TRẦN DZẠ LỮ

 

 

HỒI ỨC

DỌC ĐƯỜNG VĂN NGHỆ CỦA TÔI

 

PHẦN 22


 

NHÀ VĂN SƠN NAM, ÔNG VUA ĐI BỘ

Tôi quen biết ông từ thập niên 80. Lúc ấy địa chỉ 81 Trần Quốc Thảo quận 3 TP>HCM là nơi “quần anh hội” của giới văn nghệ thời còn bao cấp: Bia hơi là chính. Văn nghệ sĩ chân chính cũng có mà văn nghê sĩ tự phong không thiếu. Vui cũng uống. Buồn cũng uống. Bia vào, lời ra. Có khi la hét. Chửi bới và phang nhau nữa. Nhưng địa chỉ này chính xác là một thời để nhớ. . . Ngoài bạn bè văn nghệ thì hai ông già khiến tôi nhớ nhất:Nhà Văn Sơn Nam và nhạc sĩ Châu Kỳ( ham nhậu đến nỗi để quên và mất đến 7 chiếc xe đạp Phượng Hoàng).


Ông Sơn Nam thì cuốc bộ từ quận Bình Thạnh lên tới quận 3 uống vài ly bia hơi rồi lại đi bộ trở về. Tính ông trầm trầm, ít nói nhưng rất dễ gần gũi. Bởi dễ tính ( luôn như TCS: Thôi kệ! ) nên có tay văn nghệ “đánh đồng” ông ngang hàng với gã ( dù tuổi gã đáng con, đáng cháu ông). Khi đọc bài viết trên báo tôi rất bất bình bởi văn chương phải có trên, có dưới. Có trước, có sau chứ không thể gom vào một nùi. Tác giả Hương Rừng Cà Mau có hai điều đam mê mà tôi thích và cần tập theo ông là Thú Đi Bộ ( nhờ đi bộ mà ông dẻo dai) và Đọc Sách ở Thư Viện ( Sách chính là nơi ghi dấu tri thức của nhân loại). Từ hai đam mê này và tính cần mẫn mà ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm gía trị (đặc biệt viết về vùng đất Nam Bộ) như:


Chuyện xưa tình cũ (1958)
Tìm hiểu đất Hậu Giang (nghiên cứu, 1959)
Hương rừng Cà Mau (1962)
Chim quyên xuống đất (1963)
Hình bóng cũ (1964)
Vạch một chân trời (1968)
Gốc cây – Cục đá & Ngôi sao (1969)
Lịch sử khẩn hoang miền Nam
Đình miếu & lễ hội dân gian miền Nam
Danh thắng Miền Nam
Theo chân người tình & một mảnh tình riêng
Từ U Minh đến Cần Thơ – Ở chiến khu 9 – 20 năm giữa lòng đô thị – Bình An
Tìm hiểu đất Hậu Giang & lịch sử đất An Giang
Xóm Bàu Láng
Mùa len trâu
 

 

Tiểu sử
 

Nhà văn Sơn Nam tên khai sinh là Phạm Minh Tài (sinh 11 tháng 12 năm 1926 – mất ngày 13 tháng 08 năm 2008). Ông được gọi yêu là Ông già Ba Tri vì thường hay cuốc bộ.


Ông sinh tại Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, trước khi mất sinh sống tại Sài Gòn. Ông học tại Cần Thơ, rồi tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau Hiệp định Genève 1954, ông trở lại Sài Gòn tham gia viết sách, báo. Nhà văn Sơn Nam đã viết nên nhiều tác phẩm dấu ấn, ông được nhiều người gọi yêu là “ông già Nam Bộ”, “ông già Ba Tri”, “pho từ điển sống về miền Nam” hay là “nhà Nam Bộ học. ”( trích tiểu sử)


Riêng tôi tập truyện Hương Rừng Cà Mau là tập truyện đậm dấu ấn nhất. Trong đó có truyện Mùa Len Trâu đã chuyển thế thành phim: Mùa len trâu là bộ phim đầu tay của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh được khởi quay tháng 9 năm 2003.


Bộ phim có kinh phí khoảng hơn 1 triệu USD, với sự tham gia của ba hãng: Hãng phim Giải Phóng Việt Nam, 3B Productions Pháp và Novak Prod Bỉ. Bộ phim được trình chiếu ở Pháp với tên Gardien de buffles và ở Mỹ với tên Buffalo boy.


Chuyện phim dựa trên tác phẩm Mùa len trâu trong tập truyện Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, kể về cuộc sống của những người nông dânmiền Nam đầu thế kỷ 20. Mỗi khi mùa mưa về, nước tràn ngập mọi nơi, có những người làm nghề "len trâu", đưa trâu đi tìm cỏ để sống qua mùa lũ.
 


MÙA LEN TRÂU

Nước tràn bờ sông Hậu chảy qua. Nước trên trời tuôn xuống. Gió biển triền miên thổi lộng về. Từ Sáng đến chiều, mặt trời biến dạng sau lớp mưa: ánh nắng pha loãng đều đều không làm chóa mắt kẻ ưu tư đang ngồi hút thuốc mà ngắm mấy lượn sóng chạy dài tiếp lưng trời. Núi Ba Thê bên này, núi Cấm trước mặt, hòn Sóc, hòn Đất bên kia bình thường xem hùng vĩ, thơ mộng thì nay trở thành lè tè, bé bỏng trong cảnh bao la trời nước.


Chú Tư Đinh lại vấn điếu thuốc thứ nhì, mỉm cười khi thấy từ chân trời một cơn mưa to hơn sắp kéo đến.
– Ừ! Mưa hoài đi. Ông trời năm nay biết điệu, thuận mùa, thuận tiết…


Thiếm Tư như phản đối ý chồng:
– Mưa vài đám nữa thì có môn leo lên nóc nhà mà ở. Ba cái lu, ba cái hũ trôi lểnh nghểnh trong nhà rồi, ba nó chưa hay sao? Gạo hết, tiền hết.


– Mình đừng trách trời. Hồi nào tới giờ, trời cứ vậy hoài, hết mùa hạn thì phải tới mùa nước lụt chớ.


Chú Tư muốn giải nghĩa sự lạc quan của mình dài dòng hơn để thiếm Tư nghe. “Đàn bà giỏi tài chú ý lặt vặt chuyện bếp núc. Nhìn ra đồng thì họ chỉ thấy những chuyện trên mặt nước, hơi đâu mà cãi”. Nghĩ vậy, chú im lặng, vấn thêm điếu thuốc nữa. Giờ này, dưới đáy nước, sát mặt ruộng, mớ đất cày mềm nhũn, trở mình trắng phau. Gió thổi mạnh, trôi nhà trôi cửa nhưng lúa một tấc; thân lúa đuối sức cố nằm dài trên mặt nước vừa hấp hối ngột thở là nhánh non nứt ra trong nháy mắt để chào đón cuộc sống.


Sau hè nhà, nước dậy đùng đùng, sóng gợn từng lượn lớn, vỗ lát chát vào vách. Chú Tư bước nhè nhẹ trên sàn tay vịn mái nhà, tay che mắt rồi cau mày; thằng Nhi đứa con trai của chú đang cưỡi trâu về.


Đôi trâu bước lên nền chuồng trâu lúc trước, tuy đã đắp cao thêm gần một thước vậy mà nước leo lên lé đé.


Chú Tư chờ thằng Nhi vào nhà. Nó cổi cái áo ướt mem quăng trên sân:
– Xung quanh đây hết cỏ rồi. Làm sao bây giờ hả ba? Trâu đói nữa, con mắt nó đổ ghèn hoài.


Chú nói:
– Bên giồng cát Sóc Xoài… Mày có qua tới đó không?


– Có. Mà hết cỏ rồi. Mấy lõm cỏ sau chùa không đủ cho trâu bò ở đó ăn, đâu có dư tới mình. Trâu mình ốm nhiều. Từ Đây tới nước giựt còn trên ba tháng nữa, làm sao chịu nổi?


– Hồi đầu mùa, tao biểu giao trâu mình họ len đi miệt khác kiếm cỏ. Má mày ngăn cản. Bây giờ tới nước này rồi…


Thiếm Tư trầm ngâm suy nghĩ, nhìn đôi trâu đã mòn sức, be sườn lòi rõ rệt từng hàng như vòng cung. Để ở nhà, trâu chết đói; giao cho thiên hạ len đi thì làm sao bảo đảm được? Trâu của trăm chủ khác nhau gom lại chung một bầy, tha hồ lấn hiếp, chém lộn bầy trâu gần bốn trăm con mà chỉ có năm sáu người chăn giữ.


Đường dài thăm thẳm, lội nước băng rừng, rủi khi bịnh hoạn thì trâu đành bỏ mạng nơi xứ lạ quê người. Thật là tấn thối lưỡng nan! Đôi trâu nhà đứng khúm núm đó, trên nền chuồng, như hai pho tượng bằng đồng đen dựng lên mặt nước. Thiếm nói:
– Ba nó tính sao thì tính. Tôi rối trí quá rồi.


Chú Tư chép miệng:
– Không nên cãi mạng trời. Muốn cãi cũng không được. Không lẽ họ giết trâu mình? Trăm con, chết chừng đôi ba con là nhiều. Muốn vững bụng hơn, mình cho thằng Nhi theo coi chừng.


Thằng Nhi há miệng ngạc nhiên không dè mùa nước năm nay nó lại được đi du lịch bất ngờ như vầy. Chú Tư hỏi:
– Muốn đi không mậy? Chặng đầu, họ mới len trâu tới chân núi Ba Thê, mình đuổi theo nhập bầy còn kịp, đây qua đó chừng nửa ngày đường. Lấy cái nóp mới của tao mà đem theo. Dọc đường muỗi mòng, mưa gió nhớ đi theo sát hai con trâu của mình, đừng ham chơi lêu lổng. Nói với tằn khao (đầu nậu, cai thầu) rằng mình chịu đóng cho y mười giạ lúa tiền công len trâu, mùa này.


o0o

 

Mưa cứ mưa trút xuống. Gió cứ dậy sóng lên. Từ lúc thằng Nhi dẫn trâu đi, nhà cửa lần lần trở nên vắng lạnh. Thiếm Tư cằn nhằn:
– Giao sanh mạnh hai con trâu cho họ, ba nó chưa vừa bụng sao? Lại còn bày đặt cho thằng Nhi đi theo! Rủi bề gì…


Chú Tư nói:
– Má nó khéo lo thì thôi! Trâu hễ tới số thì dẫu cầm ở nhà nó cũng không sống. Tôi buồn lắm. Trâu giúp mình tạo ra hột lúa; bù lại, mình không kiếm đủ cỏ cho nó ăn no. Như vậy là mình bất nhân. Còn thằng Nhi… dịp này để nó học nghề với người ta.


Thiếm Tư hơi giận:
– Nghề gì? Nghề chăn trâu mà cũng học nữa à? Tôi không ham cái nghề đó.


– Má nó nói giỡn sao chớ! Chăn trâu còn khó hơn diều binh khiển tướng. Đời xưa, nhiều người nhờ lúc nhỏ chăn trâu mà tới lớn được làm vua. Con nít chăn trâu ca hát nghe bậy bạ nhưng nhiều khi linh nghiệm như sấm truyền, đoán trúng những chuyện quốc sự. Tôi nhớ coi… Trong truyện Phong Thần gì đó nhắc cái tích ông Nịnh Thích ngồi trên lưng trâu, gõ sừng mà hát công kích vua đời… Liệt Quốc Đông Châu! Vua giựt mình, mời ông Nịnh Thích về làm quân sư. Nghe đâu lúc về hưu trí, ông Nịnh Thích lại cữi trâu mà du sơn ngoạn thủy. Như, tiều, canh, mục là bốn điều quan trọng mà.


Thiếm Tư vẫn chưa nguôi cơn buồn:
– Ba nó nói chuyện đời xưa. Chăn trâu theo kiểu ở xứ mình có khác, tối ngày đeo đuôi trâu mà lặn hụp dưới nước, ăn không no, ngủ không yên…


– Nhưng mà học khôn nhiều chuyện. Mà nó hồi nào tới giờ chưa từng tới núi Ba Thê, vậy mà bây giờ thằng Nhi nó rành đó! Cảnh núi non thanh lịch, tâu ăn cỏ ngẩng đầu coi mây bay lui tới; ngứa lưng thì trâu cọ mình vô cột của đền vua chùa mà gãi sốn sột. Má nó biết không? Ở núi Ba Thê, trâu len ăn cỏ trên đền vua đời xưa… Vua chùa mất hết, trâu đời đời kiếp kiếp còn đứng dửng dưng trên mặt đất này hoài!


Thiếm Tư bực bội:
– Đói, không đủ cỏ ăn mà cũng sang trọng. Thôi ông ơi! Đừng nói nữa.


– Hết cỏ thì qua chỗ khác, má nó đừng lo. Từ Ba Thê cả bầy trâu len qua miệt Bảy Núi. Oai vệ lắm kìa! Voi đi một lần đôi ba chục con là cùng, cọp đi hai ba con là nhiều; cảnh đó ở miệt rừng ai cũng thấy. Đằng này, trâu lội nước năm ba trăm con, đen đầu, đặc nước. Kiếm bạc trăm là dễ chớ muốn thấy được cảnh đó không phải dễ, giống như hồi thiên hạ sơ khai, càn khôn hỗn độn… Mấy ông thầy chùa, bà vãi ẩn mình trong cốc trên núi, chán cảnh trần tục vậy mà họ còn bước ra ngóng mắt theo bầy trâu len dữ dội…


Càng nhắc tới, chú Tư càng thích chí, thiếm Tư trái lại ngồi buốn xo, không tin nơi lời chồng, cho rằng đó là kiểu an ủi gượng của kẻ túng cùng. Chú Tư lại vấn thuốc, hỏi vợ:
– Má nó ngủ hay thức? Nãy giờ có nghe không? Sao không ừ hử gì ráo, hay là ngủ rồi…


– Tôi nằm nghe đây mà. Nghe bằng lỗ tai chớ nghe bằng miệng sao mà phải ừ hử từng chập?


Chú Tư lại nói tiếp:
– Ở Bảy Núi thanh khiết hơn ở Ba Thê. Trâu ăn toàn cỏ lạ hoa thơm; lắm thứ cỏ phảng phất mùi gì giống như vị thuốc Bắc. Ban đêm, muỗi mòng cũng ít, tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh gõ mõ thì nhiều… Mặc dầu ăn cỏ ở dưới chân núi, trâu cũng được phong làm chúa sơn lâm. Cọp beo trên núi quì xuống mà đầu hàng chớ không dám xáp lại.


Bên kia sàn nhà, thiếm Tư bắt đầu thở nhẹ rồi ngáy pho pho. Chú Tư mỉm cười, không chút hờn giận. “Vợ mình chán không thèm nghe nữa vì nãy giờ mình nói toàn những chuyện vui tươi, sung sướng, giấu giếm những nỗi cực nhọc trong nghề chăn trâu. Nhưng cần gì? Cốt ý là mình nhắc lại cuộc đời len trâu của mình hồi thuở con nhỏ cho riêng mình nghe mà thôi”. Chú lại vấn thuốc hút. Bên ngoài trời vẫn mưa, sóng nước vẫn chạy ùa tới đập vào vách nhà. Khói thuốc phun mờ mờ, bay thoảng lên cao. Chân trời lại hiện ra, lúa nằm dài xanh rờn, nhấp nhô trên ngọn sóng. Và… Đằng xa kia là Bảy Núi, nơi mà giờ này thằng Nhi và hai con trâu của chú đang tung hoành, sắp lội nước hằng mươi cây số để vượt ra mé biển đến vùng rừng tràm miệt Linh Quỳnh.


Rừng tràm xanh đậm, rọi xuống mặt nước đỏ ngầu, rung rinh. Nhứt là về đêm khi trăng chiếu, đom đóm bay về đậu khắp nhánh tràm như họp chợ phiên! Hồi thuở nhỏ, chú đến đó nhiều lần. Cảnh ấy bây giờ thay đổi vì nhà nước đã đào thêm con kinh Xáng Rạch Giá – Hà Tiên và đắp xong con lộ đá. Trâu vượt qua lộ xe hoặc ngủ tạm trên lộ cho tới sáng. Lội dưới nước lâu ngày, móng trâu trở nên mềm, đứng trên đá, trâu đau chân. Chú Tư bỗng hình dung trước mặt một cảnh tượng oai hùng, khi mặt trời vừa lố dạng, đàn trâu phải rút vào rừng tìm nơi ăn nằm. Nhà nước đắp lộ xe nào phải để cho trâu đứng, phá hoại… Trâu chạy ầm ầm. Không mấy chút, tràm gãy rôm rốp ngã liệt xuống, lõm rừng trở thành một cái đầm rộng lớn. Người len trâu tạm nghỉ ngơi vài ngày. Mấy “tay riều” đốn củi gần đó tụ họp lại làm quen, đánh bài cào, uống rượu, đốt lửa lên bàn chuyện tiếu lâm. Lắm khi họ sắp đặt công việc đi ăn cướp, ăn cướp kẻ khác và ăn cướp lẫn nhau. Mấy tay len trâu giựt tiền của tay riều; mấy tay riều xúm nhau giựt trâu của mấy tay len. Rừng lại đẫm máu… Trong cuộc xô xát dao búa đó, sanh mạng của con người như con kiến, hà huống chi đứa trẻ bé bỏng như thằng Nhi, con trai chú!


Chú Tư giựt mình, e ngại.
Trong giấc mơ, có lẽ thiếm Tư không tưởng tượng được tới cảnh chém giết rùng rợn đó. Thiếm nói lảm nhảm rồi lại trở mình, ngáy khò khò.


o0o

 

Tháng mười, nước giựt xuống. Đến cuối tháng, mặt ruộng lộ ra, cỏ non nhú mọc xanh tươi đến tận chân trời. Mưa dứt sớm. Núi non lại trở nên hùng vĩ. Suốt mùa, lúa nương theo nước mà vươn lên đến bốn năm thước; bây giờ lúa nằm rạp xuống đất, chồng chất cao ngùn ngụt. Cái sàn nhà của chú Tư cũng hạ xuống. Cuộc sống trở lại bình thường.


Đêm ấy, quá canh ba, có tiếng kêu vang dội:
– Ba ơi ba! Má ơi má! Trâu mình nè…


Chú Tư, thiếm Tư mừng quýnh, tốc mùng chạy ra: Thằng Nhi về đó, coi dị hợm hơn mọi ngày, máng trên vai một đống gì cao nghệu. Chú Tư xanh mặt. Nó thảy đống ấy xuống đất:
– Đ. m. chết hết một con. Đem cặp sừng bộ da của nó về nè! Nặng gần chết. Đ. m. không lẽ bỏ luôn.


Thiếm Tư mếu máo, mừng vì gặp được con, buồn vì mất hết phân nửa gia sản:
– Mô Phật. Mạnh giỏi hả con? Trời ơi! Con đi theo coi chừng mà làm sao nó chết? Dọc đường con có đau ốm gì không… Con, Con…


Chú Tư im lặng, buồn buồn. Mừng con, tiếc của là một lẽ. Nhưng còn lẽ khác đáng lo ngại hơn… Hồi nào tới giờ, thằng Nhi ăn nói đàng hoàng mà chuyến về này, trong câu nói hồi nãy, nó pha vô hai lần chửi thề mà nó không hay.


Thiếm Tư nhìn cặp sừng và bộ da trâu mà rơi nước mắt:
– Thôi! Lần này lần chót. Năm tới bán con trâu còn lại, không làm ruộng nữa. Đất nước gì kỳ cục quá, cái xứ này…


Chú Tư nghiêm mặt:
– Nói bậy nữa đi. Đất của mình, nước của mình mà bà dám nguyền rủa hả? Hồi nào cúng vái, bà nói bà phục ông bà đất nước lắm mà…


Thiếm Tư đi ra sân lo đốt lửa để un trâu. Chú Tư cũng đến vuốt ve con trâu còn lại rồi trở vô thấy thằng Nhi đang chụp gói thuốc rê trên bàn; nó mở ra, xé giấy vấn hút phì phà một cách tự nhiên, ngon lành.
– Ghiền rồi hả mậy? Chú hỏi.


– Hai ba bữa rày, hút có mấy điếu. Ở rừng, họ hút kịch liệt lắm kìa… ba.


Chú Tư đem chai rượu đế ra, rót vào chén. Chú thấy thằng Nhi hít mũi lia lịa.
– Nhậu thì nhậu một chút cho ấm đi! Cỡ này mày sanh nhiều tật lạ.


Rồi chú day ra sân mỉm cười:
– Bà nó ơi! Coi thằng con của bà nè! Nó giống hệt tôi hồi nhỏ quá chừng.


Thiếm Tư chạy vào, không hiểu rõ đầu đuôi. Thiếm lau nước mắt rồi nấu cơm cho thằng Nhi ăn, dọn mùng cho nó ngủ… Chú Tư thức mãi tới khuya, thỉnh thoảng hé mùng dòm thằng Nhi. Mùng rộng rãi nhưng nó vẫn co rút như hồi nằm trong nóp chật hẹp. Tay và bụng của nó xăm đầy những chữ nho, chữ quốc ngữ. Không cần đọc kỹ, chú đoán đó là “ngũ hồ tứ hải giai huynh đệ” hoặc “ái tình vạn tuế” mà một tay hảo hớn nào đã xăm cho nó.


– Mình không lỗ lã gì đâu! Chú Tư lẩm bẩm một mình.


Chuyến đi len trâu này, đứa con của chú mhiễm nhiều tật xấu nhưng nó khôn lớn hơn, nghe thấy được nhiều việc mà ở nhà chú không nghe thấy. Chú ra sân. Dưới ánh trăng suông, con trâu Pháo bước tung tăng, nhịp móng xuống lớp phù sa mát rượi, đứng trên mặt đất hôm nay mà sao thấy hơi khác lạ hơn mặt đất hôm nao, cũng ở chốn này. Nó hinh hỉnh lỗ mũi như cố phân biệt mùi thơm của cỏ núi hoa rừng với mùi thơm của mùi lúa sạ đang độ chín.


Sơn Nam

 

Giọng văn ông thủng thỉnh, thong thả như tính cách của người Nam bộ nhưng cũng thâm trầm, da diết khôn nguôi. Lúc này, qua Bình Thạnh, về 81 Trần Quốc Thảo tôi lại nhớ ông. . . Ông mất đã 10 năm. Nhà văn đã an nhiên rời cõi tạm để về nơi vĩnh hằng. . .

Trần Dzạ Lữ

 

 

TÔ LANG( TÔ KIỀU NGÂN),

TIẾNG SÁO TRÚC LÀM MÊ HOẶC LÒNG NGƯỜI

Tô Kiều Ngân tên thật là Lê Mộng Ngân, sinh năm 1926 tại Huế. Từ nhỏ ông đã sớm tỏ ra có chất nghệ sĩ, thường trốn học, đi chơi đó đây với cây sáo trúc không mấy khi rời tay.


Năm 1946 ông tham gia kháng chiến chống Pháp, phục vụ ban kịch của Vệ quốc đoàn khu IV từ Huế ra Thanh Hoá. Được một thời gian, ông xin tình nguyện chiến đấu tại mặt trận đèo Hải Vân, sau đó bị Pháp bắt năm 1948. Ba tháng sau bà được thả. Từ đó, Tô Kiều Ngân bắt đầu hoạt động văn nghệ. Tác phẩm đầu tiên của ông là kịch thơ Ngã ba đường do ban kịch Sông Ô trình diễn trên sân khấu Huế.


Năm 1950 ông gia nhập quân đội Quốc gia Việt Nam. Ba năm sau bà đưa gia đình vào miền Nam. Tại đây ông lần lượt viết cho các báo Đời Mới, Người Sống Mới, đồng thời cũng cộng tác với một vài tờ báo xuất bản tại Hà Nội như Hồ Gươm, Giác Ngộ…


Năm 1955 ông cùng Đinh Hùng, Thanh Nam, Hồ Điệp, Hoàng Oanh. . . thành lập ban thi văn Tao Đàn trên đài phát thanh Sài Gòn. Sau đó ông lại cùng Thanh Nam chủ trương tuần báo Thẩm mỹ, rồi cộng tác với Sáng Tạo, Văn Nghệ Tiền Phong, Tiểu Thuyết Tuần San, Văn Nghệ Chiến Sĩ. . . Những năm cuối đời ông vẫn viết truyện ngắn, viết sách biên khảo, cộng tác với một số tạp chí trong nước.


Tô Kiều Ngân mất ngày 20/10/2012 tại nhà riêng, quận Bình Thạnh. ( trích tiểu sử )

Từ thập niên 60 dù đang mài đũng quần ở ghế nhà trường Nguyễn Tri Phương Huế tôi đã mê hai ông thi sĩ Đinh Hùng và Tô Kiều Ngân trong ban sáng lập Thi Văn Tao Đàn trên đài phát thanh SàiGòn. Một giọng Bắc. Một giọng Huế. Hồi ấy, đêm đêm tôi theo dõi chương trình này và có gửi bài cộng tác với mấy bút hiệu khác nhau. Giọng nói của thi sĩ Đinh Hùng ( người Hà Đông) trầm ấm cuốn hút người nghe bao nhiêu thì giọng ngâm thơ của Tô Kiều Ngân như mật rót vào tai bấy nhiêu. Không những uống hết lời của hai ông mà tôi còn ghiền các giọng ngâm thơ khác nữa như Hoàng Thư, Quách Đàm, Hoàng Oanh... Đặc biệt Tô Kiều Ngân còn là tiếng sáo làm mê hoặc lòng người: Réo rắt. U Uẩn lạ thường như một người đã nhận định:
Tiếng sáo của những cảm xúc
 

Thật ra Tô Kiều Ngân hoạt động trong nhiều lãnh vực, làm báo, viết văn (tác phẩm đầu tay của anh là tập truyện ngắn “Người đi qua lô cốt”, làm thơ, ngâm thơ, bài sáo anh thổi ở Tao Đàn do chính anh sáng tác và đã xuất bản. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là tiếng sáo Tao Đàn. Bây giờ người ta nhớ đến tài năng tuyệt vời của anh vì tiếng sáo đó và giọng ngâm thơ mang âm điệu Huế hơn tất cả những thứ khác. Nếu so sánh với tiếng sáo của Nguyễn Đình Nghĩa, theo nhận xét của tôi, mỗi người có một cái hay riêng. Tiếng sáo của Tô Kiều Ngân cất lên theo cảm xúc từ bài thơ của tác giả và phong cách của người ngâm thơ nên bay bổng và dễ làm rung động lòng người hơn. Tiếng sáo của Nguyễn Đình Nghĩa hay về bài bản. Nếu anh thổi một bài như Thiên Thai, rất điêu luyện. Nhưng nhiều thính giả vẫn nhớ họ Tô hơn ( Phan Anh Dũng )


Mê nhà thơ gốc Huế là thế. Song, suối trôi đời suối. Sông chảy đời sông. . .


Mãi đến thập niên 80 tôi mới được diện kiến anh ở 81 Trần Quốc Thảo khi “tha phương ngộ cố tri “ bằng những ly bia hơi và tâm sự về chuyện đời, chuyện thi ca. Anh ít nói nhưng khi nói ra lời lẽ chân tình bằng chất giọng thỏ thẻ của một người Huế chính gốc. Gặp anh tôi mới vỡ ra anh chính là ông già vợ của nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan. Anh sống và viết nhiều thể loại. Nhưng điều làm nên tên tuổi anh vẫn là giọng ngâm thơ, tiếng sáo trúc và thi ca. Hai bài thơ tôi yêu thích nhất, đó là 2 bài:


Giọng Huế
Tác giả: Tô Kiều Ngân

Ngắt một chút mây trên lăng Tự Đức
Thả vào mắt em thêm một dáng u hoài
Đôi mắt ấy vốn đã buồn thăm thẳm
Thêm mây vào e tan nát lòng ta.

Anh quỳ xuống hôn lên đôi mắt đó
Bỗng dưng sao thương nhớ Huế lạ lùng
Chắc tại em ngồi bên anh thỏ thẻ
Tiếng quê hương sao động đến vô cùng

"Hẹn chi rứa, răng chừ, em sợ lắm"
Mạ ngày xưa cũng từng nói như em
Anh mất mạ càng thương em tha thiết
Như từng thương câu hát Huế êm đềm

Cảm ơn em đã cho anh nhìn lại
Giòng sông Hương trên bến cảng Sài gòn
Nước như ngọc in bóng thuyền lấp lánh
Mái chèo khua vương nhẹ nhánh rong non

Nếu lại được em ru bằng giọng Huế
Được vỗ về như mạ hát ngày xưa
Câu mái đẩy chứa chan lời dịu ngọt
Chết cũng đành, không nuối tiếc chi mô. . .

Tô Kiều Ngân



NHỚ HUẾ

Anh nhìn em như nhìn thấy quê mình
Ôi xứ Huế thân yêu chừ xa khuất
Nghe em ngâm những âm thanh trong vắt
Anh hình dung thấy bóng
Một con thuyền
Một giải sương mờ
Một khóm trúc nghiêng nghiêng…
Những kỷ niệm ngày xa xưa bừng dậy
Âm thanh ấy thoát từ câu mái đẩy
Tiếng “hò…. ơ. . ” nghe đứt ruột, buồn sao
Biết mấy đau thương, cũng biết mấy ngọt ngào
Lưu luyến ngàn đời
Như không muốn dứt
Giàn mướp vàng con ong bay hút mật
Trưa thiu thiu chày giã gạo buồn tênh
Giọng hò ru em rười rượi cất lên
Em đã ngủ sao chị còn ru mãi
“À…a…ời. .
Hai tay cầm bốn tao nôi
Tao thẳng, tao dùi, tao nhớ, tao thương”
Có phải trưa nay chị nhớ người thương
Nên mượn cớ ru em để ru lòng mình thương nhớ
Có phải ngàn năm thương thương, nhớ nhớ
Khiến tiếng đàn bầu thêm xé ruột bào gan
Tiếng Nam Ai rung tận đáy tâm hồn
Tiếng sáo Huế dài thêm thổn thức
Và tiếng em ngâm lơi lơi, dìu dặt
Chở buồn về vây phủ kín hồn anh
Bọn chúng mình bỏ Huế tha phương
Những thổ ngữ lâu ngày quên lững mất
Bỗng hôm nay em ngâm lên như nhắc
Ôi vui sao giọng Huế của quê mình
Tưởng như mình đang đừng ở Bao Vinh
Đang thơ thẩn bên bờ sông Gia Hội
Vỹ dạ, Kim Luông, Nam Giao, Đất mới…
Nghe thân yêu biết mấy tiếng quê ta
Nhớ giọng hò, điệu hát lời ca
Nhớ hường thầu đâu ngát đường Giao Thủy
Nhớ mái chèo khua bên bờ thôn Vỹ
Nhớ bánh bèo, cơm hến, nhớ chè sen
Nhớ phấn thông vàng rụng lối đi quen
Hột móc, hột muồng, trái sim, trái vả
Nhớ hồ Tịnh tâm thơm sen chiều hạ
Nhớ quít Hương Cần, nhớ cốm Hai lu
Nhớ bờ tre vọng mãi tiếng chim cu…
Ngâm nữa đi em bài thơ giọng Huế
Chúng ta sẽ đưa nhau về thăm quê mẹ
Bằng con thuyền êm ái của thanh âm
Ngâm nữa đi em, ngâm nữa đi em.
Cho vợi nhớ thương thầm….

Tô Kiều Ngân


Anh ít làm thơ. Vậy mà thơ anh cũng được các nhạc sĩ nổi tiếng chắp cánh như Hoàng Nguyên ( Tiếng Chuông Linh Mụ- HN-TKN ) Trầm Tử Thiêng ( Những Con Đường Trắng TTT-TKN)

Trong những lần tâm sự anh Tô Kiều Ngân nói với tôi” Chỉ có những đứa con Huế đi xa mới thương yêu Huế như thế nào” Tôi rất đồng tinh với anh. Cái đau của kẻ tha hương là “rất thương Huế mà phải đành xa Huế” Tôi cũng hiểu” Những kẻ không ra khỏi làng làm sao thấy được thế giới bên ngoài để nhìn lại?” Tuy không mỗi ngày một gặp và chả nhiều kỷ niệm với anh. Nhưng có một kỷ niệm tôi không bao giờ quên:


Số là năm 1995 tôi in tập thơ đầu tay HÁT DẠO BÊN TRỜI sau khi được báo chí nhắc đến và nhà thơ Hồ Thi Ca đã trực tiếp mời đến thu âm ở đài Tiếng Nói Nhân Dân TP Hồ Chí Minh thì anh Tô Kiều Ngân và Bảo Cường có mỹ ý là tổ chức một đêm thơ cho tôi. Không phụ lòng hai anh, tôi đã đồng ý. Địa điểm tổ chức là công viên Bạch Tùng Diệp ở quận 1 ( nơi thường diễn ra ca nhạc, giới thiệu thơ ). Sau nhiều lần liên hệ xin giấy phép, liên hệ tổ chức của hai anh tất bật. Đêm thơ cũng đã diễn ra. Đêm ấy bạn bè đến dự rất đông. Chỉ còn 15 phút nữa là chương trình bắt đầu thì xảy ra sự cố cúp điện. và tôi cũng như bạn bè bàng hoàng, hỏi ra mới biết hai công ty văn hóa đang đấu đá nhau. Họ đấu đá ngay lúc đêm thơ của tôi sắp diễn. Thế là tất cả tiu nghĩu ra về. Riêng tôi thì “quê độ” không còn biết nói gì hơn nữa. Dù sao, tôi cũng cảm ơn tấm lòng của hai anh Tô Kiều Ngân, Bảo Cường và bạn bè tôi. Từ đó trở đi có người gợi ý tổ chức đêm thơ cho tôi như ở nhà văn Hóa Lao Động TP và các nơi khác tôi đều lắc đầu. Đúng là một lần không chín. Chín lần không nên. Tốt nhất là lui vào bóng tối. Nếu là nghiệp dĩ thì viết và viết. Chỉ có tác phẩm, thời gian và công chúng mới là người phán xét cuối cùng. . .


Nhà thơ Tô Kiều Ngân mất đã 6 năm rồi. Nhưng với tôi, tiếng sáo trúc, giọng ngâm và thơ anh còn mãi nơi dương thế.

Trần Dzạ Lữ



MỆ KIM TUẤN

( GỌI MỆ VÌ LÀ HẬU DUỆ 5 ĐỜI TÙNG THIỆN VƯƠNG MIÊN THẨM)

Mỗi lần nghe ca khúc Anh Cho Em Mùa Xuân ( Nguyễn Hiền-Kim Tuấn) và Những Bước Chân Âm Thầm ( Y Vân và Kim Tuấn ) hình ảnh mệ KT lại hiện ra trước mắt tôi mồn một. Một người mập mạp, hiền lành, ít nói. Thơ thì kiệm lời nhưng giàu hình tượng và cảm xúc. Biết nhau trên báo chí, mãi đến năm 1980 tôi mới quen anh. Lúc đó anh về ngành giáo dục quận 4. Tôi thì phụ trách thư viện Quận Tư. Thời gian này sinh hoạt văn nghệ ở quận 4 sôi nổi hẳn lên vì anh Ba Khanh ( Nguyễn Khắc Vỹ, người làm tờ Tin Văn trước 75 ) đã mạnh dạn nhận về những văn nghệ sĩ cũ như Từ Kế Tường ( phụ trách nhà Văn Hóa), Trần Áng Sơn ( phụ trách văn phòng ban Văn Hóa Thông Tin Quận), Nguyễn Tôn Nhan ( phụ trách Bảo Tàng) và một số người như Nguyễn Đạt, Phạm Kiều Tùng, Chu Vương Miện. . . Mệ Kim Tuấn thường giao lưu với anh chị em bên ban chúng tôi. Mỗi lần có chuyện gì bức xúc anh Kim Tuấn thường can ngăn và cũng dùng hai từ :Thôi Kệ ! Anh cũng thường kể cho tôi nghe những chuyện ở trường dạy nghề anh phụ trách về những con người bất hạnh, thiếu may mắn trên đời này. Và anh luôn là người chia sẻ trước nhất bằng trái tim nhân văn của mình -trái tim của nhà thơ chân chính. Hai ca khúc phổ thơ tôi nói trên đã khiến tên tuổi anh bất tử. Trước khi chấm dứt trang viết này cũng cần nhắc lại tiểu sử và hai bài thơ ấy của anh.


Kim Tuấn tên thật là Nguyễn Phước Vĩnh Khuê, ông sinh năm 1938 tại Huế nhưng quê gốc ở Hà Tĩnh. Ông là hậu duệ 5 đời Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Là con trai duy nhất của gia đình. Thuở nhỏ sống cùng gia đình ở Phan Thiết. Lớn lên vào Sài Gòn học. Ông có tính cách hiền lành; ngoại hình mập mạp, da hơi ngăm đen, nụ cười híp mắt. Năm 20 tuổi cưới người vợ đầu là Hồ Thị Mộng Sương (em Hồ Đình Phương). Sau 1975 hai người ly dị, Mộng Sương sang Pháp, Kim Tuấn cưới người vợ thứ nhì là chị Minh Phương và có hai người con trai. [2]


Kim Tuấn làm thơ từ năm 13 tuổi. Bắt đầu có thơ đăng trên các tạp chí đầu thập niên 1960. Tập thơ đầu tiên xuất bản là tập Hoa Mười Phương. Ông từng có một thời gian nhập ngũ và làm thông dịch viên tiếng Anh cho Quân đoàn II tại Pleiku. Thời gian này ông còn là phóng viên chiến trường với ký danh Vĩnh Khuê. Sau thời gian làm việc ông thường về nhà phụ vợ bán thuốc tây tại nhà riêng - hiệu thuốc cùng tên Kim Tuấn trên đường Phan Bội Châu.


Năm 1977, ông về Thành phố Hồ Chí Minh làm hiệu trưởng Trường Anh văn và dạy nghề Thăng Long ở quận 4 - một ngôi trường do người Anh tài trợ dành cho trẻ em lang thang và dạy học ở đó cho đến cuối đời. Ngày 11/9/2003, sau khi tham dự một buổi văn nghệ phát quà Trung thu cho trẻ em nghèo tại trường, ông về nhà ăn bánh, uống trà, ngắm trăng với vợ con rồi đột ngột bị nhồi máu cơ tim và mất trên đường đưa đến bệnh viện.


THƠ KIM TUẤN
NỤ HOA VÀNG NGÀY XUÂN


Anh cho em mùa xuân
nụ hoa vàng mới nở
chiều đông nào nhung nhớ
đường lao xao lá đầy
chân bước mòn vỉa phố
mắt buồn vin ngọn cây

Anh cho em mùa xuân
mùa xuân này tất cả
lộc non vừa trẩy lá
thơ còn thương cõi đời
con chim mừng ríu rít
vui khói chiều chơi vơi

Đất mẹ gầy có lúa
đồng ta xanh mấy mùa
con trâu từ đồng cỏ
giục mõ về rộn khua
ngoài đê diều thẳng cánh
trong xóm vang chuông chùa
chiều in vào bóng núi
câu hát hò vẳng đưa

Tóc mẹ già mây bạc
trăng chờ trong liếp dừa
con sông dài mấy nhánh
cát trắng bờ quê xưa

Anh cho em mùa xuân
bàn tay thơm sữa ngọt
dải đất liền chim hót
người yêu nhau trọn đời
mái nhà ai mới lợp
trẻ đùa vui nơi nơi. . .
hết buồn mưa phố nhỏ
hẹn cho nhau cuộc đời

Khi hoa vàng sắp nở
trời sắp sang mùa xuân
anh cho em tất cả
tình yêu non nước này
bài thơ còn xao xuyến
nắng vàng trên ngọn cây. . .

(1961)

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ nhạc thành bài hát Anh cho em mùa xuân.

KIM TUẤN
KỶ NIỆM


Từng bước từng bước thầm
hoa vông rừng tuyết trắng
rặng thông già lặng câm
hai đứa nhiều hối tiếc
sương mù giăng mấy đồi
tay đan đầy kỷ niệm
mưa giữa mùa tháng năm
dật dờ cơn gió thổi
một tháng không trăng rằm
mây núi ôm trời thấp
giá rét về căm căm
cao nguyên mù đất đỏ
từng bước từng bước thầm
cúi đầu in dấu mỏi
tuổi trẻ buồn lặng câm
núi nghiêng đầu thủ thỉ
từng bước từng bước thầm
hoa vông rừng tuyết trắng
tuổi trẻ buồn lặng câm
víu hồn hoang cỏ dại
từng bước từng bước thầm. . .

Kim Tuấn
Pleiku 1961

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Y Vân phổ nhạc thành bài hát Những bước chân âm thầm.

Những thi phẩm đã xuất bản:
• Hoa mười phương (1959) ~ Trường Giang
• Ngàn thương (chung với Định Giang, Vương Đức Lệ, 1961)
• Dấu bụi hồng (1971) ~ Minh Đức
• Thơ Kim Tuấn 1962-1972 (1974) ~ Gìn Vàng Giữ Ngọc
• Thời của trái tim hồng (1990) ~ Nhà xuất bản Tổng hợp Sông Bé
• Tuổi phượng hồng (1991) ~ Nhà xuất bản Trẻ
• Tạ tình phương Nam (1994)
• Thơ Lý và thơ ngắn (2002) ~ Nhà xuất bản Văn Nghệ TP. HCM

 

Hình 1: Nhà Văn Sơn Nam
 

 

Hình 2: Nhà Thơ Tô Kiều Ngân
 

 

Hình 3: Nhà Thơ Kim Tuấn


 

Xem tiếp Phần 23


 

 

trang Trần Dzạ Lữ

 

art2all.net