BÀN TAY NHỎ DƯỚI MƯA

Trương Văn Dân

 

ĐỌC BÀN TAY NHỎ DƯỚI MƯA
Đỗ Hồng Ngọc

 

Chủ Nhật, Tháng Một 15th, 2012

 

          Trương Văn Dân du học ở Italia hơn 40 năm trước mà còn viết tiếng Việt giỏi, đáng khen. Một người bạn nói với tôi như vậy sau khi đọc BTNDM. Chẳng những vậy, anh dịch cũng được lắm. Anh vừa dịch một truyện ngắn của vợ, chị Elena Truong, viết bằng tiếng Ý đăng trên Tuổi trẻ Chủ nhật hôm nọ, một câu chuyện cảm động về tình yêu của cặp vợ chồng già! (1)

Bàn tay nhỏ dưới mưa là cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh, sau khi anh chị quyết định rời bỏ Italia về sống với quê nhà. Dân và vợ, chị Elena gởi tặng tôi BTNDM ở một quán café góc phố xóm nhỏ Bàn cờ, với lời ghi trân trọng: “Quý tặng anh, bác sĩ nhà văn Đỗ Hồng Ngọc, người trị đau và chữa khổ – một tấm lòng tha thiết với đời- để cùng chia sẻ niềm đam mê văn học”. Còn chị Elena thì ghi bên cạnh nét chữ của chồng: « Un morceau de notre vie / comme un cadeau pour vous”.

Bàn tay nhỏ dưới mưa đúng là một mảnh đời của họ. Một mảnh đời với bao nỗi lo toan, buồn vui, hy vọng rồi tuyệt vọng, chạy đuổi miệt mài rồi dừng lại ngẩn ngơ… để rồi cuối cùng có vẻ như đã tìm ra một exit : Con đường quê hương. Con đường văn học. Con đường giải thoát. "Cuối cùng tôi nghĩ mình không cần phải tự xót thương. Chính cuộc hẹn với cái chết sẽ giúp tôi xóa bỏ những điều vô vị tạp nhạp, dừng ngay nhưng bận rộn, để đứng lại và hỏi xem thực sự mình muốn gì… Đi tìm ý nghĩa thực sự của đời sống!" (tr 236)

Bàn tay nhỏ dưới mưa có vẻ như là một chuyện tình buồn, một cái chết, một nỗi chia lìa, nhưng với tôi, là một cuốn tiểu thuyết luận đề, là một tiếng kêu thống thiết, chới với của một bàn tay nhỏ không che nổi cơn mưa nặng hạt đời. Câu chuyện tình lãng mạn, cái sống cái chết, chỉ là một cái cớ để trên đó bày ra, vẽ lại những vấn đề lớn của xã hội hôm nay, những vấn đề có vẻ như bế tắc, không lối thoát, thể hiện rõ nét nhất trên quê hương anh. Vấn đề môi trường, vấn đề giao thông, vấn đề vệ sinh thực phẩm, vấn đề y tế, giáo dục…

"Đang thất thần và ngẩn ngơ thì có tiếng chuông chùa từ đâu vẳng đến. Cái sống, cái chết nối đuôi nhau trôi trong thinh không… bờ bên này bờ bên kia như không còn ranh giới ". (tr 410)

Và ở một đoạn kết khi gấp cuốn truyện lại: "Vì chúng tôi chẳng hoài chi đến cõi thiên đường. Có lẽ bởi chúng tôi đã từng là con người, đã từng hội đủ tâm hồn, si mê và trí tuệ, tham lam cùng sân hận… nên vẫn còn say mê trần gian, còn tha thiết làm người… "(tr 412)


Tôi nhớ Trịnh Công Sơn: Tôi là ai mà còn trần gian thế/ Tôi là ai, là ai… mà yêu quá đời này…

Và bỗng muốn nói với bạn : " Đừng tuyệt vọng, Dân ơi, đừng tuyệt vọng ! ".!


Đỗ Hồng Ngọc.
 

[1]

http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=18281

 

 

Trang Trương Văn Dân

art2all.net