Nguyễn Quốc Trụ

Lần cuối, Sài Gòn

 Viết, một cách nào đó, là chết. Hà-nội, tuổi thanh xuân, mối tình đầu... mòn dần theo những chữ. Khi gặp Lan Hương, cô bé mới 11 tuổi, học trường Kiến Thiết, trong một con hẻm bên kia đường Phan Đình Phùng, bên kia nhà cô bé, một tiệm sách theo chủ nhân bỏ chạy vào Sài-gòn nhưng vẫn cố giữ cái tên có từ Hà-nội, những chả cá Thăng Long, bánh cuốn Tây Hồ, những điểm xuyết của một Hà-nội trong một Sài-gòn sau được họa sĩ Phạm Tăng ghi lại bằng những cảnh chăn trâu, thổi sáo trên bờ đê, hát trống quân, đánh đu... trên bìa một tờ báo Xuân năm nảo năm nào,"Chúng ta đi mang theo quê hương". 

Một tiệm sách có tấm bảng hiệu, vừa níu kéo một chút quá khứ, vừa làm lan can cho căn gác lửng, và là chỗ tôi thường đứng tỳ tay nhìn xuống đường, nhìn buổi chiều, đợi chờ cô bé trở về nhà trên đường đón em học trường mẫu giáo Aurore ở gần ngã tư Cao Thắng-Phan Đình Phùng. Ngay ngã tư có tiệm Thanh Xuân, nơi hân hạnh được cô bé tới chụp hình cho cuốn học bạ, nhờ vậy tôi cũng được ăn theo, tấm hình sau được họa sĩ Ngọc Dũng thương tình chuyển thành phác họa, khi cả bọn xúm quanh anh thuở còn đi học cứ ba tháng hè kéo nhau tới nhà anh T. ăn bám bà cụ. Kỷ niệm độc nhất đánh dấu những buổi chiều hạnh phúc, báo trước cuộc chia ly kéo dài... 

Khi gặp lại, cô bé đã đậu tú tài phần một, được ông bố khắc nghiệt cho đi thăm Đà Lạt. Mỗi sáng thứ bẩy, tôi theo chuyến xe đò sớm nhất vượt quãng đường mấy trăm cây số, rồi chiều chủ nhật trở về cho kịp thứ hai đi làm, trong đầu đầy ấp hình ảnh Đà Lạt với quán cà phê Tùng, tiếng hát Sylvie Vartan, "J'attendais que ma vie recommence"... bóng dáng cô bé xuất hiện nơi đầu con dốc, tha thẩn bên hồ, thấp thoáng xa gần giữa vườn thông, trước ống kính máy chụp hình tôi mượn của một người bạn Phi làm cùng sở. Khi đó tuy ông Diệm không còn, nhưng Miền Bắc chắc còn đang lo đấu tố, thanh trừng địa chủ nên bỏ qua cho hạnh phúc nhỏ bé của chúng tôi. 

Khi về, cô bé có thói quen để cô em vô nhà, còn cô chạy đến bên phông tên ngay bên đường cách nhà chừng mười bước để rửa chân, thật ra để đùa nghịch cùng những giọt nước. Những cử chỉ, dáng điệu của cô làm tôi sau này vẫn thường băn khoăn tự hỏi, không biết cô bé đi đón em tan trường về, hay ngược lại. Những giọt nước bị đôi bàn tay nhỏ bé ngăn chặn, bắn tung tóe, trầm bổng, trở thành muôn vàn nụ cười trên môi, trên má, trên tóc, càng thêm long lanh nhờ ánh mắt tinh nghịch, nhờ nụ cười, tôi gặp lại hình ảnh tuyệt vời này trong phim "Lần cuối nhìn Paris", như thể chính cô bé của tôi đã khám phá ra, đã tìm lại cho cả Châu Âu, cho cả loài người, một thành phố Paris bị chiếm đóng vừa được giải tỏa, và nữ tài tử Liz Taylor chỉ lập lại những cử chỉ thật đàn bà của một cô bé con-người nữ muôn đời ở trong tôi.

 

 

1965. Những ngày viết "Những ngày ở Sài-gòn". Thời gian xa cách làm những giọt nước chín mùi, biến thành những chữ. Cô bé đã lớn, đã bước vào những năm cuối cùng của bậc Trung Học. Đã có lần tham gia biểu tình, bãi khóa. Đã có người yêu đón đưa những lần tới lớp, những giờ tan trường. Đã bị bà Giám Hiệu ra thông báo cấm những trò có hại cho thanh danh nhà trường như vậy. Đã bãi học không phải để tham gia biểu tình, nhưng để đi chơi với người yêu. Lợi dụng thành phố đang trong cơn nhốn nháo, cả hai theo chiếc xe lên nghĩa trang Bắc Việt để thì thầm những lời yêu đương giữa những nấm mồ và lắng nghe những người đã chết kể về từng gốc cây ngọn cỏ. Cô bé đã quên những buổi chiều đùa nghịch ngày xưa, có thể vì vậy mà phông tên nước cũng chẳng còn, có thể vì cô biết rằng chẳng còn ai mỗi lần tan sở vội vàng đạp xe tới cho kịp nụ cười của cô, nhưng vẫn giữ thói quen bọc những cuốn tập bằng những tờ giấy xanh có một cái tên rất đỗi trớ trêu là những tờ giấy dầu, kèm thói quen cất giấu những lá thư ở giữa hai lần bìa, như thể những bài học lạnh lùng, những công thức khó nhớ sẽ che chở giùm cho cô những tình cảm bồng bột, trước con mắt tò mò, soi mói của người khác, như thể những dòng chữ nóng bỏng trong thư nếu không làm cho cô học bài dễ dàng, ít ra nó cũng làm cho cô bớt cô đơn, trống trải. Cô viết: "Làm sao có thể quên được một người đã nói yêu mình, lần đầu tiên trong đời. Cái lần anh đón H. trên đường tới trường Gia Long, ngay lối vào vườn Tao Đàn, buổi sáng sớm sau bao năm trời xa cách, H. đã tự nhiên ngồi lên xe. Vậy là anh đã hiểu." Lần khác cô viết: "Có những đêm H. giật mình thức giấc, có thể vì nước mắt đầm đìa trên gối. H. thường khóc trong khi ngủ, mỗi lần quá cô đơn và nghĩ đến anh." 

1965. Những ngày cuộc chiến tuy chưa dữ dội nhưng đã hứa hẹn những điều khủng khiếp. Người Mỹ đổ quân xuống bãi biển Đà Nẵng, liền sau đó là lần chết hụt của tôi tại nhà hàng Mỹ Cảnh. Tất cả những sự kiện đó, mỉa mai thay, chỉ làm cho bóng ma chiến tranh thêm độc, đẹp, thêm quyến rũ và trở thành những nét duyên dáng không thể thiếu của cô bé. Của Sài-gòn. 

Chỉ có những người vội vã rời bỏ Sài-gòn ngay những ngày đầu, họ đã không kịp sửa soạn cho mình một nỗi nhớ Sài-gòn. Còn những ai ở trong tâm trạng sắp sửa ra đi, đều tập cho quen dần với cơn đau sẽ kéo dài. Đều lựa cho mình một góc đường, một gốc cây, một mái nhà... để cười hay để khóc một mình. Một mẩu đời, một đoạn nhạc, một bóng chiều, một giọt mưa, một sợi nắng... để gọi thầm trong những lúc quá cô đơn. Để mai kia mốt nọ, trên đường tha phương cầu thực, nơi đất khách quê người, những khi ngọn gió heo may bắt đầu thổi, những khi ngồi bó gối bên trời, nhìn lá vàng rơi đầy, lấy tay che thời gian không nổi, hay những đêm tàn nghe bếp lửa réo gọi... sẽ nhâm nhi những cọng cỏ tưởng tượng của quê hương. Ôi,"Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới" (1). Hãy cho tôi thăm lại con phố Bonard, nơi có bót Hàng Ken, chú bé di cư ngày nào ngơ ngác, rụt rè làm quen, tự mình khám phá Sài-gòn. Gần gốc cây chỉ còn trong cậu bé ngày xưa, một người đàn ông đánh đập dã man một người đàn bà. Không quên bài học Công Dân, chú bé chạy vào trong bót. Chú bị ăn bạt tai, cùng những lời sỉ vả, người ta đánh vợ, mắc mớ chi tới mày. Đồ con nít Bắc kỳ di cư, vô đây làm tàng. Ôi bài học đầu tiên khi tìm cách làm quen thành phố, được thời gian gọt giũa trở thành một nốt ruồi son đáng yêu biết là chừng nào trên khuôn mặt cô bé. Trên khuôn mặt Sài-gòn.
Một thành phố mà tôi đã chết ở trong,
nay sống lại,
chỉ để kể về nó.

1967. Có những đoạn đời, tôi sống thường trực bằng cái chết của những người thân. Một lần, thời gian em tôi chưa tử trận, tôi đi coi xinê, khi ra về thấy em tôi giữa đám người ngồi gần màn ảnh. Và cái cảm giác bàng hoàng khi nghe tin còn kèm theo nỗi hối hận, chua xót, khi nhận ra sự thật: Tôi đã giấu giếm quá kỹ những tình cảm ruột thịt đến nỗi khiếp sợ khi phải đối diện với nó. Những lần trốn nắng gắt Sài-gòn, tôi chui vào rạp xinê tìm một chỗ trống xa màn bạc, làm như vậy biết đâu đứa em trai vẫn ngồi đâu đó phía trên kia, và tôi cố tìm cách thù ghét Sài-gòn thay vì thù ghét chiến tranh, cố tin rằng em tôi chỉ cận thị chứ chưa hề tử trận, cố tìm cách trở về quãng đời êm ả khi anh em còn đi học, khi thành phố chưa bị cái đói, cái rét của một miền đất xa xôi ám ảnh, đe dọa. Con đường Phan Đình Phùng vẫn còn phông tên nước, và chiến tranh đang kết thúc ở ngoài kia, ở ngoài Sài-gòn. 

Em tôi nằm xuống với một viên đạn ở trong đầu. Mấy người lính kể lại, chuẩn uý không kịp đau đớn. Lời trối trăng nghe như gió thoảng lại: "Chắc tao chết mất..." Trung đội vi hành tuần tra vòng đai phi trường Sóc Trăng. Khi nghe tiếng súng, theo phản xạ, em tôi chúi đầu về phía trước. Chiếc nón sắt quên không buộc rớt xuống và một viên đạn trong tràng AK từ bên sông bắn hú họa xuống mặt sông, dội lên, xớt qua vai rồi hết đà nằm luôn trong ót. Viên bác sĩ quân y nói với tôi, ông đã không lấy viên đạn ra vì sợ làm nát khuôn mặt. "Chuẩn ý Sĩ không kịp ghi địa chỉ cấp báo. Chúng tôi phải nhờ Bưu Điện liên lạc với Sài-gòn. Ngoài mấy bức hình chụp lúc tẩm niệm, chuẩn uý không để lại gì cả. Quần áo, đồ dùng cá nhân, poncho... đều đi theo với chuẩn uý."

Có, có , chuẩn uý Sĩ có để lại một bà mẹ đau khổ như bất cứ một bà mẹ nào có con trai tử trận, một người anh trai để mang xác em về nghĩa trang quân đội Gò Vấp mai táng, một đứa cháu còn nằm trong viện bảo sanh, người chú vô thăm lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, như để tìm dấu vết thân thương, ruột thịt, trước đi vĩnh viễn bỏ đi... 

Em tôi còn để lại một thành phố Sài-gòn trong đó có tuổi trẻ của tôi, của em tôi, thấp thoáng đâu đó nơi đầu đường, cuối chợ Vườn Chuối, ngày nào ba mẹ con dắt díu nhau rời con tầu khổng lồ Marine Serpent, miệng còn dư vị hột vịt lộn, người dân Sài-gòn trên những ghe nhỏ bám quanh con tầu, chuyền lên boong, trong những chiếc giỏ lủng lẳng ở đầu những cây sào dài. Hai anh em mồ côi cha vừa mới mất Hà-nội, ngơ ngác nhìn thành phố qua những đống rác khổng lồ nơi đại lộ Hàm Nghi, qua ánh điện chói chang, sáng lòa trêm mặt sông, trên những con tầu đậu nối đuôi nhau suốt hai bên bờ vùng Khánh Hội, và đổ dài trên những con lộ thẳng băng. Qua những lần đổi vai đòn gánh của bà mẹ, từ cháo gà, miến gà, tới cháo lòng, bún riêu, bánh cuốn... Qua ánh mắt thất vọng của Người. Bốn anh chị em, bây giờ chỉ còn hai đứa, vậy mà cũng không nuôi nổi. Cuối cùng cả ba mẹ con đành lạc lối giữa những con hẻm chi chít, chằng chịt vùng Bàn Cờ. Tôi đi làm bồi bàn cho tiệm chả cá Thăng Long, làm trợ giáo, cố gắng tiếp tục học. Em tôi điếu đóm, hầu hạ một ông cử già, bà con với anh Hoạt, chồng người chị họ. Anh Nguyễn Hoạt, tức Hiếu Chân, bị bắt chung với Doãn Quốc Sĩ, sau mất ở trong khám Chí Hòa, chính quyền CS bắt phải hủy xác thành tro, trước khi mang ra khỏi nhà tù.

Một Sài-gòn trong có quán cà phê Thái Chi ở đầu đường Nguyễn Phi Khanh, góc Đa Kao. Bà chủ quán khó tính, chỉ bằng lòng với một dúm khách quen ngồi dai dẳng như muốn dính vào tuờng, với dăm ba tờ báo Paris Match, với mớ bàn ghế lùn tịt. Trên tường treo một chiếc dĩa tráng men, in hình một cậu bé mếu máo, tay ôm cặp, với hàng chữ Pháp ở bên dưới: "Đi học hả? Hôm qua đi rồi mà!" 

Đó là nơi em tôi thường ngồi lỳ, trong khi chờ đợi Tình Yêu và Cái Chết. Cuối cùng Thần Chết lẹ tay hơn, không để cho nạn nhân có đủ thì giờ đọc nốt mấy trang Lục Mạch Thần Kiếm, tiểu thuyết chưởng đăng hàng kỳ trên nhật báo Sài-gòn, để biết kết cục bi thảm của mối tình Kiều Phong-A Tỷ, như một an ủi mang theo, thay cho những mối tình tưởng tượng với một cô Mai, cô Kim nào đó, như một nhắn nhủ với bạn bè còn sống: "Đừng yêu sớm quá, nếu nuốn chết trẻ." Chỉ có bà chủ quán là không quên cậu khách quen. Ngày giỗ đầu của em tôi, bà cho người gửi tới, vàng hương, những lời chia buồn, và bộ bình trà "ngày xưa cậu Sĩ vẫn thường dùng."

 "Sao không hát cho những người vừa nằm xuống..." 

Đã có một thời, tôi không sao chịu nổi. Chúng rũ rượi, mệt lả. Đầy sũng nước mưa, nước mắt. Chúng gọi tên thảm kịch. Thảm kịch của những cái vô ích. Của cuộc chiến điêu đứng, rồ dại. Chúng gợi tâm trạng nhớ. Nhớ bùn. Nhớ đời sống thảm hại, nhàm chán. Nhớ những kỷ niệm chẳng đáng nhớ. Nhớ ngã tư đường Lê Văn Duyệt-Phan Đình Phùng gần nhà cô bé, khi chưa có tượng Thích Quảng Đức. Cô bé hớt hải chạy ra, hớt hải lắc đầu, rồi lại hớt hải chạy về. Nhớ những ngày nhà cô bé dời lên đường Gia Long. Buổi sáng, cô đưa em đi học trường Kiến Thiết gần khu Chợ Đũi, đưa mắt nhìn người yêu đang chờ đợi trong quán cà phê Tầu ở ngay đầu đường. Khi về, cô tha thẩn giữa những hàng cây nơi vườn Tao Đàn. Mùa Thu theo chiếc lá nhẹ nhàng đậu trên vai cô bé đang mơ mộng, đang trở thành người lớn.

Nhớ, nhớ..."Nếu mai không nở, anh đâu biết Xuân về hay chưa...", em tôi vẫn thường nghêu ngao một mình trước khi bỏ đi.

Như những lời chúc dữ, chúng báo trước một Miền Nam mòn mỏi, suy sụp, trước một Miền Bắc lì lợm, dai dẳng.

Trong mỗi chúng ta đều có một Sài-gòn đang âm ỉ cháy. Tôi đốt lên ngọn nến của tôi để cho Sài-gòn của bạn sáng ngời. 

Buổi sáng cuối cùng, cùng với Sài-gòn, ngồi một mình trong quán vắng, nghe giọng ca Thanh Tuyền... Cũng vẫn giọng hát cũ, bài ca xưa mà sao nghe lòng mình thay đổi. Cảm giác đắng cay, tủi nhục những ngày tháng Tư nay đã hết hẳn rồi. Người Sài-gòn đọc trong mắt kẻ thắng trận nỗi thèm khát, mong sao được là nguỵ. Giờ này, tiếng hát như được cất lên từ đáy mồ biển cả, từ quần đảo ngục tù, như được sống lại từ một con ngựa thành Troie mà Cộng sản miền Bắc trong cơn điên cuồng vơ vét đã vô tình rước về. Nàng Mỵ Nương đang nhỏ lệ hòa tan bao nỗi tủi hờn của những anh chàng Trương Chi suốt đời không biết hát, suốt đời chưa từng được nghe một người hát cho một người...

Và tôi bỗng thấy bớt nhớ Sài-gòn.

Phút cuối nhìn lại Sài-gòn, tôi có cảm tưởng mọi nhà, mọi người đang tiễn tôi bằng tiếng hát Thanh Tuyền, như một lời nhắn nhủ: "Nếu mai không nở thì anh đâu biết Xuân về hay chưa..."

1989. Trong một bài viết ở phía sau tác phẩm, Nabokov kể lại, phút hạnh ngộ giữa ông và cô bé kiều diễm, thời gian ông bị những cơn đau đầu thường trực hành hạ. Và một thoáng nàng - la palpitation de Lolita - đã lung linh xuất hiện, khi ông đang đọc mẩu báo, thuật câu chuyện về một nhà bác học đã thành công trong việc dậy vẽ cho một chú khỉ ở một vườn thú. "Tác phẩm đầu tay" của "con vật đáng thương" là hình ảnh mấy chấn song của cái chuồng giam giữ nó. 

Trong chuyến đi dài chạy trốn quê hương, trong mớ sách vở vội vã mang theo, tôi thấy hai cuốn, một của Nabokov, và một của Koestler. Tôi đã đọc Darkness at Noon" qua bản dịch "Đêm hay Ngày" do Phòng Thông Tin Hoa Kỳ xuất bản cùng một thời với những cuốn như "Tôi chọn Tự do"... Chúng vô tình đánh dấu cuộc di cư vĩ đại với gần một triệu người, trong có một chú nhỏ không làm sao quên nổi chiếc chuồng giam giữ thời ấu thơ của mình: Miền Bắc, Hà-nội.

Lần thứ nhì bỏ chạy quê hương, cùng nỗi nhớ Sài-gòn là sự thật đắng cay mà tuổi già càng làm thêm chua xót: Một giấc mộng, dù lớn lao dù lý tưởng cỡ nào, cũng không thể làm sống lại, một sợi nắng ấm của Sài-gòn: Trong những đêm chập chờn mất ngủ, hồn thiêng của thành phố thức giấc ở trong tôi, tôi tưởng hồn ma của chính mình đang lang thang trên những nẻo đường cũ xưa, sống lại cái phần đời đã chết theo cùng với thành phố, bởi cái phần đời đó mới đáng kể. Tôi đọc lại Nabokov và lần ra sợi dây máu mủ, ruột thịt giữa tác giả-nhà văn lưu vong-con vật đáng thương-nàng nymphette tinh quái. Đọc lại Koestler để hiểu rằng, tuổi trẻ của tôi và của bao lớp trẻ sau này, đều bị trù yểm, bởi một ngày mai có riêng một con quỷ của chính nó: Miền Bắc, Hà-nội.

1954. Những ngày đầu kinh ngạc bỡ ngỡ, cố làm quen Sài-gòn. Chú nhỏ mồ côi cha, một mình lủi thủi xuống tầu, bỏ lại thành phố vừa mới kịp yêu mến. Tiếng còi mười giờ chạy dài trên con phố Tràng Tiền, đuổi theo chú bé đến tận con tầu khổng lồ. Ngơ ngác nhìn biển lạ lần đầu. Cơn say sóng dật dờ. Ngay cả trong giấc mơ, chú vẫn còn trông thấy thấp thoáng đâu đó, những trái sấu vàng vương vãi trên con đường từ hồ Halais tới nhà trường gần bên Bờ Hồ. Vẫn đứa trẻ lớn lên tại Sài-gòn nhưng lúc nào cũng ngây thơ, cứng đầu, khăng khăng mặc cả cùng quá khứ, nỗi mất mát chỉ có thể đền bù bằng một tình yêu lớn lao đầu đời: "Anh yêu em bởi vì anh yêu Hà-nội". Ôi những cái "bởi vì" ngông cuồng đáng yêu của một thời thơ dại.

Cả tới khi mối tình tan vỡ vẫn xót xa gượng cười, bởi thành phố tuổi thơ có bao giờ phản bội? 

Và trộn vào giấc mơ tuổi thơ, là cơn mộng đời rực rỡ. Sẽ trở thành nhà văn. Sẽ viết một truyện dài nối liền được hai thành phố. 

Cơn mộng đời dẫn tôi tìm lại Koestler, qua bản dịch tiếng Pháp, những ngày học Chu Văn An, khi nhà trường còn nằm phía sau trường Pétrus Ký, miếng đất sau trở thành Trung Tâm Học Liệu. Đọc và gần như thuộc lòng một số câu văn, để trau giồi ngoại ngữ, thâu thập tri thức, tập tành suy tưởng. Rồi dần dà theo tuổi học, tuổi đời, tôi lần tới những câu của Camus, con người nổi loạn, những khẩu hiệu làm rung động loài người (Bí mật của Vô sản là cái chết của Tư bản, thí dụ vậy), những trang nhật ký của Roquentin... 

Cùng với những cuộc phiêu lưu của những tác phẩm lớn ở trong tôi, Sài-gòn trở thành một sân khấu cho tôi đóng vai những nhân vật-nhà văn. Thành phố thân yêu, một buổi sáng đẹp trời bỗng nhường cho một St. Petersbourg thời Dostoievsky với những cầu thang âm u, và cậu sinh viên, trong một góc bàn tại một tiệm cà phê Tầu nơi Ngã Sáu, một mình đi lại trong giấc mơ vĩ đại, biến đổi thế giới, làm lại loài người.

Hay một London của Dickens, một buổi chiều đầy sương mù, chú bé Oliver Twist đói lả người, như tôi, một ngày trong chuỗi ngày cắp sách đến trường, đêm đêm làm bồi bàn, thời người Mỹ chưa đổ quân ào ạt vào Việt Nam. Thành phố chưa có xa lộ, chưa có cầu Sài-gòn. Và tiệm chả cá Thăng-Long nơi tôi tối tối bưng xoong mỡ sôi đổ lên dĩa chả cá, nghe tiếng mỡ kêu xèo xèo, chưa biến thành nhà hàng Kontiki ở ngay đầu đường Phạm Đăng Hưng, nơi dành riêng cho đám quân nhân Hoa Kỳ.

Ngày mai trời sẽ mưa trên thành phố Bouville
Demain il pleuvra sur Bouville
(Sartre, La Nausée)

Ôi Sài-gòn, một Sài-gòn hư tưởng, một Bouville, một London, của riêng tôi đó!

Koestler, enfin, retrové, cuốn "Le Zéro et l'Infini", tôi lục lọi cách chuyến đi không xa, trong mớ sách "ký gởi" - một hình thức mới của sách vỉa hè- tại một tiệm phía bên kia cầu Thị Nghè. Cái thiểu số hỗn độn may mắn sống sót sau những ngày tháng Tư, trở thành những nạn nhân đầu tiên thay con người Sài-gòn dãi dầu mưa nắng Trong số những người đang lục lọi quanh tôi, có kẻ chỉ tò mò lật vài trang đầu, tìm tên chủ nhân, có thể kèm theo đó là một lời đề tặng của chính tác giả cuốn sách. Cả hai đều đã đi xa, vợ con ở nhà mang mớ sách kỷ niệm đổi lấy một vài mớ rau, một hai lon gạo.


Gặp lại những nhân vật của Koestler, những nhân vật văn chương còn mang nặng những nét đặc thù của nguyên mẫu ngoài đời, những Roubachof suốt đời tắm bằng máu của kẻ khác, kể cả của người yêu, bạn bè, đến khi chết lại mong trở thành những Thánh Tử Đạo, đọc lại nhhững câu văn mang sự thực khủng khiếp còn hơn cả những lời nguyền rủa: "Bằng roi vọt chúng ta quất lên đám đông đang rên rỉ, bắt họ hướng về hạnh phúc chỉ có tính tương lai và hoàn toàn lý thuyết...", tôi bỗng nhận ra một điều thật giản dị: Nếu những tác phẩm lớn đều cưu mang trong nó bóng dáng của những tác phẩm lớn khác - một cách nào đó Hemingway chú giải Joyce, Camus mô phỏng Kafka, rõ ràng Garcia Marquez viết lại Faulkner... - Cũng vậy, những bạo chúa chỉ là những bản sao của những bạo chúa khác. Staline bắt chước Néron, cả hai đều có tham vọng văn chương, một muốn làm thi sĩ, một muốn ngự sử văn đàn, kẻ ban phát giải thưởng văn học. Mao diễn lại tuồng đốt sách, chôn học trò. Molotov chỉ mong người đời coi là một Robespierre của Cách Mạng Nga. Người ra lệnh bắn vào sinh viên biểu tình tại Thiên An Môn là một học trò đắc ý của Chu Ân Lai, ông này lại là một học trò đắc ý nhất của Cách Mạng Pháp. Polpot đã từng du học ở Paris. Tất cả đều tâm đắc một điều: Không có một cuộc cách mạng nào mà không có quá độ. Một cuộc cách mạng không đổ máu thì rất đáng ngờ.
Lolita, của một người bạn thân.

Tôi gặp K. khi anh từ một trại cải tạo ở miền Bắc về, tại chợ sách phía sau rạp Đại Nam, điểm không hẹn mà gặp của những kẻ chỉ cần nhìn lại một cuốn sách cũ là cảm thấy bạn bè vẫn còn đủ, Sài-gòn vẫn là Sài-gòn. Bẵng thật lâu, trước chuyến đi xa chừng nửa năm, tôi gặp lại anh, lúc này làm nghề bán sách dạo. Anh thận trọng ghé chiếc xe đạp với chồng sách cao ngất ngưởng, vào lề đường, rồi đến bên tôi, thường là buổi chiều, tại cà phê "Bà Lê Chân", cũng một quán đặc biệt vỉa hè Sài-gòn, của một anh bạn xưa thi sĩ. Chủ quán cười cười như để bào chữa cho vai trò mới mẻ của mình: Quán là khởi đầu của mọi khởi đầu. Và khởi đầu, cho dù buồn, vẫn còn hơn kết cục vui. (Le début même triste, c'est mieux que la fin heureuse. Cantique des cantiques). Câu nói của anh còn là lời trách móc nhẹ nhàng cái tật của tôi, khi viết, thường hay lấy một câu của một nhà văn nước ngoài làm khởi đầu. Quán, nơi tụ tập của những đứa con hoang đàng, dù có đi xa chân trời góc bể nào cũng nhớ hoài, giống như sự trừng phạt. Quán, Mái Nhà Xưa. Sài-gòn, Sài-gòn...

Le domicile est suspendu au cou de l'homme
Comme une punition
Alain

 
"Niên học cuối của Lan Hương ở bậc Trung Học, bắt đầu bằng những buổi sáng sớm giá lạnh xô đẩy trí nhớ tôi tìm lại Hà-nội..."

1965, cùng với truyện ngắn đầu tay, "Những ngày ở Sài-gòn", đăng trên tuần báo Nghệ Thuật, tôi đã mơ tưởng một truyện dài nối liền được hai thành phố. Làm như cuốn sách nhỏ bé có thể xoa dịu cái xấu của cả một miền đất. Thiên nhiên, mặt hồ, mặt ao... in hằn vẻ khắc nghiệt của số phận từng con người, khiến họ chỉ nhìn thấy nỗi khổ đau, chỉ làm cho họ thù ghét trước khi tìm cách yêu thương nhau. Làm như những chữ mỏng manh yếu ớt có thể làm sống lại người cha thân yêu đã mất tích vì tai họa đảng phái ngay những ngày đầu mọi biến động và cũng là ngày đầu mọi khổ đau của một bà mẹ cùng bốn đứa con, người chị lớn nhất mới 9 tuổi. Người cha mất tích đúng ngày 30 tết năm 1945, sau này mấy anh chị em vẫn lấy mâm cơm giao thừa làm mâm cơm cúng...

Giờ này, tôi chỉ còn nửa giấc mơ. Hà-nội đã chết trong tôi từ lâu, cũng như trong một số người thân quen. Thanh Tâm Tuyền chắc cũng rõ điều này, khi viết xong "Bếp Lửa", nhưng anh cố tình chống trả sự thật tàn nhẫn, trong bài viết khi cuốn sách được tái bản lần cuối tại Sài-gòn, trước khi lịch sử sang trang: "Tôi đã loay hoay, hì hục viết một Bếp Lửa khác". (Một Hà-nội khác, theo tôi). Nhưng rồi chính anh cũng phải giận dữ để cho một nhân vật thốt lên: "Hà-nội là cái quái gì".

Hà-nội cũng đã chết với Mai Thảo trong "Đêm giã từ...": "Tôi nhìn xuống Hà-nội. Địa ngục ở đó". 

Hà-nội chết theo mối tình đầu. Tình yêu khi đó giống như căn bệnh lúc trưởng thành, là tiếng khóc chào đời. Đó còn là nỗi sợ hãi đời sống, và mong muốn có một người cùng chia xẻ. Nhưng cũng có thể đó chỉ là phản ứng của cơ thể trước sự thay đổi của thời tiết. Đứa nhỏ tuy đã quen với nắng ấm Miền Nam nhưng không làm sao quên được những đợt gió bấc lạnh buốt. Hình như bằng những xôn xao, những mơ hồ như vậy khi tôi viết cho Lan Hương những dòng cuối cùng: "Anh không sợ chúng ta không yêu thương nhau nhưng chỉ sợ chúng ta thương nhau nhiều quá".

 Hà-nội giá lạnh dần trong tôi theo hơi ấm toát ra từ hai bàn chân của đứa em trai, chuẩn úy Nguyễn Quốc Sĩ, sĩ quan khóa 23 Thủ Đức, biệt phái tiểu đoàn Địa Phương Quân canh giữ phi trường Sóc Trăng, tử trận ngày 23 tháng 11 năm 1967, trước biến cố Mậu Thân một năm, sau khi ra trường chưa đầy 7 tháng, chưa kịp lãnh lương theo đúng cấp bậc. Chưa kịp ghi địa chỉ cấp báo thân nhân. Mấy người sĩ quan cùng đơn vị chỉ nghe nói Chuẩn Úy có một người anh làm công chức Bưu Điện tại Sài-gòn, ngoài ra còn viết văn, viết báo. Và tôi biết tin em tôi tử trận qua tờ công lệnh gởi tới Đài Phát Thanh Sài-gòn, nơi tôi thỉnh thoảng gởi bài cộng tác, và qua hệ thống điện đàm nội bộ, giữa hai Đài Vô Tuyến Điện Sóc Trăng-Sàigòn, trong căn phòng kế bên văn phòng tôi làm việc. 

Trong những giờ phút thê lương ngồi bên xác đứa em tại nhà hội Thị Xã Sóc Trăng, nghe những người lính cùng đơn vị của đứa em kể lại những giây phút cuối cùng của người chỉ huy, nhìn hai hàng nến, lá quốc kỳ, viên sĩ quan đứng cứng người như pho tượng trước chiếc quan tài trong kẽm, ngoài gỗ, tôi có cảm tưởng đứa em đã đem cùng với nó giùm tôi tất cả những kỷ niệm còn sót lại về một thành phố đã có lần hai anh em cùng rời bỏ: Hà-nội maudit!
 

1958. Học xong Trung học tôi thi vô Trường Quốc Gia Bưu Điện vừa mới được thành lập sau một năm lân la làm quen cái không khí đầy nao nức của tương lai như đang giục giã ở ngay đầu ngã tư của cuộc đời, ở đại giảng đường Đại Học Khoa Học. Bạn thử tưởng tượng một học sinh nghèo, sống chui rúc ở cuối con hẻm Đội Có, Phú Nhuận, nơi đám người nghèo khổ bám quanh thành phố, khi chiến tranh chưa dồn dập đem những tiện nghi đến tận giường ngủ, xó bếp, rồi lấy đi một số người thân, quanh năm chỉ biết xài đèn dầu, uống nước giếng. Đám thanh niên, ngoài những lúc tự an ủi lẫn nhau bằng những mối tình tưởng tượng, bằng những tiếng hát nhái theo giọng Út Trà Ôn, Trần Văn Trạch quanh cây đàn ghi ta bên cạnh giếng nước, vào những lúc con xóm sau một ngày mệt lả, mặc tình cho bóng đêm và muỗi đói hành hạ; buổi sáng chỉ còn cách kéo nhau ra mấy dẫy nhà lụp xụp, mặc tình ngắm nghía mấy cô gái họ vẫn thường trầm trồ, mỗi lần thoáng thấy bóng. Các cô lúc này xắn quần cao, thoăn thoắt giữa đám rau muống xanh um phủ kín mấy vũng nước đen ngòm, nguồn lợi thứ nhì sau mấy ao cá, một nơi chốn hẹn hò khác nữa của các cô cậu choai choai, và của đám con nít; bỗng một ngày đẹp trời, thấy như Alice lạc vào xứ thần tiên, lạc vào trường Đại Học Khoa Học. 

Phở hồi đó ba đồng một tô. Tiền ông Diệm, như sau này người dân Sài-gòn vẫn thường xuýt xoa, tiếc nhớ một hoàng kim thời đại khi chưa nếm mùi Giải Phóng, và tệ hơn, mùi Cộng Sản, thảm hơn nữa, Cộng Sản Bắc Việt. Những buổi sáng hiếm hoi trong túi có mấy đồng bạc cắc bà Trẻ thương tình giấu giếm cho, nhân bữa trước bán hết mấy món đồ xi cho mấy cô gái, mỗi lần đi chợ Phú Nhuận, sau khi mua mớ rau, con cá, vẫn thường xúm quanh cái mẹt của bà già Bắc Kỳ, mân mê chiếc vòng mã não, chiếc cà rá hình trái tim, cây lược lưỡi liềm, tấm gương bầu dục phía sau có hình mấy nghệ sĩ cải lương... tôi có cảm tưởng cả con hẻm, khu phố cũng xôn xao cùng tôi qua những hương vị buổi sáng của nó: Tô phở nơi đình làng Phú Nhuận, trong hơi phở có chút hiền từ của khói nhang, của những lời cầu khấn, mấy bà mấy cô đi chợ tiện thể ghé đình lạy Phật và dùng điểm tâm. Dĩa bánh ướt của cô gái trong xóm với đôi quang gánh lúc nào cũng lao về phía trước, chỉ chậm lại nơi đầu con hẻm mươi, lăm phút rồi lại tất tả chạy quanh xóm. Có bữa dù đã chạy vội từ nhà, khi ra tới nơi chỉ còn kịp nhìn thấy một nửa bóng dáng cùng cử chỉ quen thuộc của cô còn nán lại phía sau lưng đòn gánh. Khi đã đi làm, có lương tháng, có nhà ở, do cơ quan cấp, bị dòng đời xô đẩy không cho ngoái cổ nhìn lại con hẻm xưa, có những buổi sáng chạy xe vòng vòng đuổi theo dư âm ngày tháng cũ, biết đâu còn sót lại qua dĩa bánh cuốn Thanh Trì, nơi con hẻm đường Trần Khắc Chân, khu Tân Định. Thứ bánh cuốn mỏng tanh, không nhân, chấm nước mắm nhĩ màu mật, cay xè vị ớt bột, kèm miếng đậu phụ nóng hổi, dòn tan, miếng chả quế, giò lụa. Chủ nhật đổi món bún thang dậy mùi mắm tôm, khi đã no nê vẫn còn thèm thuồng chút thơm tho của đôi ba giọt cà cuống đầu tăm. Nhìn bước đi của thời gian, của thành phố trong cơn tuyệt vọng chạy đua với chiến tranh, trong nỗi hối hả đi tìm ông chủ đích thực, sau những ông chủ thuộc địa, thực dân cũ, thực dân mới... cuối cùng khám phá ra chính đó là kẻ thù... Nhìn bước đi thời gian trên khuôn mặt xinh tươi của mấy cô con gái bà chủ tiệm, mới ngày nào còn tranh giành đồ chơi, còn tị nạnh đùn đẩy nhau trong việc phục vụ khách, bây giờ đã biết đỏ mặt trước mấy cậu thanh niên. Tự nhủ thầm hay là tới 79 đợi một tô phở đặc biệt sau khi len lỏi qua các dẫy bàn chật cứng thực khách, cố tìm một cái ghế trống. Hay tới quán bà Ba Bủng để rồi lưỡng lự, giữa một tô bún ốc; cố tìm lại hình bóng con ốc nhồi ngày xưa, tại một vùng quê của xứ Bắc Kỳ xa lơ xa lắc, chỉ muốn quên đi, chỉ muốn chối từ nhưng cuối cùng khám phá ra, trong đáy sâu âm u của tâm hồn, của tiềm thức, của quá khứ, hiện tại, tương lai, của hy vọng, thất vọng, của hạnh phúc, khổ đau... vẫn có một con ốc nhồi ẩn náu dưới mớ bèo trên mặt ao đầy váng; giữa một tô bún riêu, hay một tô bún chả thơm phức vẫn còn chút dư vị chợ Đồng Xuân, mới ngày nào được về Hà-nội ăn học. Ôi tất cả, chỉ vì thèm nghe cho được cái âm thanh ấm áp của mấy đồng bạc cắc reo vui suốt con hẻm Đội Có, Bà Trẻ cho, ngày nào, ngày nào... 

Bà Trẻ, vợ một người em ông Ngoại, khi còn con gái nổi tiếng đẹp, thông minh, học giỏi, được ra tỉnh học, đột nhiên bị gia đình gọi về quê gấp. Bà đã đành vùi dập giấc mơ trở thành cô giáo, để đi lấy chồng, đúng ra là để làm vợ thế cho bà chị ruột, vợ ông Nghị, lúc đó bệnh nặng nằm chờ chết. Để nuôi nấng, dạy bảo đứa con gái còn đang ẵm ngửa của bà chị, đúng ra, để giữ mớ của cải bên chồng không cho lọt ra ngoài, đúng hơn, không rớt tới đám con của mấy bà vợ trước.

Sự hy sinh của bà không được đền đáp. Cô con gái sau này vẫn thường tỏ ra hỗn hào, ý rằng bà sống nhờ của cải, tiền bạc của mẹ ruột cô ta, chưa kể nỗi ganh tỵ, sau biến thành hận thù, rồi được Cộng Sản cho phép biến thành nợ máu của mấy cô cậu thuộc đời vợ thứ nhất, thứ nhì. Họ tố bố địa chủ hãm hiếp mẹ nông dân, tố mẹ ghẻ, ngoài tội hành hạ đánh đập con chồng, bóc lột công sức lao động, ngoài ra còn thêm tội giấu giếm tài sản, tiền bạc, của cải... Bà Trẻ cuối cùng may mắn đem đứa con trai độc nhất, ông chồng, cô con gái bà chị xuống được Hải Phòng, rồi vào Nam.

Ông Nghị, tướng người cao lớn, mấy đời vợ, mấy dòng con, không kể con rơi con rớt, con làm phước. Bà Trẻ kể cho tôi nghe về một cặp vợ chồng hiếm hoi, đã nhờ vả ông. Và đứa con gái, kết quả của mối tình "thả cỏ", của một bữa rượu say sưa bên mâm thịt cầy trong lúc người chồng giả đò mắc bận đi ra bên ngoài, đã bị câm ngay từ lúc lọt lòng. Nghe bà kể, tôi mơ hồ nhận ra nỗi thất vọng của một người đàn bà đã hy sinh một cách vô ích tuổi trẻ, nhan sắc, sự thông minh và luôn cả lòng tốt, tính vị tha của nình. Cậu H. vì không thể là đứa con của hạnh phúc, cho nên không được thừa hưởng tính thông minh của người mẹ, vóc dáng cao lớn của người cha, nhưng vẫn giữ nguyên được truyền thống của những người đàn ông trong họ, luôn coi người đàn bà là chủ trong gia đình. Cậu luôn tỏ ra bất lực trước người chị cùng bố khác mẹ, một cô gái tuy chưa đến tuổi lấy chồng mà đã là gái già. Những lần bị đay nghiến hành hạ quá mức, cậu chỉ phản ứng bằng cách đập đầu vào tường. Âm thanh của sự nhẫn nhục không chịu dừng lại ở ngưỡng cửa chiến tranh: Trong những năm miền Nam ngày đêm bị Thần Chết réo đòi mạng, cậu H. đã áp dụng khí giới hữu hiệu nhất mà cậu có, là tự hành xác để được hoãn dịch. Cậu nhịn ăn, nhịn ngủ, uống cà phê đen đậm đặc, cố làm cho xuống cân, phổi có vết nám... Không chịu ngừng lại mà còn vượt xa hơn nữa, tới miền đất của phúc phận, nghiệp duyên: Cuộc sống gia đình hạnh phúc những năm sau 1975, theo Bà Trẻ, là do Đức Phật đã hiểu thấu nỗi khổ đau, lòng ăn chay, niệm Phật của bà, nhưng tôi cho rằng Ngài đã bị những tiếng đập đầu binh binh của cậu H. làm giật mình, nhìn xuống cõi đời ô trọc này. 

Tôi viết dưới ánh sáng của một ngọn nến: Sài-gòn. 

28.3.1966. "Tôi đột nhiên nhận ra khuôn mặt thảm hại của tình yêu". Ôi chao, tôi đã có lần viết về cái cảnh thất thểu dưới mưa chạy theo một cô bé con nơi đường Cộng Hòa, trước cổng trường Đại Học Khoa Học, và cái cảm giác giận dữ, mệt mỏi theo tôi hoài, còn dai dẳng hơn cả mối tình. 

Hãy viết về Sài-gòn cho chẳng riêng ai mà cũng là cho tất cả mọi người. Hãy viết về một thành phố trong cơn hối hả tìm một người thân tưởng đã mất tích, cuối cùng đã mất gần như tất cả những đứa con thân yêu còn lại. Hãy viết về một thành phố tưởng như nông nổi tạm bợ, tưởng như lúc nào cũng muốn có tất cả, muốn sống một lần, ngay lập tức, ngay tại đây... nhưng có khả năng cảm hóa, biến đổi tất cả những con người đã từng sống trong nó, thành những tín đồ của một thứ đạo giáo, đạo Miền Nam, đạo Sài-gòn. Hãy viết về những bạn bè thân yêu, đã lang thang nơi chân trời, đã nằm sâu dưới đáy mồ biển cả, nơi rừng sâu nước độc, đã thất lạc... mà địa chỉ cuối cùng còn giữ được: Sài-gòn. 

NQT 

Chú thích: Được viết tại trại tị nạn Sikiew, Thái Lan. Lần đầu xuất hiện trên báo Làng Văn, Canada (năm 1993, hình như vậy)

(Source : Tin Van

www.tanvien.net )

 


 

trang nguyễn quốc trụ

art2all.net