Phạm Đức Thân

 

 

BỊT MẮT BẮT DÊ

(Mekura Oni, tác giả Enchi Fumiko,

Phạm Đức Thân dịch từ bản Anh ngữ -Blind Man's Buff- của Beth Cary )

 

 

~~oOo~~

Enchi Fumiko (1905 - 1986) nữ văn sĩ Nhật xuất thân trong gia đình khoa bảng, từ nhỏ đã đọc văn chương, xem kịch kabuki, lớn lên viết kịch. Năm 1930 bắt đầu viết tiểu thuyết, truyện ngắn, nhưng chiến tranh đã làm cuộc đời thay đổi. Năm 1945 nhà bị cháy rụi bởi không kích và năm sau bà bị mổ ung thư tử cung, rồi trải qua nhiều biến chứng, mãi đến 1949 mới viết lại. Truyện Omnazaka (Những Năm Chờ Đợi) đoạt giải Noma 1957. Bà viết nhiều truyện được khen ngợi, được giải thưởng Tanizaki 1969, và lại còn bỏ công dịch sang kim văn truyện dài cổ văn The Tale of Genji. Năm 1985 bà được trao tặng huân chương văn hóa cao quý Bunka Kunsho.

Mặc dù viết nhiều loại truyện, nhưng bà chú trọng đến đặc tính cơ bản của phụ nữ trong bối cảnh xã hội cũng như quan hệ cá nhân, đặc biệt là dục tính nữ giới với những biểu thị mạnh mẽ, đôi khi khó hiểu. Mekura oni (Bịt Mắt Bắt Dê, 1962) bao gồm cả hai mặt trên: mô tả cuộc đời một người con gái mẹ là kỹ nữ, mà phần vì hoàn cảnh và phần ví cá tính, khi lớn lên đã chọn theo con đường của mẹ.

(Phạm đức Thân dịch từ bản Anh ngữ Blind Man's Buff của dịch giả Beth Cary.)

 

Mưa nhẹ đang rơi đêm cuối tháng Mười Một thì tôi nhận được điện thoại từ nhà của cô em ở Kyoto. Chủ nhà - Ichiko, em cùng cha khác mẹ - hai ngày trước nói đi Okasa, mà đến nay vẫn chưa về.

Cũng tình cờ, Kinu, u người làm trước đây của chúng tôi, đã biết Ichiko từ hồi nhỏ, đang đến thăm qua đêm tại nhà tôi. Cho nên tự nhiên là sau khi tôi gác điện thoại tôi bảo u điện thoại về chuyện gì.

"Ô, cô Ichiko ở Kyoto, " Kinu nói, và ngưng giây lát. Rồi u bật cười. "Cô ấy nên qua cái tuổi bỏ nhà đi."

"Đúng vậy,...nhưng đó là điều ông Kajata sợ rằng cô ấy đã làm."

Ông Kajata là tu sĩ trưởng của ngôi đền mà Ichiko đã thuê đất để mở nhà hàng chay kiểu nhà Phật. Ichiko là vợ ông theo tập tục sống chung không hôn thú. Tên cô không ghi trong sổ gia đình, nhưng mọi gia đình thành viên của đền công nhận tình trạng này.

Có lần cô bảo tôi tại sao cô không ghi tên vào sổ. Không phải vì giáo lý cấm Kajita lấy vợ. Ông ngần ngại chuyện này vì ông sợ đạo hữu của đền ông có thể không chấp nhận Ichiko do bởi cô đã từng là geisha; và chính Ichiko cũng không muốn gia nhập đền và được coi như vợ ông. 

"Nhưng thưa bà, cô Ichiko chỉ kém bà một tuổi. Nay cô hẳn đã 52." Kinu tiếp tục băn khoăn về tuổi của Ichiko.

"Dù 52 hay 53, người ta ngày nay khác ngày xưa. Chẳng còn nhiều phụ nữ không ngại độc thân và khô cằn nhăn nhúm như tôi," tôi nói.

"Thưa bà, dĩ nhiên tôi biết bà và cô Ichiko khác nhau. Nhưng không thể có một lý do nào để cô bỏ nhà đi. Họ nói tiệm cô rất đông khách."

"Chính thế. Ngay vừa rồi khi điện thoại, ông Kajata nói ông không thể hiểu chuyện gì đã xẩy ra. Ông nói cô rời nhà hai ngày trước, bảo rằng cô sẽ ở lại đêm với một người bạn tại Osaka. Cho nên hôm qua cô không về họ không nghi ngại gì. Sáng nay khi cô vẫn chưa về, họ mới gửi điện tín - bạn cô hình như không có điện thoại - và biết ra cô không hề có mặt ở đó. Lúc ấy họ mới bắt đầu lo lắng và gọi đây xem cô ấy có thể tới Tokyo chăng."

"Ừ, nghe có vẻ hơi lạ."

Lần đầu tiên Kinu bắt đầu tỏ ý nghi ngại.

Mặc dù Ichiko và tôi sinh khác năm, ngày sinh của chúng tôi chỉ cách nhau có 6 tháng, tôi tháng Mười Một và cô tháng Năm sau. Điều này cho thấy chúng tôi không thể cùng mẹ. Tôi là một trong những đứa con của cha hoạt động chính trị và mẹ là vợ chính thức của ông, trong khi mẹ của Ichiko là một geisha ở Yoshi-cho.

Tôi không biết hoàn cảnh thế nào, nhưng theo tôi nhớ lại được, Ichiko đã luôn luôn sống với chúng tôi ở Ichigaya như người trong gia đình và được nuôi dưỡng như em gái tôi. Chúng tôi cùng nhau đi học từ tiểu học lên trung học tại trường phụ thuộc của Trường Sư Phạm Nữ Cao Cấp Ochanomizu. Tôi là một cô gái nhan sắc trung bình, và trên đường đi học không ai chú ý nhiều đến khuôn mặt vừa mới cọ rửa sạch sẽ của tôi. Mặc dù họ bảo chúng tôi trông giống nhau, từ khi Ichiko lên 12 hay 13, khuôn mặt cô đã bừng lên như một nụ hoa mầu tươi sáng. Có một nét duyên dáng hấp dẫn không thể tả được trong vẻ đẹp quanh mắt và miệng cô.

Trong khi cô đang trên xe lửa đến trường hoặc về nhà, đám con trai đôi khi tuồn thư tình vào ống tay áo kimono của cô. Cô có cho tôi thấy một hai bức. Cái kiểu chú ý này có lẽ là một trong những điều đã khuyến khích Ichiko cảm nghiệm sớm hoan lạc. Mùa xuân, bắt đầu vào lớp chín, cô yêu mê mệt một bạn của anh tôi đang là sinh viên Đại Học T. và cô bỏ nhà theo anh ta.

Cuộc tình kết thúc đột ngột bất ngờ. Sau chuyện này, vì có thể tác dụng xấu trên các trẻ khác, Ichiko được gửi trả về sống tại nhà mẹ ruột. Một hai năm sau cha tôi qua đời. Tới lúc đó mẹ Ichiko đã trở nên một trong những geisha độc lập nổi tiếng trong vùng, dưới tay có vài geisha trẻ. Bà là một phụ nữ khôn ngoan và bề ngoài rất hòa thuận với mẹ tôi.

Cho dù sau khi đã bị đưa ra khỏi nhà, Ichiko vẫn muốn thân thiết với tôi. Thỉnh thoảng cô viết thư, mời tôi đến khu phố cô. Lúc đó tôi là sinh viên của Trường Anh Ngữ Tsuda. Lẽ ra bực bội, giận hờn Ichiko lại hãnh diện về tôi. Bây giờ khi tôi nghĩ đến chuyện này tôi thấy hơi lạ; nhưng tôi thường nói dốí mẹ, bảo bà rằng tôi đang tới nhà bạn. Thay vì  thế, tôi thường gặp Ichiko dưới Cầu Azuma. Từ đây chúng tôi lấy xuồng máy hơi nước tới Vườn Hyakkaen hoặc Đền Shiharige và thả bộ quanh vùng.

Ichiko chưa trở thành geisha, nhưng cô làm kiểu tóc bới cao như geisha tập sự, mặc kimono sọc mầu sáng, và thắt dải lưng đỏ hoa văn khác nhau. Tương phản giữa dáng vẻ cô và tôi - một cô gái trung lưu bậc trên, tóc rẽ đường ngôi bên - hẳn phải có vẻ kỳ cục khó tin. Chúng tôi thường bị trêu ghẹo bởi các thủy thủ tầu chở hàng và các nhân công nghỉ để hút thuốc. Chúng tôi tản bộ dọc sông Sumida vì tôi hồi đó là độc giả hăng say của Nagai Kafu và bị ấn tượng bởi các truyện Sông Sumida, Vườn Mẫu Đơn, Truyện Đêm ở Shinbashi, và những truyện khác của ông mà bối cảnh là khu ăn chơi. Nó khơi nguồn cho tôi hãnh diện có một cô em xinh đẹp cùng cha khác mẹ, từ cái khu cổ kính lãng mạn đó của Tokyo.

Rồi tôi tốt nghiệp trường sư phạm, lấy chồng, và không bao lâu sau chồng tôi được phái qua Mỹ làm viên chức ngân hàng, và chúng tôi di chuyển đến New York. Bốn năm sau con trai tôi chết bệnh. Dù bằng mọi cách chúng tôi không thể hòa hợp và tôi dùng đó như một cái cớ để ly dị chồng, và trở về Tokyo. Vì tôi không muốn tái hôn, tôi trở lại với mẹ và sống với bà cho tới lúc gần đây khi bà qua đời.

Tôi sống đời bình thường đều đặn dạy Anh ngữ. Nếu thỉnh thoảng có bừng lên sáng sủa bất ngờ tô điểm vẻ đều đều đơn điệu thì đó là do Ichiko mang lại. Ngay như mẹ tôi hồi còn trẻ đã coi Ichiko như một phiền toái, đã trả cô về mẹ ruột, nhưng nay cũng đã trở nên yêu thương cô hơn hẳn các con dâu. Bất cứ khi nào Ichiko đến thăm, Mẹ thường chăm chú nghe Ichiko mô tả những biến chuyển của đời cô cũng như đời các bạn cô.

Trong khi tôi ở ngoại quốc, Ichiko trở thành một geisha trẻ trong cơ ngơi của mẹ cô và bắt đầu giúp vui trong các bữa tiệc. Cô đẹp lộng lẫy và có tài đối đáp. Cô cũng may mắn có mẹ hướng dẫn mọi chuyện. Mặc dù cô không được huấn luyện nghệ thuật giải trí bắt đầu từ hồi còn nhỏ, nhưng không có gì gợi ra cô có thể là một geisha buông thả. 

Sau ba, bốn năm làm geisha hạng nhất, Ichiko trở thành tình nhân của Katsuyama Kijuro, một đại lý hàng đầu trong giới mỹ thuật..Ông ổn định cuộc sống cho cô trong một ngôi nhà ở Takagi-cho tại quận Aoyama. Vì tôi sống ở Zaimoku-cho tại Azabu gần đó nên Ichiko thường đến thăm tôi. Chính vào thời gian này Mẹ và Kinu biết Ichiko khi đã trưởng thành.

Katsuyama là đại lý mỹ thuật buôn bán chính các tranh Nhật. Gia đình ông nghe nói là những người cho vay tiền dưới thời Edo, cho nên bản năng thích bảo trợ có thể nằm trong huyết quản ông. Ông thích hỗ trợ những gia đình họa sĩ trẻ và những tài năng mới chưa được biết đến, coi đây hầu như là một thói quen giống đánh bạc, và đã phung phí một số tiền lớn vào thú vui này.

Các họa sĩ đó tụ tập tại nhà Ichiko, và vì Ichiko hiểu rõ Katsuyama, cô chăm sóc họ chu đáo. Trong nhà Ichiko chỗ tắm luôn luôn sẵn sàng, ngay cả từ buổi sáng, và tới bữa cơm thức ăn ngon được dọn cùng với bia. Thảo nào nhiều họa sĩ hội tụ ở đây.

"Thật ngạc nhiên ông ấy không ngại gửi các thanh niên lôi thôi lếch thếch đến cô để chăm sóc. Thường thường đàn ông có gái bao còn không thích cả thân nhân gia đình của người tình quẩn quanh chỗ ở của họ."

Những lần nghe mẹ tôi bình phẩm như vậy tôi cảm thấy thích thú. Mẹ đã học kinh nghiệm về đàn ông từ cha tôi, ông tằng tịu với geisha trong khi giả vờ trung thành với bà. Vì tôi sống đời hôn nhân chỉ có ba bốn năm trong khi ở ngoại quốc, tôi sẽ không bao giờ mơ có thể bình phẩm như thế.

Nhưng Ichiko chỉ mỉm cười, để lộ hơi lúm đồng tiền trên má. Những ngày này bất cứ khi nào tôi thấy khuôn mặt Ichiko tôi cảm thấy da má cô mềm và mịn, sờ vào sẽ gợi hoan lạc như khi sờ vào trái chín. Phụ nữ trí thức, dùng đầu óc để sinh sống, không bao giờ được diễm phúc hoan lạc như thế.

"Thưa mẹ," Ichiko nói (lúc này Mẹ không còn ngại Ichiko xưng hô kiểu đó), "Không có vấn đề gì cả. Katsuyama tin tưởng con. Ông nói con không phải là loại đàn bà cuồng si đàn ông. Các họa sĩ tụ tập ở nhà con, cách này hay cách khác, có bị con hấp dẫn. Katsuyama hình như lại hài lòng khi thấy họ thăng hoa cái hấp dẫn của con thành đam mê trong công việc. Con có lần tức giận và lên án ông đã dùng con để khơi dậy cái đam mê đó. Nhưng con không thể tranh luận với Katsuyama. Ông nghĩ mỗi người như là vật liệu để cho tranh tốt đẹp. Con nghe nói tình nhân trước của ông đã bỏ đi với một họa sĩ."

"Điều gì đã xẩy đến cho họa sĩ đó? Anh trở nên thành công?"

Ichiko lắc đầu, "Không, anh không bao giờ thành đạt. Hình như hiện giờ anh đang ở đâu đó trong Kyushu sơn vẽ cho nhà hàng và khách sạn."

"Vậy thì ông Katsuyama đã thất bại hoàn toàn với họa sĩ đó. Người tình của ông còn bị cuỗm mất, và nếu các tranh cũng chẳng giá trị gì, ông ta mất cả chì lẫn chài."

"Không, trái ngược hẳn, mất người tình lại đem đến một kết quả khác thường," Ichiko vừa nói vừa cười. "Có một họa sĩ đã trở nên thực sự nổi tiếng qua Nhà Triển Lãm Nitten và hiện giờ còn là một trong những giám khảo của Nhà - họa sĩ phong cách Nhật Bản tên Hirade Shusai. Họ nói anh là người tài năng hứa hẹn nhất được Katsuyama đỡ đầu. Ừ, anh đã phải lòng người tình của Katsuyama. Anh không nói gì về chuyện này, nhưng nàng đã từ chối anh và bỏ đi với họa sĩ kia. Mẹ không thể biết được tâm tư của người đời, nhưng sau vụ đó phong cách của Hirade phát triển nở rộ. Mẹ biết không, giờ hầu như không thể mua tranh của anh nếu không qua Katsuyama. Chúng đã trở nên những thứ đem lại nhiều lợi lộc....Cho nên mẹ không thể bảo Katsuyama đã bị thua lỗ."

Có một phần sự thật trong điều cô nói. Katsuyama quả có dùng Ichiko như một con mồi trong công việc. Ichiko bảo cô để cho mình sống cuộc đời như vậy vì cô bị lôi cuốn bởi cách Katsuyama dùng người như con súc sắc trong trò chơi cờ bạc lạ lùng. Một phụ nữ chỉ 27, 28 mà lại chọn kiểu sống này thì theo tôi có vẻ hơi quá tính toán. Nó có vẻ hư vô một cách kỳ lạ thế nào ấy. Đang thời trổ mã xinh đẹp, làm sao Ichiko lại có thể hài lòng sống trong một thế giới mà số phận con người bị tung hứng như thế? Cho dẫu cái thao túng này có vẻ như là chỉ vì lợi ích nghệ thuật, nó vẫn hình như lạ lùng, không tự nhiên. Và mặc dù chúng tôi có liên hệ với nhau, tôi cảm thấy không thể hỏi cô cặn kẽ hơn.

Mẹ và tôi gặp Katsuyama thời kỳ này. Để thêm tiền tân trang một phần căn nhà, qua Ichiko chúng tôi nhờ cô hỏi xem Katsuyama có muốn mua vài tranh cuốn của Hoitsu và Buncho. Ông mời chúng tôi ăn tối chính thức ở một tiệm Nhật tại Azabu để cám ơn chúng tôi đã bán cho ông những tác phẩm giá trị. Dĩ nhiên Ichiko cũng tham dự. 

Trên đường về nhà Mẹ nói với nụ cười nuối tiếc, "Ông Katsuyama yêu Ichiko, nhưng ông yêu kinh doanh hơn. Nhiều chính trị gia cũng giống thế. Họ có thể dốc lòng dồn hết chú ý vào một phụ nữ, nhưng nếu cần thiết cho công việc, họ có thể dễ dàng nhường người đàn bà quý giá đó cho người khác."

Khi nghe Mẹ nói vậy tôi hoàn toàn không hiểu hết bà muốn nói gì. Nhưng sau này nghĩ tới nghĩ lui tôi mới nhận ra rằng bà hẳn đang phản tỉnh điều bà học được qua kinh nghiệm với Cha. Từ viễn cảnh này, tôi có thể hiểu rằng có lẽ Ichiko chịu sống với Katsuyama già tuổi hơn cô nhiều vì tiềm thức cô mong muốn có một hình ảnh người cha. 

Trong thời gian hơn 10 năm Ichiko là người tình của Katsuyama và là chủ căn nhà dùng làm chỗ tụ tập cho các họa sĩ trẻ phong cách Nhật còn trong bóng tối, tôi chưa bao giờ nghe đồn đại Ichiko tai tiếng dính líu lãng mạn với ai trong bọn họ. Tôi cũng không hề nghe có vấn đề gì giữa Ichiko và Katsuyama.

Katsuyama chết vì ung thư dạ dầy 2 hoặc 3 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Ông di chúc để lại cho Ichiko căn nhà ở Takagi-cho, và cô tiếp tục điều hành đại lý mỹ thuật. Thời gian sống với ông, cô đã học thành thạo công việc.

Một số ít họa sĩ đã thành đạt dưới sự bảo trợ của Katsuyama, và hầu hết bọn họ tiếp tục hưởng lợi ích nhờ ảnh hưởng của Ichiko. Mặc dù liên kết với nhà chính của Katsuyama dĩ nhiên bị cắt đứt, nhưng kinh doanh ở Takagi-cho vẫn được hỗ trợ qua những mối liên hệ cá nhân của Ichiko. Cũng như Ichiko đã làm khi Katsuyama còn sống, Ichiko có những họa sĩ trẻ ra vào nhà cô nhưng cô không quan hệ thân mật với ai trong bọn họ. Cô hình như đã tiếp thu hoàn toàn kiểu thao túng của Katsuyama và vẫn dùng các họa sĩ này như những con chốt trong kinh doanh.

Ichiko lúc này đã quá 40. Cô đã chín mùi, trở thành một phụ nữ chín chắn, thân hình nẩy nở, vai tròn căng và bộ ngực không có dấu hiệu gì là trung niên. Cô thích mặc kimono vải dệt cứng Yuk hoặc Shiozawa, làm bằng chất liệu không bám sát vào người. Cô hình như không biết rằng vật liệu như thế càng làm cô thêm quyến rũ.

"Tôi quan tâm tất cả cho công việc. Tôi đã nghỉ chơi thôi làm phụ nữ," cô thường nhấn mạnh. Và với vẻ bạo dạn, cô một hơi nốc cạn ly bia.

Cô tiếp tục cuộc đời nữ đại lý mỹ thuật được bao lâu? 

Hẳn phải đã 6 hay 7 năm rồi từ khi cô thình lình đóng cửa doanh nghiệp, trả lại gia đình Katsuyama các họa phẩm cô đang nắm trong tay, và tuyên bố sẽ về Kyoto sống ẩn dật.

Sau chiến tranh tôi bận rộn với việc dạy Anh ngữ và tôi ít có dịp hơn để nói chuyện lâu với Ichiko. Khi Ichiko bảo tôi cô sắp dọn về Kyoto thì Mẹ mới chỉ vừa mất trước đó. Buồn phải chia tay nhau, Ichiko và tôi hàn huyên mãi sau lễ cúng 27 ngày mất của Mẹ. 

"Tại sao cô đóng cửa doanh nghiệp giữa lúc cô đang có một số khách hàng tốt thường xuyên và nhân viên đã rành nghề?" Tôi hỏi.

Chúng tôi đang ở trong phòng có trưng bầy hình Mẹ. Khi cô ngồi đối diện tôi qua bàn, Ichiko rơi vào thói quen cũ là vén lớp ngoài của kimono đang che phủ hai đầu gối mập tròn và qua hàng mi liếc ngược lên nhìn tôi.

"Ừ, tôi cũng đã có suy nghĩ một chút, và nhận ra rằng, sau cùng đây là công việc của đàn ông. Nếu Katsuyama còn sống - cho dù ông có bị bại và nằm liệt giường - kinh doanh vẫn có thể tiếp tục được. Nhưng không thể nào một phụ nữ đơn thân có thể đảm đương việc này."

"Hóa ra lại như vậy sao? Thật khó cho một người không kinh nghiệm như tôi hiểu được nó thế nào."

Sau khi nói thế, tôi quay nhìn hình Mẹ và thuật lại cô nghe nhận xét của bà về tính cách của Katsuyama

"Thật vậy sao? Bà nói thế quả là người hiểu biết. Dĩ nhiên bà đang nói về Cha.... Đúng vậy, mẹ của tôi (bà mất sau khi Katsuyama bắt đầu bảo bọc Ichiko được ít lâu) bảo tôi rằng khi Cha đem tôi về nhà chính, ông tạm thời gán bà cho một chủ tịch công ty thương mại mượn, để ông này chi trả phí tổn chiến dịch vận động của Cha. Giao dịch này có lẽ hơi đơn giản hơn kế hoạch của Katsuyama. Có thể tôi đã chịu một ông già hơn tôi nhiều mà không thấy phản cảm vì cách nào đó ông làm tôi nhớ đến Cha," Ichiko thở dài thật sâu và nói, "Gần đây, tôi đi đến nhận định rằng mọi chuyện trên đời, đặc biệt là quan hệ nam nữ, giống như trò chơi bịt mắt bắt dê. Người đóng vai "nó", con quỷ, bị khăn bịt kín mắt, không thể nhìn thấy gì. Các người khác vỗ tay trêu chọc, hấp dẫn nó, nhưng được tự do chạy quanh ra xa nhờ vẫn có thể nhìn. Cho nên họ không bị nó tóm. Nhưng mỗi lần chơi đều có người bị tóm. Sai lầm là nghĩ rằng mình không thể bị tóm. Chị có nghĩ  là số phận con người cũng giống vậy không? Chúng ta khoác lác rằng nó sẽ không tóm được chúng ta. Nhưng chúng ta càng lớn tiếng khoác lác, thì chúng ta càng có nhiều nguy cơ bị tóm bởi con quỷ còn nguy hiểm hơn."

"Cô nói giống như đang nói về chính mình. Tại sao cô không kể tôi nghe cô đã trải qua những gì?" Tôi mớm lời. Nhưng Ichiko lắc đầu. "Chẳng có gì đặc biệt ..," cô nói. "Ngay một người ngốc nghếch như tôi mà cũng cảm thấy giống như đang nói điều gì có vẻ triết lý sau khi đã sống ờ đời trên 40 năm. Có lẽ nó hình như buồn cười đối với một người thông minh như chị."

"Tôi không thấy có chút buồn cười nào cả. So với cô tôi giống như đứa trẻ với những nếp nhăn của trung niên trên mặt. Tôi thấy quan hệ của cô với ông Katsuyama thật lạ lùng hấp dẫn. Và chuyện cô đóng cửa doanh nghiệp, lui về ở ẩn tại Kyoto hình như cũng có cái gì đằng sau, thành thử tôi tò mò là tất nhiên."

"Biết mọi sự việc là phù hoa và rút lui khỏi thế gian...." Ichiko đọc lên một câu trong bài hát đàn lute nổi tiếng thời chúng tôi còn trẻ. "Có lẽ lúc nào đó tôi sẽ kể chị nghe," cô nói. "Xin hãy đợi khoảng 10 năm."

Bí mật đằng sau chuyện Ichiko đóng cửa đại lý mỹ thuật hình như có liên quan đến một người đàn ông. Nhưng tôi không muốn tọc mạch, cho nên tôi đổi đề tài.

Khoảng một tháng sau khi Ichiko đóng cửa cơ sở và dọn đi Kyoto, xác của Kenmochi Akira - một họa sĩ phong cách Nhật đang lên - bất ngờ được phát hiện ở Núi Zao. Anh đã biến mất trên đường đến Ấn Độ để tham gia nhóm leo núi hướng tới Himalayas.

Kenmochi khác thường trong số các họa sĩ đương thời ở chỗ anh không được giáo dục cao. Một họa sĩ trẻ đã nổi lên từ vị thế tập nghề với Takatori Kanichi, tên anh chỉ gần đây mới được biết đến trong giới mỹ thuật. Trong thế giới tranh Nhật nơi những khắt khe của hệ thống huấn nghệ vẫn còn tồn tại, quan hệ giữa Takatori và Kenmochi giống như chủ - tớ hơn là thầy - trò. Sau khi phấn đấu tiến lên trên con đường dài Kenmochi cuối cùng cũng bắt đầu được công nhận theo giá trị của chính anh.

Takatori chưa bao giờ đối xử đặc biệt với Kenmochi, nhưng ông bắt đầu chiếu cố đến anh sau khi thấy Ichiko chú ý đến tranh của Kenmochi và mời anh tới nhà cô. Takatori đã đạt địa vị ngày nay nhờ Katsuyama sinh thời tiên đoán phát triển mỹ thuật của ông và đã hỗ trợ tài chánh đáng kể. Takatori đã luôn luôn bị hấp dẫn bởi nữ tính sinh động của Ichiko. Nay thấy cô - một phụ nữ - đề cao Kenmochi, ông bắt đầu nghĩ rằng có thể khai thác vị thế là thầy của Kenmochi. Qua thăng tiến Kenmochi, Takatori có thể giúp Ichiko kinh doanh, và đồng thời chiếm hữu cô. 

Thích thú ban đầu của Ichiko đối với tranh Kenmochi không dựa trên hấp dẫn của Kenmochi như một đàn ông. 

Cho tới thời điểm đó, cô đã âm thầm thực hiện công việc của Katsuyama theo bước của ông. Nhưng nay cô bị kích động thử nghiệm khả năng kinh doanh của chính mình qua họa sĩ trẻ Kenmochi mà tranh của anh có một vẻ khác lạ. Không giống họa phẩm của những người tốt nghiệp trường mỹ thuật chính thức, tranh Kenmochi có tính chất hiếm hoi, bảo tồn những nét đơn sơ mộc mạc của nông dân vùng đông bắc Nhật Bản.

Tất nhiên Kenmuchi không biết kế hoạch của Ichiko dùng anh như vật liệu để đầu cơ kinh doanh. Anh bị choáng ngợp bởi nét duyên dáng của một phụ nữ chín chắn, hơn anh 10 tuổi và đang ở đình cao của quyến rũ. Tuy nhiên khi Ichiko trở nên biết rõ anh hơn, cô liên tiếp ngạc nhiên trước sự bộc trực đơn giản của Kenmochi, và tim cô vang vọng một xao động tăng dần. Ichiko cảm thấy hồn và xác mình trở nên trong suốt, minh bạch thấy rõ. Cô tự hỏi có phải đây là cảm nghiệm tình yêu.

Ngay khi cô vừa 16, Ichiko đã bị quyến rũ bởi một bạn của anh tôi. Rồi sau đó, nét đẹp khêu gợi của cô đã khiến cô luôn luôn bị đàn ông theo đuổi, và cô đã dính líu xác thịt với vài người trước khi trở thành tình nhân của Katsuyama. Như ông đã tiên liệu, ngay trong khi dùng cô như con mồi để kinh doanh, đã không xẩy ra đồn đại nào liên kết cô với đám người tụ tập ở nhà cô. Bỏ ngoài tai những gì người khác có thể đã nói về cô, Ichiko cảm thấy mình trơ trơ như một khúc cây trong một lãnh vực mà người ta thường giả định có thân mật thực sự giữa nam nữ. Cô nghĩ mình chỉ đơn giản không thích thú lắm loại chuyện đó. Thật ra cô đã quyết định có lẽ cô sẽ dành hết ngày giờ vào chăm lo kinh doanh và sống cuộc đời vui vẻ thích thú. Nhưng cô có thể bảo rằng, trong đam mê Kenmochi, cô đang bị mất quân bình. Về phương diện tình cảm, cô co rút lai trong lo sợ, nhưng thân xác cô lại cứ phóng tới trước.

Kenmuchi không thể không biết đến những tình cảm mê đắm cô dành cho anh, và chẳng bao lâu cả hai bị vướng vào một cuộc tình. Kenmochi xử sự giống như một phụ nữ có chồng hoảng sợ, dưới thời những ngày mà ngoại tình còn bị coi là phạm pháp. Anh sợ rằng Takatori sẽ phát hiện bí mật. Thái độ nhút nhát của Kenmochi đã làm Ichiko đang hứng khởi phải buồn bực đau khổ khôn nguôi.

Thật vậy, Takatori rất tức giận khi đánh hơi được sự thật. Ông nổi đóa và đe dọa sẽ lan truyền đồn thổi chuyện tai tiếng Ichiko, đại lý mỹ thuật, đã có kế hoạch đẩy người tình của mình vào giới mỹ thuật; ông sẽ dùng tai tiếng này để phá hoại hoàn toàn chỗ đứng của Kenmochi trong thế giới nghệ thuật. Kenmochi thề rằng, dù nếu anh có bị Takatori nói xấu và loại ra khỏi giới mỹ thuật, anh sẽ tìm cách khác để được thừa nhận theo giá trị của chính anh miễn là anh vẫn được người ta yêu thích. Nhưng Ichiko, lớn tuổi hơn, không thể chịu đựng thấy Kenmochi khổ sở bị chối bỏ như vậy.

Để xoa dịu Takatori, Ichiko đành phải nhượng bộ đòi hỏi xác thịt của ông. Vị thế bề trên hống hách của Takatori đổ sụp. Kenmochi đồng ý chấm dứt quan hệ với Ichiko, và còn đi xa hơn nữa quyết định gia nhập toán leo núi khởi hành đến Himalayas. Có lẽ ngắm cảnh hùng vĩ của những ngọn núi cao này anh chưa từng biết sẽ mở ra những chân trời mới trong tranh anh.

Ichiko kiên quyết không tiếp tục quan hệ thân mật với Takatori. Cho nên cô quyết định đóng cửa doanh nghiệp và dọn tới Kyoto. Cô hy vọng Kenmochi cũng xây dựng cuộc đời mới. Nhưng hy vọng của cô bị tan biến khi Kenmochi kết liễu đời mình trong đám tuyết núi tại quê hương, không được ngắm cảnh tuyệt vời của Himalayas tuyết phủ.

Không ai biết bằng cách nào, sau khi chia tay bạn ở Singapore, Kenmochi đã tìm đường đến rặng núi đông bắc Nhật Bản. Thầy Takatori của anh giải thích với phóng viên rằng anh đã đối diện - và đây không phải lần đầu - bế tắc mỹ thuật vào một lúc khủng hoảng và hẳn phải đã sụp đổ tinh thần. Họ đã cùng nhau thận trọng không để lộ bí mật của cuộc tình tay ba. Vì thế mặc dù có đồn đại Kenmochi đã đau khổ thất vọng trong tình yêu với Ichiko, ngay cả tôi khi đó cũng không hiểu hoàn cảnh thực sự thế nào.

Tôi được nghe sự thật của câu chuyện từ Ichiko chỉ hai năm trước đây khi tôi tới núi Koya để đặt tro tàn của Mẹ vào đền trong. Ichiko muốn đi theo và chúng tôi gặp nhau ở Osaka và cùng nhau hành hương tới núi Koya.

Đêm trước khi chúng tôi vào đền trong, chúng tôi ngụ trong nhà khách tại một trong những đền trên núi. Ichiko lấy ra từ trong túi du lịch một hộp gỗ nhỏ không sơn phết và đặt lên kệ cạnh hộp đựng tàn tro của Mẹ.

"Cô cũng tính dâng hiến tro?" tôi hỏi. "Của ai vậy?"

Với vẻ mặt trang trọng, Ichiko nói, "Hôp đựng một hình và tro tàn của những bức thư đã đốt cháy của một họa sĩ tên là Kenmuchi - người đã tự tử cách đây sáu năm."

Rồi cô kể tôi nghe câu chuyện mà tôi đã thuật lại ở trên.

Tôi sau cùng hiểu ra hoàn cảnh khiến Ichiko đã đóng cửa đại lý mỹ thuật và tới ẩn dật tại Kyoto.

"Có những kinh doanh mà phụ nữ chỉ không thể thành công. Đại lý mỹ thuật dùng người như những con súc sắc. Khi vấn đề giữa nam nữ bị thẩy vào cuộc chơi, không chỗ nào để di chuyển," Ichiko nói. "Lúc đó tôi muốn giết chết ham muốn của chính mình, để cho Kenmuchi có thể thành đạt. Thay vì thế, can thiệp vội vàng thiếu suy nghĩ của tôi đã giết chết anh. Tôi muốn theo anh và tự tử, nhưng nhiều năm trôi qua, tôi vẫn còn đây, sống nhăn. Tôi còn trở thành vợ của một tu sĩ và kiếm tiến, làm chủ nhà hàng... Thỉnh thoảng, khi tôi tự hỏi mình là cái quỷ gì, tôi cảm thấy giống như một cái gì hoàn toàn không có thật, chỉ là một cái bóng. Không, dù cho tôi có sống bao nhiêu năm nữa, tôi sẽ không bao giờ yêu một người đàn ông khác. Tôi đã quyết định rằng, nếu chuyện ấy xẩy ra, thay vì gây đau khổ cho người, tôi sẽ là người phải chết."

Lúc đó một nụ cười sâu sắc khắc họa trên khuôn mặt Ichiko, nụ cười cho thấy cương quyết trộn lẫn đau buồn.

Chỉ có nụ cười của một phụ nữ đã bước đi trên đường đời gần 50 năm mới có thể kết hợp được những cảm xúc này.

 

Hai năm đã trôi qua từ sau cuộc hành hương của chúng tôi. Báo cáo gần đây xác nhận nhà hàng chay kiểu nhà Phật của Ichiko cạnh cổng chính của một ngôi đền ở Kyoto bán thức ăn ngon và giá cả hợp lý. Du khách từ Tokyo thường ghé ăn tại nhà hàng trên đường trở về từ Sambo-in. Ngôi đền thuộc Thiên Thai tông, và tu sĩ trưởng, ông Kajita, là một nhà trí thức và cũng là diễn giả tại một đại học.

Tôi biết Ichiko cảm thấy có tội trong cái chết của Kenmochi. Tuy nhiên, đôi khi nhớ lại tôi nghĩ rằng, qua nghe thuyết pháp của Kajita về Phật giáo và sáng chiều chuẩn bị thực phẩm chay kiểu nhà Phật, Ichiko theo thời gian già hơn có thể đi tới chỗ hiểu sâu xa hơn quan niệm của Phật giáo coi mọi thứ là phù phiếm. Nhưng đêm tháng Mười Một đó, khi điện thoại rung lên và tôi nghe tin Ichiko đã rời nhà, tôi cảm thấy lo xa. Tôi không thể cười cách vô tư như Kinu được.

 

Tôi bị mất ngủ, và cả đêm bị quấy rầy bởi những mộng mị liên tiếp. Sau cùng, khi rạng đông chấm dứt đêm dài cuối thu, tôi hoàn toàn tỉnh giấc bởi chuông điện thoại trong hành lang. Kinu ở qua đêm và đã nhỏm dậy liền để bắt điện thoại. Tôi nghe u trả lời một hai câu, và rồi tôi nghe bước chân chạy dưới hành lang.

"Bà ơi, bà dậy chưa?" Tôi nghe u nói giọng run run. "Điện thoại từ Kyoto. Cô Ichiko đã tự tử."

"Tôi hiểu...," Tôi thở dài nói và nhỏm dậy. Giọng trong điện thoại không phải của Kajita. Đó là một giọng nam trẻ, rõ ràng.

"Đây là con trai cả của Kajita," Giọng nói bắt đầu. "Dì Ichiko được tìm thấy chết trong một khe đá tại nơi gọi là Gyukudo, trong rặng núi bên ngoài Sanzen-in ở Kitayama, phía bắc Kyoto. Chưa có giảo nghiệm nhưng cảnh sát nói rằng có vẻ như tự tử bằng quá liều thuốc ngủ."

Giọng anh thanh niên hơi run run khi nói. Tự kiềm chế của anh sụp đổ lúc anh tới phần cuối của báo cáo. Khi tôi nhận ra điều này, đau thương của anh đâm nhói tim tôi.

"Khi nào bà có thể tới?" anh hỏi, giọng nói đã lấy lại bình tĩnh.

"Bằng xe lửa hôm nay - chậm lắm là chiều nay."

"Xin làm ơn đến. Cha nói ông muốn bà nhìn mặt dì trước khi hỏa táng."

Sau khi gác điện thoại, tôi không thể nhúc nhích. Tôi đứng đó, chân trần trên sàn gỗ lạnh của hành lang.

"Họ nói tự tử. Nhưng quỷ thật, tại sao....?"

Kinu đã ngồi phịch xuống sàn, hai cánh tay dang rộng, há hốc mồm nhìn tôi chăm chăm. Từng năm của tuổi u hiện rõ trong dáng ngồi, và khi tôi liếc nhìn điệu bộ như hề của u, tôi nhớ lại cảnh thời niên thiếu - ồn ào sống động của trò bịt mắt bắt dê. Khom lưng, hai tay dang rộng, trông giống Kinu, người bịt mắt là con quỷ đuổi bắt đám trẻ con đang vỗ tay, chạy ra xa khi trái khi phải. Kinu hẳn phải 13, 14 khi được gửi tới để chơi trò này với chúng tôi. Nhất  định hồi đó u là người mang khăn bịt mắt.

Nhưng lúc này không phải hiện trạng bề ngoài của Kinu như con quỷ bịt mắt tôi đang nhớ lại. Mà chính là điều Ichiko đã nói với xúc cảm sâu xa khi chúng tôi hàn huyên tại căn nhà này trước khi cô dọn đi Kyoto. Cô đã bảo rằng tất cả chúng ta đều bị tóm bởi số phận riêng của mỗi người, cũng giống như chúng ta đã bị tóm bởi con quỷ bịt mắt. Tuy nhiên cô đã không nói gì đến cuộc tình với Kenmochi. Lúc đó Ichiko không bao giờ muốn tới gần con quỷ lần nữa, và cô đã cầu nguyện cô sẽ không bao giờ có cuộc tình khác đầy u ám như thế. Có vẻ như rằng ước muốn tha thiết của cô đã được chấp thuận cho tới năm trước năm ngoái, khi tôi gặp cô tại núi Koya. Bây giờ, biết được Ichiko đã đột ngột kết liễu đời mình tôi chỉ có thể nghĩ rằng cô đã lại bị con quỷ mù tóm. Nhưng lần này nó đã hiện dưới hình thức quấy rối nào?

Tôi nhớ lại có lần gặp tại nhà của Ichiko ở Kyoto một thiếu niên trẻ đẹp là con trai cả của Kajita. Từ đó đến nay cũng đã 6 năm rồi, anh trai đó bây giờ hẳn là một sinh viên đại học. Phải chăng anh có thể là con quỷ mù đã dẫn dắt Ichiko đến cái chết? Nhớ lại giọng của anh trong điện thoại - thấp, rõ và run run dù đã kiềm chế, giống như rì rào của một dòng suối nhỏ - tôi đứng đó đóng băng trên sàn nhà.
 

Phạm đức Thân dịch

 

 

art2all.net