Trở về

Từ ngõ Huế xưa

đặng lệ khánh


Không phải tự nhiên mà vào tháng tư 2010, khi đem di cốt của Mẹ về Huế để mẹ được nằm trong nghĩa trang Đặng Ngọc như lời mẹ dặn, tôi năn nỉ em Nhã đưa tôi đi thuyền ngược nguồn để lắng nghe tiếng sông Hương hiền hòa êm chảy, ngắm màu xanh ngọc bích của nước phản chiếu những dãy núi mờ, và ngước nhìn ráng chiều lướt thướt qua những đám mây mảnh mai trên bầu trời trong suốt thiên thanh. Thực ra tôi thèm đi vào ban đêm có trăng chiếu ảo huyền xuống lòng sông và lòng mình, xem thử mùi hương Thạch Xương Bồ có thơm mát như tương truyền huyền thoại, nhưng đi vào ban đêm thì làm sao ngắm được màu nước, màu trời, màu núi, những màu sắc mơ màng như tranh thủy mạc mà tôi cảm nhận qua những mẩu tản mạn vô cùng quyến rủ, vô cùng văn hoa và vô cùng thương nhớ về Huế của Trần Kiêm Đoàn ?

Tôi xa nhà lúc mới vào tuổi đôi mươi, đã trải hết thời trung học bằng những bước chân lang thang dọc bờ sông Hương, bên này và bên kia tả hữu; đã băng qua cầu Trường Tiền ngày hai buổi suốt một thời ở Huế; đã chen lấn nhau xuống đò Thừa Phủ cho kịp giờ trống đổ dồn từ trường Đồng Khánh bên kia sông; đã lượm hoa phượng đỏ rợp trời, rợp đất những mùa hè nắng cháy, vậy mà đọc Từ Ngõ Huế Xưa, tôi thấy lạ như đọc về một vùng đất nào xa, của ai đó, khiến lòng nôn nao muốn trở về chốn cũ, tìm lại tâm hồn mình đã đánh mất tự lúc nào.

Cầu Trường Tiền những buổi sáng tinh sương, qua cầu còn thấy được những tơ nhện đọng sương mai lóng lánh, tôi và bạn còn thơ thẩn dừng lại bên cầu, nhìn xuống dòng nước trong vắt lững lờ trôi bên dưới, trước khi gõ nhịp guốc nhanh nhanh qua cầu, chạy dọc đường Lê Lợi để thu ngắn thời gian đến trường, bù cho những phút giây đứng trên cầu nhìn vọng về những dãy núi xa. Tôi đã đứng trên cầu mà vọng về những vùng đất chưa bao giờ được đặt chân đến, không ý thức rằng mình đang có hạnh phúc đặt đôi chân trên mặt cầu lãng mạn, dưới vòm cong nhũ bạc chứa biết bao lời cay đắng của người xưa “Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp, em qua không kịp tội lắm ai ơi, thà rằng không biết thì thôi, biết rồi mỗi đứa một nơi cũng buồn”. Qua kịp rồi mà cũng vẫn buồn đấy thôi. Chính vì mình không ý thức được mình đang ở trên vài cầu hạnh phúc ngày xưa, đọc “Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp”, tôi lấy làm lạ rằng mình đã từng đi trong lòng nó mà chẳng nhìn thấy nó, phải nhờ một người từ dưới làng Liễu Hạ lên mới thấm thía được cái đẹp của sáu vài cầu soi bóng.

Chỉ có mưa Huế là nằm sâu trong ký ức tôi vô cùng đậm nét. Những đêm mùa đông, nằm trong chăn ấm, nghe tiếng mưa rơi trên tàu lá chuối sau hè, da diết buồn. Đêm trở nên dài thăm thẳm, lòng chùng xuống, mắt ứa mặn. Mưa Huế của tôi đẫm đẫm đất, đẫm đẫm trời, đẫm đẫm gót chân, đẫm đẫm sân nhà với những tán cây rũ rượi, những đóa tường vi cúi mặt, những chú chim thu cánh, những đàn gà đứng nép bên hiên. Mưa Huế hiện ra mỗi lúc ở nơi xa, khi trời bỗng thấp, ngày bỗng xám, và trên những cành cây khô sau vườn, những giọt nước đọng ướt long lanh lệ. Không cần phải lê thê, không cần phải lạnh cóng, chỉ cần một bầu trời đục và những giọt mưa là lòng tôi nhớ mưa Huế không cùng. Tôi không nhớ lụt Huế, không nhớ lũ Huế, không nhớ bão Huế, chỉ nhớ những giọt mưa lạnh và tiếng nước nhỏ giọt trên tàu lá chuối những đêm xưa.

Tôi cũng không có mấy kỷ niệm về những món ăn Huế. Ngày xưa ít có dịp đi ăn ngoài, lại thuộc loại khó nuôi, cay chua mặn đắng gì cũng không hợp vị, có mấy khi ăn hến đầy rau, ruốc cả muỗng, ớt đầy tô, có mấy khi ăn bún nước váng đỏ cay xé lưỡi. Chỉ khi đọc “Bún bò”, “Cơm hến” bên trời tây mới đi tìm lại hương vị cũ, hưởng được hương vị mới, dù phải giảm thiểu hoặc bỏ qua nồng độ ớt và mắm ruốc. Vị ngon không chỉ là gia vị chan trong tô bún hay tô cơm hến mang tên quê nhà, mà nó nằm trong dư vị của những trang chữ mình vừa mới đọc ngày hôm trước.

Tôi cũng không hay ăn chè, nhất là chè nhãn bọc hạt sen, nhưng hương liệu của hai loại cây trái này không xa lạ gì. Sen mọc đầy hồ sau lưng nhà lúc tôi còn bé và sống với đại gia đình ngoài “Ngã Giữa”. Mùa sen, mấy anh em thường vượt tường sau, lần mò xuống hồ hái hoa về vặt chơi nấu ăn giả, hay hái gương sen về lột lấy hột ăn sống, thơm và ngon ngọt đến tận giờ. Nhãn thì nằm trong vườn nhà ở Thành Nội, thơm ngất ngây. Mùa nhãn chín, chim ríu rít, dơi đập cánh bay ngang, phải nhờ người bọc nhãn bằng mo cau cho chim và dơi khỏi phá. Những trái nhãn lồng cơm trắng đục, hạt tí teo, cắn vào mọng nước. Làm sao quên!

Tôi không tự xem mình là con yêu bánh nậm. Tôi thiếu tố chất để trở thành một người nữ rất Huế, vừa nhí nhảnh, nghịch ngợm, vừa duyên dáng, thông minh, vừa lãng mạn trêu ngươi. Tôi sống ở Huế ơ hờ quá, bước chân đi trên Huế mà không vướng mấy những sợi nắng chiều, không đem theo mấy những hương vị làm nên món Huế, không thu gọn mấy những nét rêu phong của hoàng thành xưa cổ.

Qua Từ Ngõ Huế Xưa, tôi như đang bước trở lại những con đường cũ, nghe lại những giọt mưa đông, nếm lại những vị cay nồng của một thời mới lớn. Tôi bỗng nhiên nhớ lại lời của một người bạn cũ viết trong một bức thư hiếm hoi gởi đến tôi từ mấy thập niên trước, trước khi ký tên :

Xa xôi quá !

Đặng Lệ Khánh
29-07-2013

 

____

 

Mời đọc trang giới thiệu "Từ Ngõ Huế Xưa" :

Từ Ngõ Huế Xưa, Hương vị quê nhà
 

thì thầm với thơ

art2all.net