Nguyễn Quốc Trụ

 

Dương Nghiễm Mậu:

Thật chững chạc, thật cảm động

 

Dương Nghiễm Mậu, ký họa của Tạ Tỵ

 

          Nhớ đó là một buổi trưa rảnh rỗi, tôi ghé thăm một diễn đàn bạn. Người bạn đang cắm cúi làm việc. Tôi kéo ghé ngồi hút thuốc lá thấy ở bên cạnh mình một cái sọt rác đựng đầy những bản thảo gởi đăng không đăng và liệng bỏ đi. Buồn tay tôi nhặt lên những tờ bản thảo bị xé bỏ ấy lên coi. Cuối cùng và ở tận đáy cái sọt rác ấy là bản thảo một truyện ngắn.
-Bỏ đi tất cả đấy à?
-Ừ đã đọc rồi bỏ không đăng.
-Moa lấy đi được không?
-Để làm gì vậy?, người bạn ngạc nhiên hỏi.
-Mặc moa, tôi nói và cất cẩn thận cái truyện ngắn bị vất bỏ ở một diễn đàn bạn vào túi áo, trở về đăng ngay nó nguyên văn không sửa một dấu phẩy trên tờ Sáng Tạo số đang làm.

(Mai Thảo, Chân Dung nhà văn).

 

          Trong thế giới văn chương, những trường hợp như trên không nhiều, nhưng cũng không phải là quá hiếm hoi. Bel Kauffman, tác giả cuốn Lại lên cầu thang đưa xuống En remontant l'escalier qui mène en bas, kể lại, một bữa bà đưa con đi coi xiếc, trên đường đi, bà mua cho con một trái bóng bay. Đứa bé từ lúc đó, chỉ mải mê phiêu lưu cùng chiếc bong bóng bay trên trời, chẳng thèm để ý đến những chú voi khổng lồ đang diễn trò. Và bà chợt nhận ra, đứa con đã nhìn thấy nhiều hơn là những đứa trẻ khác đang cùng ngồi trong rạp. Trường hợp En remontant cũng thật ly kỳ: tiền thân của nó là mấy mẩu giấy học trò, trong một giỏ bỏ giấy vụn, tại một trường tiểu học tại New York; một ông Mai Thảo nào đó tò mò lượm lên, rồi được một nhà xuất bản New York đăng (1962). Cuộc phiêu lưu của mấy mẩu giấy vụn chưa chịu ngưng ở đó: nó biến thành những chiếc bóng bay, khi một nhà xuất bản lớn tình cờ đọc mẩu chuyện nho nhỏ, và đã đề nghị tác giả viết lại, từ bốn trang giấy vụn.

Đề tài trong En remontant (theo tờ Thời Mới, Temps Nouveaux, một tạp chí tiếng Pháp của Liên-xô) có thể tóm gọn: giữa Sự Thực và Tình Thương, cái nào hơn? Câu trả lời: Tình Thương.

Trí nhớ thường lầm lạc, có khi còn do cố ý, hoặc tiềm ẩn, hoặc hiển nhiên; đây là một trong những bản năng của con người, luôn luôn muốn tái tạo quá khứ, cho những nhu cầu hiện tại. Trong Chân Dung nhà văn, cùng bài về Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo viết... kỷ niệm với mỗi người mỗi khác, (với) Thanh Tâm Tuyền, (là) căn gác xép ám khói ở Tòa soạn Dân Chủ (của Vũ Ngọc Các, thập niên 1960), hắn hỏi xin một điếu thuốc và tôi tưởng hắn là thợ sắp chữ. Trong khi đó, qua bài viết của Thanh Tâm Tuyền trên tạp chí Thơ (số Mùa Xuân 1998), nhà thơ nhận ra bạn mình ngay lần gặp mặt đầu tiên, sau khi nhận được một bản thảo đánh máy... Liếc nhìn dòng chữ đầu tiên của bài gửi, tôi giật mình kinh ngạc...

Còn điều này nữa, cơ duyên truyện đầu tay, nhiều khi tự nó đã là một giai thoại. Như sau đây, tôi viết lại theo trí nhớ. Qua kể lại của Simone de Beauvoir, Sartre trong khi viết Buồn Nôn, La Nausée, lúc nào cũng cảm thấy có “cua bò trên lưng”! Gửi bản thảo tới nhà xuất bản Gallimard, bị chê: phần đầu ảnh hưởng Dostoevsky... một cuốn tiểu thuyết bình dân! Sartre thời gian đó, suốt ngày chầu chực ở văn phòng nhà xuất bản; một bữa ông đang ngáp gió, thấy một ông vô, trong khi nói chuyện với bè bạn, ông này lấy thuốc lá, loay hoay tìm hộp quẹt, Sartre nhanh nhẩu tới làm cử chỉ đẹp. Ông này hỏi, xin lỗi ông là ai, Sartre tự giới thiệu. Hóa ra là Jean Paulhan, ông chủ tiệm. Phần tiếp theo, chắc các bạn đoán ra được...

Trường hợp Dương Nghiễm Mậu, giả sử Mai Thảo không buồn tay, có thể chúng ta vẫn có một Dương Nghiễm Mậu, nhưng thiếu Rượu Chưa Đủ, thì thật là một vô cùng thiếu sót. Bởi vì đây là một truyện ngắn, như một loài chim hiếm quí, khi nó xuất hiện, văn chương sẽ... không còn như trước nữa!

Trong kho chuyện cổ của Trung Hoa, có câu chuyện về một quả chuông, đánh lên không nghe, nhưng lại ngân lên ở một nơi khác. Rượu Chưa Đủ bản thân nó cũng là một tiếng chuông lạ, đến từ một miền đất khác (1), âm thanh của nó như được nén lại, ra tới nơi quê người, mới thực sự rền rĩ. Ở đây, chúng ta như mường tượng ra bức địa đồ tỉ lệ xích 1/1 của Borges, mà người Việt cố mang ra ngoài để vá víu lại, cho nó như xưa. Chúng ta càng nghe rõ âm thanh của tiếng chuông lạ này, khi đọc Mai Thảo, viết về đoạn kết Rượu Chưa Đủ:

Bao năm rồi không đọc lại tôi chẳng thể nhớ hết từng chi tiết của truyện, chỉ nhớ cái anh chàng nào đó, với bút hiệu Dương Nghiễm Mậu đã có ở Rượu Chưa Đủ một kết thúc tuyệt hay. Đoạn tả người anh đến đón em ở viện mồ côi. Hai anh em cùng mồ côi cha mẹ từ sớm (một ẩn dụ về một Hà-nội?, người viết bài này thêm vô). Hai anh em đi lang thang một ngày trong thành phố không có một đồng xu nhỏ (những ngày đầu di cư của họ Dương?). Buổi chiều, trước khi đưa em trở về viện, anh dẫn em vào công viên, yên lặng lấy đất đắp thành những mô hình sông núi, thầm nghĩ hai anh em trơ trọi giữa đời, thôi bầy trò chơi đắp hình sông núi với em để có được cùng em, dù một cách rất tội nghiệp, buồn rầu một ý niệm về một điểm tựa, về nguồn gốc. Thật chững chạc và thật cảm động. Đó là truyện ngắn thứ nhất của Dương Nghiễm Mậu. Một công viên vắng lặng... Hình ảnh con đường văn chương Mậu mở ra và đi trên đó một mình... Những mô hình sông núi quê hương. Đứa trẻ mồ côi, nghiêm chỉnh sớm hiểu biết, ý thức trong truyện chính là Dương Nghiễm Mậu, đã đắp xong, rất hoàn chỉnh, những mô hình sông núi cho cõi văn cõi viết của mình... Và Mai Thảo kết luận: Cuối cùng là đứa trẻ mồ côi trong truyện ngắn đầu tay của Dương Nghiễm Mậu sự thực không bao giờ mồ côi. Mồ côi là những kẻ khác kia.

Hay khi đọc Thanh Tâm Tuyền viết về Đêm Giã Từ:

Đấy là một truyện không cốt truyện. Sự hấp dẫn bắt đọc là ở lời, giọng kể, ở ma lực của tiếng nói bắt lắng nghe - theo bước di chuyển của nhân vật giữa thành phố bỏ ngỏ trong đêm, sự vật ẩn hiện nổi chìm trong giấc kín bưng triền miên của nó -, ở sự dồn đẩy khôn nguôi của chữ nghĩa tưởng chừng không sao dứt tạo thành những vận tiết mê mải tới chốn nhòa tắt tiếng...

Năm di cư thứ hai mươi (1974), khi viết bài Tử Địa, nghĩ đến những đứa con tư sinh ở cả hai miền lúc ấy...

Khi từ Phú Thọ ra, ghé lại Hà-nội đợi giờ tầu về Nam, lúc chiều tối đứng trên thềm ga Hàng Cỏ, trông xuống phố Hàng Lọng, phố Trần Hưng Đạo sâu hoắm bóng đêm rét lạnh của một ngày cuối năm tôi thầm nhắc thành tiếng bên tai 'Nhìn xuống vực thẳm... dưới ấy', câu của Anh vẳng ngân như một câu thơ. (Câu văn là một câu gắn liền trong mạch văn, tách khỏi mạch không ít thì nhiều cũng bất toàn. Câu thơ tách khỏi mạch vẫn tự đầy đủ, tự lập trên cái nền thiếu vắng nó gợi nhắc).

Cái nền thiếu vắng, những mô hình sông núi tưởng tượng, tiếng chuông ngân ở một nơi khác: mồ côi là những kẻ khác, nhưng Rượu Chưa Đủ, Đêm Giã Từ, Bếp Lửa... mãi mãi vẫn chỉ là những đứa con tư sinh của một miền đất.

Hình ảnh con đường Mậu mở ra và đi trên đó một mình..., câu này chỉ có thể coi như một nghi vấn, thay vì một khẳng định. Nói một cách khác, không có vụ di cư, không có tờ Sáng Tạo, không có Dương Nghiễm Mậu. Rượu Chưa Đủ "chưa đủ", nó cần một, hay nhiều hình ảnh khác nữa để tự khẳng định, để hoàn tất: chúng bổ túc cho nhau, những đứa con tư sinh của một miền đất. Nói rõ hơn, Dương Nghiễm Mậu là một "dị bản", của một Thanh Tâm Tuyền quá trí thức, quá Tây-phương, quá say mê Malraux... Một Thanh Tâm Tuyền "khác", khô, cứng, thật chững chạc, nhưng cũng thật cảm động... Nguyễn Đình Toàn, lại một Thanh Tâm Tuyền khác nữa, một bên là mặt trời, một bên là bóng đêm, chúng bổ túc cho nhau. Dẫn chứng quá nhiều: Chị Em Hải (Nguyễn Đình Toàn) là một dị bản của kịch Ba Chị Em (Thanh Tâm Tuyền). Đêm Lãng Quên, truyện ngắn được Võ Phiến tuyển chọn ở hải ngoại, khi viết về những tác giả Miền Nam, thoát thai từ một truyện ngắn của Thanh Tâm Tuyền, tôi không còn nhớ tên, viết về ông già gác dan, (gác ga-ra?) cho cặp nhân tình tạm trú, cuối cùng bị gã con trai nện cho sặc máu mũi, gục xuống một đống... Trước khi bỏ đi, gã thét cô bồ: lột cái xú-chiêng ra, ném lên mặt khứa lão! Mùi vị đàn bà, cuộc tình hối hả... làm ông lão tỉnh dậy, thấy mình đang ở Thiên Đàng, hay phía bên kia Địa Ngục (Chiến Tranh)... Hãy so sánh với Đêm Lãng Quên, về một già muốn làm con ong hút nhị từ cô gái.... Chất hung bạo trong thơ Thanh Tâm Tuyền tràn lan ra văn. Ở Nguyễn Đình Toàn, lại là sự tắt nghẹn, hết hơi, của những bóng dáng đàn bà, không còn đủ hơi sức, để kéo lê, thân xác của chính họ: Cái Chết, Cái Sống đều thoi thóp như nhau. Bóng dáng của Thần Chết, của Chiến Tranh lảng vảng ở trước, hoặc sau đời sống: nó vắng mặt, như một từ chối quyết liệt, bởi những con người đứng bên lề...

Dân làng sau đó, tới nơi chuông ngân, làm lễ thỉnh tiếng chuông trở về, từ đó, nó bình thường như mọi quả chuông khác.

 

Nguyễn Quốc Trụ

_____


Chú thích: (1) Dương Nghiễm Mậu vào Nam năm 1954.
 

 

(Nguồn : Tin Văn

www.tanvien.net )

 

trang nguyễn quốc trụ

art2all.net