Kể chuyện tập thơ TRONG CƠN THAO THỨC, Gs DOÃN QUỐC SỸ và Họa sĩ VÕ ĐÌNH Nhân lần giỗ thứ 10 (31/5) của Hs Võ Đình
Nhân Nguyễn Bình Phương đưa hình ảnh tập thơ TRONG CƠN THAO THỨC của TK lên Facebook, bạn Từ Thứ có comment: Từ Thứ: Chúc mừng chú, xin chú kể lại đôi điều mối tao duyên với hs vẽ tranh minh hoạ mộc bản cho tập thơ ạ.
Thiếu Khanh: Chuyện rất đơn sơ,
nhưng chắc là sẽ kể lể hơi dài dòng, nên tôi viết thành
status này. Tôi quen biết anh Võ Đình qua thầy Doãn Quốc Sỹ. Không nhớ là vào khoảng thời gian nào. Có thể là sau năm 1968, vì có lần anh đề cập tập thơ KHƠI DÒNG của ba tác giả, Thiếu Khanh, Thu Lâm, và Nguyên Thi Sinh, xuất bản ở Canada năm đó. (Thật tiếc, nhà phê bình văn học Nguyễn Vy Khanh (VyKhanh Nguyen) vốn là thủ thư của thư viện Trung ương Canada cho biết, vì tập thơ Khơi Dòng không nộp lưu chiểu nên thư viện không có, trong khi tất cả các số tạp chí Thế Hệ thời đó vẫn còn đủ). Trong thư đầu, Võ Đình cho biết, Gs Doãn Quốc Sỹ đọc được một bài thơ của tôi, có lẽ trên tờ tạp chí THẾ HỆ ở Canada, bèn giới thiệu cho anh đọc. Lúc bấy giờ Võ Đình đang ở Canada, và đã là một họa sĩ rất nổi tiếng, còn tôi ở trong nước, thường xuyên đăng thơ trên tạp chí Thế Hệ. Nhờ Thế Hệ cho địa chỉ anh Võ Đình viết thư cho tôi, và chúng tôi quen nhau. Anh đọc thơ tôi, và bình luận những chỗ anh thích. Anh thông báo với tôi hoạt động hội họa của anh ở nước ngoài. Thỉnh thoảng anh gởi cho tôi vài brochure về tranh của anh. Khi tôi sắp in tập thơ TRONG CƠN THAO THỨC, tôi gởi bản thảo cho anh đọc, không đề nghị anh vẽ bìa, vì tôi định sẽ sắp chữ, nhưng hỏi nếu tôi chọn một bức tranh trong số các bản in tranh anh gởi về cho tôi để làm hình bìa tập thơ có được không. Anh gởi cho tôi bản copy bức tranh Hòa Bình và bảo tôi nên dùng bức mộc bản đó làm hình bìa thì thích hợp (với thơ của tôi) hơn. Và anh vẽ thêm một phụ bản đen trắng, có ghi "Võ Đình vẽ tặng Thiếu Khanh." Ngoài cái hình bìa, tập thơ Trong Cơn Thao Thức chỉ có một phụ bản duy nhất đó của họa sĩ Võ Đình. Tập thơ in xong, tôi gởi tặng anh Võ Đình và Gs Doãn Quốc Sỹ mỗi người một bản. Bất ngờ thầy Doãn Quốc Sỹ viết thư cho tôi, rất dài, khen ngợi nhiều bài thơ trong TRONG CƠN THAO THỨC. (Tiếc hồi đó không có Facebook để khoe!) Khi còn làm rẫy ở Phương Lâm, có lần tôi nghe tin Gs Doãn Quốc Sỹ đi tù cộng sản mới được thả về, tôi muốn xuống Sài Gòn thăm thầy. Lúc đó cả nước đang đói, gia đình tôi cũng khó khăn, đi thăm cũng chỉ mang theo tấm lòng cho thầy mất công tiếp đãi thôi. Và không chừng tôi có thể phải trả một cái giá nào đó, vì Gs Doãn Quốc Sỹ được coi là phản động, có tên trong danh sách “những tên biệt kích văn hóa” nguy hiểm. Tôi biết nhà thầy ở đường Thành Thái cũ. (Không hiểu sao tôi cứ có ấn tượng mơ hồ trước năm 1975 tôi đã có đến nhà thăm thầy một lần) Tôi đến đó có thể bị Công An Khu vực tóm ngay khi đang lớ ngớ hỏi nhà. Nhưng đến thăm thầy vào lúc này mới quý, nói tên Thiếu Khanh với tập thơ Trong Cơn Thao Thức, chắc thầy sẽ nhớ ra và cảm động lắm. Gs Doãn Quốc Sỹ dạy ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn, nhưng tôi học hàm thụ Alpha, chưa trực tiếp nghe thầy giảng lần nào. Tôi còn đang lần lữa chưa kịp có cơ hội đi thăm thì nghe tin thầy đã bị bắt tù trở lại. Sau đó tôi không biết gì thêm. Cho đến khi chuyển gia đình trở về thành phố vào năm 2000, tôi mới được biết gia đình thầy Doãn Quốc Sỹ đã đi Mỹ từ 5 năm trước. Cầu chúc thầy và gia quyến thầy an khang. Sau khi về thành phố, tôi cố gắng tìm tin tức nhiều bằng hữu trong đó có họa sĩ Võ Đình. Dần dà, tôi liên lạc được một số bạn cũ trước năm 1975, trong và ngoài nước, nhưng không liiên lạc được với anh Võ Đình. Đọc trên Internet, tôi biết bây giờ Võ Đình đang ở Mỹ, thấy website nào có đăng truyện ngắn của Võ Đình tôi đều gởi email cho chủ website đó để hỏi thăm anh, nhưng không bao giờ có hồi âm, cho đến khi nghe tin anh qua đời. Thật tiếc. Hôm qua, bỗng nhiên thấy lại hình ảnh tập thơ TRONG CƠN THAO THỨC nguyên vẹn, với hình bìa là bức tranh mộc bản HÒA BÌNH của Họa sĩ Võ Đình, do Nguyễn Bình Phương post trên Facebook, tôi phát run. Ngọn lửa “phần thư” bạo ngược đã không bao giờ tiêu hủy được toàn bộ nền văn học miền Nam. Ở một nơi nào đó, những tác phẩm văn học vẫn còn được người đọc cất giữ, dù chính tác giả đã không giữ được tác phẩm của mình. * Anh Võ Đình, bao nhiêu năm quen biết chúng ta chỉ liên lạc với nhau bằng thư từ mà chưa bao giờ gặp nhau, nhưng sau 44 năm, tôi thấy lại tập thơ Trong Cơn Thao Thức, thấy lại bức tranh mộc bản Hòa Bình của anh, thì cũng như đã phần nào gặp lại anh rồi đó. * PS. Hơn mười năm trước, nhà văn Trần Hoài Thư ở Mỹ đề nghị để Thư Ấn Quán của anh tái bản tập thơ Trong Cơn Thao Thức do tôi đã cố gắng phục hồi và biên tập lại, nhưng tập thơ không có bìa. Trần Hoài Thư đã nhờ người làm bìa mới cho tập thơ. Nhà thơ Đặng Lệ Khánh của art2all.net đã có sáng kiến lấy hình phụ bản “chế” làm hình bìa, và tập thơ sắp được Thư Ấn Quán in, nhưng tôi đã đề nghị ngưng lại, không in nữa. (Mỗi lần nhắc lại chuyện này tôi rất tiếc, và luôn xin lỗi anh Trần Hoài Thư).
.Bìa TCTT Thư Ấn Quán dự định tái bản
Bìa tập thơ in lần đầu.
|