VĂN HỮU số
45
Mùa
Hạ 2019
~~oOo~~
Linh Vang
MỘT NÉN HƯƠNG CHO
NHÀ VĂN
NGUYỄN MẠNH AN DÂN
Lần đầu
tiên tôi nghe đến tên anh là khi người anh họ của tôi là anh Sông Côn
đưa một bài viết của anh vào diễn đàn Đặc Trưng, và anh SC kêu tôi vào
đọc đi, bài của một cây viết gốc người Bình Định (như anh và tôi). Anh
SC cũng rủ tôi gia nhập vào diễn đàn này, nói là sinh hoạt cho vui, và
bày tôi cách gia nhập.
Tôi nhận ra là mình đã biết trễ, hẳn cũng 5 năm là ít để biết về trò
chơi diễn đàn, thế giới ảo.
Đó là bài viết về những quán cà phê ở Sài Gòn vào những năm 60, 70.
Hai anh có nhiều điểm giống nhau: đều là người Bình Định; cựu học sinh
trường trung học Cường Để, Quy Nhơn; sau đó xa nhà, tiếp tục việc học
trong Saigon, ở Đại học xá Minh Mạng dành cho sinh viên; và cùng có cái
thú uống cà phê, rành nhiều tiệm quán cà phê ở Sài Gòn.
Bài viết đó tạo một không khí sống động, nhớ quê hương ngút ngàn cho
những anh chị lớn tuổi hơn tôi trong diễn đàn, khi nhắc tới những quán
cà phê quen thuộc mà họ đã hay đi uống khi còn ở SG, một cái thú mà tôi
vì còn nhỏ tuổi khi còn ở quê nhà nên đã không biết.
Sau này, tôi có dịp đọc nhiều bài của anh Nguyễn Mạnh An Dân khi cùng
sinh hoạt trong Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, nhưng vẫn chưa gặp mặt nhau
ngoài đời, cho tới khi tôi về sinh hoạt ở trung tâm nơi anh từng làm chủ
tịch 2 nhiệm kỳ, là Trung tâm Văn Bút Nam Hoa Kỳ, Houston.
Giờ Cuối Ở Một Đơn Vị Nhỏ là một truyện ngắn
nhưng lại rất dài, trên 17 ngàn chữ.
"Giờ Cuối", tôi có thể đoán được phần nào cái đoạn kết, nhưng tôi vẫn
hồi hộp đọc một mạch xem cái đơn vị nhỏ bé, lẻ loi, tang thương này có
qua được vùng quốc gia hay không. Đoạn cuối của truyện đã làm tôi bật
khóc. Bị bao vậy tứ phía, trải qua bao gian lao, kẻ còn, người
mất,...niềm hy vọng cuối cùng là qua được sông. Dòng sông Vàm Cỏ
rộng lớn phía sau như một chướng ngại vật thiên nhiên tuyệt vời bảo vệ
mặt lưng đơn vị, còn phía trước là quân bạn, như vậy không có gì đáng lo
ngại nữa…(Nguyễn Mạnh An Dân).
Thế mà...!
Lần gặp mặt thứ hai khi tôi về Houston dự Văn Bút, đứng nói chuyện với
nhau nhiều hơn, tôi mới có dịp cho anh biết cảm tưởng của tôi khi đọc
cái truyện này - mà khi đó đã không nhớ cái tựa đề, chỉ nhớ là một nhóm
lính VNCH cố thoát vùng vây khắp phía của quân thù cs, tìm về vùng quốc
gia.
Anh nói, thấy sao viết vậy, không có bố cục, sắp xếp
gì cả.
Khi chấm dứt câu chuyện, tôi lại nói với anh câu tôi
vẫn hay nói. Em nợ các anh.
Dưới đây là đoạn văn cuối của truyện ngắn Giờ Cuối Ở Một Đơn Vị Nhỏ:
...Tùng sang sông theo đợt quân cuối cùng. Đơn vị đã qua hết và mọi
người đang nằm, ngồi rải rác trên cánh đồng. Phía xa đằng trước là một
xóm nhà rải dọc theo quốc lộ, với xe cộ đi lại tấp nập trên đường. Niềm
vui về được đất nhà như làm mọi người hồi sinh, quên hết mệt nhọc. Tùng
thở phào như trút được một gánh nặng, để mọi người tự do muốn làm gì thì
làm. Tùng nhìn bao quát lượng định tình hình. Dòng sông Vàm Cỏ rộng lớn
phía sau như một chướng ngại vật thiên nhiên tuyệt vời bảo vệ mặt lưng
đơn vị, còn phía trước là quân bạn, như vậy không có gì đáng lo ngại
nữa… Tùng định sẽ để mọi người nghỉ ngơi, cho người tải thương vào xóm
và mua đồ ăn uống, sẽ ngủ một đêm an toàn trước khi liên lạc để nhận
nhiệm vụ mới, anh ngồi bệt xuống đất, dựa lưng vào bờ ruộng nhìn ra
đường. Nắng chiều dìu dịu và bầu trời trong xanh, Tùng mỉm cười nhìn xe
cộ chạy xa xa và thấy vui vui khi nghĩ đã có lúc Thiên Kim đi lại trên
con đường này. Người hạ sĩ già mang đến cho Tùng một gói mì khô và nói
vui vẻ:
- Tôi có mang đủ đồ cho Trung úy mà nặng quá, bỏ dần, Trung úy dùng đỡ
gói mì.
Tùng mỉm cười, dễ dãi:
- Còn gói nào anh ăn đi, rồi vào xóm kiếm cái gì cho tôi, mình khao quân
xôm xôm một chút.
Tùng nói và mở gói mì nhai từng miếng nhỏ. Suốt ngày không có gì trong
bụng, cơn đói và niềm vui làm Tùng thấy những cộng mì ngọt ngào, thơm
ngon lạ thường, Tùng vừa ăn vừa nhìn ra chung quanh, những người tháp
tùng đã lần lượt vào xóm, trên cánh đồng rộng chỉ còn các binh sĩ thuộc
quyền của Tùng. Anh em một số đang nói chuyện, số khác đang nằm lăn ra
đất, đồ đạc, súng ống vứt bừa bãi không chút e dè, phòng bị. Tùng nhìn
thấy nhưng không nói gì, kệ, để anh em được sống bình thường, được làm
người bình thường hưởng một chút thoải mái, nghỉ ngơi hiếm có này.
Tùng rất thương những người lính của mình, đa số họ còn rất trẻ, chiến
trường như một phán quan khó tính và độc ác, nó loại bỏ dần từng con
người, cướp đi từng mạng sống, ít ai kịp lớn, kịp già trong chiến tranh
và một lớp người khác phải thay thế. Tùng rất hiểu những chàng trai tội
nghiệp này, họ cũng có một thôn làng, một góc phố, một mái nhà nào đó để
nhớ về; một nụ cười, một mái tóc nào đó để nghĩ tới; họ cũng cần những
phút mơ mộng, lang thang uống một ly cà phê, nghe một bản nhạc; những
ước mơ rất bình thường, rất con người mà họ phải từ bỏ tất cả; đời sống
có một chút kiêu hãnh nhưng rất nhiều chua xót. Tùng hiểu và anh đã cố
gắng dung hòa giữa trách nhiệm của một cấp chỉ huy và tình thương của
một người anh, nghiêm khắc tuyệt đối khi cần thiết và thoải mái tối đa
khi có thể.
Tùng cởi giày, vắt khô đôi vớ dày đẫm nước và bóp bóp hai bàn chân bạc
tãng, nhăn nhúm vì bị bó ướt quá lâu của mình, anh nằm dài ra đất nhìn
trời và suy nghĩ mông lung: không biết giờ này Tiểu đoàn ở đâu? Trung
đoàn ra sao? Sư đoàn thế nào? Không biết Thiên Kim đang làm gì? Ở đâu?
Còn cha mẹ? Tùng thấy xốn xang, đau đớn. Niềm vui thoát hiểm chỉ thoáng
qua nhưng nỗi lo trước mắt dằng dặc. Tùng ngồi dậy, anh nghĩ phải vào
xóm ngay, phải hỏi thăm tin tức, phải liên lạc với đơn vị và tái phối
trí tức thì. Tình hình này không thể và không được nghỉ ngơi gì cả. Tùng
thấy mình giống như một đứa trẻ quá hưng phấn đã muốn tự tưởng thưởng
mình làm được một bài toán khó bằng cách bỏ dở một buổi học. Không
được, đơn vị anh đã bỏ Hậu Nghĩa, biết đâu, nhiều đơn vị khác cũng làm
công việc tương tự như thế ở nhiều nơi khác và tình hình chung chưa biết
thế nào, chuyện gì cũng có thể xảy ra và thời gian lúc này không thể
tính bằng tháng, bằng ngày mà phải từng giây, từng phút.
Tùng vội vã mang giày. Có nhiều tiếng lao xao và một nhóm người bu lại ở
một góc xa. Tùng nhìn thấy một người đàn bà đứng tuổi đang quơ chân, múa
tay nói một điều gì đó và nhiều người chỉ về phía Tùng. Tùng ngồi thẳng
người khi người đàn bà đến gần, chị ta nhìn Tùng và hỏi trổng:
- Anh chỉ huy toán quân ngụy này?
Tùng trừng mắt, anh hết sức khó chịu khi nghe giọng điệu của người đàn
bà nhưng cố dằn lòng trả lời, cộc lốc, thách thức.
- Vâng, chị là ai, muốn gì?
Người đàn bà tiếp tục nhìn Tùng đăm đăm như đang
đánh giá, ước tính một điều gì đó rồi mới mỉm cười, nói lớn, không trực
tiếp trả lời câu hỏi của Tùng:
- Quân đội nhân dân đã làm chủ khu vực này, chính quyền cách mạng yêu
cầu các anh buông súng.
Tùng mở tròn mắt, anh hỏi lại như không tin vào
tai mình:
- Chị nói gì?
Người đàn bà chậm rãi nói tiếp:
- Tôi là ủy viên hội liên hiệp phụ nữ giải phóng, đây là xã Tân Thới
Nhì. Huyện Hóc Môn. Tôi được huyện ủy và bộ chỉ huy quân sự huyện ủy
nhiệm, đến đây thông báo cho anh rõ: toàn bộ các tỉnh Tây Ninh, Hậu
Nghĩa, Bình Dương đã được giải phóng; Hóc Môn và khu vực chung quanh sân
bay Tân Sơn Nhất, Bà Quẹo cũng đã được giải phóng, Quân đội nhân dân
đang tiến về tiếp quản Sài Gòn, yêu cầu anh ra lệnh cho binh sĩ buông
súng trình diện chính quyền Cách mạng.
Tùng sững sờ, anh bỏ mặc người đàn bà, đứng lên cầm ống dòm nhìn vào
xóm nhà. Khắp một tuyến dài dọc theo bìa xóm có bóng những người lính
ghìm súng hướng ra cánh đồng; trên đường, tất cả các xe đều có lá ngụy
trang và cắm cờ xanh trắng, sao vàng. Tùng hiểu mọi sự, hiểu sự ỷ y, lầm
lẫn của mình, anh lặng lẽ ngồi xuống, nhìn thẳng người đàn bà, chậm rãi:
- Tôi hiểu, nhưng tôi không thể trả lời cho chị ngay bây giờ, tôi cần
thời gian, chị đi đi.
Người đàn bà ngần ngừ một chút rồi đề nghị:
- Anh làm gì cứ làm đi, tôi chờ để biết ý kiến của anh.
Tùng không muốn bất kỳ ai, nhất là người đàn bà
đại diện cho kẻ thù chứng kiến những giây phút khó khăn, chua xót của
đơn vị mình, anh nói dứt khoát:
- Không được, chị ngồi đây tôi sẽ không giải quyết gì hết, tùy chị.
Người đàn bà mỉm cười, tỏ vẻ dễ dãi, cởi mở của một người đang có ưu
thế:
- Cũng được thôi, nhưng báo anh biết chúng tôi không có nhiều thì giờ,
lực lượng của chúng tôi đầy đủ trong kia, chúng tôi đã sẵn sàng từ lúc
các anh chưa sang sông, nhưng hòa bình rồi, giải phóng rồi, không nên đổ
máu vô ích nữa, cả hai bên, anh suy nghĩ đi.
Người đàn bà nói xong quay người đi vào xóm nhà, Tùng ngồi im như một
pho tượng. Tin tức về tình hình thất lợi đã lan khắp đoàn quân, mọi
người đều bật dậy, im lặng đến gần vây quanh lấy Tùng, tất cả đều mang
súng ống sẵn sàng.
Tùng lặng lẽ nhìn khắp một lượt anh em, ánh mắt của mọi người làm Tùng
bối rối và đau xót. Tất cả mọi người đều chăm chú nhìn Tùng như chờ đợi,
như dò hỏi, như hy vọng, như trao gởi và tin cậy. Tùng cúi gằm mặt
xuống, mắt mờ đi: “Đừng nhìn tôi, đừng hy vọng gì ở tôi nữa anh em ơi!
Chúng ta đã lạc mất đơn vị từ sáng nay, tôi cũng nhỏ nhoi yếu đuối lắm,
tôi cũng hy vọng và chờ đợi một lời khuyên, một mệnh lệnh nhưng không có
gì cả, không còn ai cả. Anh em chúng ta đều lạc lõng, tội nghiệp và vô
vọng như nhau. Tôi biết nói gì với anh em? Tôi quyết định được gì cho
anh em? Tôi chỉ là một sĩ quan quá nhỏ bé trong quân đội, mọi quyết
định ở một chỗ khác, mọi trách nhiệm cũng ở một chỗ khác, nhưng hoàn
cảnh đã biến tôi thành cái gạch nối gần nhất của cả một hệ thống chỉ huy
không hoàn thành trách nhiệm trước anh em, tôi phải làm tròn vai trò đó
và cá nhân tôi, tôi nhận lỗi và xin thông cảm cho tôi. Tôi xấu hổ vì sự
bất lực của mình nhưng tôi cũng hãnh diện được có mặt bên cạnh anh em,
chia xẻ với anh em những giờ phút hào hùng và bi thảm cuối cùng. Tôi
không thể phiêu lưu dẫn anh em lùi lại trong cánh đồng bưng; tôi cũng
không thể điên cuồng ra lệnh cho anh em tấn công vào xóm nhà, tấn công
giữa một khu vực không còn quân bạn, chúng ta không còn một nơi nào để
nhắm tới, tôi không còn một cách nào khác, xin hiểu cho tôi…” Tùng chấm
dứt dòng suy nghĩ và chậm rãi đứng lên. Mọi người im phắc và tất cả nóng
lòng hồi hộp chờ nghe một điều gì đó từ người chỉ huy của mình. “…Tội
nghiệp anh em quá, tội nghiệp tôi quá, chúng ta không có phép lạ nào
hết, không có ơn phước nào đến với chúng ta lúc này hết, phải can đảm
chấp nhận thực tế chua cay của số phận mình anh em ơi…”
Tùng thấy mắt mình cay cay, anh nghẹn ngào nói tiếp:
- Hoàn cảnh của chúng ta anh em đã biết hết rồi; sáng nay tôi rất hy
vọng và có hứa đưa anh em về nơi an toàn, anh em đã cố gắng hết sức và
tỏ ra rất xứng đáng, rất can trường, tôi ghi nhận và xin cảm ơn, tiếc
là chúng ta đã đến quá muộn, tôi đau đớn lắm và tôi biết anh em cũng như
thế nhưng không biết làm sao hơn…
Có nhiều tiếng xì xào trong hàng quân, nhiều người gục đầu chảy nước
mắt. Tùng ngừng lại lấy khăn lau mặt rồi ngước lên nói nhanh, mắt đỏ
hoe không nhìn ai:
- Thôi, chúng ta không có thì giờ. Kể từ giờ phút này tôi không còn là
cấp chỉ huy của anh em nữa, xin anh em tự lo liệu, chúc anh em may mắn.
Hàng quân trở nên hỗn loạn, mọi người đứng lên bu kín lấy Tùng, mỗi
người tranh nhau nói một câu, tất cả đều muốn ở lại, muốn theo Tùng.
Tùng lắc đầu, anh nói từ tốn:
- Cảm ơn anh em nhưng không được, tôi không còn làm gì cho anh em được
nữa hết, đừng mất thì giờ, không biết chúng ta có còn được gần nhau lâu
nữa không, xin chia tay và hy vọng có ngày gặp lại anh em. Thôi, anh em
cho tôi yên một chút.
Tùng nói xong những điều khó nói nhất, anh thẫn thờ ngồi xuống và im
lặng không nhìn ai. Đám đông ồn ào, chộn rộn, có người hớt hãi lo âu, có
người phẫn nộ uất ức, đau đớn oán than, họ bịn rịn và e dè chờ đợi một
lúc rồi cũng lẻ tẻ kéo nhau vào xóm. Đoàn người vắng đi dần dần, chung
quanh Tùng chỉ còn Mưu, mấy sĩ quan Trung đội trưởng, người hạ sĩ già
nấu bếp, mấy âm thoại viên và toán biệt kích Đại đội, những người đã
từng gần gũi, lăn lộn sống chết nhiều phen với Tùng. Mưu e dè lên tiếng:
- Trung úy coi lại xem có cách nào khác không?
- Không!
- Vậy chúng ta cũng vào à?
- Đúng!
Mưu tần ngần một chút rồi nói tiếp:
- Tôi không dám trách trung úy, nhưng hình như ông hơi vội!
Tùng cười buồn, anh cầm tay Mưu:
- Cậu nói đúng một phần, nếu tôi đi một mình, hoặc nếu tôi không bị ràng
buộc gì với ai, có thể tôi cũng sẽ nghĩ như cậu, nhưng tôi còn chỉ huy,
tôi còn trách nhiệm - trách nhiệm cuối cùng - tôi không thể liều lĩnh
được. Người đàn bà hồi nãy có nói một điều đúng “không nên để xương máu
đổ thêm nữa”, không ích lợi gì trong hoàn cảnh này, cậu hiểu giùm tôi.
Tùng không nói gì thêm, anh im lặng tháo băng đạn khẩu súng colt, lơ
đãng lấy tay bấm cho những viên đạn rơi xuống đất rồi hờ hững bỏ súng
vào bao, cuốn giây ba chạc gọn ghẽ quanh chiếc nón sắt ngay ngắn như
những lần so hàng trong quân trường, ngồi trầm ngâm một chút rồi đứng
lên buông thõng mấy tiếng:
- Thôi mình đi.
Tất cả đứng lên theo. Tùng như chợt nhớ ra, nói vội với mọi người.
- À! Chút nữa tôi quên, anh em nào biết nhà Trung úy Thắng, Thiếu úy Còn
và các anh em thiếu may mắn khác, nếu được về sớm báo giùm tình trạng
của các anh em ấy. Tôi sợ không làm được, sợ khó về. Đây là điều cuối
cùng chúng ta có thể làm cho nhau, anh em cố gắng, tôi cảm ơn.
(Giờ Cuối Ở Một Đơn Vị Nhỏ - Nguyễn Mạnh An Dân)
@
Ngoài tình đồng hương, còn tình văn bút, LV xin gửi tới anh Nguyễn Mạnh
Dạn, tức nhà văn Nguyễn Mạnh An Dân một nén hương tưởng nhớ anh.
Anh vừa mới mất do một tai nạn xe cộ ở Houston, nơi anh cư ngụ.
Mỗi lần làm gì, đi đâu, anh luôn luôn cho chị Dạn biết vì chị đi đứng
khó khăn, mắt lại kém. Anh chị chỉ có một cháu trai, vừa ra trường, nhận
công việc ở xa. Hôm đó, chị không biết là anh đã đi đâu.
Hấp tấp gì, vội vã gì mà không cho chị biết, hở anh?
Linh Vang
vanhuu08@yahoo.com
Trang Văn Hữu |