đan thanh

 

MÀU HOA NIÊN


 

Rớt đại học, Phúc mặc cảm với bạn bè nhất là với Trang. Trang đỗ cùng một lúc ba trường đại học danh tiếng, Trang có học bổng du học nước ngoài. Sau khi Trang đi, Phúc trốn ba mẹ đăng kí đi nghĩa vụ quân sự.

Núi rừng Tây Bắc ngoài cái lạnh thấu xương còn có những mối nguy hiểm khó lường. Chốt biên phòng nằm trên một triền núi có tầm nhìn bao quát cả một thung lũng tươi xanh, cứ khoảng 3 giờ chiều là sương đã mù mịt, cách xa vài mét đã không thấy nhau, thế nhưng khi mặt trời lên thì Phúc ngỡ ngàng không tin vào mắt mình vì cảnh thung lũng hiện ra tuyệt đẹp. Cây cối vừa được tắm gội, xanh ngọt ngào dưới ánh nắng vàng tươi, có vô số hoa ban nở rộn ràng tạo thành một vệt dài như dãi lụa mềm trắng muốt vắt duyên dáng qua thung lũng. Không có gió nhưng trời se se lạnh, cái lạnh dịu dàng của buổi sớm mai khác hẵn cái giá buốt khi đêm về.

Phúc tiếc là không mang theo cọ, màu, giá vẽ để biểu diễn cái tài mọn của mình và để ghi lại những nét thanh xuân của núi đồi, khe suối nơi đây. Phúc nghĩ lần về phép sắp đến nhất định Phúc sẽ không quên.

 

Nhưng Phúc không có được cái lần nghỉ phép đầu tiên đó. Trong một lần đi tuần tra, tiểu đội của Phúc đã lạc sang một hướng khác, họ lọt vào ổ phục kích của đám giặc cướp bên kia biên giới. Người bạn đi sau đổ úp cả người đè lên, đã cứu Phúc. Máu của những vết thương trên thân thể bạn nhuộm đỏ cả người Phúc. Một trong những phát đạn man rợ nhắm vào thi thể đã bất động trượt xuống tiện đứt lìa năm ngón chân phải của Phúc. Nếu trung đội không đến giải cứu kịp thời thì Phúc cũng đã ra đi cùng bảy người lính trẻ trong buổi sáng mùa xuân năm 1979 nơi vùng biên giới Tây Bắc.

Chiến trường phía bắc im ắng trên những trang báo nhưng vô cùng khốc liệt trên vùng biên giới. Những hình ảnh thương đau ám ảnh Phúc suốt một thời gian dài, dẫu tạm nguôi ngoai nhưng không thể nào quên được. 

Trong những ngày nằm bệnh viện, thư cho ba mẹ bao giờ cũng “con khỏe”, cho đến khi Phúc về nhà với làn da trắng hơi xanh, không có hơi hướng lính tráng một tí nào thì cả nhà mới biết những gì đã xảy ra với Phúc.

Khi ngồi, khi đứng thì giày vớ có thể che cái khiếm khuyết của Phúc, nhưng khi đi lại thì dù cố gắng cũng không giấu được. Năm cái ngón chân nhỏ nhoi ấy lại hóa ra không nhỏ tí nào. Vết thương đã lành miệng nhưng ký ức về bạn bè vẫn nhói đau trong Phúc.

Thường thì sau một lần suýt chết hoặc kề cận với những hiểm nguy khủng khiếp, tâm lý con người có thay đổi. Ở người này thì mọi tham sân si đều lắng xuống, họ mở lòng, thiết tha yêu cuộc sống, có người thờ ơ, nhưng cũng có người cay cú bất cần đời, theo cái kiểu “coi như đã chết”. Họ trở nên cay nghiệt và độc ác để trả thù cái nguyên nhân đưa mối nguy hiểm đến với họ.

Phúc ở trong nhóm thứ nhất, vốn đã hiền lành, bây giờ Phúc trầm hẳn xuống. Ở nhà hơn nửa năm, Phúc xin vào làm bảo vệ một trường cấp ba, cách nhà gần mười cây số. Học trò chỉ kém Phúc vài ba tuổi nhưng Phúc thấy mình già, còn chúng thì rất con nít. Cũng lạ.

Phúc sống khép kín và ân cần chu đáo với mọi người. Với sức trẻ, Phúc không từ chối bất cứ việc gì. Mấy cô giáo lớn tuổi bảo Phúc :

-Nếu cô có con gái nhất đinh cô sẽ gã cho cháu.

-Cảm ơn cô, thời này không có chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” cô ạ.

Mới đó mà cũng đã sáu năm và Phúc cũng đã học năm cuối khoa kinh tế của một chương trình bán thời gian. Cảm mến Phúc, thầy hiệu trưởng bảo:

-Nếu em không chê thì sau khi học xong, thầy sẽ xin em ở lại trường làm kế toán nhé.

-Em cảm ơn thầy, em sẽ suy nghĩ về việc đó.

Khai giảng năm học mới, cả trường đều tất bật, nhất là Phúc và chú Nam, người có cùng một công việc với Phúc. Năm nay, trường đón một ông lớn nào đó về dự khai giảng và khánh thành khối nhà tầng vừa mới xây. Một số nhân vật địa phương cũng “ăn theo” nên khách mời rất đông.

Phúc mệt mướt mồ hôi, nhưng cũng áo quần tươm tất tươi cười đứng ở lối vào. Những chiếc xe sang trọng đậu liền nhau suốt một quãng đường dài. Khi sắp tiến hành lễ khai giảng thì một chiếc xe trắng lóa xịch đổ bên cổng. Cô gái trẻ, áo lụa trắng hoa đỏ xuống xe, vào cổng, bước những bước tự tin như đi trên sàn catwalk.

Tuy cái kính râm hơi lớn nhưng Phúc thấy quen quen. Trái tim Phúc như có một bàn tay bóp nhẹ : Kiều Trang. Còn nàng đưa tay khẽ chạm vào thái dương, một thói quen khi suy nghĩ của Trang, điều đó khiến Phúc biết chắc là mình đã không nhầm. Một số giáo viên có nhiệm vụ đón khách đã nhanh chóng và niềm nỡ đưa cô về phía lều bạt dành cho quan khách.

Thất thần, hai đầu gối muốn khuỵu xuống, Phúc đi về phía hành lang, tim đập loạn xạ.. Trang không nhận ra mình, cũng may. Nghĩ vậy, Phúc bình tỉnh trở lại và tiếp tục công việc…

Tưởng vậy mà không phải vậy. Kết thúc lễ khai giảng, Trang nấn ná ở lại nói chuyện với thầy hiệu trưởng. Khi khách đã vãn, Trang xăm xăm đi đến chỗ Phúc đang tháo mấy tấm áp-phích:

-Anh Phúc không nhận ra Trang sao ?

Phúc tái mặt chưa kịp nói gì.

-Anh làm ở đây hả, đã lâu chưa? Trang có về xóm cũ tìm anh, con hẻm đã mở thành lộ, không còn nhà nào cả.

Trang đưa cả hai tay nắm chặt tay Phúc, giữa hai bàn tay có một vật gì đó cộm lên, rồi khi thấy thầy hiệu trưởng và các giáo viên đến gần, Trang xoay ngửa bàn tay Phúc, rồi rút tay mình lại :

-Trang có việc bận lắm, đã trễ rồi, Trang phải đi cho kịp chuyến bay, Trang sẽ gặp lại anh sau.

Nói xong, Trang vội vã đi ra cổng cùng với nhóm người đi tiễn.

Một cái gì đó được gói vào chiếc khăn giấy, Phúc định mở ra xem thì chú Nam và bác bảo vệ ban đêm khiêng cái thang đến, Phúc luống cuống nhét vội vào túi rồi leo lên thang để mở cái băng-rôn.

Cái thang hơi nghiêng khi Phúc luýnh quýnh đặt chân nhầm chỗ, may mà hai người kia nhanh tay giữ kịp:

-Cẩn thận chứ, cái thằng này.

-Mở xong cái này, mày nghỉ đi, chỉ còn hai cái nữa thôi, tao và chú Nam làm được rồi.

Mọi lần khác thì dù họ có nói gì Phúc cũng cố làm cho xong, nhưng lần này Phúc cảm ơn, rồi đi ngoặt về dãy lớp cũ, phía sau tòa nhà mới xây.

Phúc kéo cái ghế xếp dưới chân cầu thang ra định ngủ một giấc thì nhớ đến cái gói giấy. Phúc run run mở ra, ôi, Phúc thả người như bị rơi xuống, rồi nằm co lại, tim lại đập loạn nhịp, những phế nang hình như đột ngột co lại khiến Phúc hơi khó thở. Phúc nhìn chăm chăm vào cái khoảng tối dưới chân cầu thang. Đột nhiên cái khoảng tối ấy sáng dần và những ngày thơ ấu hiện ra.

 

Ở cùng xóm, học cùng lớp từ hồi tiểu học, nhà Phúc ở đầu hẻm, ba là giáo viên, mẹ có quầy tạp hóa nho nhỏ, gia đình Phúc có cuộc sống “thường thường bậc trung”. Trang thì vất vả hơn, mẹ chạy chợ còn ba thì làm đủ thứ việc để mưu sinh. Hai chị em nó chắc cũng có đôi chút mặc cảm với bạn bè.

Không hẹn, nhưng mỗi sáng Phúc thường ngồi trước hiên nhà, thoáng thấy Trang ló ra khỏi chỗ quẹo, liền đứng lên ra ngõ kịp lúc Trang đến. Rồi Phúc huyên thuyên đủ thứ chuyện và quãng đường ấy bao giờ cũng ngắn hơn câu chuyện của Phúc.

Trang học giỏi, cả môn thủ công, thể dục, tập vẽ cũng đạt điểm cao. Nhiều lúc Phúc thắc mắc : suốt ngày bận rộn mà sao nó học giỏi thế không biết.

Lên cấp hai, chung trường mà không chung lớp nhưng hai đứa thân nhau lắm. Phúc có chiếc xe đạp, ngày nghỉ Trang và Phúc cùng đám bạn đạp xe ra ngoại ô. Thành phố nhỏ nên chỉ đi mấy cây số là đã bỏ xa nhà tầng mái ngói xôn xao, ngột ngạt.

Cẩn thận xếp xe dưới bóng mát của cây đa, cạnh cái quán cóc lỉnh kỉnh mấy lọ bánh kẹo, mấy trái ổi, xoài…, lủng lẳng mấy nải chuối khẽ đu đưa dưới mái hiên thấp, bao giờ Phúc cũng mua một nải chuối hay mấy thứ gì đó rồi yên chí rong chơi. Bà chủ quán bé nhỏ, hấp háy đôi mắt:

-Mấy em cứ để đó qua coi giúp cho.

Lúc trở về có khi Phúc thấy có mấy cái thùng giấy cũ che lên trên đám xe đạp, chắc là có nắng dọi vào, Phúc xếp cẩn thận, mang vào quán và cảm ơn bà chủ tốt bụng.

Xuống hết đoạn dốc thoai thoải, Phúc đi qua con đường rợp bóng. Con đường nhẫn nhịn tránh những bụi gai chành rành, những bụi tre, những gò mối nên uốn quanh nhiều đoạn. Trước mắt họ, cánh đồng làng Túy Loan, Dương Lâm hiện ra, xanh ngắt mượt mà trải dài đến chân đồi Cây Cốc.

Có vô số cây mọc ven đường, Phúc không biết tên, nhưng Trang thì rành lắm. Cây móc mèo ươn ngạnh mọc lan ra lối đi, níu ống tay áo bất cứ ai quẹt phải. Cây mù u, cây chùm rụm vượt cao nghênh ngang tự phụ nhìn đám cỏ gà dưới chân.

Cảnh vật thay đổi đột ngột như cảnh trong phim, khi nhân vật chính nheo mắt nhớ lại quá khứ của mình.

Lên cấp ba, Trang đỗ vào trường chuyên, còn Phúc chỉ đủ điểm để vào một trường công lập. Những lần học chung, Trang vẫn nhờ Phúc chỉ cho những bài toán hóc búa thế mà…

Trang tất bật với việc học, việc nhà, lại còn dạy kèm vài chỗ nên họ ít gặp nhau. Vắng Trang, Phúc thấy hụt hẫng, một niềm thương nhớ bâng khuâng ủ kín trong lòng. Những lúc ngồi mơ mộng Phúc thấy hình bóng Trang thật rõ. Tuổi dậy thì đã mang những nét thanh xuân mềm mại đến với đôi mắt tròn, đôi môi hồng nhạt, cái mũi cao hơi hếch lên một tí. Tóc dài buộc gọn, không rẽ ngôi, không cắt mái như mấy đứa “xí xọn” kia đã làm cho trái tim mới lớn của Phúc bối rối thẩn thờ.

Phúc kê cái bàn nhỏ ra trước hiên ngồi học bài, nói là để cho thoáng nhưng thật ra là để nhìn Trang đi qua, để được hỏi Trang một câu vu vơ nào đó. Có lúc Phúc lặp lại câu hỏi của ngày qua, ngày kia, Trang cười còn Phúc thì đỏ mặt đến tận mang tai.

Thỉnh thoảng họ về quê, phong cảnh không có gì thay đổi, cũng bờ tre, mương nước, những ngôi nhà nằm hiu quạnh trong vườn cây, thế mà với Phúc là một thế giới thần tiên, một thế giới êm đềm thơ mộng..

 

Trước khi Trang đi du học, Phúc mượn chiếc xe máy cà tàng của ba đưa Trang đi những nơi mà Phúc và Trang đã đi qua. Khi lên xe, Trang vòng tay ôm qua bụng, Phúc vô cùng bối rối làm xe lạng hẳn về bên trái. Một niềm hạnh phúc vô bờ tràn ngập trong tim. Từng mạch máu, từng tế bào mở ra để đón sự niềm vui ngọt ngào êm ái đó. Đến một quãng đường vắng, Phúc dừng xe dưới một tán lá dày cầm tay Trang siết nhẹ, Phúc ao ước có được cái giây phút này không biết đã bao tháng bao năm… Trang ôm chặt và tựa đầu lên vai Phúc. Cả hai lặng đi trong niềm giao cảm của hai trái tim, hai tâm hồn… Không nói với nhau một lời nhưng cái giây phút ấy họ như bay lên giữa một vùng thênh thang vô cùng tươi đẹp.

Rồi Trang đi, biền biệt, phố cũ đã đổi thay. Con đường vành đai thành phố đã vạch một nét thẳng mạnh mẽ qua cái xóm lao động của họ. Gia đình Phúc được nhận đất ở khu dân cư phía tây nam, xa nơi cũ hơn năm cây số, thành phố mở rộng gấp mấy chục lần so với trước.

Khi từ chiến trường tây bắc trở về thì mọi dấu vết đã không còn nữa. Trong thời gian chưa xin được việc làm, Phúc lang thang khắp thành phố, khắp các khu tái định cư để tìm nơi ba mẹ Trang ở nhưng vẫn bặt vô âm tín.

Tám năm đã trôi qua, Phúc luôn ao ước được gặp Trang biết bao, không giây phút nào Phúc không nghĩ đến Trang. Những lúc gặp biến cố trong đời, những lúc tủi buồn cơ cực, hình ảnh Trang hiện lên đẹp đẽ, tươi tắn làm dịu lại những đau xót, ưu phiền trong Phúc.

Ngày ấy, Phúc cứ nghĩ, vòng tay ôm của Trang, những xao xuyến bồi hồi, niềm hạnh phúc như sóng tràn chính là lời tỏ tình ngọt ngào với Trang, bây giờ có lúc Phúc giật mình : chắc gì Trang hiểu.

Sáng thứ hai, thầy hiệu trưởng gọi Phúc lên văn phòng :

-Em quen với Kiều Trang à ? Tổng giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị của công ty đa quốc gia, kinh phí xây khối nhà mới của mình do công ty cô ấy tài trợ.

Phúc ngẩn người, im lặng, mà hình như thầy cũng không cần xác định mối quan hệ đó. Họ cách xa nhau hàng vạn dặm, quen hay không cũng thế thôi.

Trang đang vươn tới những vì sao ,còn Phúc chỉ còn lại ký ức một thời hoa niên tươi đẹp.

Thỉnh thoảng, Phúc cho tay vào túi, cái gói giấy nhỏ cộm lên như một hạt cát rơi vào mắt, như một vết bỏng nhức buốt. Những suy nghĩ không biết bắt đầu từ đâu và kết thúc chỗ nào cứ giãy giụa trong trái tim không mấy mạnh mẽ của Phúc.

Giờ đây, gặp hay không gặp lại như hai phe trong trò chơi kéo co, nhưng hồi đó, thấy Trang mướt mồ hôi, mặt đỏ bừng, Phúc đã bỏ tay ra cho phe Trang thắng …

Phúc sẽ không mở cái gói giấy nhỏ ấy ra một lần nào nữa. Trái tim Phúc vẫn chói ngời hình ảnh hoa niên tươi đẹp, trái tim dẫu có nát tan nhưng mặt trời vẫn rạng ngời mỗi sớm mai.

Và trong ánh nắng vàng tươi Phúc cầm tay Trang chạy như lướt trên thảm cỏ hoa niên ngọt ngào xanh mát. Màu hoa niên không dễ lãng quên…
 

Đan Thanh

Một ngày sau bão, tháng 10 / 2013

 

 


art2all.net