thủ Dầu Một và Lái Thiêu. Việc chuyển vận thuốc ra khỏi làng rất khó khăn. Vì vậy giá thuốc lá tương đối cao. Thời ấy có thuốc điếu Jobs, Mic, Bastos, Cotab nhưng đa số dân chúng vẫn quen hút thuốc vấn nặng mùi hơn thuốc điếu do Pháp sản xuất và bán ngoài thị trường. Người hút thuốc sành điệu có thuật ướp thuốc lá riêng. Tôi là người thay mặt mẹ tôi đến các đại lý thuốc ở Thủ Dầu Một để thu tiền bán thuốc lá. Du kích Việt Minh thường đón xe ngựa để xét và tịch thu giấy bạc 100 gọi là giấy bộ lư. Có khi họ không tịch thu mà nhận mộc Uỷ Ban Hành Kháng Nam Bộ tỉnh Thủ Biên hay xé đôi tờ giấy bạc (phân nửa tờ giấy bạc 10 trị giá 5 v. v.) để người tiêu xài bị chánh quyền Pháp và sau này là chánh quyền quốc gia gây khó dễ.


Việt Minh không xét xe đò được vì xe đò chạy theo đoàn convoi có xe thiết giáp mở đường và hộ tống. Có một lần chiếc xe ngựa chở tôi bị du kích Việt Minh chặn lại trên Quốc Lộ 13 trước trường Trịnh Hoài Đức sau này và dẫn vào con đường đất đỏ đi An Sơn. Người lớn trên xe đều bị xét, nếu có tiền bộ lư (giấy bạc 100) hay giấy 10 màu đỏ -tím có hình Chùa Tháp thì bị tịch thu. Họ tịch thu không đến 200 đồng piastres lúc bấy giờ trong khi tôi đội nón cối và có trên 10,000 trên đầu đa số là giấy 100 mà Việt Minh muốn tịch thu. Vì buôn bán thuốc lá và giao dịch với nông dân sản xuất thuốc lá trong vùng Việt Minh kiểm soát, cha mẹ tôi bị bắt và đưa vào phòng tra khảo ở sau văn phòng hành chánh quận Lái Thiêu. Hai anh kế tôi trốn ở đâu tôi không biết. Một người láng giềng kéo tôi vào nhà và dặn tôi đừng ra ngoài. Bà cho biết cha mẹ tôi hiện đang ở phòng tra khảo.


Cha tôi sống trong cảnh trên đe dưới búa. Việt Minh lên án cha tôi là Việt gian. Chánh quyền thuộc địa và những người Việt hợp tác với Pháp nghi ngờ cha tôi là Việt Minh! Sản nghiệp tiêu tan. Hai anh lớn đi bưng biền. Một người ra thành vì bịnh. Một người ra đi biền biệt. Hai anh kế tôi học Pétrus Ký. Rồi tôi cũng đi học ở Sài Gòn. Hàng tuần cha trông ngóng các anh tôi về nhưng cha chỉ thất vọng mà thôi. Biết tâm trạng buồn phiền của cha, mỗi chiều thứ bảy tôi đạp xe về thăm cha mẹ ở Lái Thiêu. Chiều chúa nhật lại phải đạp xe về Sài Gòn. Anh cả tôi đã có gia đình. Anh làm việc cho một ngân hàng BNCI của Pháp trên đường Chaigneau trước khi làm việc cho hãng Denis Freres. Nhà anh là nơi hội tụ của anh em chúng tôi.


Cha tôi mất. Mẹ tôi sống với hai em còn nhỏ. Hằng tháng mẹ có tiền hưu bổng của cha tôi. Mẹ kiếm khá nhiều tiền nhờ bán tơ lụa và vải vóc dành cho phụ nữ. Nhờ khả năng thương mại của mẹ và lòng tốt của các anh và các chị dâu, việc học hành của tôi không bị gián đoạn vì sự ra đi quá sớm của cha tôi. Như lúc cha tôi còn sống, tôi về thăm mẹ tôi hằng tuần. Tôi đau lòng khi thấy em tôi học kém giống như sự đau lòng của cha tôi khi thấy tôi học kém vì dùng hầu hết thì giờ cho các trò chơi. Việc tôi dẫn Nguyễn Văn Pierre và Nguyễn Văn Sâm đi chiến khu càng làm cho cha tôi khổ tâm với chánh quyền địa phương nhất là cảnh đau lòng của người cha khi nhìn đứa con 10 tuổi của mình ngồi trên chiếc xe Jeep chở ra phòng tra khảo của Phòng Nhì ở Phú Long. Cha và mẹ tôi luôn luôn cãi vả mỗi khi cha tôi phạt tôi. Mẹ tôi thương con bằng những lời dịu ngọt và sự sung mãn vật chất. Cha tôi suy nghĩ nhiều đến tương lai của con. Tôi luôn luôn ghi nhớ sự nghiêm khắc đầy tính xây dựng đáng yêu của cha tôi. Những giọt nước mắt của người cha khi trừng phạt con ngu dại làm cho tôi thức tỉnh.


Tôi cương quyết đem em tôi về Sài Gòn để theo dõi việc học hành dẫu biết rằng sự quyết định này khiến cho mẹ tôi càng cô đơn hơn. Mẹ chỉ còn sống bên cạnh em gái của chúng tôi mà thôi. Anh tôi phải vất vả thuyết phục ông Đinh Căn Nguyên, hiệu trưởng trường Võ Trường Toản, để cho em tôi chuyển trường vì học bạ của em tôi không có gì hấp dẫn cả. Tôi không hối hận về quyết định quá nặng về lý hơn là tình này. Ngược lại tôi sung sướng về thành quả giáo dục của tôi khi biến em tôi thành một học sinh xuất sắc ngay trong niên học đầu ở trường Võ Trường Toản. Một bạn học của em tôi hỏi: Mày học dở ở Trịnh Hoài Đức, sao xuống đây mày đứng đầu lớp. Vậy mấy thằng ở Trịnh Hoài Đức giỏi ghê gớm lắm phải không? Tiến sĩ Võ Văn Tới vẫn còn giữ nhiều kỷ niệm đẹp về em tôi. Một hôm ông gặp con tôi ở trường Harvard và thấy con tôi có vóc dáng giống em tôi lại cùng họ và chữ lót. Khi hỏi ra thì đó là cháu của người bạn của ông ở trường Võ Trường Toản năm xưa. Giáo sư Tới kết thân với con tôi từ đó. Em tôi đậu THDNC hạng tối ưu và có thành tích nổi bật ở đại học Luật Khoa và Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (Cao Học Hành Chánh Công Quyền khoá VII).


Đến giữa thập niên 1960 mẹ tôi sung sướng vì thấy các con đã có gia đình và cuộc sống ổn định. Hằng năm đến Tết tất cả con, dâu và cháu nội về Lái Thiêu ăn Tết vui vẻ. Đêm giao thừa là đêm cờ bạc giữa các anh em tôi trong nhà. Người thắng quẹt lọ nồi vào mặt người thua. Đến sáng mồng một Tết mặt người nào cũng đầy lọ nồi. Nhà có nhiều lễ giỗ. Đó là dịp để bà con và con cháu tụ về mái nhà tổ phụ. Đó cũng là bổn phận và trách nhiệm tinh thần của mẹ đối với tổ tiên bên chồng và tổ tiên của mẹ khi cha con sống và cũng như sau khi cha đã mất mặc dù phải tốn nhiều thì giờ, tiền bạc và công sức để có những lễ giỗ tươm tất hằng năm.


Niềm vui của mẹ tan biến sau ngày 30 - 04 - 1975. Mẹ đau lòng nhìn con cháu sống kiếp lao đao; tương lai bất định. Đứa thì thất nghiệp; đứa ngục tù cải tạo; đứa bị bắt vì bị tình nghi là đại tá cảnh sát (em tôi). Đứa tử trận trong chiến tranh. Đứa từ phương xa trở về cư xử như người xa lạ. Ngày ba anh em chúng tôi rời khỏi quê hương mẹ chúng tôi không hề hay biết gì cả. Sự chia ly này không giống cảnh chia ly năm 1945 - 1946. Các con vĩnh viễn xa mẹ. Các con chỉ tìm lại mẹ trong kỷ niệm vui buồn lẫn lộn qua nước mắt và sự đau nhói trong tim mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm ấy..


Con kính dâng mẹ cùng các bà mẹ Việt Nam khác cùng cảnh ngộ bài thơ vụng dại dưới đây do con viết lên để tạ ơn mẹ và các bà mẹ Việt Nam khác đã đổ xương máu, mồ hôi và nước mắt trải qua những tang thương biến đổi và thăng trầm của đất nước.

Cuộc thăng trầm bốn ngàn năm quốc biến,
Bao tang thương, đổ vỡ với hờn căm
Nhưng mẹ Việt vẫn can đảm âm thầm
Đem mối giềng cho quê cha, đất tổ.

Lúc nguy biến tuốt gươm thiêng giết giặc.
Trong thái bình lại phải đổ mồ hôi,
Lên núi thẳm tìm chồng con chết trận
Chốn hoang vu không thấy vết chân người.

Mẹ khả kính nuôi chồng, con rồi cháu,
Đếm tuổi già qua gian khổ từng ngày.
Trong tăm tối nhìn đời qua ly biệt
Giữa thanh thiên chưa thấy ánh mặt trời.


P. Đ. L

Thôi mẹ nằm yên giấc trong giấc ngủ thiên thu bên nấm mồ tổ phụ.

 

 

PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.



 

Trang Phạm Đình Lân

art2all.net