Trần Ngọc Bảo

 

 ra năm trgt ra giêng, sau tết: Thôi để ra năm ngày rộng tháng dài rồi mần cũng được.

ra răng trgt & tt như thế nào: Thằng cu học hành ra răng? Chẳng ra răng, toàn là đứng chót lớp.

ra răng thì ra ng ra sao thì ra: Đã quyết thì cứ làm tới, ra răng thì ra.

ra ri ng ra như thế này: Mới học thi tú tài mà con đã ra ri thì làm răng học tới ông cử, ông nghè?

đgt rơ (N) chà xát nhẹ ở mặt lưỡi: Lấy cho mạ chút mật ong rà miệng cho em.

rà đẹn ng dùng vải ướt chùi sạch những chỗ sữa đọng trên lưỡi em bé.

rạ dt rựa:

   Em nói với anh như rìu chém đá,

   Như rạ chém đất, như mật rót vào tai.

   Dặn lòng đừng có nghe ai,

   Nghe ai thì chớ vãng lai ngõ này. (hò)

rách toe tt rách te (N), rách tươm (B), rách bươm: Mi chạy nhảy cách răng mà quần áo mới may đã rách toe như rứa? Ai mà cung phụng cho nỗi?

rải rải trgt thong thả: Đừng có hối, để rải rải con làm cho.Không cần đi mau, cứ đi rải rải rồi cũng tới.

ram dt chả giò (N), nem rán (B), thức ăn làm bằng bánh tráng mỏng cuốn thịt heo, cua, tôm băm nhỏ, bún tàu, nấm mèo rồi chiên vàng hai mặt.

   đgt chiên (N), rán (B)

rạm dt (đv) rẹm (N), một giống cua nước lợ, nhỏ hơn cua đồng : Một trự rạm, tám trự rượu. (tục ngữ) (Bỏ ra một đồng mua rạm để nhậu thì phải bỏ ra đến tám đồng mua rượu)

ràn (+B) dt chuồng (trâu bò, chim): Ngon nhứt là bồ câu mới ra ràn.

ràng rịt (+N) đgt cột, buộc nhiều vòng chằng chéo: Ràng rịt chi mà chặt ri, tao mở mấy cũng không ra!

ráng đốc phách đgt cố gắng hết sức: Tính anh nớ rứa đó, làm chuyện chi cũng ráng đốc phách.

rành đời (+N) tt lõi đời (B), có nhiều kinh nghiệm sống: Mới lên thành phố mấy năm mà chừ hắn coi bộ rành đời lắm!

rành rành dt (thv) chành rành (N), cây có tên  khoa học là Dodonaea viscosa L. , thuộc họ bồ hòn Sapindaceae. Cây thân gỗ nhỏ, hay cây bụi, màu trắng ngà, có lá kim dài 5-15cm, và có lông lún phún mọc trên gân và cuống lá, hoa nhỏ li ti. Cây mọc hoang dại trên các đồi cát dọc bờ biển, được lấy về phơi khô và bó làm chổi quét trong nhà, gọi là chổi rành.X chủi rành

rành rõi (+N) tt sành sỏi (B), thông thạo: Chuyện buôn bán thì mợ rành rõi lắm.

rào dt đầm; sông nhỏ; người dân ở hai bên phá Tam Giang gọi phá là rào:

   Em trông xuống dưới sông thấy gò đất trắng,

   Em trông ra ngoài biển thấy buồm chạy lao xao,

   Em trông vô trong rào thấy kẻ chài, người vó, kẻ đó, người đăng.

   Con cá nó buồn nó lội thung thăng,

   Em buồn vì một nỗi biết than rằng với ai. (hò)

 

   · Ăn hột mít, địt tầm phào.

   Ra ngoài rào địt cái ộn,

   Vô trong độn địt cái rầm,

   Ra ngoài hầm địt cái tút,

   Vô nhà con Út địt cái chơi. (đồng dao)

ráo (+N) đgt tạnh mưa: Mấy hôm nay trời ráo rồi, đem mấy cái đồ ra sân phơi cho đỡ mốc.

rao rét đgt rêu rao: Tui chưa cho hắn chặt cành khế đâm qua vườn nhà hắn, chờ cho tới hết mùa cái đã, rứa mà hắn đã đi rao rét nói xấu tui đủ điều.

rạp dt xưởng: Thằng Huế mở rạp cưa hay rạp mộc rứa hè?

rạp xi-nê dt (gốc Php cinma) rạp chớp bóng (N) rạp chiếu bĩng (N) rạp chiếu phim

rạt gáo tt mất sạch: Hôm qua xui xẻo răng đó hắn thua rạt gáo luôn.

rau muống dt (thv) là loài rau phổ biến từ Bắc đến Nam, tên khoa học là Ipomoea aquatica Forsk, thuộc họ khoai lang Convolvulaceae. Lá rau muống hình tam giác hay mũi mác. Hoa màu trắng hay tím. Rau muống được chia làm hai loại : rau muống nước (+B) trồng ở ao, hồ, trong Nam gọi là rau muống dây (N), thân to, cuống có màu đỏ và rau muống khô hay rau muống cây (N), rau muống cạn (B), trồng trên luống đất, thân cây thường nhỏ và có màu xanh nhạt, cho nên còn gọi là rau muống trắng. O Huế rau muống nước thường được luộc bằng cách nấu nước sôi mới thả rau vào và vớt lên ngay để giữ màu xanh tươi. Sau đó có thể tước thân rau cho nhỏ, chấm với nước kho cá hay nước mắm, có thêm ớt và tỏi. Khi luộc rau xong, nước được giữ lại, vắt thêm chanh, thêm một ít muối dùng thay cho canh. Rau muống khô thường ăn sống bằng cách tước thân cây rau ra thành sợi, gọi là rau muống chẻ (không dùng lá) và trộn như trộn xà lách hay cuốn bánh tráng ướt với khoai lang, thịt heo luộc, chấm với mắm nêm, hay tôm chua. Rau muống khô còn được xào với tỏi. Theo Đông y, rau muống có vị ngọt, tính  mát, có tác dụng thanh nhiệt, thông đại tiểu tiện, giải độc. Theo y học hiện đại rau muống có nhiều chất xơ, và cả chất đạm, calci, phospho, chất sắt, vitamin A và C, tốt cho sức khỏe. Nhưng kinh nghiệm dân gian cũng khuyên không nên ăn rau muống trong thời kỳ hồi phục sức khỏe vì sẽ bị bẻ, tức là bệnh trở lại, có lẽ do rau muống làm mất hiệu lực của các loại thuốc trị bệnh.

rau thơm dt (thv) bạc hà, là loài cây được dùng làm gia vị, tên khoa học là Mentha piperita. Cây mọc đứng hay mọc bò, cao 30-50cm, thân vuông, có rễ mọc ra từ các đốt. Lá mọc đối, mép có khía răng, dài 4-9cm, rộng 1,5 – 4cm, màu xanh đậm, có lông ở hai mặt. Hoa nhỏ màu trắng hay tím hồng. Toàn cây có tinh dầu thơm. Loài Mentha piperita L. và một số giống thuộc loài Mentha arvensis L. được nhập và trồng rộng rãi ở Việt Nam. Rau thơm giúp mau tiêu hóa, có thể chữa đầy bụng, đau bụng đi ngoài, cảm sốt, nhức đầu, ngạt mũi, chảy máu cam, tưa lưỡi trẻ em.

ráu đgt réo đòi: Con mua cái chi mà ngày mô cũng ráu tiền mạ rứa?

ray rứt (+N) đgt day dứt: Mấy năm ni tui vẫn cứ ray rứt về chuyện đó.

ráy nạc đgt tách thịt ra khỏi xương: Chị luộc cá xong ráy nạc để cho mấy đứa nhỏ ăn nghe!  phẻ

rạy tt nhiều (từ của dân chài lưới): Hến dạo ni có rạy không?

rằn rện (+N) tt có nhiều vệt bẩn : Đứa mô lấy khăn lau mặt cho em đi ; răng để mặt em rằn rện, lem luốc rứa ?

rắn mối (+N) dt (đv) thằn lằn (B) loài bò sát có tên khoa học là Mabuya longicaudata, thường sống trong vườn, ăn côn trùng, không có độc. Ở miền nông thôn trong Nam rắn mối là một trong những món nhậu. (Ở miền Bắc, con thằn lằn gọi là thạch sùng)

răng trgt 1. sao: Chó sủa kệ hắn,không răng mô, cứ vô đi! Sống ở đây răng bằng ở dưới làng mền được!

2. tại sao: Nước không chân, răng kêu nước đứng?

 Lửa không miệng, răng gọi lửa cười? … (hò đối đáp)

 

 3. thế nào: Mệ răng rồi? Ăn uống đi đứng lại chưa?

 · Khi mi về ba hỏi răng, mi trả lời răng?

răng cấm (+N) dt răng khôn, răng ở trong cùng của mỗi hàm: Sáng ni tao bị nhổ cái răng cấm đau quá!

răng chừ trgt khi nào, bao giờ: Răng chừ anh mới xây lăng cho ôn nội? Ai mà làm rứa răng chừ!

   · Anh xa em em cảm thấy sầu tư,

   Bưng chén cơm ăn, đôi đũa rớt răng chừ không hay.   (hò đối đáp)

 

   · Anh xa em ra chưa đầy một tháng

   Nước mắt em lai láng hai tám đêm ngày.

   Biết răng chừ nước ráo lòng mây,

   Sông kia hết chảy, duyên nợ này mới thôi thương. (hò đối đáp)

răng cỏ dt răng nói chung: Răng cỏ eng còn tốt khôn? Còn nhai thịt được khôn?

răng cời dt răng khểnh (B), răng lòi xỉ (N), răng chó (N): O nớ có cái răng cời có duyên hí?

răng cũng lt thế nào cũng: Tao đoán răng hắn cũng về lại với vợ con thôi. · Tui thì răng cũng được, mấy eng ở lại thì tui ở, mấy eng về thì tui cũng về.

răng đành trgt sao đành, sao nỡ: Dù răng hắn cũng ruột rà máu mủ, bỏ răng đành.

răng đặng trgt sao được, làm sao có thể:

   Ra về răng đặng mà về

   Non nước, lời thề anh để cho ai? (lý)   

răng há trgt ra sao, thế nào: Cấy dôn bây cãi nhau răng há?Chuyện răng há?

răng hè trgt ra sao, thế nào nhỉ: Ôn nớ bà con với mình răng hè?

răng hô (+N) dt răng vẩu (B), răng bàn nạo (N), răng cửa chìa ra: O nớ dáng người, da dẻ đẹp, chỉ tiếc một điều là răng hô.

răng lạ rứa ng sao lạ thế: Anh tui mà lại đi đánh vợ à? Răng lạ rứa? Cả đời anh hiền như cục đất ơ!

răng mà trgt sao mà, vì lý do gì: Anh tui xưa nay không rượu chè, răng mà chừ lại đi tụm năm tụm ba với mấy cái thằng bợm bãi nớ?

răng mô mà ng không sao đâu. Thầy la thì kệ thầy, răng mô mà? Thầy có ăn thịt mi mô mà mi sợ?

răng ra rứa ng vì sao ra nông nỗi này: Con bị bỏ đói hay răng ra rứa?

răng răng ng không yên tâm, không thoải mái trong lòng: Ba mạ chưa cho phép mà chừ mình lấy nhau em thấy răng răng a!

răng ri ng sao thế này: Răng ri, ai đánh con rứa?

răng ri ta ng sao thế nhỉ: Bữa ni đứa mô cũng làm mặt lạnh với mình, răng ri ta?

răng rứa ng tại sao thế: Độ này em có vẻ lơ là việc học hành, răng rứa?

rằng rực đgt đay nghiến: Hôm qua hơi quá chén với bạn bè một chút bị mụ vợ rằng rực cả đêm.

rặt tt thuần túy, không pha trộn: Gia đình anh tui vô Sài Gòn sống mấy chục năm ni rồi mà vẫn nói tiếng Huế rặt.

rặt rặt dt (đv) chim sẻ: Bữa qua tui bẫy được năm con rặt rặt.

râm râm trgt lâm râm; âm ỉ: Tui uống thuốc hai ngày rồi mà răng bụng vẫn còn đau râm râm, vì răng rứa anh hè?

rầm dt 1. một loại giường gỗ có các mặt bên chân giường đóng ván kín, bên trong để đồ dùng như chén bát, bên trên trãi chiếu nằm. 2. ván lót sàn đò ở khoang trước.

rầm thượng dt trần nhà. Ở nông thôn người ta thường cất giữ lúa đậu trên rầm thượng bằng cách đóng thêm ván, tạo thành khối hình hộp gọi là tra.

rấm đgt đánh rắm (B): Đứa mô rấm to dữ rứa bây? Ở đây còn nhiều người lớn nữa mà?

rập đgt 1. đạp mái: Con gà trống ni hư thiệt, sáng sớm mới ăn có mấy hột đã lo rập mấy con mái rồi. 2. dụng cụ để úp cá.

   trgt cùng một nhịp: Các em vừa hát vừa vỗ tay cho rập nghe!

rập ràng Nh rập (nhấn mạnh)

rầu (+N) tt buồn: Đừng nói nữa, tao đang rầu thúi ruột đây.

rầu máu tt buồn bực: Có chuyện chi mà mi ngó bộ rầu máu rứa?

rẹn dt rễ:

Tới đây hỏi thiệt các thầy

Con rồng đau chín khúc dựng bài thuốc chi?

 

· Em về kiếm vỏ lươn, xương ốc, rẹn cột nhà,

Gan trùn, mỡ muỗi, nước tiểu gà sắc lên. (hò đối đáp)

· Dầu mà cột sắt mọc chồi,

Tre khô mọc rẹn không thôi nghĩa chàng. (hò)

rẻng tt (biến âm) rảnh (vùng Phú Lộc): Chiều ni eng có rẻng qua nhà tui mần ít li đi!

rét tt 1. (biến âm) sét (N), rỉ (B): Cơn đao ni để lâu không dùng bị rét rồi.

   2. tt rót (N), sợ : Thằng Tẹo mà thấy thằng Tôn là rét liền, mô có dám hó hé chi nữa.

rế dt 1. (đv) con dế: Đứa mô bắt rế chơi mà để hắn gáy ồn quá rứa? 2. đồ dùng đan bằng tre để lót nồi: Vói tay lấy cho chị cái rế để chi duống nồi canh.

rêm (+N) tt ê ẩm, mỏi: Bữa qua bửa củi, túi tới rêm mình ngủ không được.

rền tt (cháo) chín nhừ và đặc sệt: Nấu cháo cho em ăn phải cho thiệt rền mới duống xuống nghe!

rệu nước miếng đgt nhểu nước miếng (N), chảy nước dãi (B): Nhìn trái me ai cũng rệu nước miếng.

ri dt rừng: gà ri: gà rừng

đgt 1. (tiếng người cày ra lệnh cho trâu) rẽ sang phải 2. níu giữ lại: Rì con trâu lại mau không thôi hắn đạp giường ruộng người ta!

   trgt quá (chậm): Răng mà đi chậm rì rứa?

rì rì trgt chậm: Thằng ni làm chi cũng chậm rì rì.

rỉ rả trgt lai rai: Ôn ngọai nghỉ làm việc hai mươi năm rồi mà vẫn còn tiền ăn tiêu rỉ rả tài thiệt.

rị (+N) đgt ghì lại, kéo lại: Rị con trâu lại con, cho hắn nghỉ được rồi.

rị mọ (+N) đgt sờ mó: Tao để cái cặp ở đây tụi bây không được rị mọ vô nghe chưa?

rị xuống (+N) đgt kéo xuống: Mị rị cành ni xuống cho tau hái mấy trái khế.

riến đgt tiện, gọt: Riến mía phải cẩn thận kẻo đứt tay đó con ạ!

rím rím tt kỉm rỉm (N), ít nói : Anh chàng nớ rím rím rứa chơ cái chi cũng biết đó !

rim rím mà vịm troi   Nh lù đù vác cái lu chạy (tục ngữ)

rinh (+N) đgt bưng: Túi qua ăn trộm vô nhà rinh đi hết.Ba thứ đồ lạc xon nớ mà mi rinh về làm chi?

rít (+N) tt dính (đường, bột): Tay con rít quá, chắc là cầm kẹo ăn chơ chi. Vô đây mạ rửa cho.

rít (+N) dt (đv) rết (B):

Đố anh con rít mấy chân,

Tàu Ô mấy chiếc, chợ Dinh mấy người? (ca dao)           

Tàu Ô: Tàu cướp biển của người Trung Quốc thường sơn đen để ngụy trang và đổ bộ vào ban đêm. Giặc Tàu Ô hoành hành dưới thời vua Tự Đức.

   Chợ Dinh: khu phố chợ bây giờ ở đường Chi Lăng.

  X đánh con rít

ro ro (+N) trgt thông suốt, trôi chảy : Con Oanh giỏi thiệt; thầy hỏi chi hắn cũng trả lời ro ro.

róc rách dt rỏ rẻ (N), ròng rọc: Mình phải bắt một cái róc rách ở đây để kéo nước lên cho dễ ba nờ !

róc rách rò re dt ngóc ngách: Tui với anh Hành là bạn thân suốt thời trung học cho nên chuyện tình cảm của anh tui biết hết mọi róc rách rò re.

roi roi (+N) tt hơi gầy, phát âm là roai roai: Hắn xưa nay vẫn roi roi như rứa.

ròm (+N) tt gầy còm: Mần răng mà độ rày mi ròm rứa?

rọm Nh ròm

 

rỏn rẻn trgt từ chỉ âm thanh va chạm nhau của kim loại, thường là đồng tiền: Hắn mới có mấy đồng rỏn rẻn trong túi là đã kêu bạn bè đi đãi chè rồi !

 

rỏn rỏn trgt nói về âm thanh tạo ra khi nước được rót từ trên cao xuống: Mạ đã nói với con rồi, rót nước thì phải hạ tay thấp xuống kẻo hắn kêu rỏn rỏn như nước đái là vô lễ vô phép đó con nờ!

 

róng dt then cài ở chuồng trâu, bò: Huy, con gài róng chưa mà đi tắm rứa?

 

roọng dt (biến âm) ruộng: Con muốn lên dinh kiếm việc làm, ở đây làm roọng cực lắm.

roọt dt (biến âm) ruột: Lâu lắm rồi chừ mì nghe mi nói một câu mát roọt. Ông Bá là bác roọt của tui đó!

rọt rẹt (+N) đgt phát ra tiếng động do va chạm nhẹ: Eng ơi, có ai rọt rẹt sau bếp a tề ; eng ra coi thử.

rổ dày dt rổ đan dày, các nan tre sít lại với nhau.

rổ lồng hai dt rổ đan theo kiểu đè lên hai sợi nan tre rồi chui xuống dưới hai nan.

rổ lồng mốt dt rổ đan theo kiểu đè lên một nan, rồi chui xuống dưới một nan.

rổ lồng phân dt rổ lồng hai, nan tre to bản

rổ sưa dt rổ đan thưa, các nan tre hở nhau chừa ra các lỗ hình vuông rộng.

rồi ba lt rồi thì, sau đó: Anh uống xong ba ly rồi ba anh đứng dậy anh đi về rứa thôi, không nói năng chi cả.

rồi đời (+N) ng (lóng) chết: Đi xe đạp mà mi cứ thả hai tay như rứa rồi vấp cục đá là rồi đời nghe con!

rồi màn ng (lóng) xong, hết chuyện, tiêu đời: Ôn a uống rượu rồi kêu trời nóng quá. Ôn ra hói nhảy xuống tắm cho mát, rứa là rồi màn. X xong om

rổn rảng (+N) tt chỉ tiếng nói nghe rất rõ và vang: Ôn Cửu tuy đã già nhưng nói vẫn còn rổn rảng, oai vệ như xưa hí?

rộng rinh rộng rang (+N) ng quá rộng rãi: Quần áo mạ may khi mô cũng rộng rinh rộng rang. · Túi ni cho mi ngủ giường ni một mình rộng rinh rộng rang cho sướng.

rốp đgt rộp, phồng lên: Không biết vì răng sáp nhỏ nhà tui đứa mô cũng bị rốp miệng,

rột roạt trgt,tt sột soạt: Con chi chạy mà cứ nghe rột roạt trên mái nhà rứa hè?

rột rột dt (đv) loài chim nhỏ làm tổ bằng lá tre rất khéo, có chỗ cho con riêng, có chỗ cho chim mẹ bên ngoài để canh chừng.

rột rột trgt, tt sột soạt: Khi hôm nghe chuột chạy rột rột trên trần cả đêm em ngủ không được. · Thằng Cu Ky bị cảm rồi - hắn cứ hỉ mũi rột rột cả ngày. · Mi bị ghẻ ruồi hay răng mà cứ gãi rột rột rứa?

rờ (+N) đgt sờ (B)

 Nói người phải nghĩ đến ta,

 Hãy rờ sau gáy xem xa hay gần.(ca dao)

rờ rịt đgt sờ soạng: Cất tay ra, đừng rờ rịt mà hàng xóm người ta thấy người ta cười cho.

rờ rờ (+N) trgt chậm chạp: Mụ Hai mệt rồi hay răng mà đi rờ rờ rứa?

rờ sau ót ng sờ lên gáy (B), ý nói xét lại mình: Mi chê thằng Bình nhác rứa cha mi đã rờ sau ót mi chưa?

rớ dt vó để đánh cá: Sáng trăng trái nước sáo dở rớ treo. (tục ngữ)               

đgt đụng chạm, dính líu: Mấy đứa con gái tui lớn hết rồi cho nên việc bếp núc giặt giũ tui không rớ tới nữa. · Việc đó là việc của thiên hạ anh đừng rớ tới làm chi.

rớ ập dt loại rớ chụp từ trên xuống, cá sẽ mắc dưới lưới và người đánh cá đứng dưới nước, dùng tay đưa từ dưới lên để bắt, cũng gọi là rớ chập. Loại rớ này không lớn và người đánh cá thường vác trên vai, đi từ nơi này đến nơi khác ven dòng sông.

rớ bà dt loại rớ gắn vào đầu chiếc tròng, nốt.

rớ chài dt loại lưới dùng tay để ném ra xa.

rớ dủi dt loại rớ giống như cái dủi nhưng được người ngồi trên nốt, tròng thả xuống và cất lên.

rớ quay dt một loại rớ lớn phải dùng một hệ thống bánh xe quay, có người ngồi dùng chân đạp các cần trục để cất rớ lên và hạ rớ xuống.

rớ tay đgt Nh rớ: Công việc đó chua lắm, không ai muốn rớ tay.

rớ tép dt rớ nhỏ chỉ dùng để bắt tôm tép.

rở tt động đực: Con heo ni rở rồi. Kêu ông Tám đem heo nọc tới đi.

rởn ốt đgt nổi da gà, nổi gai ốc: Nghe hắn kể chuyện mà tui bắt rởn ốt.

rởn ốt rởn ác Nh rởn ốt

rợng gt rạng, sắp sáng: Dậy mau, trời rợng rồi!

rợp tt cớm (B), ớm (B), bị thiếu ánh sáng do cây khác che: Mấy cây cà chua này lên không mạnh vì bị rợp.

rớt (+N) đgt rơi (B): Cây viết của tui rớt chỗ mô rồi không biết.

rợt đgt sớt, gạt bớt: Rợt bớt cho em hai con tôm đi, mạ cho con miếng thịt kho tàu.

rù rì (+N) đgt chuyện trò to nhỏ: Hai đứa nớ rù rì với nhau cả đêm.

rù rờ tt 1. chậm chạp: Đi rù rờ như rứa thì biết khi mô mới tới? 2. ngù ngờ (B); khờ dại: Thằng em thì lanh lợi mà thằng anh lại rù rờ.

rú ri dt núi rừng

 Voi ăn trong rú trong ri,

 Voi ra uống nước, voi đi giữa đường. (đồng dao)

rủ rỉ rù rì (+N) Nh rù rì

rủa sả đgt rủa (nhấn mạnh): Có chi tức tối chị cũng phải nói năng vừa phải thôi, đừng có rủa sả người ta như rứa!

rúi tt (biến âm) rối: Tóc tai không chải hay răng mà rúi dữ ri?

rụi mạng (+N) ng chết rấp: Cái thằng ăn cướp nớ hắn rụi mạng mô trong tù rồi.

rụm rụm trgt rau ráu, chỉ tiếng nhai một vật rất giòn: Con chó ăn chi mà nhai rụm rụm rứa hè?

run lập cập (+N) đgt run lẩy bẩy: Lạnh quá, đứa mô đứa nấy run lập cập.· Hắn thấy thầy Toán bước vô lớp là hắn run lập cập.

run như thằn lằn đứt đuôi ng Nh run lập cập

rún (+N) dt rốn (B): Mi muốn mau biết bơi thì bắt một con chuồn chuồn rồi cho hắn cắn lỗ rún.

rúng động (+N) tt chấn động: Tin dữ lan truyền làm cả làng rúng động.

rúng rính (+N) tt xao động, lo sợ: Nghe Tây càn ở xóm trên là xóm dưới rúng rính hết.

rủng rải (+N) trgt thủng thẳng, từ từ: Thầy tui xưa nay ăn nói rủng rải.· Để rủng rải tui kể cho mà nghe, chuyện dài lắm.

ruốc dt mắm tôm (B), món mắm làm bằng những con tép biển nhỏ, gọi là con khuyết mà  ở miền Bắc gọi là con ruốc. Người Huế xưa thường dùng ruốc để nêm canh, nêm bún bò (bằng cách trộn ruốc vào nước lã, khuấy, sau đó để lắng và chỉ dùng nước trong ở bên trên, bỏ xác) và để chấm khi ăn thịt phay, hoặc dưa gang, vả.

ruồi lằng (+N) dt ruồi nhặng nói chung: Đậy lồng bàn lại kẻo ruồi lằng hắn bu vô liền con ơi!

ruộng Tam Bảo ruộng để phục vụ cho việc thờ phụng, trùng tu chùa làng mà dân gian gọi là ruộng chùa. Ngày nay một số địa phương còn mang tên Ruộng Tam Bảo mặc dù chùa có thể đã không còn, chẳng hạn ở làng Vạn Xuân thuộc phường Kim Long, làng Đốc Sơ thuộc xã Hương Sơ, thành phố Huế, làng Lệ Khê cũng thuộc xã Hương Sơ, làng Phú Xuân, nay thuộc phường Phú Hiệp, thành phố Huế.

ruộng tế dt ruộng để phục vụ cho việc cúng tế ở đình làng.

ruột (+N) tt 1. thân cận: Con Hương là học trò ruột của thầy Tiên đó! 2. sở trường: Mưa Trên Phố Huế là bài hát ruột của thằng Hải, để bữa mô tau nói hắn hát cho mi nghe.

rứa đt thế, vậy: Nói rứa thì ai mà nghe cho được?° Rắc mè lên đây. Rứa . . .rứa . . . . Được rồi.

rứa cái đã ng thế nhé. Rứa cái đã, mai gặp lại hí!

rứa cha răng ng như thế chứ sao: Thì tui phải nói rứa cha răng? Chứ anh trong hoàn cảnh đó thì anh nói răng?

rứa chơ ng như vậy : Làm anh làm ả phải rứa chơ!

  lt vậy thì: Rứa chơ anh thì anh định làm răng?

rứa đó ng  thế đấy: Tụi thợ nề nớ làm ăn rứa đó. Mình mà coi không kỹ là nó làm ẩu liền.

rứa hà ng thế à: Rứa hà? Rứa mà em không hề hay biết chi cả!

rứa hí ng như thế nhé: Mai em nhớ thưa lại với bác rứa hí.

rứa mà lt thế mà: Rứa mà tui lại không biết. Nếu biết thì tui đã tới thăm anh chị sớm rồi.

rứa mà không răng ng thế mà không sao: Thằng ni ham chơi lắm. Rứa mà không răng, hắn ngồi vô bàn là học bài thuộc liền.

rứa mà răng ng như thế thì đã sao: Tui công nhận tui hơi nóng nảy, rứa mà răng? Tui có làm chi quá đáng mô?

rứa nà pht như thế (dùng trong dỗ dành, thuyết phục): Thôi đi. Ai mà làm chuyện ốt dột rứa nà.

rứa răng ng thế thì tại sao: Anh nói phải công bằng, rứa răng anh binh cho con Loan hoài rứa? Hắn cũng có lỗi chơ.

rứa rồi lt sau đó, rồi thì: Ông đánh cho con Nhi một trận, rứa rồi ông đira ngoài quán uống rượu.

rứa tề Nh rứa nà: Làm chi mà dị rứa tề. Thôi, vô đây mạ rửa mặt, chải đầu cho.

rứa thì răng Nh rứa mà răng

rựa tt thành thạo: Con Tám nhà chị đi chợ nấu ăn đã rựa chưa?

rượn (+N) tt động dục: Mối chừng nớ tuổi mà đã phấn với son; rượn rồi phải không?

rượn đực (+N) ng động đực: Con heo cái ni coi bộ rượn đực rồi, tìm một con heo nọc cho hắn đi cho rồi.

rượn rượn đgt chỉ thanh niên nam nữ cặp kè đi chơi: Tụi bây không lo học, cứ rượn rượn ngoài đường là hư hỏng hết đó.

rương (+N) dt hòm (B) đựng áo quần: Chị Hương cho em mượn cái rương em đựng áo quần - mai em đi Đà Nẳng thăm cậu Ba.

rương chuông dt rương lớn bằng gỗ, có quai xách nhưng hai đầu cũng có quai để khi cần có thể buộc dây và gánh.

rương xe dt rương gỗ để đựng đồ đạc, nhưng thiết kế để làm phản nằm và có nắp bên trên để mở ra. Phía dưới có lắp bánh xe để khi cần, như khi cháy nhà, có thể đẩy ra cho nhanh.

 rựt đgt rứt, nhổ: Cái bông của người ta đẹp rứa mà răng mi rựt đi?


 

 

 

TRỞ VỀ MỤC LỤC

 

 

art2all.net