"ĐÔI BỜ"
TRIỂN LÃM TRANH THANH TRÍ
05 & 06 SEPTEMBER, 2009
Bích Huyền Thanh Trí và Những Bức Tranh Thơ
“Tìm cho thấy liễu xanh xanh lả lơi / Hay đi tìm giòng suối tóc trên vai…”
Thưa quý vị, câu hát đẹp như câu thơ ấy ở trong bài “Suối Tóc” của nhạc sĩ Văn Phụng. Tôi tin rằng, nếu nhạc sĩ còn tại thế, bước vào phòng tranh của họa sĩ Thanh Trí, ông sẽ rất vui sướng tìm gặp không phải một mà rất nhiều “suối tóc” đẹp như thế trong họa phẩm “Đùa Gió” của chị Thanh Trí.
“Óng ả tóc huyền gió lùa bay…” Bên cạnh tác phẩm nghệ thuật ấy chúng ta còn đọc được câu thơ thật đẹp của chính người nữ họa sĩ tài hoa. Có rất nhiều, rất nhiều bức họa với đường nét mềm mại, đầy nữ tính, giàu chất thơ và có tính nghệ thuật cao như bức tranh sơn dầu “Đùa Gió” ấy trong hầu hết các họa phẩm của chị Thanh Trí. Dịu dàng, êm ả và…rất Huế là không gian tôi bước vào “phòng tranh” trên trang nhà Art2All.net do Đặng Lệ Khánh thiết kế và điều hành. Tôi đã được quen biết và trở nên thân thiết với những người bạn Huế đáng yêu ấy trên mạng lưới toàn cầu. Trang mạng ấy là con đường dẫn chúng tôi đến gần với nhau và chia sẻ với nhau mối đồng cảm trong văn học nghệ thuật. Chưa gặp chị, nhưng tôi đã tìm hiểu về người nữ họa sĩ đáng yêu này trong khu vườn Art2All.net mà Đặng Lệ Khánh chăm sóc. Cánh cổng vườn vừa mở ra là đã thấy ngay dòng chữ đẹp như câu thơ của hoạ sĩ Đinh Cường, giới thiệu Thanh Trí, “người của một thời áo lụa vàng và tóc gió thôi bay…” Vâng, đúng là như vậy. Chị Thanh Trí của “một thời áo trang bay”, một thời nữ sinh Đồng Khánh, đẹp vô cùng trong trí tưởng của tôi! Trong tác phẩm “Thanh Trí-Tranh và Thơ” mà tôi có được, chỉ có một bức ảnh thời thanh xuân của Thanh Trí trên bãi biển Nha Trang. Thanh Trí, cô nữ sinh Đồng Khánh, khi ấy có lẽ đã trở thành người vợ trẻ, và là một nữ giáo sư hội họa của một trường Trung học ở thành phố biển Nha Trang. Thế nhưng nét đẹp thiếu nữ hãy còn nguyên vẹn, với vóc dáng thanh thoát, với mái tóc thề óng ả, và trang phục thì…chao ơi là đẹp: quần may vải xéo, ống rộng và áo voan mỏng hai lớp, trông rất bắt mắt và rất gợi cảm. Tôi nhớ đó là cái “mốt” của phụ nữ trí thức miền Nam một thời, và mãi đến bây giờ tôi vẫn còn yêu…. Trời cho Thanh Trí nhiều ưu đãi quá, một sắc đẹp, một tâm hồn mơ mộng nhưng luôn hướng tới chân thiện mỹ, một con người nhân hậu tài hoa…
Tất cả đã thể hiện trong thơ, trong tranh vẽ của người họa sĩ ấy.
Trong bức tranh sơn mài Cơn Lốc, tôi chẳng sao quên những giọt nước mắt trong suốt lóng lánh tuôn chảy trên gương mặt đau khổ của người thiếu nữ, và bên cạnh là bài thơ nhỏ của người họa sĩ:
Về đâu chiếc nón đứt dây Về đâu gió loạn cuồng quay đẩy đùa Lấy chi che nắng che mưa? Lấy chi ngăn gió khỏi lùa tóc xanh?
Tôi tin rằng nhiều quý vị hiện diện hôm nay cũng đã từng trải qua những “Cơn Lốc” của một thời giông tố như hình ảnh TT thể hiện trong tranh… Những bức tranh như thế, qua nét vẽ của chị TT, người xem là tôi cảm thấy trong tôi những sự tan vỡ, những nỗi khỗ đau như lắng xuống, như dịu lại, như bỗng trở nên nhẹ nhàng hơn. Nỗi đau ấy như chìm lắng theo dòng thời gian, như những cơn mưa bóng mây vụt đến rồi đi, trả lại bầu trời trong xanh… Trong những họa phẩm của Thanh Trí, ít thấy bức tranh nào màu sắc lạnh lẽo hay bị chìm sâu trong những tảng màu u tối, ảm đạm. Ngược lại, rất nhiều bức tranh mầu sắc tươi vui, lấp lánh như có ánh nắng rọi chiếu qua một lăng kính rực rỡ bình minh (như Ngày Xuân, như Thương Nhau Cởi Áo Cho Nhau…). Đặc biệt, những bức vẽ về trẻ thơ, những cháu nội, cháu ngoại của họa sĩ, với những khuôn mặt ngây thơ, những ánh mắt hồn nhiên, trong sáng như những thiên thần. (Như: Lilian, Bảo Hân Trên Lụa, Chiếc Khăn Của Bà). Những đôi mắt sáng, ánh lên vẻ tinh nghịch của những cô bé trong tranh, với chiếc mũ đỏ rộng vành, khoác chiếc khăn dài lướt thướt của bà... Dễ thương vô cùng và tràn ngập yêu thương trong những bức chân dung gia đình của HS/TT.
Người phụ nữ trong tranh, qua bút pháp mềm mại của TT, như được họa sĩ khoác lên tấm khăn lụa mỏng, mang nét đẹp tự nhiên, không hoa văn lộng lẫy, không gấm vóc lụa là, không phấn son màu mè. Những đường nét và dáng vẻ thật đơn sơ và bình dị nhưng cũng thật mơ màng và tình tứ, tựa hồ nỗi nhớ nhung gửi về đâu đó vừa xa xôi lại vừa gần gũi…
Đặc biệt, tôi rất yêu những tác phẩm xoay quanh chủ đề tình mẫu tử của chị TT. Những bức tranh toát ra vẻ dịu dàng, đằm thắm, đầy tình thương yêu của người mẹ và gương mặt trẻ thơ ngời sáng nét hồn nhiên. Và bao trùm lên tất cả là không khí rất yêu thương, gợi lên niềm hạnh phúc của một mái ấm gia đình. Bức họa Nâng Niu chẳng hạn, thể hiện nét bút tài hoa, mềm như lụa, óng ả như tơ. Hoặc bức sơn dầu Tiếng Sóng Ru Con, bằng nét vẽ thật mềm mại, TT đã đưa hình ảnh Mẹ-Con vào không gian trùng trùng sóng gió biển khơi. Cảm nhận của tôi không sai, vì bên dưới bức họa đầy ấn tượng ấy là bài thơ “minh họa” của chính tác giả “Tiếng Sóng Ru Con”:
Bước chân nhè nhẹ chơi vơi chim chuyền Âm thanh sóng vỗ biển hiền Hoà cùng tiếng gió của miền thuỳ dương
Ru con ru cả biển thương Mẹ mơ thế giới bốn phương thái hoà Bầy con chấp cánh bay xa Không gian tứ hải đều là anh em
Ru con dỗ giấc êm đềm Bên bờ Thanh Hải sóng đêm rì rào Ru con lòng những ước ao Gởi vào sóng vọng dạt dào nhấp nhô
Ơn đầy Trời Phật độ cho Thuyền con đỗ bến giấc mơ xứ người Nhưng lòng mẹ nhớ biển khơi Nhớ từng tiếng sóng à ơi đêm trường
Con ơi, chớ quên biển thương Chuỗi ngày thơ ấu sóng thường ru con
Thưa quý vị, Tranh Thanh Trí thấm đẫm chất hoài niệm, chất thơ vả cả chất nhạc nữa. Chẳng hạn khi nghe nhạc của Mozart, của Bethoven, Thanh Trí như “vẽ” lại giai điệu chứ không vẽ chân dung người nhạc sĩ. Thế nhưng xem tranh, chúng ta vẫn cảm thấy có bóng dáng những thiên tài âm nhạc đó trong tranh, với những ngón tay hoa múa lượn trên phím đàn. Một chút xôn xao vỡ òa trong họa phẩm. Rất sống động.
Tranh Thanh Trí là những nét bút ghi lại những cảm quan tinh tế, sắc bén trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ ở quanh chúng ta. Tranh Thanh Trí, vì thế thật gần gũi, mang dấu ấn của bản sắc văn hóa dân tộc và thấm đẫm tình người. Bên cạnh những nét thơ mộng , tranh Thanh Trí luôn tỏa ra niềm vui tươi, hy vọng, chứng tỏ chị có một quá khứ bình yên của một thời tuổi trẻ thiên đường và hạnh phúc.
Bước vào phòng tranh của Thanh Trí là bước vào một không gian bát ngát thơ. Thi ca và hội họa như quyện lẫn vào nhau, như hòa lẫn trong nhau. Mỗi bức tranh của Thanh Trí như những nét vẽ “minh họa” một bài thơ, một câu thơ hay một ý thơ. Thơ và họa đã hòa làm một khiến tranh TT như được bao phủ bởi một màn sương thu lãng đãng. Tranh Thanh Trí đẹp như một bài thơ! Trong ý tưởng ấy, tôi muốn được gọi tên những tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Thanh Trí là “Những Bức Tranh Thơ”.
Xin cảm ơn sự lắng nghe của Quý vị. Trân trọng kính chào.
Bích Huyền
|